Thursday, November 10, 2016

Ngoại trưởng Đức nói chuyện đụng chạm đến hệ thống chính trị Việt Nam

Bài nói chuyện của ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tại Đại Học Luật Hà Nội ngày 31-10-2016 có hai điểm đụng chạm đến hệ thống chính trị tại Việt Nam. Đó là tính bình đẳng của luật pháp và sự cần thiết của quyền tự do dân sự.


Về tính bình đẳng của luật pháp ông Frank-Walter Steinmeier nói:

"trong tư tưởng về Nhà nước Pháp quyền, đã có sự gắn kết của Tự Do với Binh Đẳng ... Luật pháp đảm bảo và bảo vệ các quyền Tự Do của mỗi cá nhân – tự do phát triển cá nhân, tự do kinh doanh, tự do ngôn luận và vân vân. Nhưng đồng thời một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước Pháp quyền là mọi cá nhân đều Bình Đẳng trước pháp luật."

Tự do kinh doanh, tự do ngôn luận và mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật là điều không có trong chế độ đảng trị. Khi áp dụng luật pháp vào việc cai trị, nhà nước có thể nói những nguyên tắc này nhưng trên thực tế, thì các nguyên tắc này không được tôn trọng mà việc duy trì quyền lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam được đặt cao hơn các nguyên tắc này .

Tự do kinh doanh không hoàn toàn có khi đảng cầm quyền chủ trương đảng phải nắm kinh tế để áp dụng qui luật "ai nắm kinh tế thì người đó sẽ nắm quyền lực". Kết quả của việc bảo vệ quyền lực cho đảng là cấm tư nhân hoạt động trong một số ngành, dành cho xí nghiệp nhà nước vai trò chủ đạo . Khi Việt Nam thương thuyết về TPP thì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký luật bải bỏ cấm tư nhân hành nghề trong hơn ba mươi ngành . Hóa ra là từ lúc Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường thì có rất nhiều ngành nhà nước cấm dân làm mà nhà nước độc quyền làm để bảo vệ cho quyền lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam . Chỉ đến khi điều lệ của TPP đòi hỏi thì chính quyền Việt Nam mới phải bỏ bớt sự cấm đoán tư nhân . Có thế thì Mỹ và các nước trong TPP mới chấp thuận cho Việt Nam gia nhập TPP.

Tự do ngôn luận cũng không có khi đảng Cộng Sản Việt Nam giành cho mình được độc quyền thông tin. Độc quyền thông tin là để nhồi nắn tư tưởng của toàn dân theo ý của đảng muốn, muốn dân phải tuyệt đối tin tưởng vào đảng.

Nhưng vì sao để dân tuyệt đối tin tưởng vào đảng mà lại phải cấm dân được tư do bày tỏ ý kiến và tự do cung cấp tin tức? Tại các nước có nhiều đảng, đảng nào muốn dân tin mình thì chỉ cần đưa ra các tin tức về đường lối đúng đắn của đảng mình. Một đảng muốn dân chỉ nghe mình nói mà thôi là vì bản chất của đảng đó thật ra cũng không hơn gì các đảng khác. Vì thế đảng đó phải cấm dân nghe người dân nói cùng như các đảng khác nói. Nếu người dân được đọc nhiều, nghe nhiều thì họ có thể thấy là các đảng thật ra cũng có một số ưu điểm, một số khuyết điểm. Từ đó họ chọn đảng nào có ưu điểm có thể phục vụ cho lợi ích của họ. Nếu một đảng thực sự là tuyệt đối ưu việt hơn hẳn nhừng đảng khác thì đảng đó không sợ tự do ngôn luận. Đảng đó cứ cho tự do ngôn luận để dân có thể so sánh các đảng với nhau để rồi dân sẽ nhận thấy đảng đó thật sự là hơn các đảng khác.

Điều tệ hại hơn nữa là nếu đảng đó dùng thủ đoạn bịa đặt, xuyên tạc tin tức để người dân thấy đảng mình là ưu việt thì đảng đó càng thấy cần phải cấm tự do ngôn luận. Để cho dân có tự do ngôn luận thì sẽ có người dân đưa ra các bằng chứng, tin tức cho thấy đảng đó nói không đúng sự thật. Từ đó dân sẽ mất niềm tin vào đảng.

Một đảng muốn độc quyền nắm quyền lực thì thấy sẽ khó mà áp dụng nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Đảng đó sẽ cho đảng viên các quyền mà những người dân không được làm, chẳng hạn quyền lên án người khác, quyền đánh người, quyền giết người. Khi lãnh đạo của đảng đối xử với đảng viên cũng giống như dân thường thì đảng viên sẽ chán nản, không tha thiết phục vụ cho đảng đó nữa vì người có công với đảng lại được đối xử không hơn kẻ không phục vụ cho đảng.

Ông Frank Walter Steinmeier nhắc lại sự khác biệt tư tưởng giữa Tây Đức và Đông Đức trong thời gian Chiến Tranh Lạnh là "Ở đâu đó trong thời chiến tranh lạnh giá trị của Tự Do đã được dùng để chống lại giá trị của Bình Đẳng -như thể được điều này sẽ mất điều kia."

Tây Đức chủ trương tự do và tự do bị người Cộng Sản lên án là nếu để cho dân được tự do kinh doanh thì sẽ đưa đến bất bình đẳng xã hội. Vì thế Đông Đức chủ trương dùng một đảng kiểm soát để bảo đảm cho mọi người dân đều được bình đẳng. Ở Tây Đức, cùng với chủ trương tự do là việc áp dụng luật pháp. Mà khi áp dụng luật pháp thì phải theo nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật. Như vậy, trong chế độ tự do của Tây Đức, tuy có kẻ giàu người nghèo, nhưng kẻ giàu khi đứng trước pháp luật cũng không được có ưu thế hơn kẻ nghèo, không thể dùng đồng tiền của mình làm làm cho mình thắng được kẻ nghèo. Chế độ tự do kinh doanh không cấm việc có người giàu hơn, nhưng dùng luật pháp để hạn chế sự lạm dụng sự giàu có để áp bức kẻ nghèo.

Tại Đông Đức tuy theo tư tưởng chính trị là giữ cho các tầng lớp trong xã hội được bình đẳng nhưng lại dùng một đảng ở trên và cho đảng đó quyền lực tuyệt đối để giữ cho dân được bình đẳng thì có thể có ít sự chênh lệch giữa các người dân với nhau nhưng lại có một sự chênh lệch về quyền lực khủng khiếp giữa người dân và đảng cầm quyền. Chế độ đó giữ cho mọi người đừng chênh lệch về của cải, vật chất nhưng lại tạo ra sự chênh lệch về quyền lực. Mà sự chệch lệch về quyền lực rồi sẽ dẫn đến sự chênh lệch về hưởng thụ, về quyền lợi.

Về sự cần thiết của quyền tự do dân sự ông Frank Walter Steinmeier nói:

"Chúng tôi ở nước Đức đã học được rằng, một nhà nước hiện đại cũng cần phải có một xã hội dân sự mạnh mẽ mà trong đó không thể thiếu những quyền tự do dân sự! Tôi muốn đưa cho các bạn một thí dụ từ cuộc đời của chính tôi: Bảo vệ môi sinh và thiên nhiên sẽ không thể nào chiếm được một vị trí có giá trị cao ở nước Đức như ngày nay, nếu hồi thập niên 80 không có những phong trào quần chúng luôn luôn chú ý đến những chuyện tồi tệ, và phong trào hoạt động bền bỉ kiên trì cho tới khi quan điểm của đa số và chính sách dần dần được thay đổi."

Quyền tự do dân sự là cho phép người dân được tự ý có sáng kiến và đứng ra thực hiện sáng kiến của mình. Một chính quyền vẫn có thể giữ được xã hội ổn định và bảo vệ được quyền lực của mình để có thể cai trị trong khi để cho dân được hưởng quyền tự do dân sự, để cho xã hội dân sự được hoạt động. Nhưng đối với một đảng muốn độc quyền cai trị và có uy quyền tuyệt đối thì thấy quyền tự do dân sự có vấn đề đối với mình .

Động cơ của con người khi lao vào chính trị là vì lòng ham muốn quyền lực. Một đảng cho đảng viên của mình quyền lực rất lớn trong khi để cho dân không có quyền lực sẽ thu hút nhừng kẻ tham quyền lực gia nhập và hết lòng phục vụ cho đảng. Để cho dân cũng có quyền tự hành động và phê phán đảng cầm quyền thì sẽ làm tổn thương lòng ham quyền lực của người cầm quyền và làm giảm bớt lòng hăng hái của những kẻ muốn gia nhập đảng.

Người dân được tự do hoạt động thì sẽ có lúc người dân chê chính sách của nhà nước là sai và họ tự đứng ra gây phong trào theo hướng mà họ cho như thế mới là đúng. Trong chế độ dân chủ, nếu một chính quyền đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết thì khi thấy người dân phát động một phong trào có lợi cho quốc gia thì chính quyền sẽ chấp nhận sáng kiến của người dân và tự thay đổi đường lối của mình. Còn việc đảng cầm quyền bị mất uy tín vì có đường lối sai lầm, bị dân chỉ trích thì đó là qui ước chung của chế độ dân chủ, muốn đặt quyền lợi quốc gia cao hơn quyền lợi của các đảng. Đối với một đảng muốn cầm quyền mãi mãi thì việc người dân tự ý đứng ra hoạt động thì khi thấy đường lối của nhà nước có chỗ thiếu sót hay sai lầm sẽ làm mất uy tín của đảng. Nhiều việc như vậy xảy ra sẽ làm cho dân thấy đó là một đảng kém cỏi, không xứng đáng để cai trị và đưa đến việc làm lung lay địa vị của đảng. 

Trong trường hợp đảng cầm quyền có sai lầm trầm trọng thì xã hội dân sự nhờ tạo cho dân có cơ hội tự đứng ra tổ chức, tự đứng ra hoạt động sẽ đưa đến việc toàn dân đứng ra phản đối chính sách sai lầm của đảng, đòi đảng đó phải từ chức. Việc toàn dân tập hợp lại để phản đối chính quyền là điều chế độ độc đảng tối kỵ nhất. Một đảng dùng một thiểu số đảng viên để khống chế và cai trị toàn thể dân tộc đông đảo hơn nhiều là nhờ đảng đó biết cách làm cho dân bị rời rạc, không thể nào tập hợp, kết đoàn được để chống lại mình. Khi người dân kết đoàn được thì với số đông của toàn dân đông hơn  số đảng viên rất nhiều thì toàn dân sẽ mạnh hơn đảng rất nhiều và đảng sẽ không còn đàn áp được dân, sẽ bị mất quyền.

Hai điều mà ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier đề cập đến trong bài nói chuyện là mọi người bình đẳng trước pháp luật và quyền tự do dân sự là hai điều làm cho quyền lực của đảng Cộng Sản Việt Nam bị suy giảm, và có thể đưa đến sự thay đổi chế độ từ chế độ độc đảng chuyển sang chế độ đa đảng. Vì thế mà báo chí của nhà nước lờ đi những điều này không cho dân biết những điều ông ta đà nói.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment