Friday, December 6, 2013

Có phải ông Diệm bị lật vì chống Mỹ đem quân vào miền Nam

Có người nói: "Ông Diệm bị lật đổ vì chống lại việc Mỹ đem quân vào miền Nam."

Một số người cũng tin như vậy. Khi có nhiều người Việt chạy ra hải ngoại thì một số người đọc sách báo và cả tài liệu của chính phủ Mỹ để xem xét lại quá khứ. Nhờ vào sách vở dồi dào và nhờ có cơ hội đọc tài liệu của chính phủ Mỹ mà nhiều người có cái nhìn khác về lịch sử so với lúc họ còn sống trong nước trước 1975.



Bài viết dưới đây của ông Đinh Từ Thức, một nhà báo tại miền Nam trước 1975, hiện nay sống ở Mỹ nói về những gì mình nghe thấy trong quãng thời gian làm báo tại miền Nam và những gì đọc được từ sách báo, tài liệu bên Mỹ để tìm hiểu có thật là Mỹ chủ trương ủng hộ các tướng lãnh đảo chánh ông Ngô Đình Diệm vì ông Diệm không muốn để Mỹ đem quân vào miền Nam. Kết quả là ông Đinh Từ Thức thấy rằng vào lúc ông Diệm còn cầm quyền thì người Mỹ không có ý định đem quân vào miền Nam . Như vậy lập luận rằng ông Diệm bị lật vì chống lại việc Mỹ đem quân vào miền Nam chỉ là lời đồn đãi không có thật.

Dưới đây là bài viết của ông Đinh Từ Thức đăng trên tạp chí trên mạng Da Màu:




50 năm sau biến cố 1 tháng 11, 1963: Xét lại nguyên nhân và hậu quả

Đinh Từ Thức  4.11.2013

Nửa thế kỷ trước, vào dịp Tết Quý Mão 1963, sau khi nhận được thông điệp chúc Tết từ Washington, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đã gửi cho Tổng Thống Hoa Kỳ John Kennedy một lá thư, do Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Đình Thuần trao tận tay cho người nhận tại Bạch Ốc. Thư đề ngày 23 tháng Hai, 1963, chỉ dài có một trang đánh máy:

    Thưa Tổng Thống,

    Toàn dân Việt Nam đã xúc động sâu xa về thông điệp của Ngài, với tư cách là người phát ngôn cho nền dân chủ vĩ đại của Hoa Kỳ, đã có nhã ý gửi cho họ vào ngày Đầu Năm Mới.

    Họ đã đón mừng thông điệp này như là một sự biểu lộ tuyệt vời và hoàn hảo cho sự hiểu biết và thân hữu của nhân dân Hoa Kỳ, những người đã giúp đỡ họ với viện trợ dồi dào và hữu hiệu trong những ngày khó khăn của cuộc chiến đấu của họ chống lại sự nổi dậy và xâm lấn của cộng sản.

    Đây quả thật là một nguồn cảm hứng phong phú cho đồng bào tôi, những người hơn bao giờ hết đã quyết tâm gia tăng gấp bội nỗ lực và hy sinh của họ vào năm tới để đến gần chiến thắng cuối cùng hầu đem lại cho họ an ninh và hòa bình, thăng tiến công bằng xã hội và cùng nhau đạt được mục tiêu mở mang kinh tế cho đất nước.

    Trong niềm tưởng nhớ thành khẩn những đứa con cao quý của nước Mỹ đã hy sinh mạng sống của mình tại đất nước chúng tôi cho mục tiêu chung, tôi xin cảm ơn nồng nhiệt Tổng Thống, về những lời chúc của Ngài đã bầy tỏ rất chính xác những cảm hứng và hy vọng chung của chúng ta và nói lên sự biết ơn và kính phục của nhân dân Việt Nam đối với quốc gia vĩ đại và dân tộc “đã luôn sẵn sàng trả giá cho tự do”.

    Ngô Đình Diệm

    Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.

Thư qua thư lại, ơn sâu nghĩa nặng như thế, nhưng chỉ tám tháng 9 ngày sau, ông Diệm bị giết trong cuộc đảo chánh do Hoa Kỳ khuyến khích, và sau đó ba tuần, ông Kennedy cũng bị giết trong một vụ ám sát*. Tại sao ông Kennedy bị giết? Đó là câu hỏi nửa thế kỷ sau, Hoa Kỳ vẫn chưa biết rõ. Tại sao ông Diệm bị giết? Đó là câu hỏi rất nhiều người Việt tưởng đã biết rõ, nhưng thật ra, vẫn chỉ là “biết” theo kiểu “lộng giả thành chân”.

Thời gian ngay sau cuộc đảo chánh 1-11, 1963, và có trường hợp cả hàng chục năm sau, vẫn có người cố chứng minh vai trò phụ thuộc của Hoa Kỳ trong biến cố này. Ví dụ, trong cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của ông Đỗ Mậu xuất bản năm 1986, tác giả đã trích lời Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy viết vào năm 1979 rằng: “Việc lật đổ và sát hại (anh em ông Diệm) xẩy ra là chỉ do một số tướng lãnh Việt Nam. Người Mỹ đã không thúc đẩy họ đảo chánh, người Mỹ chỉ không ngăn chận họ mà thôi”.  Riêng ông Đỗ Mậu viết “…rõ ràng cuộc cách mạng ngày 1-11-1963 hoàn toàn do quân dân Việt Nam lúc bấy giờ thực hiện, và người Mỹ, đứng trước những khó khăn phức tạp của tình hình đã phải thụ động dựa vào đó để giải quyết những khó khăn của họ. Vậy thì chính quân đội Việt Nam đã ‘bật đèn xanh’ cho Mỹ chứ đâu phải Mỹ ‘bật đèn xanh’ cho quân đội Việt Nam.…” Nhưng càng lâu, qua những chứng liệu được giải mật, chẳng còn ai nói năng như thế nữa. Mỹ đóng vai chủ động trong cuộc đảo chánh là điều không còn ai chối cãi, kể cả tổng thống Mỹ John Kennedy.

Tuy nhiên, về nguyên nhân của cuộc đảo chánh, có một “huyền thoại” cần xét lại.

Trong suốt 50 năm qua, đã có rất nhiều người, nhiều đến nỗi không thể liệt kê hết ở đây, gồm cả những “bình luận gia”, “học giả” hay “sử gia”, hầu như ai cũng nói giống nhau, như một sự thật hiển nhiên, không cần dẫn chứng, là Mỹ đảo chánh để có thể mang quân vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, vì ông Diệm chống lại việc này. Theo “huyền thoại” này, Mỹ phải lật ông Diệm như loại bỏ một chướng ngại vật, để có thể đổ quân vào VN. Đặc biệt là khẳng định này thông dụng trong dư luận người Việt, nhưng hầu như không được nhắc tới trong tài liệu và sách báo của Mỹ. Tôi chỉ được biết vài ba cuốn sách của Mỹ nói tới điều này, nhưng lại căn cứ từ sách báo Việt ngữ.

Bìa cuốn sách "A Death in November"


Trong cuốn A Death in November (ADIN) xuất bản năm 1987, nói về cuộc đảo chánh năm 1963, bà Ellen J. Hammer viết nơi trang 121: “Một người Việt quen thuộc nói: ‘Mọi người gần gũi ông Ngô Đình Diệm đều biết rằng với ông, vấn đề chủ quyền của Việt Nam là tối quan trọng, không có vấn đề nhượng bộ chuyện này với viện trợ ngoại quốc.’” Và “Diệm nói trong riêng tư rằng người Mỹ đã từng đòi quyền thiết lập căn cứ không và hải quân tại Vịnh Cam Ranh hay Đà Nẵng, được điều hành bởi một cơ sở quân sự thường trực, và rằng họ đã tăng gia áp lực kể từ năm 1961. Vào tháng Bảy năm 1962, trong một cuộc kinh lý tại Vịnh Cam Ranh, ông đã chỉ một ngọn núi ở gần, nói với các cận vệ rằng, ‘Người Mỹ muốn lập một căn cứ ở đấy nhưng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.’ Cho đến tháng Tám 1963, ông đã nói với Đại Sứ Pháp rằng ông sẽ không bao giờ làm theo những đòi hỏi đó. Một số thành viên đảng Cần Lao của ông coi sự từ chối này là một trong những lý do chính cho việc lật đổ ông Diệm.”

Trong phần chú thích ở trang 336 về trang 121 có đoạn trích dẫn trên, bà Hammer cho biết bà đã căn cứ từ bài viết của Bác Sĩ Trần Kim Tuyến, trên báo Hòa Bình, ngày 8 tháng 8, năm 1970.

Là Tổng Thư Ký tòa soạn báo Hòa Bình vào thời gian này, tôi biết về nguồn thông tin của bà Hammer. Bài báo bà cho là Bác Sĩ Tuyến viết, là loạt bài được mệnh danh “bút ký lịch sử” kéo dài nhiều tháng, mang tựa đề “Làm thế nào để giết một tổng thống,” sau khi chấm dứt, đã được xuất bản thành sách ở Sài Gòn. Tôi là người đặt tựa cho loạt ký sự này. Khi bắt đầu đăng báo, Bộ Thông Tin không chịu, yêu cầu đục bỏ, một phần sợ gây “sốc” trong dư luận, phần khác do áp lực từ các tướng chủ chốt trong cuộc đảo chánh, sau khi bị Nguyễn Khánh cho đi an trí một thời gian, đã trở lại là những nhân vật có thế lực, như Nghị Sĩ Quốc Hội. Lúc ấy chế độ kiểm duyệt báo chí mới chấm dứt theo Luật 019/69, do Quốc Hội thông qua, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành ngày 30 tháng 12, 1969. Theo luật này, báo có quyền chỉ trích chính phủ, không bị kiểm duyệt, và chỉ có thể bị tịch thu theo lệnh của tòa án. Dựa vào luật mới, tòa soạn nhất quyết giữ y nguyên cả tên lẫn nội dung ký sự, không chịu đục bỏ hay thay đổi, với lập trường là nếu Bộ Thông Tin thấy nhà báo phạm luật, cứ việc truy tố ra toà. Ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba liên tiếp, Bộ Thông Tin vẫn yêu cầu đục bỏ. Từ ngày thứ tư, Bộ để yên.

Tác giả ký sự là hai bút hiệu: Cao Vị Hoàng và Lương Khải Minh. Tuy hai bút hiệu, thực ra chỉ có một người viết, trong khi dư luận, kể cả bà Hammer, nghĩ rằng Lương Khải Minh là bút hiệu của Bác Sĩ Tuyến, nguyên giám đốc sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng Thống; ngôn ngữ bình dân gọi là “Trùm mật vụ”. Ông Tuyến không viết chữ nào trong ký sự này, nhưng có giúp một cách gián tiếp. Với uy tín thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông đã giới thiệu để người mang bút hiệu Cao Vị Hoàng có thể tới phỏng vấn các nhân vật quan trọng của chế độ cũ. Lời kể của họ về anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Đệ Nhất Cộng Hòa được ghi lại là chất liệu cho nội dung ký sự, không được kiểm chứng về độ chính xác, nên khó có thể coi như sự thật lịch sử. Có thể nói Lương Khải Minh chỉ là “bút hiệu danh dự” dành cho ông Tuyến, cũng như chiếc ghế trống trong buổi lễ phát giải Nobel Hòa Bình năm 2010, được gọi là chiếc ghế của ông Lưu Hiểu Ba, nhưng ông này chưa bao giờ ngồi ở đó.

Khi cuốn sách của bà Hammer xuất bản ở Mỹ, qua câu chuyện điện thoại từ Mỹ với ông Tuyến ở Cambridge, Anh, tôi đã có dịp cho ông biết về sự sai lầm của tác giả, và hỏi ông có định lên tiếng đính chính không. Bác Sĩ Tuyến trả lời rằng ông không muốn lên tiếng, sợ nhà báo kéo tới phỏng vấn ầm ỹ, trong khi ông chỉ muốn sống ẩn dật. Tuy nhiên, ông Tuyến cũng nói khi nào tôi có dịp gặp bà Hammer, thì nhờ nói với bà ấy về chuyện sai lầm, để sửa lại khi sách có dịp tái bản.

Gần đây, Finding the Dragon Lady, một cuốn sách mới xuất bản vào tháng Chín 2013 nói về cuộc đời bí mật của bà Ngô Đình Nhu, tác giả là bà Monique Demery, đã trích một đoạn từ cuốn sách A Death in November, nhưng ngay cuốn ADIN lại trích từ hồi ký “Bên Dòng Lịch Sử” của Linh Mục Cao Văn Luận, trong đó Cha Luận kể lại cuộc gặp Tổng Thống Ngô đình Diệm tại Dinh Gia Long vào ngày 24 tháng 06, 1963. Cha Luận mới gặp nhiều chính khách quan trọng ở Mỹ, như Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, Nghị Sĩ Mike Mansfield trở về, khuyên ông Diệm nên nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ để tránh đảo chánh, nhưng ông Diệm không chịu, đáp:

- Nếu bây giờ chúng ta nhượng bộ một bước thì Mỹ sẽ lại đòi thêm, biết nhượng bộ đến bao giờ cho vừa lòng họ? Tôi muốn võ trang đầy đủ cho Bảo an, Dân vệ, thanh niên chiến đấu. Mỹ không chịu. Tôi muốn tăng cường quân đội, Mỹ từ chối không cấp vũ khí và phương tiện, Mỹ chỉ muốn đưa quân qua Việt Nam mà thôi.

Có lẽ Tổng Thống Diệm đã đề cập tới nội dung cuộc họp gữa phái đoàn Mỹ do tướng Taylor cầm đầu và ông Diệm vào mùa Thu năm 1961 (sẽ nói thêm sau này) trong đó ông Diệm có yêu cầu Mỹ tăng viện để tăng quân số, và Tướng Taylor đề nghị gửi một đạo quân Mỹ từ sáu đến tám ngàn người tới VN – dưới danh nghĩa cứu lụt, nếu cần – và ông Diệm đã đồng ý, nhưng ông Kennedy không chấp thuận.

Vào năm 2003, Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, vốn là Thiếu Tá Tư Lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống khi xẩy ra cuộc đảo chánh 1963, nhờ tôi biên tập bản thảo cuốn “Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Ông Duệ viết sở dĩ Mỹ đảo chánh, vì ông Diệm không chịu cho Mỹ đem quân chiến đấu vào Việt Nam và lập căn cứ ở Vịnh Cam Ranh. Tôi hỏi ông Duệ đã căn cứ vào đâu để viết như vậy, ông trả lời “chuyện đó ai chả biết”. Tôi xin ông cố nhớ lại để có thể kể tên đích xác một vài người, sau giây lát suy nghĩ, ông nêu tên ông Trần Sử, bí thư của Tổng Thống Diệm, lúc ấy đã qua đời. Trong cuốn sách đã dẫn, khi xuất bản, ông Duệ viết trong phần nói về Đại Sứ Ngô Đình Luyện rằng ông Luyện đã kể với ông Duệ:

Trước cuộc đảo chính mấy tháng, có một linh mục thuộc Dòng Jesuit Hoa Kỳ đã bí mật sang Anh gặp ông Luyện, muốn ông báo cho ông Diệm biết là sớm muộn gì Mỹ cũng giúp cho cuộc đảo chánh lật ông Diệm. Khi ông Luyện hỏi có thể làm cách nào để tránh được không, vị Linh Mục này khuyên ông Diệm:

“Nên nhượng bộ chính phủ Hoa Kỳ, đồng ý tất cả những gì người Mỹ muốn qua Đại Sứ Hoa Kỳ. (Theo ông Luyện thì người Mỹ muốn Việt Nam nhường cảng Cam Ranh cho người Mỹ trong một thời gian, như Phi Luật Tân nhường cảng Subic, và để cho người Mỹ một thời gian vào Việt Nam)”.

Ông Luyện đã cấp tốc từ London về Sài Gòn gặp anh mình, Đại Tá Duệ kể tiếp:

“Tổng Thống Diệm nói sẽ nghiên cứu kỹ việc này và bảo ông Luyện sang gặp ông Nhu để bàn thêm. Ông Luyện gặp ông Nhu và ông Nhu có vẻ chú ý và cũng đồng ý nhưng ông lo rằng người Mỹ đòi mang quân vào và xử dụng Cam Ranh thì khó đựơc tổng thống chấp thuận. Ông cũng lo rằng nếu ngừơi Mỹ mang quân vào thì Nga và Tầu sẽ giúp miền Bắc nhiều hơn và có thể cũng đem quân vào nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ là bãi chiến trường đẫm máu.”

Đó là tất cả những gì tôi được biết từ phía người Việt về chuyện người Mỹ muốn mang quân chiến đấu vào Việt Nam và muốn xử dụng cảng Cam Ranh, tất cả đều do những lời kể lại gián tiếp, không được chứng minh bằng tuyên bố hay văn kiện chính thức.

***

Về phía Hoa Kỳ, ngay từ thời lập quốc, những lời nói việc làm quan trọng liên hệ tới chính quyền thường được ghi chép và lưu trữ. Nếu quả thật chính quyền Mỹ đã có ý định, hay chính thức đòi lập căn cứ quân sự, hay đưa quân vào trực tiếp chiến đấu ở Việt Nam, điều này chắc chắn phải được ghi lại trong những tài liệu công khai hay bí mật. Trong nửa thế kỷ qua, về mối liên hệ giữa Mỹ và Việt Nam, những người trong cuộc đã viết hồi ký, hoặc trả lời phỏng vấn về vai trò của mình, cũng như những tài liệu mật hay tối mật, phần lớn đã được giải mật, không thấy tài liệu nào nói tới ý định hay đòi hỏi của Mỹ muốn lập căn cứ quân sự thường trực tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có chứng cớ từ năm 1961, đã có nhiều đề nghị — từ cả giới quân sự và chính trị — đem quân Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam. Nhưng điều quan trọng là, tất cả những đề nghị này, đều đã bị Tổng Thống John Kennedy bác bỏ.

Để hiểu rõ diễn tiến đưa tới cuộc đảo chánh 1963, có thể chia thời gian hơn 9 năm cầm quyền của Thủ Tướng rồi Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành ba giai đoạn. Năm đầu tiên, từ mùa Hè 1954 đến mùa Hè 1955 là giai đoạn thoát hiểm. Từ giữa năm 1955 đến cuối 1960, là giai đoạn ổn định và xậy dựng. Từ đầu 1961 đến cuối 1963 là giai đoạn chuyển tiếp, suy sụp và bị lật đổ.

Giai đoạn đầu, tuy có sự giúp đỡ to lớn của Hoa Kỳ, nhất là về tài chánh và phương tiện cho cuộc di tản và tái định cư hàng triệu người tị nạn Cộng Sản từ miền Bắc, nhưng ông Diệm thoát hiểm không phải hoàn toàn nhờ ở Hoa Kỳ, mà một phần nhờ vào hậu thuẫn của quần chúng và các đảng phái quốc gia. Chính Hoa Kỳ có lúc đã định bỏ rơi ông Diệm trong giai đoạn phôi thai này.

Sau khi thoát hiểm, anh em ông Diệm bắt đầu củng cố lực lượng riêng của mình gồm Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia ở bề mặt, và Cần Lao là nòng cốt. Về phía Mỹ, “thoát hiểm” là khoản vốn bảo chứng cho một chính sách tích cực ủng hộ. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đứng đầu là Ngoại Trưởng Foster Dulles, đã trở thành pháo đài kiên cố bảo vệ chế độ của Tổng Thống Diệm. Ngoài viện trợ dồi dào, những “Người Mỹ bạn của Việt Nam” gồm toàn những nhân vật thế lực từ chính khách tới danh tướng và nhất là các ông vua truyền thông, đã hợp sức biến Tổng Thống Diệm thành một “kỳ nhân” (miracle man).

John Foster Dulles – Ngoại trưởng thời Eisenhower

Ưu điểm của chế độ dân chủ là sự đổi mới sau mỗi nhiệm kỳ, nhưng khuyết điểm là thiếu liên tục, có khi lâm tình trạng hụt hẫng. Chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vững như bàn thạch trong 5 năm cuối cùng thuộc nhiệm kỳ của Tổng Thống Eisenhower. Nhưng “thần hộ mạng” của Tổng Thống Diệm là Ngoại Trưởng Dulles qua đời tháng Năm 1959. Cái “bàn thạch” là điểm tựa của Tổng Thống Diệm bắt đầu rạn nứt. Trong khi Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn Elbridge Durbrow chủ trương ông Diệm cần mở rộng chính quyền để được sự ủng hộ của dân chúng trong chính sách chống cộng, ông Diệm lại cho rằng mở rộng dân chủ là giúp cho cộng sản và tay sai lợi dụng. Khi Đại Sứ Mỹ tăng sức ép, ông Diệm tỏ ý không muốn Việt Nam là một nước bị bảo hộ như thời Pháp, điều mà ông đã cố thoát ra khi còn là một ông quan trẻ tuổi, và rằng chủ quyền và trách nhiệm của chính phủ là điều không thể coi nhẹ.

Ngày 9 tháng 11 năm 1960, Nghị Sĩ Kennedy thắng cử tổng thống, với một tỷ lệ rất thấp trước Phó Tống Thống Nixon. Hai ngày sau, 11 tháng 11, cuộc đảo chánh bất thành diễn ra tại Sài Gòn. Từ những chỉ trích của Đại Sứ Durbrow trước đó đối với ông Diệm, tới cuộc đảo chánh diễn ra ngay sau khi ông Kennedy đắc cử, và có cả bằng chứng ít nhất một nhân viên ngoại giao Mỹ có mặt bên các lãnh tụ đảo chánh, khiến mối nghi ngờ của Dinh Độc Lập đối với ê-kíp mới làm chủ Bạch Ốc có cơ sở.

Trước khi ra đi, Tổng Thống Eisenhower căn dặn ông Kennedy phải cố giữ Ai Lao bằng mọi giá, kể cả việc Mỹ phải một mình bảo vệ Ai Lao và xử dụng võ khí hạt nhân loại nhỏ, nếu cần. Vì nếu để Ai Lao vào tay Cộng Sản, cả Đông Nam Á sẽ tiêu tùng.

Tướng Edward Lansdale và TT. Ngô Đình Diệm (Ành: Douglas Pike Collection)

Edward Lansdale, từ năm 1954 đã là một cố vấn Mỹ thân cận, và là một người bạn của ông Diệm, gặp ông hầu như hàng ngày. Nhưng khi tình thế ổn định, thay vì mở rộng tự do dân chủ để đạt được hậu thuẫn của dân chúng, ông Nhu bắt đầu chèn ép đối lập, gây bất mãn trong giới trí thức và đảng phái. Khi biết Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chẳng những không chống, còn giúp anh em ông Diệm gây dựng phe đảng của mình để tập quyền, Lansdale thất vọng, xin về Mỹ, mặc dầu vẫn giữ cảm tình sâu đậm với ông Diệm.

Từ khi rời Việt Nam vào cuối năm 1956, Edward Lansdale vẫn muốn có dịp trở lại Sài Gòn. Tổng Thống Diệm cũng muốn thế. Nhưng con người không muốn khép mình trong hệ thống quyền lực cứng nhắc như Lansdale đã bị chống đối khắp nơi, từ Washington tới Sài Gòn. Trong hai tuần đầu tháng 01 năm 1961, trước khi Tổng Thống Kennedy nhậm chức, Lansdale đã lên tướng, tự xoay xở được một chuyến đi, với tư cách Quyền Trưởng Phòng Hành Quân Đặc Biệt thuộc Bộ Quốc Phòng, tới Việt Nam để lượng định tình hình. Theo nhận định của ông, tình hình VN thời gian này khá bi quan. Tuy bề ngoài vẫn có vẻ ổn định, nhưng tại những nơi xa thành thị, tình hình an ninh rất bất ổn. Dân chúng sống trong cảnh lo sợ, nhất là về đêm, dưới quyền sinh sát của cán binh Việt Cộng.

Trở về Washington hai ngày trước khi Tổng Thống Kennedy nhậm chức. Kèm theo báo cáo bi quan về tình hình VN gửi Bộ Trưởng Quốc Phòng sắp mãn nhiệm Thomas Gates (Bố của Bộ Trưởng QP Robert Gates thời Bush-Obama) là một bản ghi nhớ, tả lại chuyến đi tới khu Hải Yến của Cha Nguyễn Lạc Hóa ở Bình Hưng, Cà Mâu. Một “an toàn khu”, với võ khí thô sơ, do dân làng là những người gốc Hoa tị nạn cộng sản, tự tổ chức phòng thủ, nằm giữa nơi đầy Việt Cộng chung quanh, mà địch quân không làm gì được. Lansdale coi đó là mẫu mực của chiến tranh chống du kích. Một cố vấn của tân tổng thống Kennedy là Walter Rostow được đọc báo cáo của Lansdale, ưng ý, đề nghị Tổng Thống Kennedy nên đọc. Một tuần sau khi nhậm chức, ngày 28 tháng 01, 1961, Lansdale được gọi tới Bạch Ốc họp cùng với Tổng Thống, các viên chức cao cấp Bạch Ốc, gồm cả Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao, để thảo luận về tình hình Việt Nam. Dịp này, Tổng Thống Kennedy đã chấp thuận kế hoạch chống nổi dậy tại VN (CIP – Counterinsurgency Plan) gồm đề nghị tăng viện trợ để tăng quân và lực lượng bảo an, đồng thời, yêu cầu ông Diệm mở rộng thành phần chính phủ. Cũng dịp này, Tổng Thống Kennedy cho biết ông muốn đề cử Lansdale làm Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, nhưng Ngoại Trưởng Dean Rusk phản đối. Ông Rusk vốn là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, không thích lối làm việc “tùy tiện” của Lansdale.

Trái với thời kỳ tương đối phẳng lặng kéo dài từ 1955 đến 60, trước và sau khi Tổng Thống Kennedy nhậm chức, đã có nhiều chuyện quan trọng xẩy ra liên hệ tới tình hình VN. Sau khi quyết định chiếm miền Nam bằng võ lực qua Nghị Quyết 15, Hà Nội tổng động viên vào tháng Tư 1960, bắt đầu gửi quân vào Nam. Bốn tháng sau, đại úy Kong Le đảo chánh ở Lào, theo đường lối trung lập. Bốn tháng sau nữa, Liên Xô lập cầu không vận tiếp tế cho lực lượng trung lập của Kong Le vào đấu tháng 12. Hai tuần sau, Hà Nội cho ra mắt tại miền Nam “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng” vào ngày 20-12. Ngày 06 tháng 01, 1961, Nikita Khruskchev đọc diễn văn chống Mỹ và hứa ủng hộ chiến tranh giải phóng tại khắp nơi.

Ngày 9 tháng 4, 1961, ông Diệm tái đắc cử tổng thống. Mười hôm sau, Mỹ thất bại chua cay trong vụ giúp người lưu vong Cuba đổ bộ Vịnh Con Heo. Vì vụ thất bại này, Kennedy không giám quyết tâm cứu Lào. Thay vì bảo vệ Lào bằng mọi giá như lời khuyên của vị tiền nhiệm Eisenhower, Kennedy tìm giải pháp bảo vệ nền trung lập của Lào, qua bàn hội nghị. Hội nghị về Lào khai mạc tại Genève ngày 16 tháng Năm, 1961. Rồi đầu tháng Sáu, lại xẩy ra vụ khủng hoảng Berlin.

Trước hội nghị Genève về Lào, Tổng Thống Kennedy cử Phó Tổng Thống Lyndon Johnson tới gặp ông Diệm tại Sài Gòn, từ 11 đến 13 tháng Năm, 1961. Dịp này, Johnson đưa cho ông Diệm một văn thư của Kennedy gợi ý về việc gia tăng các phi vụ chống lại quân cộng sản, cũng như tăng quân lực VN thêm 20.000 người. Johnson cũng thảo luận về yêu cầu của chính quyền Kennedy là ông Diệm mở rộng thêm cho đối lập trong nước và cho dân chúng được hưởng thêm tự do. Nhưng không có lúc nào Johnson đề cập tới việc gửi quân Mỹ chiến đấu tới Việt Nam. Ông ấy cam đoan với ông Diệm là sẽ gửi máy bay trực thăng và phương tiện cần thiết cho việc tăng quân.

Vài ngày sau, các ông Diệm và Johnson có cuộc họp thứ nhì với nhiều tranh luận hơn. Ông Diệm nhấn mạnh Nam VN cần thêm 120.000 quân trên số 150.000 đã sẵn có, và không thể cáng đáng nổi. Ông Johnson hỏi liệu ông Diệm có chấp nhận quân Mỹ chiến đấu không. Ông Diệm nói chỉ chấp nhận nếu nước ông bị tấn công, nhưng ông yêu cầu thêm nhân viên Mỹ để huấn luyện cho quân lực Việt Nam.

Bốn tháng sau, vào tháng 10, 1961, ông Kennedy gửi cố vấn quân sự là Tướng Maxwell Taylor tới Sài Gòn để trực tiếp lượng định tình hình. Phái đoàn rời Washington ngày 17, ngoài Tướng Taylor còn cố vấn an ninh Walt Rostow, Tướng Lansdale và một số chuyên viên khác. Lansdale, chỉ được coi là chuyên viên trong phái đoàn, không được dự trù có mặt trong thành phần họp với ông Diệm. Nhưng khi phái đoàn vừa tới Sài Gòn, Lansdale đã được mời đi thẳng từ phi trường tới Dinh độc Lập họp riêng với anh em ông Diệm. Lansdale được ông Diệm cho biết ông vừa ban bố tình trạng khẩn trương để đối phó với trận lụt lớn ở miền Tây, và tình hình an ninh chung. Ông Diệm cũng hỏi thẳng Lansdale liệu ông có thể tin tưởng vào chính quyền Kennedy được không? Trong cuốn Edward Lansdale, the Unquiet American xuất bản năm 1988, tác giả Cecil B. Currey đã kể lại cuộc gặp gỡ giữa anh em Tổng Thống Diệm và Tướng Edward Lansdale tại Dinh Độc Lập ngày 18 tháng 10, 1961:

Nhiều năm sau, Lansdale tiết lộ: “Tôi chưa bao giờ nói với ai điều này. Diệm xác nhận rằng ông đã yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ gửi quân chiến đấu Mỹ tới Việt Nam. Lansdale buồn rầu nhìn bạn mình. “Phải chăng ông đã đạt tới tình trạng khiến ông sẽ phải cần đến họ để sống còn?” Ông Nhu có mặt, và giống như chuyến trước của Lansdale, bắt đầu trả lời thay cho anh mình. Lansdale chặn ông ta. “Tôi hỏi anh ông những câu đó, không hỏi ông!” Cả hai người Việt ngồi yên lặng một lúc. Rồi ông Diệm trả lời. “Ông muốn nói rằng tôi không nên yêu cầu gửi quân? Lansdale hỏi một câu khác. “Ông có cần họ không?” Ông Diệm không trả lời ngay và cuối cùng nói “Thật ra, không cần”. Lansdale dịu giọng góp ý “Nên giữ như thế”. Sau này ông nói, “Tôi chống lại việc mang quân chiến đấu tới. Tôi đã nhìn thấy người Pháp làm và phác họa rằng chứng ta cũng sẽ làm như họ thôi – ngay cả với ý hướng tốt”. (tr. 238)

Hôm sau, 19 tháng 10, Taylor và Rostow họp với anh em ông Diệm trong bốn giờ. Ông Diệm than phiền không hiểu tại sao chính quyền Hoa Kỳ [thời Kennedy] chưa chính thức cam kết giúp đỡ nước ông, do đó ông lo ngại Hoa Kỳ có thể bỏ rơi Việt Nam. Ông Diệm không hề đề cập việc mang quân chiến đấu Mỹ tới Việt Nam. Nhưng chính Tướng Taylor nêu vấn đề này ra hỏi ông Diệm.

Trước khi rời Việt Nam, Taylor và Rostow có cuộc họp chót với ông Diệm. Tayor hỏi thẳng ông Diệm có muốn nhận một đạo quân lớn của Mỹ tới như một “lực lượng cứu lụt”, gồm các nhân viên về y tế, thông tin, cơ khí, cùng với một số quân chiến đấu để bảo vệ an ninh cho họ. Ông Diệm đồng ý. Taylor đánh điện cho Tổng Thống Kennedy, đề nghị gửi một đạo quân từ sáu đến tám ngàn người. Trong khi dừng chân tại Baguio ở Philippines trên đường về Mỹ, Taylor gửi điện cho Tổng Thống Kennedy yêu cầu gửi ngay đạo quân này, coi như nỗ lực đóng góp với Nam VN để cứu lụt, đồng thời chặn đứng việc cộng sản xâm lấn Miền nam. Taylor cũng đề nghị Hoa Kỳ cứu xét việc ném bom Bắc Việt.

Nhưng Ngoại Trưởng Dean Rusk không đồng ý với đề nghị của Tướng Taylor. Ông nới với Tổng Thống Kennedy rằng Hoa Kỳ không nên can dự về quân sự, cho đến khi ông Diệm chịu cải tổ về chính trị.

Tướng Maxwell Taylor, Bộ trưởng Quốc Phòng Robert MacNamara và TT. Kennedy thảo luận về VN (tháng 9 năm 1963)

Ngược lại, đề nghị của Taylor được sự đồng ý của Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Thứ Trưởng QP Gilpatrick, và Bộ Tham Mưu Liên Quân (JCS). Trong khi ủng hộ việc gửi quân, JCS cũng báo động rằng, lực lượng 8.000 người không có là bao, không đủ để làm thay đổi cán cân lực lượng, và khó tránh được việc gửi thêm quân.

Trong báo cáo chính thức gửi cho Tổng Thống Kennedy ngày 03 tháng 11, 1961, Taylor đề nghị mang quân chiến đấu vào Việt Nam. Điều này khiến Tổng Thống Kennedy rất bối rối, vì từ đầu ông đã không muốn vậy. Nhưng nếu công luận biết có đề nghị này, mà ông từ chối, thì sẽ bị phe bảo thủ chỉ trích là quá mềm yếu trước cộng sản. Vì thế, ông đã không công bố đề nghị của Taylor, liệt nó vào loại “tuyệt mật” (eyes only), trong khi nói với báo chí là Taylor không đề nghị gửi quân, và ông cũng ra quyết định ngày 11 tháng 11 là không gửi quân chiến đấu tới VN.

Theo sử gia Arthur Schlesinger Jr. viết trong Robert Kennedy and His Times, Tướng Taylor sau này nói rằng, khi nhận báo cáo của ông “Tôi không nhớ có ai đã mạnh mẽ chống lại đề nghị gửi quân, trừ một người, và người đó là tổng thống. Tổng thống không muốn bị thuyết phục rằng đó là chuyện phải làm…. Đó chính là tin tưởng cá nhân của tổng thống rằng quân chiến đấu của Mỹ không nên vào [Việt Nam]”.

Vẫn theo ông Schlesinger, ngay từ trước khi phái đoàn Taylor/Rostow đi Sài Gòn, Tổng Thống kennedy đã kiếm được một đồng minh quan trọng, là tướng Douglas McArthur. Vị danh tướng từng đánh bại Nhật Bản và chặn đứng được làn sóng cộng quân tại Triều Tiên, ngay từ tháng Tư 1961 đã cả quyết với Tổng Thống Kennedy rằng sẽ là một sai lầm nếu chiến đấu tại Đông Nam Á. Và rằng “chúng ta sẽ điên khùng nếu đánh trên lục địa Á châu, và tương lai của Đông Nam Á nên được quyết định tại bàn hội nghị”. Quan điểm của Tướng McArthur đã hoàn toàn chinh phục Tổng Thống Kennedy, đến nỗi, sau này, nếu có ai bàn khác đi, ông ấy đều nói rằng: “Các anh hãy tới thuyết phục Tướng McArthur đi, rồi tôi sẽ chịu thuyết phục”.

Cho đến hai năm sau, là cuối 1963, vẫn còn viên chức Mỹ nêu ý kiến gửi quân Mỹ tới tham chiến tại Việt Nam, nhưng đã bị phản đối ngay. Theo Rufus Phillips kể lại trong Why Vietnam Matters, về cuộc họp tại Bạch Ốc sáng ngày 10 tháng 9 năm 1963, dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Kennedy, để nghe báo cáo về chuyến đi cấp tốc tới Việt Nam lượng định tình hình tại chỗ của Tướng Krulax thuộc Bộ Quốc Phòng, và ông Mendenhall thuộc Bộ Ngoại Giao: Sau khi nghe báo cáo tốt đẹp về tình hình quân sự của Krulax và tình hình bi quan về chính trị của Mendenhall, Tổng Thống Kennedy đã hỏi một cách mỉa mai “Có phải hai ông cùng tới một nước không?” Sau khi Rufus Phillips — một viên chức cao cấp của Mỹ về chương trình Bình Định Nông thôn vừa từ Vịêt Nam về — trình bầy ý kiến của mình, là đến lượt John Mecklin, giám đốc thông tin Mỹ (USIS) tại Sài Gòn lên tiếng. “Ông ấy nghĩ rằng chúng ta nên trực tiếp phái quân lực Mỹ tới Nam Việt Nam để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh. Tới điểm này, phòng họp ồn ào lên, Tướng Taylor (mặc dầu từng đề nghị đem quân chiến đấu tới VN vào năm 1961) cương quyết ‘Không, không, không thể được trong mọi trường hợp!’ Tôi kinh ngạc về đề nghị của Mecklin. Tôi không biết ông ta đã lấy ý tưởng đó từ đâu. Nó đánh lạc sự chú ý từ vấn đề chính, đó là thực tế đối phó với ông bà Nhu. Đến lượt McCone (giám đốc CIA) biện luận rằng quân đội Việt Nam có thể làm việc với Nhu, và rằng tình hình không đến nỗi tệ như báo cáo. Harriman nói rằng tình hình rõ ràng đang tan vỡ và rằng chúng ta không thể tiếp tục với Diệm”.



John John vào thăm Bố trong tòa Bạch Ốc, 15 tháng 10, 1963


Trong một vụ án, khó nhất là tìm ra thủ phạm. Khi thủ phạm đã nhận tội, tìm nguyên nhân là điều không khó.

Tổng Thống John Kennedy đã nhận mình là “chính phạm”, và khai rõ những ai là “tòng phạm”. Qua “lời tự khai” được thu băng chỉ kéo dài 5 phút (kể cả gần 2 phút nói truyện với con), ông Kennedy, sau khi nhận trách nhiệm của mình, đã “khai” rõ những ai chống, và những ai chủ trương đảo chánh. Tìm hiểu về quan điểm và chủ trương của từng người, sẽ biết nguyên nhân cuộc đảo chánh. Bản ký tự từ một cuốn băng giải mật vào năm 1998, được thu tiếng tại Bạch Ốc vào chiều ngày Thứ Hai 04 tháng 11, 1963 (hơn một ngày sau khi anh em ông Diệm bị giết), và hiện được lưu trữ tại Thư Viện Tổng Thống Kennedy ở Boston, cho biết như sau:

    Tổng Thống Kennedy: Cuộc đảo chánh đã xẩy ra tại Sài Gòn vào cuối tuần. Nó là tột đỉnh của cuộc thảo luận trong ba tháng về một cuộc đảo chánh, một cuộc thảo luận đã gây chia rẽ trong chính quyền ở đây và ở Sài Gòn.

    Chống lại một cuộc đảo chánh là Tướng [Maxwell] Taylor, Bộ Trưởng Tư Pháp [Robert Kennedy], Bộ Trưởng [Quốc Phòng Robert] McNamara, [chống đối] ở mức độ thấp hơn là John McCone, một phần vì mối hiềm khích cũ đối với [Henry Cabot] Lodge [Jr.] khiến ông ta thiếu tin tưởng vào sự phán đoán của Lodge, một phần là kết quả của mối hiềm khích mới vì Lodge đã thay thế trưởng cơ sở [CIA] của ông ta tại Sài Gòn; thiên về cuộc đảo chánh là Bộ Ngoại Giao, dẫn đầu bởi Averell Harriman, George Ball, Roger Hilsman, được hậu thuẫn bởi Mike Forrestal tại Bạch Ốc.

    Tôi cảm thấy chúng ta phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm vì nó đã khởi sự bằng điện văn của chúng ta gửi vào đầu* tháng Tám trong đó chúng ta gợi ý cuộc đảo chánh. Theo nhận định của tôi điện văn đó đã được thảo quá tệ, đáng lẽ nó không bao giờ được gửi đi vào một ngày Thứ Bảy. Đáng lẽ tôi đã không nên chấp thuận nó mà không qua một cuộc thảo luận bàn tròn để qua đó McNamara và Taylor có thể trình bầy quan điểm của họ. Trong khi chúng ta đã sửa lại tầm mức của nó trong các điện văn sau đấy, chính điện văn đầu tiên ấy đã khuyến khích Lodge theo chiều hướng ông ta đã muốn tiến tới. [Tướng Paul] Harkins tiếp tục chống đối cuộc đảo chánh trên căn bản là nỗ lực quân sự đang tiến hành tốt đẹp. Có một rạn nứt rõ ràng giữa Sài Gòn và phần còn lại của đất nước. Tình hình chính trị đang suy thoái. Mặt quân sự đã không bị ảnh hưởng; tuy nhiên, có cảm nhận rằng nó sẽ bị ảnh hưởng. Vì lý do này, Bộ Trưởng McNamara và Tướng Taylor ủng hộ việc tăng thêm áp lực đối với Diệm và Nhu để họ thay đổi.

    (Đến đây có tiếng hai con nhỏ của Tổng Thống Kennedy, John John 3 tuổi và Caroline 6 tuổi, đối thoại với Bố trong giây lát về chuyện trẻ con, như tại sao lá rụng, tại sao có tuyết…., trước khi Kennedy tiếp tục)

    TT Kennedy: Tôi đã bị sốc về cái chết của Diệm và Nhu. Tôi đã gặp Diệm với Thẩm Phán Tối Cao Douglas nhiều năm trước. Ông đã là người có cá tính ngoại hạng và trong khi ông trở thành khó khăn vào những tháng vừa rồi nhưng trong khoảng mười năm qua ông đã giữ vững nước ông để duy trì được nền đôc lập dưới những nghịch cảnh rất khó khăn. Cách mà ông đã bị giết thật là kinh khủng. Vấn đề bây giờ là liệu các tướng có thể đoàn kết với nhau để cùng xây dựng một chính quyền ổn định hay là Sài Gòn sẽ bắt đầu, công luận tại Sài Gòn, trí thức, sinh viên, vân vân sẽ chỉ trích chính quyền này như là áp bức và phi dân chủ trong một tương lai không xa”.

    (Dịch theo bản ký tự từ băng tổng thống ghi lại lời Tổng Thống Kennedy thu tiếng ngày 4 tháng 11, 1963, item 52.1, JFKL).

“Lời khai” của Tổng Thống Kennedy, tuy có thể ghi gọn trong một trang giấy, nhưng đã chứa đựng hầu hết những thông tin quan trọng cho việc truy tìm nguyên nhân của vụ án.

Trong lời ghi âm của Tổng Thống Kennedy, ông đã nhắc tới điện văn được “gửi vào đầu tháng Tám”. Đúng ra, đây là điện văn mang số 243 được gửi váo cuối tháng Tám, chính xác là vào hồi 9 giờ 36 phút tối Thứ Bảy, 24 tháng 8, 1963, từ Bộ Ngoại Giao Mỹ ở Washington, cho Đại Sứ Lodge ở Sài Gòn.

Sau khi ông Nhu ra lệnh tấn công chùa vào 21 tháng 8, Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sàigòn đã điện về Bộ Ngoại Giao hỏi ý kiến là Mỹ sẽ có thái độ như thế nào. Điện tới Bộ Ngoại Giao vào chiều Thứ Bảy, đã được ba giới chức cao cấp có mặt đọc và trả lời, là các ông Averell Harriman, Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách Đông Nam Á, Roger Hilsman, Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Đông Nam Á, và Michael Forrestal, nhân viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại Bạch Ốc. Điện văn mở đầu:

    Hiện đã rõ là dù giới quân sự đề nghị ban hành lệnh thiết quân luật hay là ông Nhu lừa gạt họ làm như vậy, ông Nhu cũng đã lợi dụng lệnh ấy để tấn công chùa bằng cảnh sát và Lực Lượng Đặc Biệt của Tung trung thành với ông ta, như thế để đổ trách nhiệm cho quân đội trước con mắt của thế giới và nhân dân Việt Nam. Cũng đã rõ là ông Nhu đã dùng thủ đoạn để nắm lấy vai trò điều khiển.

    Chính phủ Mỹ không thể dung dưỡng tình trạng quyền hành nằm trong tay ông Nhu. Ông Diệm phải có cơ hội để loại ông Nhu và phe đảng của ông này, và thay thế họ bằng những nhân vật dân sự và quân sự tốt nhất có thể.

    Mặc dầu tất cả cố gắng của các ông, nếu ông Diệm vẫn còn cương quyết từ chối, khi ấy chúng ta sẽ phải đứng trước khả năng là ngay cả ông Diệm cũng không được duy trì…”

    Đây là lần đầu tiên Washington nói thẳng ông Diệm có thể bị thay thế.

Như Tổng Thống Kennedy đã nói, điện văn quan trọng này đáng lẽ không nên được gửi đi. Nhưng ba nhân vật thảo ra nó đã cố gửi đi được, và sáng Thứ Hai 26 tháng 8, 1963, vì Bộ Trưởng McNamara và Tướng Taylor phản đối, Tổng Thống Kennedy đã họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thảo luận về vụ này. Nhưng khi lấy biểu quyết, không ai đồng ý “hủy bỏ” (cancel).

Theo tiết lộ của Tổng Thống Kennedy, có hai phe chống và chủ trương đảo chánh. Trong bốn người chống, có ba người từng chủ trương gửi quân chiến đấu tới Việt Nam, là Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Tướng Marxwell Taylor, và Tướng Paul Harkins. Như vậy, không thể nói Mỹ chủ trương đảo chánh lật ông Diệm để có thể mang quân tới Việt Nam, vì những người từng đề nghị mang quân tới, chính là những người chống đảo chánh.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara và Tướng Maxwell Taylor trò chuyện trước một buổi họp trong Ngũ Giác Đài (Argenta Images)

Về Tổng Thống Kennnedy, khi trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo ngày 5 tháng Năm 1961 về việc có gửi quân tới Việt nam không, ông Kennedy nói: “Vấn đề quân đội… chuyện chúng ta sẽ làm gì để giúp Việt Nam có được nền độc lập là … chuyện còn đang được cứu xét”. Ông Kennedy không nói rõ, vì ở thế kẹt. Trước công luận, nếu khẳng định không gửi quân, sẽ bị chỉ trích là không cứng rắn đủ với cộng sản, trong khi ấy, bản thân ông không chủ trương gửi quân và đã bác bỏ mọi đề nghị gửi quân. Trong cuộc phỏng vấn về “Chiến Tranh Lạnh” ngày 8 tháng Sáu, 1996, Roger Hilsman nói: “Ông ấy (Kennedy) từng nói với tôi – tôi là Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Đông Á, do đó tôi có trách nhiệm về Việt Nam – chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp họ (VN), nhưng chúng ta sẽ không đánh, chúng ta sẽ không gửi một người lính Mỹ nào tới đó để đánh”. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Hilsman cho biết thêm:

“Kennedy bắt đầu khi còn là một dân biểu trẻ, rất ủng hộ Ngô Đình Diệm, tin rằng Ngô Đình Diệm có thể thắng, nhưng rồi xẩy ra chuyện Vịnh Con Heo, nếu vụ này không xẩy ra trước, câu chuyện đã có thể khác. Nhưng Kennedy tiếp tục rói rằng, anh biết đấy, làm sao tôi có thể đòi hỏi dân Mỹ chiến đấu ở Việt Nam, một nơi xa nước Mỹ chín ngàn dặm, mà không chiến đấu ở Cuba, chỉ cách nước Mỹ có chín mươi dặm? Vì thế, ông đã quyết tâm giúp VN tất cả những gì ông có thể, nhưng không đánh”.

Roger Hilsman, Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Đông Á dưới thời TT Kennedy (từ chức năm 1964 – vì bất đồng với chính sách về chíến tranh Việt Nam của TT Johnson –và được thay thế bởi William Bundy)

Trong khi ấy, những người chủ trương đảo chánh lại  là những người kịch liệt chống lại việc mang quân Mỹ tới chiến đấu tại Việt Nam.

Vẫn theo tiết lộ của ông Kennedy, “thiên về cuộc đảo chánh là Bộ Ngoại Giao, dẫn đầu bởi Averell Harriman, George Ball, Roger Hilsman, được hậu thuẫn bởi Mike Forrestal tại Bạch Ốc”. Tại sao Bộ Ngoại Giao và những người này chủ trương lật đổ ông Diệm?

Dưới thời Tổng Thống Eisenhower, Ngoại Trưởng Foster Dulles theo đuổi chính sách cứng rắn với cộng sản Á Châu, và tích cực ửng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm. Đứng đầu bộ ngoại giao thời Tổng Thống Kennedy là Dean Rusk, ông này vốn là một viên chức ngoại giao chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm thừa hành hơn là nắm vững về chính sách. Theo các tác giả của The Wise Men, khi chọn ngoại trưởng, tổng thống mới đắc cử John Kennedy nghĩ rằng Tổng Thống Eisenhower đã cho Ngoại Trưởng Dulles quá nhiều quyền, do đó, ông muốn tự mình định đoạt chính sách ngoại giao. Ông đã chọn ông Dean Rusk như một người thừa hành. Ông này, sau có danh hiệu là “Ông Phật”, mỗi lần họp hội đồng an ninh quốc gia, chỉ ngồi mỉm cười, thường không nói gì, cũng không ai biết ông nghĩ gì. Cho nên, khi Tổng Thống Kennedy nói Bộ Ngoại Giao chủ trương đảo chánh, Ngoại Trưởng Dean Rusk có thể coi là vô can. Mọi mưu cơ đều do Averell Harriman.


Từ trái qua phải: Bộ trưởng Ngoại Giao chỉ định (Secretary of State designated) Dean Rusk, Bộ trưởng Ngoại Giao Christian Herter (dưới thời Eisenhower – thay thế John Foster Dulles khi Dulles bị bạo bệnh năm 1959), TT đắc cử Kennedy, và TT Eisenhower trong một buổi họp ở Tòa Bạch Cung, ngày 19 tháng 1 năm 1961)

Averell Harriman

Trong các viên chức cao cấp thuộc đảng Dân Chủ còn lại từ thời chính quyền Truman được ông Kennedy mời tham gia chính phủ hay hỏi ý kiến, ông Averell Harriman bị tân tổng thống bỏ qua. Tuy vậy, ông cũng được tân Ngoại Trưởng Dean Rusk dành cho chức “đại sứ lưu động”, sai đi ngoại quốc khi cần thiết. Đối với Tổng Thống Kennedy, Harriman thuộc hàng cha chú trong đảng. Ông đã là Bộ Trưởng Thương Mại từ thời Truman, thống đốc New York, đặc sứ của Tổng Thống Roosevelt tại châu Âu. Ông Harriman đã theo cha sang Nga khi Nga Hoàng còn trị vì, sau này là đại sứ Mỹ tại Moscow, là người Mỹ gặp Stalin nhiều nhất, và được Khrushchev ưa thích. Khi phải thương thuyết với Liên Xô về Lào, Kennedy mới nhờ tới Harriman, và nói với ông ta: “Tôi muốn một sự xếp đặt qua thương nghị. Tôi không muốn can thiệp bằng quân sự”.



Averell Harriman trên bìa báo Time số ra ngày 2 tháng 8 năm 1963

Tổng Thống Kennedy chọn ông Averell Harriman – từ công tác tại hội nghị Genève về Lào – vào chức Phụ Tá Ngoại Trưởng về Đông Nam Á vào tháng 11 năm 1961. Harriman là người mạnh mẽ chống lại đề nghị của Tướng Taylor gửi một đạo quân từ sáu đến tám ngàn người tới VN vào năm 1961. Tháng Ba 1963, Harriman được thăng chức từ Phụ Tá Ngoại Trưởng lên Thứ Trưởng đặc trách về chính trị. Mặc dầu vào năm 1954, Harriman trong số những chính khách chủ trương sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á, nhưng ít năm sau, ông lại muốn Việt Nam là một vùng trung lập như Lào. Vào thời kỳ hội nghị về Lào kết thúc giữa năm 1962, Harriman đã tìm cơ hội thương thuyết với Hà Nội. Để tránh sự theo dõi của phái đoàn VNCH, Harriman cùng với Bill Sullivan vào một con hẻm ở Genève, đi qua một cửa hậu nhà bếp để gặp Ngoại Trưởng Bắc Việt Ung Văn Khiêm, nhưng Khiêm cực lực phủ nhận vai trò của Hà Nội, nói rằng “Bắc Việt không can dự chi hết tới cuộc chiến tại Nam VN”.

Averell Harriman, TT Ngô Đình Diệm, và Đại sứ Frederick Nolting trong buổi họp tại Dinh Độc Lập ngày 20 tháng 9 năm 1961

Để vận động cho sự thành công của hội nghị về Lào, Harriman đã tới Sài Gòn, thảo luận gay go với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và có gặp cả ông Ngô Đình Nhu. Bên nào cũng hăng say biện luận cho quyền lợi của nước mình. Nước Mỹ sợ thất bại ở Lào, đạt được một thỏa hiệp “trung lập” ở đây là điều tốt nhất. Còn sau này, nếu nền trung lập đó không được tôn trọng, là lỗi của cộng sản, không phải của Mỹ. Với anh em ông Diệm, trung lập ở Lào là mở cửa cho cộng sản thôn tính Nam VN, phải kịch liệt chống lại. Mỹ và VNCH là đồng minh, nhưng quyền lợi hai bên trong vụ này hoàn toàn trái ngược. Cả hai bên cùng thông thạo tiếng Pháp. Khi tranh luận trực tiếp bằng cùng một ngôn ngữ, càng hăng hái, sự khác biệt càng dễ biến thành thù địch. Dù tức giận, Sài Gòn chẳng làm gì được Harriman, và cuối cùng, cũng phải ký vào hiệp định về Lào. Nhưng Harriman đã có biệt danh “cá sấu”. Tại bàn hội nghị, mắt ông ta lúc nào cũng lim dim như mắt cá sấu nằm bên bờ lạch, lâu lâu “táp” một cái, con mồi khó thoát. Bobby Kennedy đã tặng ông ta một con cá sấu nhỏ bằng vàng, và nhân viên ông ta tặng một con bằng bạc, coi như kỷ vật “từ các nạn nhân”. Cá sấu Harriman đợi hơn một năm, táp được anh em ông Diệm.



Thứ trưởng Ngoại Giao George Ball và TT Johnson

Thứ Trưởng Ngoại Giao George Ball là người hăng hái thứ nhì sau Harriman cổ võ cho cuộc đảo chánh lật ông Diệm. George Ball cho rằng cần có một chính quyền được lòng dân ở Sài Gòn để dân không theo Việt Cộng. Việc tấn công chùa vào đêm 21 tháng 8 theo lệnh của ông Nhu càng làm cho George Ball tin rằng phải lật ông Diệm nếu ông không chịu loại ông Nhu khỏi chính quyền. Trước sự chống đối của các ông McNamara và Kennedy, George Ball vẫn khăng khăng: “Chúng ta không thể thắng cuộc chiến chống cộng sản nếu ông Diệm vẫn nắm quyền. Chúng ta phải quyết định bây giờ để tiến hành tới kết quả vụ lật đổ ông Diệm”.

George Ball cũng là người mạnh mẽ chống lại đề nghị đưa quân Mỹ vào chiến đấu ở Việt Nam. Theo ông “không ai đã có thể chứng tỏ rằng một lực lượng bộ binh da trắng lớn bất cứ cỡ nào có thể thắng một trận chiến du kích, mà cùng lúc lại là cuộc nội chiến giữa những ngưới Á châu”. Trước khi là Thứ Trưởng Ngoại Giao, George Ball là một luật sư sau chiến tranh thứ hai, lui tới Paris nhiều lần, hiểu rõ thất bại của Pháp tại Việt Nam, lo sợ Mỹ cũng có thể thất bại như thế. Trước đề nghị của Taylor/Rostow và Bộ Tham Mưu Liên Quân về việc mang quân chiến đấu vào VN hồi tháng 11, 1961, George Ball đã nói thẳng với Tổng Thống Kennedy: “Nếu đề nghị của Taylor/Rostow được thực hiện, trong vòng 5 năm nữa, chúng ta sẽ có 300.000 quân ở ruộng và rừng Việt Nam, rồi không bao giờ thấy lại họ nữa”. Kennedy thốt lên: “George, sao anh điên khùng như thế, chuyện ấy sẽ không bao giờ sẩy ra”.

Roger Hilsman

Roger Hilsman là giám đốc sở tình báo và nghiên cứu Bộ Ngoại Giao từ đầu 1961, được làm Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Đông Nam Á khi Harriman lên hàng Thứ Trưởng vào tháng Ba 1963, và đã cùng Harriman thảo ra điện văn 243 gửi cho Đại Sứ Lodge tối 24 tháng 8, 1963. Hilsman từng có kinh nghiệm chiến tranh du kích tại Miến Điện thời Thế chiến Thứ Nhì. Khởi đầu, Hilsman ủng hộ chương trình ấp chiến lược tại Nam Việt Nam, nhưng về sau thất vọng, cho rằng ông Nhu đã làm sai những gì thực hiện thành công tại Mã Lai.

Hilsman dựa vào quan điểm của RKG Thompson về ấp chiến lược đã được áp dụng thành công ở Mã Lai, theo đó: Đường tiếp tế không đi từ Bắc Kinh tới Việt Nam, mà từ dân làng tới các nhóm du kích. Cắt đường tiếp tế này, du kích sẽ đe dọa dân làng, vậy, phải bảo vệ dân làng. Khi được bảo vệ, dân làng sẽ tự tin, không sợ du kích nữa, và sẽ hợp tác, trung thành với chính phủ. Chương trình ấp chiến lược phải được thực hiện dần như vết dầu loang. Bình định trước, lập ấp sau để bảo vệ dân. Số lượng ấp tăng dần khi diện tích vùng an ninh tăng thêm. Cuối cùng, tất cả dân chúng đều được bảo vệ, có cuộc sống yên ổn, trong khi du kích quân cạn nguồn tiếp tế lương thực và nhân lực, không còn môi trường sống, bị tiêu diệt.

Vẫn theo Hilsman, chương trình ấp chiến lược tại Nam VN đã bị ông Nhu thực hiện hoàn toàn trái ngược: Không khởi đầu từ khu vực an ninh trước, mà từ những vùng “xôi đậu” (dân theo quốc gia và cộng sản sống lẫn lộn với nhau) thiếu an ninh nhất ở gần biên giới Cam Bốt. Thay vì bảo vệ dân, ông Nhu đã dùng việc thành lập ấp để sàng lọc dân, gây bất mãn trong dân chúng. Từ chỗ bất mãn, rất dễ làm nội ứng cho địch. Và vì nằm tại những vùng thiếu an ninh, chẳng bao lâu sau khi thành lập, ấp thường bị phá, gây tổn thất về tài sản và nhân mạng cho dân.

Theo Hilsman — hãnh diện là một trong số rất ít viên chức cao cấp Hoa Kỳ có kinh nghiệm bản thân về chiến tranh chống du kích — ông Nhu đã làm sai kế hoạch chống du kích, đã phung phí tiền viện trợ chống du kích vào mục tiêu riêng của mình, vậy, muốn cuộc chiến thành công, phải sớm loại ông Nhu. Nếu ông Diệm không chịu, thì phải chung số phận với em mình. Hilsman đã từng gặp ông Nhu ở Sài Gòn vào đầu năm 1963, được ông đãi tiệc và nghe ông nói truyện. Hilsman kể lai: “Ông ấy nói về xâm nhập Thái Lan và xâm nhập Lào và nói rằng anh phải trở về nói với tổng thống của anh rằng bây giờ là cơ hội Trời cho, để nắm lấy cả Đông Nam Á”. Cũng như Harriman, Hilsman tin vào lời đồn ông Nhu nghiện thuốc phiện, nên có đầu óc hoang tưởng.

Hoàn toàn không tin tưởng vào việc chống nổi dậy bằng chiến tranh quy ước, Hilsman cho rằng: tăng thêm quân là tuyển mộ thêm Việt Cộng, hơn là giết họ. Cho nên, hãy dùng các biện pháp chính trị, và tránh xa quân sự. Về vai trò của Mỹ tại Việt Nam, theo Hilsman: “Không thể dùng người Mỹ để xậy dựng quốc gia Việt. Người Việt phải làm điều đó, hay nó không được làm. Đấy là điều Tổng Thống Kennedy đã nói ‘Đó là cuộc chiến của họ. Họ phải thắng hay thua. Chúng ta chỉ có thể giúp họ’”.

Michael Forrestal

Người cuối cùng trong bốn người chủ trương đảo chánh đã được Tổng Thống Kennedy nêu tên, cũng là người trẻ nhất, mới 35 tuổi, là Michael Forrestal, nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Bạch Ốc. Là con của Bộ Trưởng Quốc Phòng James Forrestal, Michael đã được Harriman coi như con nuôi từ khi mồ côi cha vào năm 1949. Khi Harriman làm đại sứ Mỹ tại Moscow, đã cho cậu này theo làm phụ tá tùy viên Hải Quân. Theo The Wise Men, có lần Tổng Thống Kennedy đã nửa đùa nửa thật, nói rằng “công việc của Forrestal trong bộ tham mưu Bạch Ốc là ‘đại sứ của tôi tại cái nước được biết tới là Averell Harriamn’”. Tóm lại, Forrestal chỉ là một thứ thiên lôi chỉ đâu đánh đấy của Harriman.

Điểm qua chủ trương lập trường của các viên chức cao cấp Mỹ đã thúc đẩy cuộc đảo chánh năm 1963, tất cả họ đều chống lại việc mang quân Mỹ chiến đấu vào Việt Nam. Nhưng chỉ hơn một năm sau đảo chánh, Mỹ đã ồ ạt đổ quân vào tham chiến tại Việt Nam, nguyên nhân tại đâu?

***

Tổng Thống Lyndon Johnson là người không đồng ý cuộc đảo chánh. Tới Sài Gòn vào tháng Năm, 1961, ông đã công khai ca tụng Tổng Thống Ngô Đình Diệm là “Winston Churchill của Đông Nam Á”. Sau khi kế vị Kennedy, vì giận những người đã tích cực thúc đẩy đảo chánh, Hilsman là người đầu tiên bị ông Johnson loại bỏ, nhưng nhờ biết trước, đã xin nghỉ chỉ vài giờ trước khi chính thức bị sa thải. Còn Harriman, khi nhìn thấy Hilsman ra đi, nói “nếu tôi còn trẻ như anh, tôi cũng từ chức”. Vì không từ chức, đã bị Johnson coi thường, nói là người không đáng xách rác cho ông, bị ông giáng chức, cho đi Phi châu, trước khi trở lại địa vị làm cảnh là “đại sứ lưu động”.

Trong khoảng hơn một năm sau đảo chánh, Tổng Thống Johnson đã đưa quân chiến đấu vào Việt Nam, không phải vì Tổng Thống Diệm không còn nữa để ngăn cản, mà vì ông Diệm không còn nữa nên tình hình suy sụp mau lẹ. Ông Johnson phải lựa chọn: rút lui hay nhảy vào cứu nguy.

Trước hết, khó rút lui. Johnson phải tranh cử vào năm 1964, thời gian gấp rút, chỉ còn dưới một năm, ông phải làm thế nảo đề khỏi bị dán nhẫn nhiệu “tổng thống thua cuộc”. Mới làm chủ Bạch Ốc, ông Johnson đã nói với Đại Sứ Lodge, từng là ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng Hòa vừa về từ Sài Gòn: “Tôi sẽ không là Tổng Thống nhìn Đông Nam Á đi theo con đường của Trung Hoa” (mất về tay cộng sản). Nếu không thể rút lui, chỉ còn cách tiến tới.

Trong cuộc phỏng vấn thu hình để làm tài liệu cho hồ sơ “chiến tranh lạnh” vào ngày 03 tháng Sáu, 1996, trả lời câu hỏi tại sao sau khi cầm quyền ông Johnson đã gia tăng chiến tranh, và có cần làm thế không, Jack Valenti, phụ tá thân cận nhất của ông Johnson đã trình bầy khá rõ về hoàn cảnh của người bất ngờ kế vị Kennedy:

    Trước hết, Johnson đã chứng tỏ cho toàn quốc biết vào ngày 22 tháng 11, 1963, khi ông tuyên thệ nhậm chức trên Air Force One rằng, trong khi ngọn đèn tại Bạch Ốc có thể lập lòe, nhưng nó không bao giờ tắt, và để làm như thế, ông ấy phải chứng tỏ rằng di sản của Kennedy vẫn nguyên vẹn, và nó phải được tiếp tục đúng như vậy. Bốn ngày sau, ông ấy lên trước Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên bố: John Kennedy nói rằng ‘chúng ta hãy bắt đầu’, tôi nói rằng ‘chúng ta hãy tiếp tục’. Sau đó là, làm thế nào để rút ra? Làm thế nào để bỏ đi khi có tất cả bằng cớ chứng tỏ niềm tin của một tổng thống ôn hòa là chúng ta phải ở đó để răn đe xâm lược và một tổng thống cam kết giữ gìn di sản đó, rồi làm sao có thể nói như người Texas là “ôm đít bỏ đi”? Câu trả lời là không có sẵn lý do, hay lý do dễ dàng. Rồi chúng tôi làm điều bây giờ nhìn lại có thể là quyết định sai, trong đó, phía quân sự nói với Tổng Thống Johnson rằng chúng ta có thể thắng cuộc chiến dễ dàng bằng cách kéo quân vào, bằng cách ngăn chặn quân từ phía Bắc, và rồi bắt đầu bỏ bom vào năm 1965, và sau đó chúng ta có thể chặn đứng được Bắc Việt và rất có thể bắt họ ngồi bào bàn hội nghị. Vì thế, ông bắt đầu áp lực dần dần, dựa trên sự cố vấn của giới quân sự…. Họ cung cấp cho ông ấy một cách để ra đi, và càng tiến vào sâu hơn, càng có vẻ khó rút lui, vì nếu ông ấy làm vậy thì những Barry Goldwater (lãnh tụ Cộng Hòa đối thủ của Johnson) và đặc biệt là phía cánh hữu sẽ nói Johnson là một thằng hèn, là tổng thống Mỹ đầu tiên cụp đuôi chạy sau khi chúng ta đã cam kết từ ba đời tổng thống và bây giờ anh không giữ được cam kết đó. Và đó là điều ông ta phải đối mặt với tình hình chính trị lúc bấy giờ, và cuối cùng, dĩ nhiên chúng ta đã vào quá sâu đậm….

Đó là cách giải thích từ phía ông Johnson, phía đảng Dân Chủ. Sau đây là nhận định từ phía đảng Cộng Hòa. Theo Henry Kissinger trong Diplomacy:

    Loại bỏ ông Diệm đã không đoàn kết được dân chúng sau lưng các tướng lãnh, như là Washington đã hy vọng. Mặc đầu New York Times đã ca tụng đảo chánh như là một cơ hội đẩy lui cộng sản trên khắp các nẻo đường Đông Nam Á, nhưng sự thật trái ngược đã diễn ra…

    Cuộc đảo chánh đã phá hủy kiến trúc được xây dựng trong hàng chục năm, để lại một nhóm tướng lãnh tranh quyền thiếu kinh nghiệm hay hậu thuẫn chính trị.

    Chỉ trong năm 1964, đã diễn ra bảy lần thay đổi chính quyền. Không có lần nào theo đường lối dân chủ, và tất cả đều là kết quả của một cuộc đảo chánh, dưới hình thức này hay hình thức khác. Những người kế nhiệm ông Diệm thiếu uy tín của một lãnh tụ quốc gia, hay hình ảnh đáng kính nể của một ông quan, đã không biết làm cách nào khác hơn là đẩy cuộc chiến vào tay Hoa Kỳ…

    Nhóm cầm quyền tại Hà Nội nắm ngay lấy cơ hội. Vào tháng 12 năm 1963, Trung Ương Cục của Đảng Cộng Sản đã đưa ra chiến lược mới: Thêm sức mạnh cho các đơn vị du kích và gia tăng xâm nhập miền Nam. Quan trọng nhất, các đơn vị quân chính quy của Bắc Việt được huy động. “Đã đến lúc miền Bắc gia tăng viện trợ cho miền Nam, miền Bắc phải đóng vai trò quan trọng hơn, như là cơ sở cách mạng cho cả nước”. Không bao lâu sau, sư đoàn chính quy 325 của Bắc Việt bắt đầu chuyển vào Nam. Trước cuộc đảo chánh, xâm nhập từ miền Bắc phần lớn gồm thành phần tập kết ra Bắc từ năm 1954. Sau đó, tỷ lệ người miền Bắc tăng dần, cho đến Tết Mậu Thân, hầu hết toàn thể lực lương xâm nhập đều là người miền Bắc. Với sự xuất quân của các đơn vị chính quy Bắc Việt, cả hai bên đều đã vượt quá giới hạn của mình.

    Sau khi ông Diệm bị lật đổ, ông Kennedy cũng bị ám sát. Tân Tổng Thống Johnson coi sự xâm nhập của các đơn vị chính quy Bắc Việt như là hành vi công khai xâm lấn…

    Ngày 21 tháng 12, 1963 Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara báo cáo với Tổng Thống Johnson rằng tình hình an ninh của Nam Việt Nam trở thành rất đáng ngại, Hoa Kỳ không còn tránh được tình trạng phải đối diện với lựa chọn: Gia tăng can thiệp bằng quân sự, hay sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Chính quyền Kennedy đã sợ nhảy vào cuộc chiến bên cạnh một đồng minh thiếu dân chủ, chính quyền Johnson sợ bỏ rơi một chính quyền mới thiếu dân chủ tại Sài Gòn hơn là tham chiến.

Tóm lại, Bộ Quốc Phòng và giới quân sự Mỹ, tuy có đề nghị đưa quân Mỹ vào chiến đấu ở Việt Nam, nhưng không được sự chấp thuận của Tổng Thống Kennedy. Chẳng những không đồng tình, ông Kennedy còn muốn làm ngược lại, là rút sự can dự của Mỹ khỏi Việt Nam, khi có thể. Theo The Dark Side of Camelot của Seymour Hersh, vào mùa Thu 1963, Tổng Thống Kennedy đã nói riêng với người bạn thân là nhà báo Charles Barlett: “Tôi không thể để Việt Nam rơi vào tay cộng sản rồi yêu cầu dân chúng – những cử tri Hoa Kỳ — lại bầu cho tôi. Bằng cách nào đó chúng ta phải cố giữ cho tới sau bầu cử năm 1964. Chúng ta đã để mất Lào cho cộng sản, và nếu tôi để mất Việt Nam, tôi sẽ không thể nào nói với dân chúng. Nhưng chúng ta không có tương lai ở đó. Nam Việt Nam ghét chúng ta. Họ muốn chúng ta đi khỏi. Tới một lúc nào đó, họ sẽ đá đít chúng ta”. Trước khi bị ám sát, ông Kennedy đã ra lệnh rút khỏi Việt Nam 1.000 cố vấn Mỹ.

Một trong những sử gia tên tuổi của Hoa Kỳ thông thạo về thời đại Kennedy là Robert Dallek, mười năm trước đã viết cuốn An Unfinished Life: John F. Kennedy, 1917 – 1963, một cuốn tiểu sử được coi là đầy đủ nhất về Tổng Thống Kennedy. Nhân kỷ niệm 50 năm Kennedy bị ám sát, ông vừa cho ra mắt vào mùa Thu năm 2013 cuốn “Camelot’s Court: Inside the Kennedy White House”, trong đó ông viết:

“Căn cứ vào sự lưỡng lự của ông [Kennedy] đã bầy tỏ về Việt Nam trong một ngàn ngày cầm quyền, hoàn toàn hợp lý khi cho rằng [nếu còn sống] ông đã tìm một lối thoát để ra khỏi cuộc xung đột này hay ít nhất không gia tăng chiến tranh như Lyndon Johnson đã làm” (Given the hesitation he showed about Vietnam during his thousand-day administration, it is entirely plausible that he would have found a way out of the conflict or at least not to expand the war to the extent Lyndon Johnson did).”

TT Ngô Đình Diệm và Đại sứ Lodge tại Đà Lạt 4 ngày trước đảo chánh (ngày 28 tháng 10 năm 1963)

Sau đảo chính 1 tháng 11, 1963, phe chủ chiến Mỹ và phe chủ chiến Cộng Sản Bắc Việt đã gặp nhau ở một điểm: Cả hai bên đều muốn Mỹ trực tiếp tham chiến ở VN; Mỹ muốn sớm chiến thắng bằng quân sự, Bắc Việt muốn Nam VN mất chính nghĩa để cũng sớm chiến thắng bằng quân sự. Vụ Maddox ở Vịnh BV là hành động khiêu khích của cả hai bên.

Bộ Quốc Phòng và các tướng lãnh Mỹ chống lại, hoặc ít nhất không đồng ý đảo chánh, vì vào trước cuộc đảo chánh, tuy tình hình chính trị suy sụp, nhưng tình hình quân sự tương đối còn tốt đẹp.

Ngược lại, nhóm người tích cực thúc đẩy đảo chánh thuộc Bộ Ngoại Giao, tất cả đều chống lại việc đem quân chiến đấu vào Việt Nam.

Do đó, Việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả của cuộc đảo chánh 1-11, 1963.

***

Những gì chưa rõ ràng từ nửa thế kỷ trước ngày nay đã được sáng tỏ. Chỉ với những sự thật được phơi bầy đã đủ chứng tỏ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tuy là người cũng có khuyết điểm, nhưng là một nhà lãnh đạo yêu nước, đạo đức và đáng kính. Những người yêu mến ông không cần hun đúc tình cảm của mình dựa trên một huyền thoại, là ông đã hy sinh chỉ vì chống lại chủ tâm của Mỹ đưa quân chiến đấu vào Việt Nam. Chính nghĩa chỉ tồn tại khi dựa trên sự thật. Chính nghĩa dựa trên huyền thoại, cũng chỉ là huyền thoại.

———————

Tài liệu tham khảo:

- Dear Mr. President, Letters to the Oval Office

- A Death in November, Ellen J. Hammer.

- The Pentagon Papers, Gravel Edition

- Why Vietnam Matters, Rufus Phillips

- Edward Lansdale, Cecil B. Currey

- Robert Kennedy and His Times, Arthur M. Schlesinger, Jr.

- The Wise Men, Walter Isaacson & Evan Thomas

- Diplomacy, Henry Kissinger

- The Dark Side of Camelot, Seymour M. Hersh



http://damau.org/archives/29843


Bình Luận:

Bài viết này đưa ra một số sự kiện:

- Việc Mỹ ủng hộ việc đảo chánh không đến từ tổng thống Mỹ.

- Những người Mỹ ủng hộ đảo chánh không phải vì lý do ông Diệm không muốn Mỹ đem quân vào miền Nam mà vì cách hành xử theo họ là thiếu dân chủ của ông Nhu.

- Tổng thống Mỹ Kennedy có ý bỏ rơi miền Nam. Điều này phù hợp với báo chí tại miền Nam vào thời đó khi đăng lại lời tuyên bố của một số người Mỹ.

- Mỹ không có ý định chiếm đóng lâu dài tại miền Nam cũng như đem quân vào miền Nam để đánh chiếm làm thuộc địa như cách tuyên truyền của Cộng Sản mà chỉ muốn ngăn chận sự bành trướng của phe Cộng Sản trên thế giới.

- Việc Mỹ đem quân vào miền Nam là do Cộng Sản gia tăng tấn công tại miền Nam sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Nhưng có người thì tìm cách nói là Mỹ có ý định đem quân vào miền Nam từ thời ông Diệm để chiếm đóng nên Cộng Sản phải “chống Mỹ cứu nước”.

No comments:

Post a Comment