Monday, April 4, 2011

Bình luận: video Bác Hồ trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp 6.1964


- Hiện có một vài tư tưởng cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và trên quan điểm chính trị, khó có thể tránh khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc (thành vệ tinh của Trung Quốc). Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này ra sao?

- JAMAIS (không bao giờ)




Video: Bác Hồ trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp 6.1964

 



Xem thêm nội dung cuộc phỏng vấn và phần Bình luận:

Lời dẫn: Hà Nội, tại ngã tư đường Paul Bert và đường Petit Lac (Hồ Nhỏ) cũ, vào giờ tan tầm: không một chiếc ô tô, nhưng rất nhiều xe đạp di chuyển chậm rãi.

Cảm giác bất bình thường ở đất nước này không khiến chúng tôi đi khỏi miền Bắc Việt Nam. Bất bình thường đầu tiên ở chỗ mọi lối sống cá nhân đều biến mất, để cùng xây dựng cho một cố gắng tập thể tuyệt vời, được điều hành bởi một bộ máy thống nhất, quy củ (nguyên văn: dirigé d’une main de fer a la dispositif de sécurité draconienne)

Không bình thường nữa là ở đất nước bị chia làm 2 mười năm về trước, rất nhiều gia đình phải sống trong bi kịch đất nước khó khăn, vẫn có thể chu cấp cho chiến trường miền Nam.

1.
- Thưa Ngài chủ tịch, Ngài có thể cho biết liệu có một giải pháp quân sự nào cho chiến sự tại miền Nam Việt Nam?

- Không. Bởi vì như cô biết đấy, “Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một”. Người Mỹ đã vô cớ gây chiến tranh. Cô cũng biết rằng, như trên các mặt báo đã đưa, nếu chiến tranh càng kéo dài, người Mỹ sẽ càng sa lầy và sẽ càng chuốc lấy thất bại. Chiến tranh không thể kéo dài mãi mãi được, tôi cũng vui mừng là các nhà chính trị Pháp cũng đã biết rõ điều này

2.
- Liệu Ngài có nghĩ rằng tướng De Gaule có thể sẽ có biện pháp nào đó làm phân định (arbitrer) sự xung đột này?

- Không biết cô hiểu thế nào về từ phân định (arbitrer), chúng tôi đâu có phải là một đội bóng đâu (cười)

3.
- Nhưng nếu tôi không nhầm thì ngoài Hiệp định Genève, tướng De Gaule có nói về một ý tưởng về việc trung lập hóa tất cả các nước ở khu vực Đông Nam Á, Ngài nghĩ sao về điều này?

- Như tôi đã nói một lần rồi, đây là một ý tưởng khá hấp dẫn. Nhưng nó còn phụ thuộc vào sự ủng hộ của từng nước, phụ thuộc vào cách chúng ta thực hiện nó nữa, đó là một câu hỏi lớn. Tôi không nói là tôi phản đối hay tán thành ý kiến này. Lấy ví dụ về HOA, có rất nhiều loại hoa: hoa trắng, hoa đỏ, hoa vàng … có loài hoa đẹp nhưng cũng có loài không đẹp, nhưng chúng ta vẫn gọi chung là HOA .

4.
- Thưa Ngài Chủ tịch, trong chuyến đi miền Bắc Việt Nam này chúng tôi nhận thấy rằng sự ảnh hưởng của Pháp dường như không còn tồn tại ở đây nữa, độ tuổi dưới 25 giờ đã không còn biết đến tiếng Pháp. Tôi tự hỏi là, với suy nghĩ của Ngài, liệu rằng chúng ta có thể gây dựng lại mối quan hệ này, rằng nước Pháp sẽ giữ vai trò nào đó trong mối quan hệ … văn hóa giữ hai nước?

- Với nước Pháp nói riêng và các nước khác nói chung, chúng tôi luôn muốn có một mối quan hệ hợp tác hữu nghị về văn hóa, kinh tế … Nhưng tôi không nghĩ rằng cô muốn nói tới sự ảnh hưởng của Pháp như họ đã từng gây sự ảnh hưởng với Việt Nam trước đây, đó là một chuyện hoàn toàn khác.

5.
- Oui, thời kì đó đã qua rồi.

- Một mối quan hệ hữu hảo về văn hoá, kinh tế … hay như thể thao chẳng hạn. Chúng tôi hoàn toàn hưởng ứng.

6.
- Nếu như chiến tranh tiếp tục leo thang tại miền Nam Việt Nam trong một vài năm tới, liệu ngài có nghĩ rằng kinh tế của miền Bắc Việt Nam có thể duy trì được như bây giờ?

- Tôi chắc chắn rằng nó không những chỉ duy trì mà còn phát triển. Cô cũng thấy rằng là ở đây, chúng tôi lao động rất hăng say, cần cù, với sự hy sinh và lòng nhiệt huyết, và chủ yếu đều xuất phát từ nội lực của chúng tôi. Bên cạnh đó chúng tôi còn có sự giúp đỡ anh em từ các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Tất cả đều thể hiện qua những tiến bộ hàng ngày, và chắc chắn là cả trong tương lai nữa.

7.
- Ngài có nhắc tới các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, vậy thì sự giúp đỡ này có bị suy giảm phần nào vì xung đột về ý thức hệ (conflit idiologique) giữa Nga và Trung Quốc?

- Không, đó là sự khác biệt về tư tưởng giữa các đảng anh em, đó là chuyện nội bộ của chúng tôi và không có chuyện đó (suy giảm viện trợ).  Liên Xô vẫn là bạn. Những sự giúp đỡ của các nước anh em thì vẫn tiếp diễn và chúng rất quý giá với chúng tôi.

8.
- Hiện có một vài tư tưởng cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và trên quan điểm chính trị, khó có thể tránh khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc (thành vệ tinh của Trung Quốc). Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này ra sao?

- không bao giờ.


Bình luận:

Lý do chiến tranh

Đây là một bài phỏng vấn nói lên lý do chính thức của chế độ miền Bắc vì sao đánh miền Nam được ông Hồ Chí Minh đích thân nói ra: “Thống nhất đất nước”.

Trong bài phỏng vấn này, hình ảnh cuộc chiến tranh tại Việt Nam chỉ có giữa người Việt, do ông Hồ lãnh đạo, và người Mỹ . Ngoài ra không nói gì đến những người Việt không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản . Mà ông Hồ cũng không đề cập gì đến chủ nghĩa Cộng Sản, mặc dù sau khi cầm quyền tại miền Bắc thì ông Hồ đã thực hiện những gì chủ nghĩa Cộng Sản chủ trương tức là xóa bỏ tư hữu, đề cao giai cấp công nông, lên án địa chủ, lên án tư sản . Điều chắc chắn là sau khi đảng Cộng Sản Việt Nam thắng cuộc chiến này, thống nhất được đất nước thì đảng Cộng Sản Việt Nam cũng sẽ đưa miền Nam đi theo chủ nghĩa Cộng Sản, nghĩa là xóa bỏ tư hữu, đề cao giai cấp công nông, lên án địa chủ, lên án tư sản .

Trong khi ở miền Bắc những đoạn phim như thế này được phổ biến để cho người dân ủng hộ việc thống nhất thì tại miền Nam, sách báo kể ra những điều mà người quốc gia không đồng ý với chủ nghĩa Cộng Sản và không đồng ý với cách cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam .

Vào thời ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, thì chính quyền đưa ra khẩu hiệu “Lao Tư Lưỡng Lợi”. Lao là tầng lớp lao động, tư là tư sản, lưỡng lợi là cả hai cùng có lợi. Chính quyền Ngô Đình Diệm đề ra khẩu hiệu nói rằng cả hai giai cấp lao động và tư sản cùng có lợi khi hợp tác với nhau, làm cho kinh tế phát triển để nói lên lập trường của mình là không chấp nhận chủ trương giai cấp công nhân phải là giai cấp nắm quyền và giai cấp tư sản phải bị tiêu diệt . Chính vì không đồng ý với chính sách đấu tranh giai cấp, đem giai cấp công nhân tiêu diệt giai cấp tư sản, mà chính quyền Ngô Đình Diệm không muốn thống nhất với chế độ miền Bắc và muốn phát triển kinh tế miền Nam theo quan niệm “Lao Tư Lưỡng Lợi”.

Nhiều người chống Cộng không chấp nhận cách cai trị độc đảng, tập trung quyền hành vào tay một nhóm người ở trên, còn dân thì không có quyền lên tiếng, không được tự ý làm gì nếu ở trên không cho phép. Lý do họ chống là chế độ độc tài, bóp nghẹt tự do thì sẽ sinh ra tệ nạn lạm quyền, bưng bít tin tức thì dân sẽ chính quyền đánh lừa, làm cho dân hiểu biết sai về thế giới, về tình hình đất nước.

Có những người chứng kiến cảnh Việt Minh dùng các thủ đoạn dối trá để lôi kéo quần chúng họ thấy bất nhẫn vì như thế quần chúng bị biến thành công cụ của một nhóm người giỏi về tuyên truyền lợi dụng công sức của họ. Họ nhìn thấy Cộng Sản hứa hẹn nông dân ai nấy sẽ có ruộng trong khi họ biết khi Cộng Sản lên cầm quyền thì sẽ xóa bỏ tư hữu, tịch thu hết ruộng đất, không còn ai có ruộng riêng. Họ thấy nông dân bị Cộng Sản lừa để chiến đấu mà đưa đảng Cộng Sản lên cầm quyền rồi cuối cùng không có ruộng như nông dân mơ ước.

Sự khác biệt về tư tưởng, đường lối này được đảng Cộng Sản Việt Nam lờ đi, chỉ nói lên điều mà đa số người dân mong muốn là Thống Nhất . Nhưng những vấn đề do sự khác biệt bị lờ đi không vì thế mà nó biến mất mà nói xuất hiện trở lại sau khi đảng Cộng Sản Việt Nam thắng và thực hiện chính sách xã hội chủ nghĩa tại miền Nam .

Chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa thất bại, năng suất kém, khi Liên Xô bị sụp đổ, đảng Cộng Sản Việt Nam phải đổi qua kinh tế thị trường, và đảng Cộng Sản Việt Nam phải sửa lại nói cả lao động lẫn tư sản hợp tác cùng có lợi. Thế thì có khác gì với chủ trương của chế độ Ngô Đình Diệm khi xưa.

Tình trạng lạm quyền, tham nhũng lan tràn vì cách cai trị độc đảng, độc tài cho thấy những người trước đây chống lại Cộng Sản vì cho rằng chế độ độc tài sinh ra tệ nạn đã nghĩ đúng.

Ngày nay chính đảng Cộng Sản Việt Nam lại đưa ra vấn đề nêu cao dân trí sau bao nhiêu năm theo chính sách bưng bít tin tức cho thấy những người trước đây phản đối cách cai trị của Cộng Sản chỉ nói cho dân biết những điều gì cho có lợi cho đảng Cộng Sản, bưng bít, xuyên tạc tin tức làm cho dân trí kém phát triển là đã nghĩ đúng.

Nếu thời xưa tại cả hai miền Nam Bắc mọi người được tự do phát biểu và thảo luận thì các vấn đề trên được đem ra bàn cãi . Khi bàn cãi như vậy thì đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ bị mất uy tín vì người dân không còn tuyệt đối tin vào sự sáng suốt của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như là không còn tuyệt đối tin vào sự đúng đắn của chủ nghĩa Cộng Sản . Nhưng như thế thì biết đâu sẽ tránh được những việc tịch thu ruộng đất, đánh tư sản, tránh được chiến tranh giữa hai miền, mà Việt Nam đã có thể đi theo con đường không quá thiên về xã hội chủ nghĩa như ở Liên Xô mà áp dụng những biện pháp nào có lợi cho đất nước, không nhất thiết là hoàn toàn phải theo một chủ nghĩa nhất định.

Vấn đề trung lập hóa Đông Dương

Ký giả Pháp nhân việc này đưa ra câu hỏi về ý định của tổng thống Pháp De Gaule  lúc đó đưa ra giải pháp trung lập hóa toàn thể Đông Dương. Một số chính trị gia tại miền Nam tán thành giải pháp này vì nếu Việt, Miên, Lào trung lập thì Việt Nam không bị trở thành chiến trường cho hai khối tư bản, cộng sản tranh giành nhau, hai miền Nam, Bắc và ai ở đâu cứ ở đó. Những người này không muốn có chiến tranh nhưng cũng không muốn phải sống dưới chế độ cộng sản. Nhưng giải pháp này không thể thực hiện được nếu miền Bắc tiếp tục tấn công . Trong trường hợp đó, nếu muốn trung lập thì những người chủ trương trung lập cũng phải đủ sức chống lại sự tấn công của Cộng sản vì đảng Cộng Sản Việt Nam theo chủ nghĩa Mác Lê không chấp nhận cho ai đứng lưng chừng, trung lập. Điều đó có nghĩa là nếu Pháp muốn Đông Dương trung lập thì Pháp cũng phải bỏ tiền của, người ra như Mỹ để ngăn chận sự tấn công của Cộng Sản . Pháp không đủ tài lực để làm việc đó mà chỉ nói thì chẳng ai nghe.

Vấn đề vệ tinh của Trung Quốc

Khi phóng viên Pháp hỏi ông Hồ về việc Việt Nam có trở thành vệ tinh của Trung Quốc thì phóng viên này nhìn theo quan điểm chủ nghĩa quốc gia, hay chủ nghĩa dân tộc, nghĩa là các quốc gia độc lập với nhau. Nhưng người Cộng Sản còn theo chủ nghĩa vô sản quốc tế, nghĩa là các đảng cộng sản phải nghe lời tổ chức chung là Quốc Tế Cộng Sản. Ông Hồ nói: “Quốc Tế Cộng Sản là một đảng cộng sản lớn mà đảng cộng sản các nước phải tuân lệnh”. Thế thì khi Liên Xô nắm Quốc Tế Cộng Sản, đảng CSVN phải tuân lệnh Quốc Tế Cộng Sản, tức là Liên Xô, thì Việt Nam trở thành vệ tinh của Liên Xô. Như thế việc trở thành vệ tinh của nước cộng sản khác đâu phải là điều những người CSVN không bao giờ chấp nhận và người cộng sản gọi đó là sự tình đoàn kết vô sản. Ông Bùi Tín kể sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 thì ở miền Bắc có đảng viên nói để cho Trung Quốc giữ Hoàng Sa còn hơn là để cho Ngụy Sài Gòn giữ. Nếu những người CSVN xem việc Trung Quốc giữ Hoàng Sa không phải là vấn đề đáng quan tâm vì Trung Quốc là thuộc về giai cấp vô sản còn Ngụy Sài Gòn tuy là người cùng nước nhưng không thuộc về phe vô sản thì câu nói VN không bao giờ là vệ tinh của Trung Quốc còn có bao nhiêu ý nghĩa.

Nhìn lại sách lược của Lê nin để phe cộng sản lan dần trên thế giới cho đến khi toàn thắng trên thế giới chúng ta thấy là Lê nin chủ trương đảng Cộng Sản Nga huấn luyện cán bộ để thành lập các đảng cộng sản tại các nước khác. Các đảng cộng sản khác cũng tiếp tục huấn luyện cán bộ, gây dựng phong trào và hỗ trợ các đảng cộng sản khác, cứ thế cho đến khi phong trào cộng sản lan khắp thế giới. Năm 1950, khi ông Hồ sang Moscow để xin viện trợ thì Stalin giao cho Mao Trạch Đông nhiệm vụ giúp đỡ đảng Cộng Sản Việt Nam. Đến lượt đảng Cộng Sản Việt Nam lại huấn luyện cán bộ cho các đảng cộng sản Miên, Lào, Thái Lan để phong trào cộng sản lan ra khắp Đông Nam Á. Đã có những cán bộ cộng sản Miên, Lào được đưa về Hà Nội để huấn luyện, giống như Nga đã đưa các thanh niên nước khác đển Nga để huấn luyện trở thành cán bộ cộng sản. Trong số những người Miên, Lào được Việt Nam huấn luyện có người lấy vợ Việt, thì sự gắn bó giữa các đảng cộng sản Miên, Lào với Việt Nam lại càng chặt chẽ hơn.

Tất cả các đảng cộng sản khi thành công trong việc chiếm chính quyền đều xây dựng chính quyền theo khuôn mẫu của Liên Xô và Liên Xô cung cấp cán bộ, tiền bạc, phương tiện để các đảng cộng sản khác xây dựng chế độ cộng sản tại nước mình .

Với các tổ chức như vậy thì các đảng cộng sản đều phải nghe lời và nhận sự giúp đỡ của Liên Xô và các đảng cộng sản đã đi trước mình. Như thế các đảng cộng sản đều là vệ tinh của Liên Xô khi tuân thủ đúng câu nói: “Quốc Tế Cộng Sản là một đảng cộng sản lớn mà đảng cộng sản các nước phải tuân lệnh”.

Nhưng vì chiến lược của phong trào Đệ Tam Quốc Tế là dùng chiêu bài động lập dân tộc, giải phóng các dân tộc thuộc địa để đưa các dân tộc này đi theo phong trào cộng sản nên các đảng cộng sản luôn luôn dương cao với thế giới về sự độc lập của mình nhưng che dấu sự lệ thuộc của mình vào các đảng cộng sản lớn mạnh hơn đang giúp đỡ mình. Để thực hiện chiến thuật này, Stalin, Mao và ông Hồ cũng như cách lãnh tụ cộng sản khác sử dụng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vô sản cùng một lúc. Khi kẻ thù của mình nhận sự giúp đỡ của nước khác thì đem chủ nghĩa dân tộc ra phê phán để lên án họ là tay sai ngoại bang, đế quốc, cho rằng việc nhận giúp đỡ như thế là xấu xa. Khi đảng cộng sản của mình nhận sự giúp đỡ của nước cộng sản khác thì lại đem chủ nghĩa quốc tế vô sản ra để mà biện hộ, nói rằng giai cấp vô sản phải đoàn kết lại, cho rằng việc nhận giúp đỡ như thế là cao đẹp. Hễ kẻ thù của mình đem chủ nghĩa dân tộc ra để chỉ trích mình là lệ thuộc ngoại bang thì người cộng sản bảo những kẻ chỉ trích mình là theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.  Cùng là hành động nhận sự giúp đỡ của nước khác, thì nhờ cách sử dụng hai hệ thống tiêu chuẩn đạo đức khác nhau, người cộng sản xem ai không thuộc về phe mình mà nhận sự giúp đỡ của nước khác là cấu kết với ngoại bang, tay sai ngoại bang, còn bản thân mình nhận sự giúp đỡ của nước khác thì lại là điều đáng khen.

Trong cuốn video này ông Hồ được nhiều người xem khâm phục khi ông Hồ thẳng tay gạt đi đề nghị nước Pháp muốn đứng ra làm trung gian hòa giải để chấm dứt chiến tranh. Như thế rõ ràng là miền Bắc hoàn toàn độc lập với nước Pháp là một nước đã từng đô hộ Việt Nam. Ông Hồ cũng mạnh mẽ nói rằng Việt Nam không bao giờ là vệ tinh của Trung Quốc. Nhưng trong khi ông Hồ nói thế thì miền Bắc đã và đang xây dựng xã hội chủ nghĩa với sự cố vấn của Trung Quốc, và hơn cả sự nhận viện trợ là năm 1958, ông Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc về Trung Quốc.

Vào thời điểm 1959, 1960, lúc đảng Cộng Sản Việt Nam phát động chiến dịch dùng vũ lực giải phóng miền Nam thì tại Liên Xô, Krushchev chủ trương sống chung hòa bình với tư bản, cả hai phe tư bản, cộng sản thi đua nhau về kinh tế, ai làm cho dân nước mình sống sung túc hơn sẽ được nhân dân thế giới ngả theo, nên không viện trợ súng đạn cho miền Bắc mà chỉ viện trợ kinh tế . Chỉ có mình Trung Quốc là chịu viện trợ súng đạn cho miền Bắc. Nếu năm 1958, chính phủ Hồ Chí Minh tuyên bố phản đối việc Trung Quốc xem Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc thì chẳng bao giờ Trung Quốc viện trợ súng đạn, lương thực cho miền Bắc. Không có sự giúp đỡ của Trung Quốc thì dù năm 1959 đảng Cộng Sản Việt Nam có ra nghị quyết giải phóng miền Nam thì cũng không thực hiện được vì miền Bắc không chế tạo được súng ống như Liên Xô và Trung Quốc. Nếu miền Bắc tự lực bằng cách bán lúa gạo để mua súng đạn thì cũng chẳng mua được bao nhiêu vì kinh tế một nước nông nghiệp thì thấp, trong khi tiền mua súng đạn thì cao, cùng lắm là việc tự lực có thể mua sắm khí giới để tự vệ chứ không đủ để phát động một cuộc chiến tranh phải gửi hàng trăm ngàn quân với vũ khí, lương thực, thực phẩm trong nhiều năm. Chỉ có nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc mới đủ sức giúp miền Bắc làm việc đó. Thế thì vào thời điểm tháng 6 năm 1964, lúc ông Hồ nói “Jamais” thì miền Bắc đang thực sự là vệ tinh của Trung Quốc, và đã cắt một phần lãnh thổ của mình cho Trung Quốc để đổi lấy sự giúp đỡ súng đạn, lương thực mà có phương tiện giải phóng miền Nam. Phần lớn người dân miền Bắc không biết việc ông Phạm Văn Đồng gửi công hàm này, còn các cán bộ cấp cao biết chuyện công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc thì lại nghĩ theo lối chủ nghĩa quốc tế vô sản là phần đất đó thuộc về Trung Quốc hay Việt Nam không quan trọng lắm vì cùng là phe xã hội chủ nghĩa cả, cùng là giai cấp vô sản với nhau cả, rồi đây khi tiến lên cộng sản chủ nghĩa, xóa bỏ ranh giới các nước thì Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về ai không còn là điều quan trọng nữa .

No comments:

Post a Comment