Monday, April 23, 2012

Văn minh Trống Đồng, hãnh diện hay ngậm ngùi?

Người Việt Nam nào chắc cũng biết sự tích Một Mẹ Trăm Con, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ để ra trăm trứng là nguồn gốc của Bách Việt, và cũng biết nước Văn Lang tức là nước Việt Nam sau này là một những nước Bách Việt này. Toàn thể các nước Bách Việt có biên giới phía Bắc lên đến tận Động Đình Hồ, gần phía Nam sông Dương Tử bên Tàu. Đó là nguồn gốc của nước Việt Nam ngày nay. Trong cuốn Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim có nói nguồn gốc dân tộc Việt do nhiều người Tàu và người Việt nói rằng có thể là từ giống người Tam Miêu sống ở miền Nam nước Tàu, về sau bị người Hán xâm chiếm nên chạy xuống phía Nam mà thành nước Việt.

Đọc sự tích này chúng ta cảm thấy hãnh diện vì xưa kia nước ta đã từng có lãnh thổ rộng lớn đến tận bên Tàu . Nhưng ngồi suy nghĩ lại thì chẳng tránh khỏi ngậm ngùi vì trong lịch sử nước ta rộng lớn như thế mà sao lại bị thua người Hán để đến nỗi chỉ còn có miền Bắc Việt Nam!


Đến đầu thế kỷ 20 thì người Pháp tại Việt Nam đào được trống đồng và các vật dụng bằng đồng cho thấy tại vùng Bắc Việt đã từng có nền văn minh dùng đồ đồng rực rỡ. Từ đó về sau kết quả của khảo cổ càng ngày càng làm cho người Việt hãnh diện rằng trước khi bị người Trung Hoa sang đô hộ thì Việt Nam đã từng có một nền văn minh chứ không phải như người Trung Hoa coi thường các nước xung quanh Trung Hoa đều là man di, mọi rợ cả.

 Trống đồng Đông Sơn, trưng bày tại viện bảo tàng Guimet, Pháp

Người Việt thấy càng hãnh diện hơn khi kết quả của khảo cổ cho thấy các vật dụng đào được tại miền Nam Trung Hoa cho đến phía Nam sông Dương Tử có những nét giống văn minh Trống Đồng của Việt Nam còn các vật dụng đào được từ phía Bắc sông Dương Tử trở lên thì thuộc về một nền văn minh khác, nghĩa là thuộc về người Hán. Có người nói là nhiều phát minh được nói là của Trung Hoa như làm giấy, la bàn là do Trung Hoa thu nhận của văn minh Bách Việt khi họ đánh chiếm các nước Bách Việt.

Thế nhưng niềm hãnh diện này chẳng khỏi đi theo sự ngậm ngùi âm thầm là sao các nước Bách Việt văn minh như thế mà lại thua người Hán?

 Bản đồ Trung Hoa thời Chiến Quốc

Có lẽ phải xem lại lịch sử nước Trung Hoa khi người Hán bắt đầu xâm chiếm các nước Bách Việt.

Người Hán bắt đầu tấn công, xâm chiếm các nước Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, năm 221, trước Công Nguyên (TCN). Từ năm 221 trở về trước, Trung Hoa, lúc đó bao gồm các nước nhỏ phía Bắc sông Dương Tử và các nước này đã trải qua nhiều thay đổi có ảnh hưởng sâu xa đến kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị.


Theo các sách sử chép, kể từ thời Chiến Quốc, 435 TCN, các nước nhỏ trong Trung Hoa đánh nhau dữ dội để tranh dành đất đai trùng hợp với việc phát minh ra các quặng sắt và việc sử dụng đồ sắt. Việc phát minh ra đồ sắt ảnh hưởng đến chiến tranh đã làm cho có người thời đó cho rằng chỉ khi nào các quặng sắt cạn hết thì thiên hạ mới hết chiến tranh. Ý nghĩ này hiển nhiên không đúng nhưng điều này cho thấy nước Trung Hoa lúc đó đã chuyển sang một giai đoạn văn minh mới từ văn minh đồ đồng sang văn minh đồ sắt vào thời Chiến Quốc (475 TCN – 221 TCS), là thời kỳ đi sau thời Xuân Thu (722 TCN – 475 TCN).

Việc biết sử dụng đồ sắt làm thay đổi bộ mặt xã hội thời đó. Lưỡi cày làm bằng sắt thì cứng hơn lưỡi cày làm bằng đồng nên có thể cày sâu hơn, làm thay đổi phương pháp canh tác và tăng gia sản lượng nông nghiệp. Trục xe làm bằng sắt thì cứng hơn và xe có thể chuyên chở nặng hơn. Khí giới làm bằng sắt thì cứng hơn khí giới làm bằng đồng, có thể chặt gẫy hay làm sứt mẻ khí giới bằng đồng.

Cảnh quân đội nhà Tần trong phim Anh Hùng:


Việc dùng đồ sắt làm cho nông nghiệp gia tăng sản lượng, đưa đến việc gia tăng dân số. Dân số gia tăng thì sức mạnh các quốc gia gia tăng, kinh tế sản xuất nhiều hơn, quân đội đông người hơn với trang bị vũ khí tối tân hơn. Việc gia tăng dân số khiến cho việc cai trị thay đổi do đó phải đặt ra đơn vị hành chánh mới là quận, huyện, để có thể kiểm soát được dân chúng. Việc phát minh ra quận, huyện được nhà Tần sử dụng để cai trị nước Trung Hoa theo lối tập trung quyền lực vào tay chính quyền trung ương thay vì chia ra cho các vương, hầu nắm tại các địa phương.

Kiếm thời Chiến Quốc: kiếm sắt (bên trái) và hai thanh kiếm đồng (bên phải), càng về sau kiếm sắt thay thế kiếm đồng

Đồng thời với chiến tranh, thì nhiều người đưa ra các tư tưởng hoặc là làm cho quốc gia hùng mạnh hơn hoặc làm tìm cách giải quyết nạn các nước tranh giành, đánh lẫn nhau. Vì thế thời Chiến Quốc là thời các tư tưởng, học thuật đua nhau ra đời. Các tư tưởng lớn có ảnh hưởng lâu dài trong văn hóa Trung Hoa đều sinh ra trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc.

Chiến tranh liên tục giữa các quốc gia cũng làm cho kỹ thuật quân sự được cải tiến vì nước nào cũng phải tìm cách cải tiến quân đội, chiến thuật, để tồn tại và để thôn tính được nước khác.

 Kiếm thời Chiến Quốc: đoản kiếm với lưỡi làm bằng sắt, cán làm bằng đồng

Như vậy, trong khi các nước Bách Việt có một nền văn minh trống đồng huy hoàng thì tại miền Bắc sông Dương Tử, các nước Hán đã trải qua một cuộc cách mạng từ đồ đồng tiến lên đồ sắt đem lại nhiều tiến bộ vượt bực .

Khi Tần Thủy Hoàng sai quân đánh các nước phía Nam thì quân đội nhà Tần lúc đó là quân đội thiện chiến vì đã trải qua nhiều chinh chiến, có những kỹ thuật tàc chiến tiến bộ nhất, có thế họ mới thắng được sáu nước kia để mà thống nhất Trung Hoa. Sau hàng trăm năm cải tiến canh tác nhờ dùng đồ sắt mà dân số Trung Hoa lúc đó đông đúc hơn. Lại thêm chế độ chế độ chính trị tập trung quyền lực vào tay nhà vua thay vì để cho các chư hầu có quân đội riêng mà nhà Tần có thể tập trung quân số với quân đội đông có thể áp đảo các quân đội các nước Bách Việt.


 Chiến xa thời xưa của Trung Quốc

Chính nhờ các ưu thế do cuộc cách mạng đồ sắt mà người Hán có trình độ phát triển về kinh tế, xã hội, quân sự cao hơn, từ phía Bắc sông Dương Tử đã lấn dần xuống phía Nam.

Chúng ta có thể thắc mắc là các nước đã biết dùng đồ đồng tại sao lại không dùng sắt làm vật dụng mà cứ dùng đồ đồng mãi? Lý do là vì độ nóng chảy của sắt cao hơn nên để nấu chảy sắt cần phát minh ra lò có độ nóng cao đủ để làm chảy quặng sắt.

Một truyền thuyết Trung Hoa về hai thanh kiếm Can Tương, Mạc Gia cho thấy sự khó khăn trong việc nấu chảy quặng sắt ra sao. Theo truyền thuyết này, Can Tương và Mạc Gia là hai vợ chồng chuyên về nghề rèn kiếm nổi tiếng thời xưa, chồng tên là Can Tương, vợ tên là Mạc Gia. Can Tương và Mạc Gia bỏ sắt và vàng vào nồi rồi nấu chảy để rèn kiếm. Nấu mãi mà quặng sắt không chảy ra nên hai người bàn với nhau là người xưa kể rằng khi nấu kim loại thì phải có người hy sinh để tỏ lòng thành thì kim loại mới chảy ra. Mạc Gia liền tắm rửa sạch sẽ rồi nhảy vào lò lửa. Sau khi Mạc Gia nhảy và lò lửa thì quặng sắt chảy ra. Người chồng rèn được hai thanh kiếm rất sắc, chém. sắt như chém. bùn, đặt tên một thanh là Can Tương, thanh kia là Mạc Gia. Người chồng đem thanh Mạc Gia dâng cho vua Ngô là Hạp Lư, còn thanh Can Tương thì dấu đi, để dành cho mình. Hạp Lư biết được liền bắt Can Tương để truy hỏi mà lấy nốt thanh Can Tương. Hai thanh Can Tương, Mạc Gia trở thành nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa là hai thanh kiếm rất sắc bén. Về sau hai thanh kiếm này lưu lạc đi đâu mất không ai còn tìm thấy.

Sau này, năm 1965, người Trung Hoa có tìm được thanh kiếm của vua Câu Tiễn, nước Việt, cùng thời với Hạp Lư và hiện nay được trưng bày trong việc bảo tang bên Trung Hoa. Nhưng đây là một thanh kiếm làm bằng đồng chứ không phải làm bằng sắt. Nghiên cứu về cấu tạo của thanh kiếm người ta thấy phần lưỡi và sống kiếm ở giữa được pha thêm thiếc để làm cho cứng rắn thêm, còn thân kiếm thì bằng đồng. Nếu làm bằng thiếc cả thì kiếm cứng hơn nhưng ròn, dễ gẫy, còn làm bằng đồng hết thì kiếm sẽ mềm hơn, kém sắc, dễ bị cùn khi va chạm nhiều. Việc phải làm một thanh kiếm rất công phu với chút thiếc pha ở lưỡi kiếm cho thấy nhược điểm của đao, kiếm làm bằng đồng. Điều này cũng cho thấy khi nước nào tìm ra được bí quyết nấu chảy quặng sắt thì sẽ có lợi thế hơn trong việc chế tạo vũ khí vì sẽ làm được vũ khí bằng sắt cứng hơn, sắc bén hơn.


Thanh kiếm bằng đồng của vua Câu Tiễn, nước Việt

Có người ngày nay phê bình truyền thuyết về hai thanh kiếm Can Tương, Mạc Gia và nói căn cứ vào thanh kiếm của Câu Tiễn cùng thời với Hạp Lư làm bằng đồng, thì chuyện Can Tương, Mạc Gia đúc kiếm chắc là muốn nấu chảy quặng đồng chứ không phải là nấu chảy quặng sắt. Có lẽ người đời sau chép sai. Nhưng nếu là nấu quặng đồng thì hai vợ chồng Can Tương, Mạc Gia đâu gặp khó khăn như vậy vì việc nấu chảy đồng là điều rất thông thường thời đó. Có thể họ đã tìm ra bí quyết nấu chảy quặng sắt, nghĩa là tìm được cách tăng nhiệt độ lò nấu, nhưng truyền thuyết thì chỉ thêu dệt việc người vợ nhảy và lò lửa để làm cho câu chuyện thêm ly kỳ. Thanh Can Tương, Mạc Gia có lẽ làm bằng sắt thật nên trở thành thanh kiếm cứng rắn, sắc bén hơn các thanh kiếm bằng đồng cùng thời và trở thành nổi tiếng trong lịch sử và cũng là dấu hiệu của sự xuất hiện của đồ sắt làm đảo lộn lịch sử. Thời Hạp Lư, Câu Tiễn (496 TCN – 465 TCN) là cuối thời Xuân Thu, đang bước sang thời Chiến Quốc thì việc xuất hiện của đồ sắt có lẽ cũng là hợp lý và việc nấu chảy được quặng sắt là một kỳ công nên đã trở thành truyền thuyết.

Thanh kiếm bằng đồng của vua nước Việt, Việt Vương Dĩnh Lộc (con của Việt Vương Câu Tiễn) làm vua từ năm 463 trước Công Nguyên đến năm 459 trước Công Nguyên (6 năm), trưng bày tại viên bảo tàng của tỉnh Chiết Giang (Zhejiang).

Một đoạn văn ngắn trong sử có thể rọi tia sáng vào sự chênh lệch về phát triển giữa vùng phía Bắc và phía Nam sông Dương Tử vào thời Trung Hoa mới thống nhất ở phía Bắc. Sách Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim viết:

“Năm Mậu Ngọ (183 trước Tây Lịch) vua Cao Tổ nhà Hán mất rồi, bà Lữ Hậu lâm triều tranh quyền Huệ Đế, rồi lại nghe lời dèm pha, cấm không cho người Hán buôn bán những đồ vàng, đồ sắt và những đồ điền khí với người Nam Việt . Vũ Vương lấy làm tức giận, lại ngờ cho Trường Sa Vương xui Lữ Hậu làm như vậy, bèn tự lập làm Nam Việt Hoàng Đế, rồi cử binh mã sang đánh quần Tràng Sa (tỉnh Hồ Nam bây giờ).”

Những đồ sắt, đồ điền khí (đồ làm ruộng bằng sắt) đóng vai trò quan trọng đến mức nào trong nền kinh tế Nam Việt mà làm cho Triệu Đà (Vũ Vương) tức giận đến nỗi đem quân đánh Tràng Sa? Có lẽ là người Hán phía Bắc nắm được kỹ thuật làm đồ sắt và Nam Việt nhập cảng về để dùng trong sinh hoạt hàng ngày và làm ruộng. Vì Nam Việt không sản xuất được đồ sắt nên mới bị nhà Hán bắt chẹt, không bán đồ sắt cho. Nếu Nam Việt có khả năng tự chế tạo đồ sắt thì việc cấm đoán này đã không làm cho Triệu Đà quan tâm. Việc nhà Hán cấm bán đồ sắt để làm ruộng cho Nam Việt xem ra cũng giống như một nước chuyên nhập cảng máy cày để cày ruộng mà không có khả năng tự sản xuất bị nước chế tạo máy cày không bán máy cho để làm áp lực mà phải nhượng bộ một yêu sách nào đó của nước có khả năng chế tạo máy.

Như vậy, các nước Bách Việt ở phương Nam đã bị người Hán thôn tính vì người Hán đã trải qua một cuộc cách mạng về kỹ thuật, tiến lên thời đại đồ sắt, trở thành phát triển hơn, hùng mạnh hơn trong khi các nước Nam Việt vẫn còn trong thời đại đồ đồng. Điều này cũng tương tự như các nước Tây Phương vào các thế kỷ 18, 19 đã có cuộc cách mạng cơ khí gây nên những thay đổi sâu xa, làm cho các nước này kinh tế giàu mạnh hơn, dân số gia tăng nhanh và có quân đội mạnh đi xâm chiếm các nước khác và đên lượt Trung Hoa, Việt Nam mặc dù đã từng có nền văn minh huy hoàng cũng vẫn bị thua.


Người Choang (cũng gọi là người Tráng) thuộc tộc Việt ở Quảng Tây trình diễn đánh trống đồng cho du khách xem. Xưa kia người Choang có nước riêng, bị người Hán thôn tính và đem người Hán xuống ở, biến người Choang thành dân tộc thiểu số

Yếu tố kỹ thuật dường như không được các nhà chép sử người Việt đề cập đến trong quá trình bành trướng của dân tộc Hán. Người đọc sử chỉ biết là các nước Việt phía Nam sông Dương Tử, hết nước này đến nước khác, bị người Hán thôn tính và đồng hóa.

Một cái nhìn rộng hơn về lịch sử cho thấy các dân tộc Việt phía Nam sông Dương Tử nằm văn minh đồ đồng trong vùng Đông Nam Á đã có một thời văn minh huy hoàng, rực rỡ. Rồi các nước này lại bị chinh phục bởi đợt văn minh đồ sắt phát xuất từ phía Bắc Trung Hoa. Rồi sau này toàn bộ vùng Á Châu đã từng văn minh lại bị đánh bại bởi đợt văn minh cơ khí hóa từ các nước Tây phương.

Chúng ta tất nhiên là hãnh diện về những điều hay của tổ tiên chúng ta nhưng một cái nhìn khách quan và rộng rãi trong lịch sử sẽ giúp cho chúng ta có thêm phần lý trì mà đặt sự hãnh diện đúng chỗ và đúng mức.


Chân Phương




2 comments: