Monday, June 27, 2011

Đi tìm sự thật thư gửi Ngô Kha của Trịnh Công Sơn

Đi tìm sự thật thư gửi Ngô Kha của Trịnh Công Sơn

Nguyễn Đắc Xuân

Ngô Kha sinh năm 1935 tại Huế, là bạn thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1959 và sau đó đi dạy học. Anh cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San chủ trương tập san Tự Quyết. Từ năm 1972, anh chủ trương tập san Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung do Thành ủy Huế chỉ đạo. Trong thời gian hoạt động trong phong trào đấu tranh tại đô thị miền Nam, Ngô Kha đã bị chính quyền Sài Gòn bắt giam ba lần vào các năm 1966, 1971 và lần cuối cùng bị thủ tiêu bí mật sau Hiệp định Paris, 1973.



Hiện nay, Ngô Kha đã được nhà nước phong liệt sĩ. Hội Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã xuất bản tập Thơ Ngô Kha – gồm 3 tập thơ của anh xuất bản trước 1975: Hoa cô độc, Ngụ ngôn của người đãng trí, Trường ca hòa bình.

Thư gửi Ngô Kha là bài viết của Trịnh Công Sơn đăng trên tập san Đứng Dậy tại miền Nam năm 1974. Qua đó, chúng ta thấy được thái độ dấn thân của Trịnh Công Sơn trong những ngày tháng mà anh đã viết các ca khúc phản chiến nổi tiếng như Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời…

Thư gửi Ngô Kha

Kha,

Trong những ngày tháng 10, với khí thế đấu tranh của nhân dân miền Nam chống lại mọi âm mưu tiêu diệt tự do tư tưởng, tự do báo chí v.v… anh em bỗng nhớ Kha vô cùng.(…)

Lá thư nhận được sau cùng của Kha gửi từ Huế vào, mình còn nhớ một điều: Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa. Mình đã suy nghĩ không ngừng về thái độ đó.(…)

Cuối năm 1972 thì Kha bị bắt. Anh em loan tin rất nhanh và mình đã vội vã thảo bản tin nhờ một vài tờ báo anh em báo động giùm. Nhưng thật quá thất vọng vì bản tin đó bị xếp vào loại “Tự ý đục bỏ” và dù anh em có thương Kha cũng đành xin được“thông cảm” mà thôi. Mình về nhà quá nản lòng nhưng cũng cố gắng tìm phương cách khác. Cuối cùng đành liên lạc với một anh bạn làm cho hãng truyền hình NBC nhờ loan tin kêu cứu giùm với bên ngoài. Tin loan đi vào ngày hôm sau với đầy đủ tiểu sử, thân thế và quá trình tranh đấu của nhà thơ Ngô Kha. Từ đó về sau đã hỏi thăm bằng mọi cách nhưng tuyệt nhiên không thế nào biết chỗ giam giữ đích xác của Kha.

Sau đó là giai đoạn mà anh em bi quan đến độ muốn ngã bệnh vì mỗi người tự thấy chỉ là một thùng hàng loại “nhẹ tay, dễ vỡ” mà thôi. Kha đã từng biết anh em luôn tâm niệm một điều: “Hãy biết chờ đợi và nuôi lớn hy vọng không ngừng”, nhưng mỗi ngày qua đi, trong khi guồng máy cầm quyền càng lúc càng tinh xảo thì tập thể nhân dân mỗi giờ phút mỗi hao mòn sinh lực bởi đói kém, sưu cao thuế nặng, đàn áp tinh thần, tù tội hay thủ tiêu v.v… Mình phải thú nhận về sự yếu kém của mình và sau đó đã rơi vào cơn khủng hoảng quá trầm trọng về tinh thần. Trong thời gian này, có mấy nhà báo Nhật đưa mình đi khám bệnh ở bác sĩ quen với họ từ Nhật mới qua. Lời khuyên là nên tĩnh dưỡng ở chỗ ít tiếng động.

Mình quyết định về ngay thành phố của bọn mình. Những sinh hoạt trong thành phố giờ đây đã chìm xuống vắng lặng. Muốn gây dựng lại một vài sinh hoạt văn hóa nghệ thuật nhưng dự định bất thành. Anh em đã gặp nhau bàn tính về chuyện cho ra một giai phẩm để làm chỗ cắm dùi cho những cây bút lang thang nhưng đơn gửi đi và giấy mực buồn bã trở về với cái slogan dị hợm cũ kỹ này: “vì tình thế, vì tình hình”. Bài vở đã viết xong đành được xếp lại một đống.

Rõ ràng là chúng ta chỉ còn lại một thứ tự do duy nhất: tự do câm miệng trong nhà tù trá hình. Anh em gặp lại nhau và loay hoay bắt tay vào một vài công việc khác. Mục đích của anh em là cố gắng tạo lại sinh khí cho thành phố bằng mọi cách. Vả lại, mỗi người đều tự nhận thấy là mình đã quá vô ích trong một thời gian khá dài. Điều đó làm cho anh em hoảng hốt nhiều hơn cả.

Quyết định xong là làm việc ngay. Công việc chỉ mới bắt đầu thì cái bọn “công an mật vụ trí thức” lên tiếng xầm xì bàn tán rồi. Bọn nó chụp một vài cái mũ loại chính quyền hay dùng cho những người đối lập để thân ái gửi tặng anh em. Thế là những khó khăn chuẩn bị áo mũ lên đường. Không cần nói ra Kha cũng đoán biết bọn đó gồm những ai rồi. Chúng nó đủ mọi thành phần nhưng thường là những kẻ chiếm ưu thế trong xã hội. Những tên “trí thức mật vụ” đó, đau đớn thay, một phần đang nắm vận mệnh giáo dục trong tay. Nguy hiểm hơn nữa là giọng lưỡi đần độn của bọn nó ve vuốt được một số đông học sinh ngây thơ trong thành phố. Kha có còn nhớ trước đây có lần mình đã là nạn nhân của một tên điểm chỉ trong bọn nó không. Thành phố vốn buồn thiu, qua sự hiện diện của bọn chúng lại còn xấu xí hơn nữa.(…)

Khi cầm bút viết bức thư này cho Kha mình hoàn toàn không có dụng ý nói dài dòng về tình trạng trên đây, nhưng cái tâm sự u uất trong mỗi người chúng ta nhiều khi kềm hãm không nổi…

Hôm nay, những thành thị miền Nam đang vươn vai đứng dậy. Trời đất được cơ hội thoát ra không khí ô nhiễm để thở bằng sinh lực mới cùng tập thể nhân dân yêu nước, yêu hòa bình và tự do. Phải chăng hồi chuông báo tử đã được gióng lên để những gì cần phải tàn tạ hãy tàn tạ nhanh chóng. Khi con người nhận thấy mình không còn gì để bóc lột và tước đoạt thêm thì đứng dậy và lên đường. Đó là điều dĩ nhiên. Chỉ có kẻ mù mới không nhìn ra sự thật đó. Nếu cần phải ngạc nhiên tự hỏi sao vận hội mới của nhân dân trễ nải quá vậy. Trễ đến như vậy có nghĩa là sự chuẩn bị đã chu đáo lắm rồi – Không hiểu sau những bức tường tối tăm của một nhà giam nào đó Kha có nghe ra những tiếng thét bi hùng của nhân dân?

Có lẽ Kha không ngờ nổi là không riêng gì những đoàn thể tôn giáo, những tập thể nhân dân trên mọi lãnh vực như văn hóa, báo chí, tư pháp, tiểu thương, lao động v.v… và ngay cả trong hàng ngũ quân nhân, công an và cảnh sát cũng từng giờ phút nóng lòng chờ đợi. Đây đúng là lúc chúng ta có thể dùng được cái từ ngữ này mà không bị cho là xuyên tạc chút nào: “Triệu người như một”. Đúng là triệu người như một không thêm bớt gì được nữa. Mình biết được những náo nức như bờm ngựa bất kham trong Kha. Nếu tin tức bên ngoài đến kịp, có lẽ giờ đây trong lòng Kha đang mở hội không chừng. Hãy cố gắng trấn tĩnh, đừng quá nôn nóng như ngày xưa, nhưng nếu trái tim Kha đã muốn nhảy những nhịp điệu bất thường thì hẵng để cho nó reo ca đôi chút. Nếu có vài trái tim bên cạnh Kha còn tăm tối quá thì thử chuyển cái nhịp điệu vui tươi kia sang giùm. Hãy nhóm lửa cho nhau và chờ đợi.

Ở bên ngoài những vòng xích anh em đang cố gắng nối lại với nhau. Cuộc tranh đấu hôm nay của nhân dân trên mọi thành thị miền Nam không giống như những cuộc tranh đấu đã qua. Chắc chắn không phải là ngọn lửa bộc phát để mau tàn tạ. Cái nhịp độ đầy đắn đo, trầm tĩnh trong từng bước một làm mình an tâm lắm. Vả chăng lúc này không tin tưởng vào thế lực và sức mạnh của nhân dân thì có lẽ chúng ta không còn cơ hội tốt đẹp nào hơn để tin tưởng nữa.

Này nhé, chỉ trong vòng hai năm, thời gian Kha nằm tù, tất cả mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục đã rơi xuống một tình trạng quá thảm thương. Mọi sự gắng gượng đều vô ích. Hoàn toàn là không cứu vãn được gì nữa. Trên chiếc máy thời tiết, tất cả mọi phương diện từ tinh thần đến vật chất như tự do, cơm áo, dân chủ đều được trả về với số “0”. Riêng những vùng ngoại ô thì tệ hại hơn nữa vì đa số dân chúng đều coi như con số “0” trên kia là một tình trạng khả quan đối với họ. Họ là những kẻ chỉ còn chờ sự hủy diệt sau cùng vì chiếc kim đời sống họ đang muốn chạy nước rút về phía cực âm: (-) cơm áo, (-) trú ẩn, (-) công ăn việc làm.

Có lẽ, không nên nhắc thêm những chữ tự do, dân chủ đối với họ vì đó là những món xa xỉ suốt đời không có cơ hội dùng đến nhất là trong giai đoạn mà bao tử đang làm một cuộc thi đua không hào hứng về giải “Oscar de la faim” – Họ không phải là những triết gia nhưng cả cuộc đời họ là một chủ thuyết hư vô từ trong ra ngoài.

Từ những năm trước chúng ta chờ đợi những gì? Chắc Kha còn nhớ rõ là chúng ta thường nói với nhau phải chờ một ngày mà mỗi sự kiện, tình thế phải là một trái cây chín muồi. Hôm nay phải chăng những trái cây chờ mong đã chín tới. Những trái cây đói khổ, chết chóc, thất nghiệp, ruộng vườn v.v… được hỗ trợ bởi một hoàn cảnh xã hội rách nát, bè phái, tham nhũng, chia rẽ, tù tội, tra tấn… Như thế thì Kha này, có phải là một vận hội mới đã đến lúc phải thành hình hay không?

Mặc dù không ai nói với ai nhưng mình tin rằng mọi người đang nghĩ như thế. Đây là lần đầu tiên mình thấy được những tôn giáo đã bỏ qua những dị biệt để đứng cùng nhau trong một hàng ngũ, những thành phần rất khác biệt, cũng phát thanh cùng một nguyện vọng. Chưa biết sẽ đi đến đâu, nhưng nhìn qua cái khối vững vàng đầy tình nghĩa anh em như thế cũng đủ cảm động rồi. Và cái điều mình mơ ước bấy lâu, cái nền tảng của mọi sự xây dựng lâu dài cho hòa bình, tự do, giờ đây đang thành tựu từng phần trên đất nước. Đó là cái “lương tâm tập thể”, một viên ngọc quý giá đã được làm bằng xương máu và sự tranh đấu liên tục của nhân dân.

Kha này,

Nếu không cho là ủy mị quá thì có lẽ phải khóc được trước hình ảnh đẹp đẽ kia và trước viễn ảnh mà “lương tâm tập thể” sẽ mang đến.

Từ 1963 đến giờ đã trải qua bao nhiêu cuộc đấu tranh, lớn có, nhỏ có, nhưng chỉ có lúc này mình mới thấy được sự nhất trí từ mọi phía của quần chúng. (Dĩ nhiên là trong sự nhất trí đó hoàn toàn không có sự đóng góp của chính quyền). Và cũng vì một tập thể đồng nhất quá to lớn như thế nên vấn đề tổ chức cơ cấu càng phải cẩn mật và chặt chẽ hơn thêm. Từ đó, như mình đã nói với Kha ở trên, đừng nên nôn nóng quá vì tập thể sẽ đi rất chậm nhưng là sự chậm rãi dũng mãnh của ngọn sóng thần đang góp thêm những con sóng nhỏ để đầy đủ uy thế quét sạch sẽ mặt đất ô uế chúng ta đang sống hôm nay.(…)

Chính quyền một mặt đang chơi trò “thả nổi tình thế” để tạo sự hoang mang trong quần chúng, mặt khác dùng mục tiêu đấu tranh của nhân dân làm mục tiêu của mình để vô hiệu hóa ý nghĩa của sự chống đối. Nhưng Kha này, sự quỷ quyệt đó không che giấu được ai đâu.

Chống tham nhũng, đòi hòa hợp hòa giải dân tộc v.v… chỉ là những cái cớ tiên khởi để từ đó nhân dân tự cứu mình ra khỏi nanh vuốt độc tài của một chánh sách hiếu chiến và phi dân tộc mà thôi. Nhân dân đã ý thức từ lâu về thân phận của mình, ngày qua tháng lại cũng chỉ là nạn nhân của bóc lột và phỉnh phờ. Ngày nào họ chưa lên tiếng chống đối, ngày đó họ vẫn còn là cơ hội tốt, để đóng góp thêm xương máu của chính họ và của con cái họ, vẫn còn là cái bình phong tốt để tập đoàn cai trị kia nhận tiền viện trợ Mỹ để chia nhau. Trên bao nhiêu thông báo, tuyên cáo, phản kháng thư của tháng 10 này, tiếc rằng Kha không đọc được, bao nhiêu tội ác của nhà cầm quyền đã được bày biện đầy đủ cho nhân dân xem cả rồi. Nên, điều chắc chắn là đồng bào ta không dễ gì bị gạt. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.(…)

Trong thời gian không thể trực tiếp góp mặt trong cuộc đấu tranh mới mẻ này Kha thử phác họa lại những nền tảng đẹp đẽ cho một đời sống mới trong đó, đời sống con người sẽ xanh tươi như cây cỏ của quê hương, sẽ đi đứng cười nói thong dong không còn sợ hãi, tóm lại, sẽ được phục hồi xứng đáng trong thiên chức làm người.

Lòng đang quá xôn xao bởi tiếng nói đấu tranh đang vang lên trên khắp mọi đô thị miền Nam, mình không đủ trầm tĩnh để viết cho Kha dài hơn nữa. Mong Kha hiểu cho và xin hẹn gặp nhau như những tiếng pháo mừng rỡ trong những ngày linh thiêng sắp đến.

Thân ái và hy vọng
1974
Trịnh Công Sơn

Sự thật xung quanh thư gửi Ngô Kha

Độc giả trong đó có nhiều người rất thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước năm 1975 khi đọc Thư gửi Ngô Kha mà chúng tôi trích đăng trên đây trong sách Trịnh Công Sơn – Rơi lệ ru người (NXb Phụ Nữ, 2001) do nhà báo Lê Minh Quốc thực hiện, thấy hơi ngờ ngợ. Ngờ ngợ là vì lần đầu tiên họ được đọc một lá thư rất dài của Trịnh Công Sơn (có đến 2715 từ), trong thư lại có quá nhiều cụm từ chính trị rất xa lạ với Trịnh Công Sơn trước năm 1975 như “tiêu diệt tự do tư tưởng”, “tập thể nhân dân”, “vấn đề tổ chức cơ cấu” v.v… bản thân tôi là người cùng thế hệ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và anh Ngô Kha ở Huế, từ năm 1966 cho đến 1975, tuy tôi thoát ly ra vùng kháng chiến nhưng vẫn liên lạc với các phong trào ở đô thị, cũng không chắc tác giả lá thư đó chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bởi thế khi đăng lại Thư gửi Ngô Kha để minh họa cho tình bạn giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Ngô Kha, trong cuốn Trịnh Công Sơn – Có một thời như thế in năm 2003, tôi đã phải ghi thêm một chú thích: “Đọc lá thư này tôi bắt gặp nhiều từ, nhiều ý tưởng chính trị mạnh mẽ ít khi thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói hay viết ở những nơi khác nên tôi hơi ngờ về tác giả lá thư. Tuy nhiên cho đến nay, tôi chưa có tư liệu để chứng minh ngược lại cho nên tôi vẫn xin đưa vào phần Phụ lục để minh họa cho tình bạn giữa Trịnh Công Sơn và Ngô Kha vậy”.

Hơn một năm sau, báo Thơ (phụ bản của báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam) số ra ngày 12/6/2004, đăng lại lá thư ấy với nhan đề Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha với lời khẳng định đây là “thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ (liệt sĩ) Ngô Kha trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Không ngờ bài đăng trên báo Thơ làm cho nhà thơ Thái Ngọc San – một người quen biết Trịnh Công Sơn và thân thiết như ruột thịt với nhà thơ Ngô Kha từ năm 1968 cho mãi đến giữa năm 1972 (Ngô Kha bị bắt, còn Thái Ngọc San thoát ra chiến khu) phải lên tiếng trên báo Thanh Niên (ngày 26/6/2004).

Thái Ngọc San đặt vấn đề: “Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha in trên báo Thơ thực hay giả?”. “Vào thời gian bức thư ra đời (1974) là lúc nhà thơ Ngô Kha đã bị Ngụy quyền thủ tiêu” làm sao Kha có thể nhận được thư của Sơn? Hơn nữa, trong thư của Sơn có nhắc đến “Lá thư nhận được sau cùng của Kha gửi từ Huế vào mình còn nhớ một điều: Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa…”.

San khẳng định rằng: “Anh Ngô Kha không hề viết cho nhạc sĩ Trịnh công Sơn một bức thư nào”. Nếu Ngô Kha có gửi, hẳn gia đình Trịnh Công Sơn còn giữ. Sự thực là không có. Thái Ngọc San nhận định: “Với một bức thư quan trọng như thế mà người cung cấp và tờ báo lại không có một dòng nào ghi chú về xuất xứ của nó?”.

Câu hỏi của Thái Ngọc San bắt buộc Lê Minh Quốc – người sưu tầm và công bố đầu tiên lá thư trên sách – phải trả lời bằng bài viết Sự thật về lá thư Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha cũng ngay trên báo Thanh Niên (ngày 30/6/2004). Lê Minh Quốc trưng dẫn xuất xứ lá thư được trích trong tập san quay ronéo mang tên Đứng Dậy số 64-65 phát hành nhân dịp Giáng sinh năm 1974.

Lê Minh Quốc còn cho biết: “Cũng trong số Đứng Dậy này, tòa soạn đã dành từ trang 81 đến trang 143 công khai đòi hỏi chính quyền Sài Gòn trả lời về trường hợp Ngô Kha bị thủ tiêu”. Ngoài tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha cuối năm 1972, Lá thư đòi con của bà Cao Thị Uẩn – mẹ của Ngô Kha viết ngày 25/12/1974 gửi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và nhiều bài viết khác thì còn có lá thư của Trịnh Công Sơn với nhan đề Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu (từ trang 107-114).

Bửu Ý – một người bạn của Trịnh Công Sơn, có ký tên trong Tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ giáo sư Ngô Kha cuối năm 1972 mà Lê Minh Quốc vừa nhắc trên đây – còn cho biết anh đang giữ bản thảo viết tay lá thư gửi Ngô Kha.

Và không chỉ thế, anh còn có bản thảo viết tay của Trịnh Công Sơn về tờ Tuyên cáo vừa nêu. Như thế không còn gì phải nghi ngờ, tranh cãi về tác giả Thư gửi Ngô Kha nữa.

Tôi tìm gặp người thực hiện tờ tập san Đứng Dậy mà nhà báo Lê Minh Quốc đã sử dụng. Đó chính là nhà báo Nguyễn Quốc Thái. Anh Thái bảo tôi:

- Tôi còn giữ đầy đủ bộ tập san Đối Diện và Đứng Dậy ra đời trước và sau 1975. Tôi sẵn sàng cho anh mượn số tập san anh cần. Còn chuyện trong hoàn cảnh nào nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lá thư gửi Ngô Kha, anh hỏi anh Lê Khắc Cầm, người Huế cũng là bạn của anh.

Nhờ anh Thái, tôi được đọc tờ tập san tôi cần. Hình bìa tập san vẽ một cháu bé nằm mút tay giữa đám bùng nhùng dây thép gai. Tờ tập san được đánh số 65-66 chứ không phải 64-65 như nhà báo Lê Minh Quốc đã viết.

Tôi hẹn gặp anh Lê Khắc Cầm. bạn bè ngày nay biết anh Cầm là một người rất “kiệm lời” thích đọc và dịch văn chương Anh – Pháp ngữ, đặc biệt là những tác phẩm mang triết lý phương Tây. Ít người biết anh trước đây từng là một cơ sở trí thức nòng cốt của Thành ủy Huế. Tôi nêu câu hỏi và được anh Cầm trả lời một cách thận trọng rằng:

- Chuyện này hơi dài dòng một chút. Như anh biết sau khi Hiệp định Paris 27/1/1973 ra đời ít lâu thì anh Ngô Kha bị bắt đưa đi mất tích. Một số anh em trí thức sợ lộ cũng thoát ly luôn như Trần Phá Nhạc, Trần Hoài, Thái Ngọc San… và sau đó là Võ Quê. Số cơ sở còn lại phải “ẩn mình” hoặc chuyển vùng. Phong trào đấu tranh ở đô thị bị lắng xuống.

Tính ra đến cuối năm 1974, anh Ngô Kha đã bị bắt gần 20 tháng mà không được tin tức gì. Tôi bàn với Trịnh Công Sơn và Trần Viết Ngạc tìm cách tập hợp “các thành phần thứ ba” đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha, gây lại không khí đấu tranh. Ý kiến của tôi được các bạn đồng tình. Những người chủ trương tập san Đứng Dậy ở Sài Gòn ủng hộ Huế thực hiện một tập san đặc biệt với chủ đề đòi trả tự do cho Ngô Kha. Chúng tôi chia nhau viết.

Trịnh Công Sơn viết Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu và dự thảo Tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha Anh Trần Viết Ngạc thảo lời bà cụ Cao Thị Uẩn – thân mẫu Ngô Kha – viết Thư đòi con, Lê Khắc Cầm viết Ngục tù hay quê hương của thi sĩ, Nguyễn Ngọc Minh – hiệu trưởng trường Trần Hưng Đạo – viết Thư gửi đồng nghiệp Ngô Kha, Nhật Huy viết Trường hợp Ngô Kha, Võ Đông viết Bà mẹ Ngô Kha, học sinh Duơng Văn Tám viết Thầy không phải là người lớn, thầy là tuổi trẻ của chúng em v.v…

Đặc biệt cái tuyên cáo tập hợp này được gần 50 chữ ký của các vị “Thành phần thứ ba”, người ký đầu tiên là họa sĩ Vĩnh Phối (sau này có lúc làm hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Huế), thứ hai là họa sĩ Đinh Cường, thứ ba là nhà văn bửu Ý… người cuối cùng là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Địa chỉ nhà Trịnh Công Sơn ở 11/3 Nguyễn Trường Tộ, Huế là đầu mối nhận bài. Chỉ một tuần sau là xong. Có khoảng trên 10 bài kể cả mấy bài thơ của Ngô Kha. Trịnh Công Sơn viết Thư gửi Ngô Kha trong một hoàn cảnh như vậy!

Tôi hỏi tiếp:

- Như thế Trịnh Công Sơn cùng với anh chủ trương và thực hiện nội dung số tập san đặc biệt về cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha. Vậy Trịnh Công Sơn có phải là cơ sở cách mạng không?

Lê Khắc Cầm đáp:

- Điều đó rất khó nói. Nhưng anh Sơn biết tôi là cơ sở của Thành uỷ, làm việc với tôi có nghĩa là làm việc với Cách mạng.

- Phải chăng vì thế mà lúc ấy Trịnh Công Sơn có một ngôn ngữ viết chịu ảnh hưởng ngôn ngữ cách mạng?

Lê Khắc Cầm giải thích:

- Có lẽ. bởi vì lúc ấy, chúng tôi trong đó có Trịnh Công Sơn đọc rất nhiều sách báo từ chiến khu gửi vào và đặc biệt đêm nào cũng ôm cái radio nghe đài Hà Nội với sự ngưỡng mộ Cách mạng thì chuyện ngôn ngữ viết bài đấu tranh cách mạng bị ảnh hưởng là chuyện thường.

Tôi là người xuất thân trong Phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam, anh Thái Ngọc San cũng thế, vậy mà chuyện của phong trào cách đây ba, bốn mươi năm vẫn còn nhiều cái “bất ngờ” đối với chúng tôi. Riêng trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một người có trái tim lớn, ít bộc bạch chuyện chính trị của mình, lại giao thiệp rất rộng, nên nếu không ở gần anh trong từng trường hợp khó có thể nói đúng về anh. Sau sự kiện Thư gởi Ngô Kha, tôi đã khám phá thêm nhiều chuyện “tày trời” mà Trịnh Công Sơn đã từng đóng vai chính. Nếu không biết những chuyện “tày trời” ấy thì cũng sẽ không hiểu trong trường hợp nào Trịnh Công Sơn soạn Kinh Việt Nam, Nối vòng tay lớn, Huế – Sài Gòn – Hà Nội v.v…

Vẫn còn đó những bí ẩn về cuộc đời người nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn.

No comments:

Post a Comment