Sunday, December 19, 2010

Xã Hội Trung Hoa Thời Xưa


Về những phương-diện khác, nhà cầm-quyền Trung-Hoa ngày xưa thường tỏ ra rất khoan-dung. Người dân được đi lại thong thả khắp nơi trong nước và có thể tôn thờ một mối đạo theo ý thích của mình. Nho-giáo được trọng-vọng hơn cả, nhưng những tôn-giáo khác vẫn còn được dung-nạp dầu nó trái với chủ-trương của Nho-giáo cũng vậy.





Xã Hội Trung Hoa Thời Xưa

 http://www.angelfire.com/zine2/risingsun/Politics/DTST_Q1_Ch2.html

Trong tất cả những chủ-trương quân-chủ ngày xưa, chỉ có chủ-trương Nho-giáo là có tánh-cách trọng dân hơn cả. Nhà vua, theo Nho-giáo, vẫn được xem là bực thay mạng Trời mà trị dân. Nhưng ông ta phải hoàn-toàn chịu trách-nhiệm đối với dân. Dân phải nhận chịu quyền vua cai-trị, nhưng bù lại, họ có quyền bắt vua làm điều lành. Khi vua tàn-bạo, dân-chúng có thể lấy cớ vua không còn xứng đáng thay mạng Trời mà trị vì nữa, và có quyền đánh đổ vua, đem người khác lên thay. Vậy, cái quyền khởi loạn chỉ được nói đến ở Âu-châu sau thời Trung-cổ đã được nhà Nho công-nhận mấy thế-kỷ trước công-nguyên rồi.

Từ đời Hán trở về sau, Nho-giáo chiếm được địa-vị độc tôn trong xã-hội Trung-Hoa, và các nhà chánh-khách không ít thì nhiều đều là môn-đồ của nó. Lẽ cố-nhiên là họ cố gắng thực-hiện lý-tưởng nó nêu ra. Nhưng họ không thể hoàn-toàn thành-công trong dự-định họ. Xã-hội Trung-Hoa cũng như hầu hết mọi xã-hội thời-cổ, là một xã-hội chuyên-chế. Những nhà vua có đức-hạnh, cũng như những viên quan mẫn-cán thanh-liêm chỉ là số ít, còn số vua hôn-ám bạo-ngược và số quan-lại tham lam nhũng-nhiễu là số đông.

Tuy thế, ảnh-hưởng Nho-giáo không phải là không có kết-quả tốt. Từ đời Hán trở đi, xã-hội Trung-Hoa lần lần đi xa chế-độ phong-kiến. Ngoài vua ra, không còn chức-vụ nào thế-tập nữa. Con cháu những người được phong tước-vị chỉ có thể tập-ấm những chức nhỏ hơn, và sau vài đời, nếu không lập nên công trạng gì đặc-biệt nữa, họ lãi trở thành bạch-đinh. Ngay đến những nhơn-viên hoàng-tộc cũng có thể lọt vào trong đám dân-chúng tầm-thường khi thế-phổ đã xa nhà vua đang tại vị. Các quan trong triều phần lớn đều xuất-thân trong đám dân-chúng, nhờ những cuộc thi cử hay những công-trạng đặc-biệt đối với quốc-gia.

Người trong xã-hội tuy chia ra làm bốn hạng sĩ, nông, công, thương, nhưng sự phân-biệt này không phải có tánh-cách đẳng-cấp như ở trong xã-hội phong-kiến. Người nào cũng có quyền đổi nghề theo ý muốn, và những kẻ sĩ có thể nhờ sự học-hành mà tham-dự quyền-chánh được. Lịch-sử Trung-Hoa ngày xưa đầy dẫy gương những người nghèo hèn chỉ nhờ cố công đèn sách hay gắng sức luyện-tập võ-nghệ mà ngày sau chiếm được những địa-vị rất cao quí trên nấc thang xã-hội. Như vậy, đại-khái, ai cũng có hy-vọng nhờ nơi tài-lực, đức-tánh cá-nhơn mà cải-thiện đời sống của mình.

Bộ máy chánh-quyền tự-nhiên là hết sức khắc-nghiệt như mọi bộ máy chánh-quyền chuyên-chế khác. Nhưng các vua quan Trung-Hoa ngày trước chỉ để ý trừng-phạt những kẻ mà họ nghi là có ý khuynh-đảo triều-đình. Nếu sự kiểm-soát có khi lan rộng đến thái-độ con người đối với gia-đình mình thì đó là vì theo Nho-giáo, chỉ những người con hiếu mới có thể làm người tôi trung đối với triều-đình.

Về những phương-diện khác, nhà cầm-quyền Trung-Hoa ngày xưa thường tỏ ra rất khoan-dung. Người dân được đi lại thong thả khắp nơi trong nước và có thể tôn thờ một mối đạo theo ý thích của mình. Nho-giáo được trọng-vọng hơn cả, nhưng những tôn-giáo khác vẫn còn được dung-nạp dầu nó trái với chủ-trương của Nho-giáo cũng vậy. Lẽ cố-nhiên là trong hàng-ngũ những môn-đồ của Khổng tử, vẫn có những người nhiệt-liệt bài-xích đạo Phật hay đạo Lão, nhưng sự bài-xích này chưa bao giờ đưa đến sự cấm-đoán bạo-tàn, những cuộc giết hại đẫm máu.

Vậy, cứ công-bằng mà nói, xã-hội Trung-Hoa ngày trước có tánh-cách bình-đẳng và tự-do hơn xã-hội Âu-châu đồng-thời.

Nguyễn Ngọc Huy

No comments:

Post a Comment