Sunday, December 15, 2013

Chế độ dân chủ tại Anh khởi đầu ra sao


Nhìn vào lịch sử văn minh của loài người thì các nền văn minh thường bắt đầu với những người cầm quyền có óc thông minh, có kiến thức nên trở nên có uy tín và thành người chỉ huy trong bộ tộc. Những người đó có thể là nhà phù thủy, nhà hiều triết hay giáo chủ một tôn giáo... Khi các bộ tộc, các quốc gia đánh lẫn nhau thì người có khả năng cầm quân đánh giặc, bảo vệ cho bộ tộc, quốc gia mình trở thành người có quyền chỉ huy và trở thành ông vua . Trong lịch sử loài người, vua chúa đã cai trị trong hàng ngàn năm và vua là người có quyền. Chế độ dân chủ phát sinh ra tại Anh với ý niệm dân là người có quyền . Diễn biến đó đã xảy ra như thế nào ? Bài viết dưới đây lược thuật vì sao dân chủ phát sinh ra tại Anh.



1) SỰ PHÁT-SANH LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ Ở ANH

a) LOCKE VÀ THỜI-ĐẠI ÔNG.

Những ý-tưởng dân-chủ thật ra đã manh-nha ở nước Anh từ khi các nhà quí-tộc họp nhau lại bắt nhà vua phải ban cho mình một Đại Hiến-chương (Magna Carta, ra đời năm 1215). Nó lần lần phát-triển trong những cuộc tranh-đấu giữa nhà vua một bên với những nhà quí-tộc và dân-chúng một bên để thành-lập và củng cố Nghị-hội (Quốc Hội). Tuy thế, nó chỉ được nêu ra thành học-thuyết của hệ-thống rõ rệt với John Locke.

 John Locke (1632 - 1704)

Locke sanh năm 1632, lúc vua Charles đệ nhứt họ Stuart cầm-quyền. Vua này cưới một bà công chúa Pháp là Henriette làm vợ nên bị dân-chúng Anh không ưa. Sự thất-bại của ông trong công cuộc giúp những tín-đồ Thiên-chúa-giáo CảI-lương thành La Rochelle chống lại Pháp-hoàng Louis thứ 14 lại càng làm ông mất uy-tín.

Một mặt khác, ông nghe lời những người cộng-sự nên muốn thi-hành chế-độ chuyên-chánh trong nước. Ông cho phép thủ-tướng Strafford đánh nhiều món thuế không được Nghị-hội chuẩn y, và cùng giám-mục Laud mưu-đồ thống-nhứt dân Anh về phương-diện tôn-giáo. Để tránh sự phản-kháng của Nghị-hội, ông giảI-tán nó nhiều lần.

 Vua Anh Charles đệ nhứt (1600 - 1649)

Chánh-sách đó tự-nhiên gây ra những cuộc biến động trong nước. Dân Tô-cách lan theo phái Trưởng lão (1) , dân Ái-nhĩ-lan theo Thiên-chúa-giáo La-mã và người Anh theo phái Thanh-giáo (2) đều bị đàn-áp nên đứng lên chống lại nhà vua. Do đó, phát khởi cuộc nội-chiến năm 1642 do Nghị-hội cầm đầu. Vua Charles đệ nhứt thất-bại và bị xử-tử năm 1649. Cromwell, một lãnh-tụ phái Thanh-giáo lên nắm quyền ở nước Anh.

 Oliver Cromwell (1599 - 1658)

Thân-phụ Locke là người tham-dự cuộc tranh-chiến bên phái Nghị-hội chống nhà vua. Locke chịu ảnh-hưởng của than-phụ và rất phục Cromwell. Tuy thế, những cuộc xung-khắc nhau giữa các chi-phái Thiên-chúa-giáo Cải-lương trong nước ông về sau làm cho ông đâm chán.

Vua Charles đệ nhứt thua phe Nghị Hội Anh và bị chém đầu


Năm 1660, con vua Charles đệ nhứt là Charles đệ nhị được rước về làm vua nước Anh. Ông ta cũng muốn thi-hành chánh-sách chuyên-chế y như cha và chống chọi Nghị-hội. Vốn là một y-sĩ, Locke kết thân với Bá-tước Shaftesbury là một chánh-khách làm cố-vấn cho vua Charles đệ nhị.

 Vua Anh Charles đệ nhị (1630 - 1685)

Ban đầu ông này được Charles đệ nhị tin dùng, nhưng về sau ông chọi lại nhà vua và cầm đầu phái Whig trong Nghị-hội, chủ-trương hạn-chế bớt quyền vua. Thời-kỳ kế tiếp theo đó là một thời-kỳ rối loạn, đầy những cuộc âm-mưu, những cuộc phản-biến. Trong cuộc cạnh-tranh với nhà vua, bá-tước Shaftesbury nếm mùi thất-bại. Ông bị bắt, rồi được nhà vua tha, song phải sang nước Hoà-lan. Locke sợ bị liên-lụy, phải trốn theo.

 Bá Tước Shaftesbury, tên thật là Anthony Ashley Cooper (1621 - 1683)

Lúc bấy giờ, ở Âu-châu, Thiên-chúa-giáo Cải-lương đang bị nguy-ngập. Năm 1685, tại Pháp, vua Louis thứ 14 hủy bỏ pháp-lịnh Nantes và đàn-áp những tín-đồ Thiên-chúa-giáo Cải-lương một cách tàn-bạo. Cùng lúc ấy, vua Charles đệ nhị chết, em là Jacques đệ nhị nối ngôi. Ông này tuyên-bố theo Thiên-chúa-giáo La-mã nên bị ác-cảm của dân-chúng nước Anh.

 Vua Pháp Louis 14 (1638 - 1715)

Những điều này làm cho Locke rất mực thù-hận các nhà vua chuyên-chế mà Louis thứ 14 là kiểu mẫu hoàn-bị nhứt. Ông đồng-thời dứt tình với dòng họ Stuart mà ông xem là đồng lõa với vua Pháp. Ông ngờ rằng vua Jacques đệ nhị muốn lập lại Thiên-chúa-giáo La-mã trên nước Anh để làm hài lòng vua Pháp. Chính lúc ấy, ông gặp rể vua Jacques đệ nhị là Guillaume d’Orange. Đó là một ông hoàng người Hòa-lan rất trung-thành với Thiên-chúa-giáo Cải-lương. John Locke mến phục Guillaume d’Orange và theo cộng-tác với ông này.

 Vua Anh Jacques đệ nhị (1633 - 1701), tiếng Anh gọi là James II

Năm 1688, Guillaume d'Orange được dân Anh rước về làm vua nước mình. Vua Jacques đệ nhị chống không lại, phải bỏ ngôi. Nghị-hội Anh được thắng-lợi hoàn-toàn và sẵn dịp đó, họ yêu-cầu tân quân chấp-thuận những điều-kiện của mình: công-nhận chế-độ tự-do và Thiên-chúa-giáo Cải-lương. Tháng 2 năm 1689, Locke theo hoàng-hậu Mary về Anh, mang theo quyển "Tiểu luận về chánh-phủ dân-sự", một tác-phẩm chánh-trị sẽ có một ảnh-hưởng lớn lao trên thế-giới về sau.

 Vua Anh Guillaume d'Orange III (1650 - 1702), tiếng Anh gọi là William III

b) LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ CỦA LOCKE

Dụng-ý của Locke khi viết quyển "Tiểu luận về chánh-phủ dân-sự", là tạo ra một hệ-thống lý-luận chánh-trị chống chọi lại sự chuyên-chế của nhà vua. Hệ-thống này chẳng những dùng để hướng-dẫn đồng bào ông trong sự hoạt-động chánh-trị tương-lai mà lại còn dùng để biện-chánh cho cuộc cách-mạng năm 1688 và đánh tan những nỗi thắc mắc trong lòng một số người Anh còn băn khoăn về chỗ đã đánh đuổi Jacques đệ nhị là nhà vua chánh-thống của nước mình.

1°. CON NGƯỜI TRONG TRẠNG-THÁI THIÊN-NHIÊN

Theo khuynh-hướng chung của những triết-gia đương-thời, Locke cũng bắt đầu sự suy-luận của mình với trạng-thái thiên-nhiên là trạng-thái của người khi chưa sống thành xã-hội. Kể ra thì trước Locke, đã có nhiều người nói đến trạng-thái thiên-nhiên ấy, và một văn sĩ Anh khác, Hobbes đã dựa vào nó mà viết một quyển sách để biện-chánh cho quyền chuyên-chế của nhà vua.

Theo Hobbes, trong trạng-thái thiên-nhiên, người chiến-đấu nhau rất dữ dội và sống trong cảnh khủng-khiếp, trong sự lo sợ một cái chết ghê gớm bất ngờ. Lý-trí người xui giục người hợp-quần nhau lại thành một xã-hội để sống được an-ổn hơn. Muốn giữ được trật-tự trong xã-hội, người phải tuân theo luật-pháp và tôn-trọng chánh-quyền.

Trái với Hobbes, Locke cho rằng trạng-thái thiên-nhiên là một trạng-thái tự-do và bình-đẳng. Lý-trí dạy cho mỗi người biết rằng mình bằng kẻ khác và độc-lập đối với kẻ khác, và không người nào nên phạm vào đời sống, sức khoẻ hay tài-sản kẻ khác.

Để cho những kẻ bạo-ngược không thể làm bậy được, thiên-nhiên cho phép mỗi người được quyền bảo-vệ người vô tội, đàn-áp kẻ bất-lương. Đó là quyền trừng-phạt thiên-nhiên. Nó không phải là tuyệt-đối và độc-đoán. Nó cấm người hành-động khi giận dữ hay thù hằn, và chỉ cho phép người thi-hành các trừng-phạt do một lý-trí bình-tĩnh quyết-định theo đúng lương-tâm người. Những trừng-phạt này phải cân-phân với những tộI-lỗi, cốt để sửa chữa những sai lầm đã qua và đề-phòng sự tái-phạm trong tương-lai.

Trong những quyền thiên-nhiên của người, còn có quyền tư-hữu. Tạo hóa ban địa-cầu cho tất cả mọi người, song lý-trí Tạo hóa phú cho người cũng dạy rằng người phải sử-dụng đất đai cách nào cho tiện-lợi nhứt. Muốn được như thế, ta phải để cho cá-nhơn có quyền sử-dụng những hoa quả do đất đai sản-xuất, và sau đó, sử-dụng đến chính mặt đất. Quyền tư-hữu phải dựa vào sự làm việc và hạn-chế bằng khả-năng tiêu thụ. Do đó, sự xung-đột không thể xảy ra được, vì ai cũng tự nhận thấy rằng mình cần bao nhiêu đất đai và chỉ bao nhiêu đất đai là đủ cho mình.

2°. NHỮNG KHUYẾT-ĐIỂM CỦA TRẠNG-THÁI THIÊN-NHIÊN VÀ SỰ CẦN DÙNG LẬP THÀNH XÃ -HỘI.

Nói một cách khái-quát, trong trạng-thái thiên-nhiên, người được sung sướng. Tuy vậy, sự tự-do của người cũng đưa đến những mối hại. Mỗi người đều tự xét về những trường-hợp có dính dáng đến mình. Do đó, người có thể thiếu sự công-bằng vì sự thiên-vị cho mình, cho bà con bạn bè, vì quyền-lợi hay có khi vì dục-vọng, vì ý muốn trả thù. Đó là nguy-cơ hăm dọa sự tự-do và bình-đẳng tự-nhiên, cùng sự tự-do hưởng quyền tư-hữu.

Vậy, trạng-thái thiên-nhiên hãy chưa được hoàn-toàn, nó thiếu những luật-lệ rõ ràng, được mọi người công-nhận và vui lòng chấp-thuận, thiếu những tòa án để phân-xử mọi việc kiện-tụng theo luật-pháp, và thiếu một oai-quyền để thi-hành các bản án. Người sở-dĩ chịu sống chung nhau thành xã-hội là để có những món thiếu kể trên đây, để được sung sướng hơn trong trạng-thái thiên-nhiên.

3°. SỰ TỔ-CHỨC HỢP-LÝ CỦA XÃ-HỘI.

Cứ theo chủ-trương trên này của Locke, thì xã-hội được thành-lập do sự chấp-thuận của mọi người. Như vậy, chỉ đáng xem là hợp-pháp những chánh-phủ nào thiết-lập với sự công-thuận của dân-chúng. Trong trường-hợp đó, những chánh-phủ chuyên-chế nhứt-định không thể hợp-pháp được.

Nhưng chánh-phủ hợp-pháp phải tổ-chức theo nguyên-tắc nào? Theo Locke, trong trạng-thái thiên-nhiên, người có hai loại quyền mà người nhường cho xã-hội khi họp lại sống chung nhau.

Trước hết, người có quyền làm những điều gì người xét là phải làm để bảo-vệ sự sinh-tồn của mình và của người khác. Người nhường quyền này lại cho xã-hội để xã-hội đặt nó dưới sự điều-khiển của luật-pháp.

Kế đó, người có quyền trừng-phạt những kẻ phạm tội đối với những điều luật thiên-nhiên, tức là quyền dùng sức mạnh tự-nhiên của mình để thi-hành những luật ấy. Người nhường quyền này lại cho xã-hội để phụ lực và tăng-cường quyền hành-pháp.

Xã-hội thừa-hưởng những quyền do cá-nhơn nhường lại cho mình, và có hai quyền: lập-pháp và hành-pháp. Quyền lập-pháp qui-định cách dùng những lực-lượng của quốc-gia để bảo tồn xã-hội và dân-chúng. Quyền-hành-pháp thi-hành các luật-pháp bên trong quốc-gia. Ngoài ra, Locke còn nhìn nhận cho chánh-phủ một quốc-gia một quyền thứ ba là quyền bang-giao, tức là quyền thương-thảo với các quốc-gia khác. Nhưng thật ra, quyền bang-giao này không thể tách riêng ra được và phải nhập vào các quyền kia.

Vậy, chung qui, chỉ có hai quyền chánh-yếu là lập-pháp và hành-pháp. Hai quyền này phải phân-biệt nhau, vì quyền hành-pháp phải luôn luôn có, còn quyền lập-pháp thì không phải lúc nào cũng cần. Thêm nữa, nếu hai quyền qui-tập về một mối, thì thế nào cũng có sự lạm-dụng. Một chánh-phủ kiêm lãnh cả hai quyền lập-pháp và hành-pháp nhứt-định trở thành chuyên-chế: nó sẽ tạo ra những luật-pháp lợi cho nó và chỉ thi-hành những luật-pháp lợi cho nó.

Hai quyền lập-pháp và hành-pháp không phải bình-đẳng nhau. Quyền lập-pháp là quyền căn-bản của mọi quốc-gia. Nó là linh-hồn của xã-hội và có tánh-cách rất thiêng liêng. Do đó, quyền hành-pháp phải đặt dưới quyền lập-pháp. Tuy vậy, cơ-quan hành-pháp không phải giữ một vai tuồng hạ-cấp, tùy thuộc. Nhà lập-pháp không thể dự định hết mọi trường-hợp có thể xảy ra, và phải để cho cơ-quan hành-pháp một phần oai lực rất lớn để giải-quyết những vấn-đề đặc-biệt nó có thể gặp.

4°. ĐẶC-QUYỀN CÁ-NHƠN TRONG XÃ-HỘI

Khi nhận sống chung nhau thành xã-hội, người nhường quyền lập-pháp cho xã-hội ấy. Tuy vậy, sự để-nhượng này không phải đặt người công-dân dưới sự chuyên-chế của chánh-phủ. Trong xã-hội, quyền thiên-nhiên của người vẩn còn, còn để hạn-chế oai-quyền xã-hội và làm cơ-sở cho sự tự-do.

Trong trạng-thái thiên-nhiên, người vốn đã sung sướng rồi. Người chỉ nhận vào xã-hội để được sung sướng hơn, để bảo-vệ cá-nhơn, sự tự-do và tài-sản mình một cách chắc chắn. Vậy, quyền lập-pháp của xã-hội không thể đi xa hơn mực cần dùng của sự công-ích. Nó không thể tuyệt-đối chuyên-chế đối với sanh-mạng và tài-sản công-dân.

Trong trạng-thái thiên-nhiên, người không có cái quyền tuyệt-đối này đối với mình và đối với người khác. Bởi lẽ không ai có thể ủy cho kẻ khác một oai-quyền lớn hơn oai-quyền mình có, xã-hội thừa-hưởng những quyền cá-nhơn nhường lại cho mình không thể có cái quyền tuyệt-đối nói trên đây.

Nói tóm lại, cứu-cánh xã-hội là bảo tồn sanh-mạng, tự-do và tài-sản của người; vì đó, nó không có quyền giết hại, nô-lệ hóa hay làm nghèo một công-dân nào.

Quyền hành-pháp thấp hơn quyền lập-pháp và tự-nhiên không thể hơn được quyền lập-pháp; đặc-quyền nó không thể đi quá giới-hạn do dân-chúng vạch ra.

Như vậy, tuy Locke không nói rõ ra, dân-chúng vẫn nắm quyền tối-cao trong quốc-gia. Họ chỉ giữ quyền ấy cho xã-hội giữ hộ chớ không phải chấp-nhận việc thần-phục xã-hội. Trong tình-trạng bình-thường, dân-chúng để cho quyền hành-pháp làm việc. Nhưng khi có sự xung-đột giữa các quyền-hành khác nhau trong nước, dân-chúng sẽ phán đoán và quyết-định.

Trong trường-hợp bị đặt dưới một ách chuyên-chế khắc-nghiệt, dân có quyền khởi loạn mà Locke gọi là quyền kêu gọi đến Trời.

Để trả lời cho những kẻ ngại rằng công-nhận quyền này cho dân-chúng là đưa xã-hội đến sự hỗn-loạn không ngừng, Locke bảo rằng nọa-lực của dân-chúng làm cho họ thường thụ-động, cho nên họ chỉ nổi dậy khi bị ức-hiếp thái-quá. Vả lại, trong trường-hợp bị ức-hiếp như thế thì không có lý-thuyết gì giữ cho họ không nổi dậy được. Sau hết, trật-tự đã đành là quí, nhưng cũng không đến nỗi bắt người phải trả nó với bất cứ giá nào, cũng như lòng yêu chuộng hòa-bình không đến nỗi khiến cho chúng ta nhận được sự hòa-bình của nghĩa địa.

Nguồn:

http://www.angelfire.com/zine2/risingsun/Politics/DTST_Q1_Ch2.html

No comments:

Post a Comment