Saturday, August 18, 2018

Các giáo sư Mỹ ra tuyên bố phản đối chính sách của ông Trump

Bốn mươi hai giáo sư và học giả về quan hệ quốc tế thuộc các trường đại học hàng đầu trên khắp nước Mỹ mới đây đăng một tuyên bố trên tờ New York Times bày tỏ sự ủng hộ đối với trật tự quốc tế và các định chế kèm theo vốn được xác lập dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ kể từ sau Đệ nhị Thế chiến và lên án lập trường của Tổng thống Donald Trump.

Cho đến thứ Hai ngày 13/8, tuyên bố này đã thu được 572 chữ ký ủng hộ của các giáo sư và học giả khác trên nước Mỹ và vẫn đang tiếp tục thu thập chữ ký.

Tuyên bố này khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế thời hậu chiến là đã đem đến những lợi ích quan trọng cho Mỹ cũng như những quốc gia khác.

Theo đó, các định chế như Liên Hiệp Quốc, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Liên minh châu Âu EU và cả định chế khác thời hậu chiến – những tổ chức bị ông Trump chĩa mũi dùi – ‘tất cả đều giúp đem đến ổn định về kinh tế và an ninh toàn cầu’.

Các vị giáo sư này nói rằng ‘chính các định chế đó đã góp phần tạo ra mức độ thịnh vượng chưa từng thấy và thời kỳ lâu nhất trong lịch sử hiện đại không xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc’. Họ cũng nhắc lại rằng chính Mỹ là nước đã xây dựng trật tự này và sự lãnh đạo của Mỹ lâu nay là hết sức quan trọng để đảm bảo cho trật tự này vận hành tốt.

Trong một lập luận phản bác lại ông Trump, các vị học giả tên tuổi này viết: “Mặc dù Hoa Kỳ phải gánh một phần lớn chi phí xây dựng trật tự này, nhưng nước Mỹ là nước được hưởng lợi rất nhiều từ nó. Thật vậy, Hoa Kỳ đã giành được ảnh hưởng quá lớn trong việc định hình các luật lệ của trao đổi quốc tế và hợp tác an ninh trong những cách mà giúp cho chúng ta bảo đảm lợi ích của mình trên toàn cầu.”

“Tuy nhiên, ngày nay, các định chế quốc tế đặt nền móng cho trật tự thế giới thời hậu chiến đang bị Tổng thống Donald J. Trump tấn công,” tuyên bố viết. “Là những học giả về quan hệ quốc tế, chúng tôi cảm thấy hoảng hốt trước sự tấn công này của ông Trump.”

Theo lời của các giáo sư này thì nước Mỹ ‘nên cải cách, chứ không phải phá hoại, trật tự mà đã phục vụ lợi ích nước Mỹ và các đồng minh trong hơn bảy thập niên qua’.

“Trật tự toàn cầu đương nhiên cần sự điều chỉnh lớn, nhưng chắc chắn không phải theo cách bạt mạng như ông Trump đang theo đuổi,” tuyên bố viết.

“Xây dựng các định chế là khó hơn là phá bỏ chúng. Gần như không có ai được lợi gì khi thế giới rơi vào vòng xoáy hỗn loạn khi không có những định chế hiệu quả để khuyến khích và tổ chức sự hợp tác.”

Trong bài viết đăng trên tờ Washington Post, hai giáo sư đến từ Đại học California ở San Diego (UCSD) là David A. Lake, giáo sư danh dự về khoa học chính trị, và Peter Gourevitch, giáo sư danh dự về khoa học chính trị và là người sáng lập ra Trường sau đại học về Chiến lược và Chính sách toàn cầu (GPS), trần tình: “Một số độc giả có thể nghĩ rằng những người ký tên vào tuyên bố này đơn giản chỉ là những học giả theo đường lối tự do muốn tìm cơ hội phê phán tổng thống. Nhưng đây là những người đã dành cả đời để nghiên cứu và phân tích cách vận hành của thế giới.”

Hai giáo sư này là những người dẫn đầu nỗ lực đưa ra tuyên bố này.

“Đúng là các đồng minh NATO không đóng góp một cách bình đẳng cả về tài chính lẫn quân sự. Nhưng nước Mỹ luôn là người chỉ huy NATO và định hình các chính sách của khối – trước hết là răn đe Liên Xô rồi sau này là Nga, và sau đó là trong cuộc nội chiến ở Nam Tư, Kosovo, Afghanistan, Libya và những nơi khác,” hai ông viết.

Trong khi đó, Tổng thống Trump chỉ nhìn vào các định chế này dưới con mắt lợi ích tiền bạc thay vì lợi ích chiến lược và an ninh của Mỹ.

Còn về WTO, hai vị giáo sư này cho rằng mặc dù đôi khi WTO cũng cáo buộc Mỹ vi phạm luật lệ nhưng nhìn chung tổ chức này vẫn trước sau thể hiện lợi ích của Mỹ. Chẳng hạn như, WTO đã giúp tự do hóa giao thương lĩnh vực chế tạo trong khi gạt qua vấn đề nhạy cảm về đối nội như là trợ giá nông nghiệp.

“Chính quyền Trump đã đặt lại vấn đề về cam kết của Mỹ đối với NATO, đe dọa rút Mỹ ra khỏi WTO và NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) và áp thuế quan lên các đối tác của chúng ta dựa trên lập luận mơ hồ về an ninh quốc gia,” hai vị giáo sư chỉ trích.

“Làm như thế, Tổng thống Trump không chỉ từ bỏ quyền lãnh đạo của Mỹ đối với các định chế quốc tế này mà còn đe dọa phá bỏ trật tự mà những nhà lãnh đạo nước Mỹ trước ông đã gầy dựng.”

Tuy nhiên, hai vị giáo sư này thừa nhận có những học giả không tham gia ký vào tuyên bố này. Theo hai ông, đó là những người theo chủ nghĩa đơn phương hay chủ nghĩa dân tộc vốn đồng tình với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump và nỗ lực của ông sử dụng quyền lực của nước Mỹ để đạt được những thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ từ các đồng minh cũng như kẻ thù. Trong khi đó, những người chống toàn cầu hóa ủng hộ cách tiếp cận có kiểm soát hơn đối với dòng thương mại và đầu tư và đòi phải có cơ chế an sinh xã hội tốt hơn cho những người bị mất việc vì toàn cầu hóa. Những người theo các lập trường này tin rằng các định chế quốc tế đang tạo gánh nặng quá mức cho Mỹ và theo họ thì con đường thích hơp nhất là bãi bỏ trật tự thế giới hiên hành và xây dựng lại một trật tự mới cho phù hợp hơn với lợi ích hiện đại của Mỹ.

Cũng trong bài viết này, hai vị giáo sư này cũng cảnh báo rằng trong quá khứ, mỗi khi các học giả đưa ra các cảnh báo tương tự thì họ đều dự đoán chính xác.

Hai ông đưa ra dẫn chứng là vào năm 1930, 1.028 nhà kinh tế đã ký vào lá thư kiến nghị nổi tiếng phản đối sắc thuế Smoot-Hawley. Vào năm 2002, 33 học giả về an ninh đăng tuyên bố trên tờ New York Times phản đối cuộc chiến Iraq mà sau đó có thêm một lá thư ngỏ nữa với chữ ký của trên 850 nhà nghiên cứu.

“Những kiến nghị trước đây cho thấy các nhà nghiên cứu biết trước hậu quả những chính sách này đem tới. Sắc thuế Smoot-Hawley dẫn đến vòng xoáy đánh thuế trả đũa vốn khiến cho cuộc Đại suy thoái thêm trầm trọng. Cuộc chiến Iraq được tiến hành dưới cái cớ sai và trở thành một trong những cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ và đã không đem lại nền dân chủ ổn định ở Trung Đông như những người cổ súy mong muốn,” hai ông viết.

Hai ông cho biết là những vị giáo sư ký vào bản tuyên bố phản đối chính sách của ông Trump có những quan điểm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, nhưng họ đều đồng ý rằng ‘nước Mỹ đang đi sai hướng’.

Các giáo sư tham gia ký vào Tuyên bố đến từ những trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Stanford, Columbia, Princeton, MIT, University of Pennsylvania, UC Berkeley, UCSD, Rice, Brown, Emory, George Washington University (GWU), Texas A&M, Houston University, University of Texas, University of Wisconsin ở Madison, Ohio State University và University of Rochester.

(Theo Washington Post/New York Times)

Nguồn: VOA, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ

https://www.voatiengviet.com/a/c%C3%A1c-gi%C3%A1o-s%C6%B0-m%E1%BB%B9-ra-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-c%E1%BB%A7a-%C3%B4ng-trump/4533660.html

(Hết phần tin của VOA)

Các học giả Mỹ đã đưa ra bài phát biểu với hình thức thỉnh nguyện thư kêu gọi các giáo sư đại học Mỹ khác ký tên vào để ủng hộ ý kiến của họ.

Bài phát biểu của các học giả Mỹ có nội dung như sau:

Trật tự thế giới được thành lập sau Thế Chiến 2 đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho Hoa Kỳ và nhiều nước khác . Liên Hiệp Quốc, Minh Ước Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Liên Âu (EU) và nhiều định chế khác đều đóng góp cho sự ổn định kinh tế và an ninh quốc tế, đóng góp vào mức độ thịnh vượng chưa từng có và giai đoạn hòa bình lâu dài nhất trên thế giới ngày nay mà không có chiến tranh giữa các cường quốc.

Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đóng góp cho hệ thống này và sự lãnh đạo của Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn là quan trọng cho sự thành công này. Mặc dù Hoa Kỳ phải đóng góp một phần lớn hơn đáng kể vào trật tự này từ khi nó được hình thành, nhưng Hoa Kỳ cũng có lợi rất nhiều. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã có được ảnh hưởng to lớn trong việc đặt ra các qui định về buôn bán quốc tế và việc hợp tác về an ninh thuận lợi cho lợi ích của Hoa Kỳ trên thế giới.

Ngày nay, các định chế đóng góp vào trật tự thế giới sau Thế Chiến 2 đang bị chỉ trích bởi tổng thống Donald J. Trump. Chúng tôi, là các học giả về bang giao quốc tế, lên tiếng báo động về các sự chỉ trích này. Chúng ta nên sửa dổi chứ không nên phá hủy toàn bộ hệ thống đã phục vụ tốt cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong hơn bảy thập niên. Trật tự thế giới quả thật cần thay đổi nhưng không phải thay đổi một các bất cẩn như tổng thống Trump đang làm. Các định chế này thành lập thì khó nhưng phá thì rất dễ. Sẽ không ai có lợi gì trong hoàn cảnh thế giới hỗn độn vì không có các định chế có tác dụng thúc đẩy và tạo ra sự hợp tác.

Minh Đức dịch

Nguyên văn bằng tiếng Anh:

    The international order formed after World War II provides important benefits to the United States as well as other countries. The United Nations, NATO, the World Trade Organization, the European Union and other postwar institutions all help to provide economic stability and international security, contributing to unprecedented levels of prosperity and the longest period in modern history without war between major powers.

    U.S. leadership helped to create this system and U.S. leadership has long been critical for its success.  Although the United States has paid a significant share of the costs of this order since its inception, it has greatly benefited from its rewards. Indeed, the U.S. has gained disproportionate influence on setting the rules of international exchange and security cooperation in ways that reflect its interests around the globe.

    Today, though, the international institutions supporting the postwar order are under attack by President Donald J. Trump.  As scholars of international relations, we are alarmed by these attacks. We should reform but not destroy the system that has served the United States and its allies well for over seven decades. The global order is certainly in need of major changes, but absolutely not the reckless ones President Trump is pursuing. Institutions are much harder to build up than they are to destroy. Almost nobody benefits from a descent into the chaos of a world without effective institutions that encourage and organize cooperation.


https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSesHdZWxpp13plS4nkLOSMHv4Dg1jaksBrCC6kWv6OfVAmO5g/viewform

2 comments:

  1. Bài này đưa ra tầm nhìn về thế giới mà nhiều thế hệ nước Mỹ đã theo đuổi trong nhiều thập niên ra. Tầm nhìn này không hề có trong đầu người gọi là tổng thống nước Mỹ Donald Trump.

    Việc các giáo sư họp nhau đưa ra bản về tầm nhìn về thế giới lại làm cho hồ sơ của cựu nhân viên tình báo Anh trở nên có giá trị hơn khi hồ sơ này nói rằng người Nga đã bỏ ra 5 năm để nhồi vào đầu Donald Trump cái tư tưởng cho rằng NATO là lỗi thời, liên minh của Mỹ và các nước chỉ có hại cho Mỹ. Nghĩa là người Nga đã nhồi vào đầu ông Donald Trump cái ý tưởng là chính sách về thế giới của bao nhiều thế hệ của nước Mỹ để bảo vệ an ninh cho Mỹ, chống lại sự bành trướng của Nga là sai lầm.

    Nhưng thời gian cho thấy nhiều điều ông Donald Trump nói là do công ty tư vấn Cambridge Analytica dạy cho. Nhiều chữ ông Trump nói là do Cambridge Analytica nghiên cứu về tác dụng của chúng đối với tâm lý quần chúng và bảo ông Donald Trump nên dùng. Chẳng hạn như "Crooked Hillay" (Hillary lươn lẹo), "Drain the swamp" (Tát cạn đồng lầy). Steve Bannon, phó giám đốc của Cambridge Analytica, cũng có tư tưởng này. Hiện nay Steve Bannon sang Bỉ mở một chiến dịch tuyên truyền vận động tranh cử để những người chống Liên Âu được bầu vào trong quốc hội Liên Âu. Để rồi những người này làm cho quốc hội Liên Âu bị tê liệt, không hoạt động được nữa. Liên Âu bị tan vỡ thì Mỹ mất một đồng minh để ngăn cản sự bành trướng của Nga. Nhiều nước nhỏ ở sát Nga dựa vào Liên Âu để chống lại sự xâm lăng của Nga sẽ trở thành miếng mồi ngon của Nga khi Liên Âu bị tan vỡ. Xem ra người Nga không những nhồi vào đầu Donald Trump các ý tưởng có lợi cho Nga mà còn nhồi vào đầu nhóm bảo thủ nào đó đã bỏ hàng chục triệu đô la ra để lập công ty Cambridge Analytica. Chỉ vì thiển cận mà nhóm bảo thủ này, cùng với Donald Trump, Steve Bannon đang làm các việc có hại cho nước Mỹ, phục vụ cho lợi ích của nước Nga.

    ReplyDelete
  2. Trích: “Mặc dù Hoa Kỳ phải gánh một phần lớn chi phí xây dựng trật tự này, nhưng nước Mỹ là nước được hưởng lợi rất nhiều từ nó."

    Mỹ chi phí nhiều cho an ninh các nước ở châu Âu nhừng cũng là phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ.

    Sau Thế Chiến 2, Mỹ đã giúp tiền bạc cho các nước Tây Âu hồi phục nhanh về kinh tế. Kinh tế các nước Tây Âu khá thì sẽ giảm đi số người thất nhiệp. Nếu xã hội có nhiều người thất nghiệp thì sẽ có nhiều người bất mãn vì tình trạng nghèo khổ mà nghe theo lời Cộng Sản hay gia nhập các đảng phát xít dùng bạo lực cướp chính quyền. Sự thịnh vượng của Tây Âu làm cho xã hội châu Âu ổn định hơn, có điều kiện để áp dụng các biện pháp dân chủ, làm giảm thiểu nguy cơ bị Liên Xô gây kích động, rối loạn để cộng sản nhảy lên cướp chính quyền.

    Các nước Tây Âu đều nhỏ và ít tài nguyên hơn Liên Xô. Khi Liên Xô dồn hết tiền của cho guồng máy quân sự thì các nước Tây Âu không thể nào chạy đua được với Liên Xô. Nếu các nước Tây Âu cũng phải dồn hết tiền của vào quân sự để chống lại Liên Xô thì sẽ ít tiền để lo cho dân hơn, mức sống dân Tây Âu sẽ bị thấp kém chứ không như là đã từng có. Nhờ Mỹ hợp tác với các nước Tây Âu qua NATO mà toàn thể khối Mỹ, Tây Âu có đủ sức chống lại Liên Xô. Nếu không có khối NATO thì Liên Xô sẽ tỉa từng nước Tây Âu, để rồi sẽ sáp nhập toàn bộ châu Âu vào khối xã hội chủ nghĩa của mình. Khi Liên Xô có toàn thể châu Âu nằm dưới ảnh hưởng của mình thì Liên Xô sẽ mạnh hơn Mỹ và rồi Mỹ cũng bị thua Liên Xô. Mỹ dùng khối NATO để bảo vệ các nước Tây Âu chống lại sự bành trướng của Liên Xô cũng là bảo vệ cho nước Mỹ. Các nước Tây Âu nhỏ, Mỹ lớn hơn, giàu hơn, nên dù Mỹ bỏ nhiều tiền hơn cho NATO hay cho việc phòng thủ châu Âu nói chung thì tiền đó bỏ ra cũng vẫn là phục vụ cho an ninh của nước Mỹ.

    Tình hình ngày nay cũng không khác thời trước bao nhiêu vì Nga vẫn có chính sách bành trướng, sáp nhập các nước vào Nga. Thí dụ cụ thể là Nga sáp nhập Crimea, chia cắt Ukraine để sáp nhập một phần Ukraine vào Nga.

    ReplyDelete