Sunday, September 26, 2021

Việt Nam có dễ bị ngoại bang đồng hóa?


Việt Nam đã từng bị Trung Hoa sáp nhập vào thành một quận, gọi là quận Giao Chỉ, gần một ngàn năm. Khi Việt Nam thoát ra được khỏi sự đô hộ của Trung Hoa thì văn hóa thời trống đồng bị xóa sạch. Người Việt không còn nhớ là mình đã từng có trống đồng. Sau này người Pháp mới khám phá ra trống đồng. Tuy nhiên, cách sinh hoạt của người dân vẫn theo cách của Việt Nam chứ người Việt không theo cách sống của người Trung Hoa. Việt Nam không hoàn toàn bị đồng hóa. Việt Nam không hoàn toàn bị đồng hóa là vì cách tổ chức xã hội không tập trung, mà cởi mở, rộng rãi để cho các làng xã tự trị.

 

Nếu quốc gia được tổ chức theo lối tập trung quyền hành vào tay triều đình thì khi triều đình theo Nho Giáo và văn hóa Trung Hoa thì sẽ bắt toàn thể các tỉnh, làng, xã theo văn hóa Trung Hoa hết. Các làng xã sẽ phải xóa bỏ phong tục tập quán cũ để theo cuộc "cách mạng" mới là theo nếp sống của Trung Hoa.

Còn tổ chức theo cách tản quyền, cho các làng xã, tỉnh có quyền tự trị, có quyền theo phong tục tập quán của mình thì mặc dù ở trong triều đình theo Nho Giáo nhưng ở các địa phương vẫn theo tập tục cũ, vẫn tự bầu ra ban quản trị, ban quản trị vẫn theo phong tục, tập quán cũ. Phép vua vẫn thua lệ làng.

Cho đến thời Pháp thì các làng xã vẫn sinh hoạt theo lối cũ. Nhà văn Toan Ánh viết cuốn Hội Hè Đình Đám nói về các lễ hội của các làng vào thời còn người Pháp cai trị là ghi lại các lễ hội mà các làng vẫn đang có, chứ không phải là lễ hội trong quá khứ. Làng xã Việt Nam không bị đồng hóa bởi người Hán và cũng không bị đồng hóa bởi người Pháp.

Đến thời cộng sản theo lối cai trị tập trung thì bắt tất cả làng xã xóa bỏ các phong tục cũ, các lễ hội cũ biến mất thay bằng các lễ hội của đảng cộng sản đặt ra.

Đến thời "mở cửa", "hội nhập" thì chính quyền cộng sản thấy rằng các nước có lễ hội cổ truyền thì thu hút được khách du lịch nên tìm cách phục hồi lễ hội thời xưa, qua sách vở, qua lời kể của các cụ già. Nhưng chế độ cộng sản phục hồi lễ hội vẫn bằng cách cai trị tập trung, nghĩa là đảng viên ra lệnh cho làng xã phải có lễ hội vì trung ương có chính sách như thế. Chứ không phải theo lối xưa là các làng tự bầu lên ban quản trị, triều đình không dính dáng gì đến việc các làng bầu ban quản trị, không ra lệnh cho các làng phải có lễ hội như thế này hay như thế kia.

Thời xưa các vua Việt Nam để cho dân bầu cử tự chọn người vì các vua cai trị theo nguyên tắc "Dụng quan bất như dụng dân, dụng dân bất như dân tự dụng". Nghĩa là dùng quan để cai trị dân không bằng dùng dân để cai trị dân, dùng dân để cai trị dân không bằng để cho dân tự cai trị. Các vua để cho làng xã tự bầu lên người, tự đặt ra nội qui, thành hoàng của làng là vị thần mà dân các làng thấy ai thiêng thì thờ. Vua để cho dân tự cai trị. Miễn sao dân sống yên vui, lo cầy cấy, không đánh nhau, giết nhau thì vua không đụng đến.

Để cho dân tự sinh hoạt đòi hỏi người dân được giáo dục thành nếp, biết cách cư xử với nhau theo tập tục, theo đạo lý, không làm chuyện bất lương, không sinh ra đánh nhau để chính quyền phải can thiệp vào. Cái lợi là triều đình không cần phải dùng nhiều quan lại, lính tráng để kiểm soát dân.


 

Minh Đức

2021.09.26

No comments:

Post a Comment