Sunday, December 8, 2013

Hoa Kỳ và vấn đề đưa quân sang Việt Nam năm 1961


 Ảnh: Đợt đầu 3500 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đến bản đảo Sơn Trà, Đà Nẵng ngày 8-3-1965. Khi ông Diệm còn cầm quyền, trước 1963, Mỹ không có ý định đem quân vào miền Nam

Bài này viết nhân dịp 50 năm ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas 22-11-1963

Sở dĩ tôi gọi là vấn đề vì nó chưa có gì cả, nó không phải là kế hoạch, chủ trương hay dự tính mà chỉ là bản tường trình và đề nghị của Tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự của Tổng thống. Trong bản tường trình này Taylor có đề nghị đưa quân tác chiến qua giúp miền nam Việt Nam nhưng đã bị Bộ trưởng quốc phòng McNamara và Tổng thống Kenndey bác bỏ thượng tuần tháng 11-1961.

Năm 1961, tôi học tiếng Anh tại Trường Sinh ngữ Sài Gòn, một hôm ông giáo sư Mỹ tên Philippe cho cả lớp bàn thảo về tình hình Việt Nam, để tìm hiểu thời sự và thực hành tiếng Anh. Ông giáo sư nói báo chí tại Mỹ đăng những hàng chữ tít lớn về tình hình Việt Nam , đó là mối quan tâm hàng đầu tại Mỹ, theo ông nước Mỹ muốn đưa vũ khí sang giúp miền nam VN nhưng cũng rất e ngại khối 600 triệu người Trung Cộng phía bắc.

Diễn tiến

Vấn đề này đã được MacNamara và các nhà sử gia Mỹ đề cập, chi tiết có khác nhau nhưng đại thể đều giống nhau như đã nói ở trên. Trước hết tôi xin dẫn lời McNamara, sau đó sẽ là ý kiến các sử gia khác.

Theo ông, Tổng thống Eisenhower (Jan1953-Jan 1961) cho rằng nếu Đông dương mất về tay CS sẽ là mối đe dọa Mỹ nhưng người Mỹ không muốn đưa quân vào (1). Năm 1954 Eisenhower nói nếu Đông Dương mất, Đông Nam Á sẽ mất theo y như ván cờ Domino, Mỹ đã thỏa thuận với khối SEATO (2) để bảo vệ Đông Dương và đã bơm 7 tỷ viện trợ quân sự kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa từ 1955-1961.

Năm 1956 khi còn là thượng nghị sĩ, Kennedy đã nói VN là bàn đạp của Thế giới tự do, ta không thể bỏ VN. Năm 1961 khi McNamara làm Bộ trưởng quốc phòng, Sô viết tăng cường liên kết với Cuba, khiêu khích Tây phương tại Bá Linh, Mỹ mới lo vấn đề VN. TT Eisenhower chú trọng tới Lào, cho đó là vị trí trọng yếu của Đông Nam Á, mất Lào, Thái Lan, Miên VN sẽ bị đe dọa, ông chủ trương phải bảo vệ Lào dù phải có chiến tranh. Tháng 8-1961 tình hình Lảo tồi tệ. Bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk trong một cuộc họp tại tòa Bạch Ốc khuyên tiếp tục thương thuyết bằng ngoại giao rồi sẽ dùng quân sự bảo vệ Đông Dương dưới chương trình khối SEATO. Kế hoạch cần 30,000 quân chiến đấu do các nước đã ký kết trong đó có Anh, Pháp, Mỹ… cung cấp nhưng Anh, Pháp cho biết họ sẽ không gửi quân. Mùa thu 1961, du kích từ miền Bắc gia tăng xâm nhập vào Nam , Kennedy gửi Maxwell Taylor, Walt Rostow (Ủy viên Hội đồng an ninh quốc gia) sang Việt Nam để lượng giá tình hình.

Trở về Mỹ Taylor và Rostow làm tường trình nói phải gia tăng viện trợ, gửi nhiều cố vấn, trang bị và cả quân tác chiến, chuyển tiếp từ giai đoạn cố vấn sang giai đoạn tham chiến.

Ngày 8-11-1961 McNamara trình Tổng thống về đề nghị của Taylor , Rostow và khuyên theo đuổi mục tiêu. Mấy ngày sau McNamara hối tiếc đã vội ủng hộ Taylor , ông đổi ý. Ngày 11-11 McNamara thảo luận cùng Dean Rusk rồi gửi Tổng thống một tường trình chung bác bỏ đề nghị gửi quân tác chiến qua VN. McNamara nhận định nếu quân đội VNCH chiến đấu hữu hiệu, có thể sẽ không cần quân Mỹ vào. Nếu họ chiến đấu yếu quân đội Mỹ cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ giữa khối dân chúng không thiện cảm với họ.

Kennedy lấy cà hai bản tường trình này vào cuộc họp hôm đó. Ông nói rõ không muốn đưa quân vào VN một cách vô điều kiện để cứu vãn sự sụp đổ của miền nam VN và thẳng tay bác bỏ đề nghị đưa quân tác chiến vào.(3)

Mấy ngày sau, hôm 15-11-1961 tại phiên họp Hội đồng an ninh quốc gia Tổng thống nhắc lại sự nghi ngờ đề nghị đưa quân vào VN. Ông e ngại tham gia cùng lúc hai mặt trận ở bên kia trái đất mà tình hình VN trái ngược với Triều tiên. Tại Triều Tiên sự xâm lăng đã rõ ràng nhưng ở VN còn mơ hồ. Đó là một trường hợp nặng nề khi can thiệp tại 10,000 dặm xa xôi, giúp 200,000 quân chính phủ chống 16,000 du kích, đã tốn hàng tỷ bạc mà chưa có kết quả. Kennedy không tin Mỹ sẽ được khối Liên phòng Đông nam Á (SEATO) ủng hộ, rõ ràng là ông không muốn vậy, buổi họp không có kết thúc.

McNamara sau đó truyền đạt quyết định của Tổng thống cho các cấp chỉ húy quân sự tại Ngũ giác đài vá các cấp chỉ huy chiến trường VN: Đô đốc Felt, Tư lệnh Thái bình dương, Tướng McGarr. Tháng sau, tại cuộc họp đầu tiên ở Hạ Uy Di, McNamara cho họ biết quân tác chiến Mỹ sẽ không được gửi tới VN.
Nhưng cơ bản của vấn đề chưa được giải thích rõ ràng nên người ta vẫn tranh cãi trong nội bộ chính phủ cho tới cái chết của Kennedy hai năm sau. Ngày 13-1-1962, Bộ Tham Mưu Liên Quân gửi McNamara một văn thư nhờ đệ trình lên Tổng thống, họ nói gửi quân tác chiến Mỹ sang VN sẽ ngăn được VNCH khỏi sụp đổ và thúc dục ông tiến hành. Các Tướng Tham mưu trưởng tin rằng hành động này gắn liền với mục tiêu giúp nam VN khỏi rơi vào tay CS mà Hoa Kỳ đã đề ra. McNamara cho là họ sai lầm ở chỗ chưa có quyết định căn bản.

Ngày 27-1 McNamara trình văn thư lên Tổng thống Kennedy với lời phê “Tôi chưa thể thỏa thuận quan điểm các vị Tham mưu trưởng cho tới khi đã có kết quả của chương trình huấn luyện tại miền nam VN hiện nay”.

Ngoài sự trình bầy của Bộ trưởng quốc phòng McNamara, các nhà sử gia cũng đã bàn về chuyện này như sau.

Theo Stanley Karnow (4) tháng 5 năm 1961, Tổng thống Kennedy cử Phó tổng thống Johnson sang VN. Ông ta nói Tổng thống Diệm là Winston Churchill của Á châu, khi về Mỹ ông cho biết nếu mất VN sẽ mất luôn Đông nam Á và người Mỹ sẽ phải chiến đấu tại bờ biển San Francisco.

Khi còn ở VN ông có đề cập vấn đề đưa quân tác chiến Mỹ vào giúp VN mà ông Diệm rất e ngại vì sẽ mất chủ quyền, vấn đề chuyển quân này kéo dài cả năm cho tới tháng 10-1961 khi Kennedy cử Maxwell Taylor sang VN.

Theo lời khuyên của Johnson ông Diệm gửi thư cho Kennedy xin tăng quân từ 100,000 tới 170,000 người, để thực hiện chương trình này cần nhiều cố vấn, trang bị và viện trợ tài chính.

Taylor và Rostow được gửi tới Sài Gòn đề lượng giá tình hình, Kennedy nói rõ ông muốn giúp miền nam khả quan hơn nhưng nhắc Taylor biết người VN và chính phủ phải chịu trách nhiệm về số phận đất nước họ. Tóm lại ông không muốn đưa quân vào nhưng cũng không muốn mất miền nam VN.

Taylor tới Sài Gòn giữa tháng 10-1961, trước khi ông đến, Việt Cộng tấn công mạnh tại Phước Thành (5), Darlac, gây thiệt hại nặng. TT Diệm tuyên bố tình trạng tổ quốc lâm nguy. Ông nói với đại sứ Nolting có thể đón nhận lính tác chiến Mỹ như tượng trưng sự hiện diện và yêu cầu ký hiệp ước quân sự song phương giữa Mỹ và VNCH.

Tại Washington, Bộ Tham Mưu Liên Quân đề nghị gửi quân tác chiến, họ được William P.Bundy, Phụ tá bộ trưởng quốc phòng ủng hộ, họ lý luận những chiến dịch tấn công mạnh sẽ giúp chính phủ VNCH hiệu quả hơn. Kennedy tìm cách làm xẹp những áp lực này, ông bèn nghĩ ra một kế cho đăng trên tờ The New York Times bản tin “Cấp lãnh đạo Ngũ giác đài không muốn gửi quân tác chiến qua Đông nam Á”. Bài báo khiến ông Diệm yên lặng.

Sau hai tuần ở VNCH, Taylor và nhóm chuyên viên làm tường trình, họ nhắc lại thuyết Domino, cảnh cáo nếu mất VN sẽ mất Đông nam Á rồi đề nghị gia tăng cố vấn, viện trợ ba phi đội trực thăng để giúp VNCH phục hồi. Taylor đề nghị gửi 8,000 quân tác chiến cải trang làm lính tiếp vận cứu trợ bão lụt tại đồng bằng sông Cửu Long. Tại Washington McNamara và Bộ Tham Mưu Liên Quân bác bỏ đề nghị của Taylor nêu lý do gửi 8,000 quân sang VN không thay đổi cán cân mà có thể bị sa lầy. Họ đề nghị đưa sáu sư đoàn khoảng 200,000 người qua. Đề nghị khiến Kennedy khó xử, ông sợ Quốc hội sẽ ác cảm với Ngũ giác đài, ông không muốn gửi nhiều quân như vậy.

Kennedy khuyên McNamara cùng với Dean Rusk soạn một tường trình nhẹ nhàng hơn giúp viện trợ ông Diệm và hoãn lại việc gửi quân, ông sợ sẽ đi tới leo thang ví như khi uống rượu, uống một ly rồi sẽ muôn uống thêm ly nữa. Sự thực việc can thiệp vào VN ngày càng mạnh, cố vấn gửi tới ngày càng nhiều, tiền viện trợ cho VN được giữ kín vì nó vi phạm hiệp định Genève và để dấu người dân Mỹ.

Sử gia Bernard C. Nalty nói (6) tháng 5-1961 Phó tổng thống Johnson thăm VN đề nghị gửi quân sang tham chiến hoặc ký hiệp ước quân sự hai bên nhưng ông Diệm từ chối cả hai đề nghị, ông muốn giữ chủ quyền đất nước. Tình hình quân sự ngày càng tồi tệ, bốn tháng sau, vào ngày 18-9-1961, Việt cộng tấn công Phước Thành, giết tỉnh trưởng và 75 quân lính khác khiến ông Diệm hoảng đề nghị phía Mỹ ký hiệp ước quân sự. Ông Diệm cho Tổng thống Mỹ biết tinh thần quân dân miền nam xuống thấp vì họ sợ Mỹ bỏ rơi như Lào. Từ giữa tháng 5-1961, mười bốn nước hội đàm tại Genève để trung lập hóa Lào.

Ngày 11-10 Kennedy cử tướng Maxwell D. Taylor, cố vấn quân sự và Tiến sĩ Walt W. Rostow, phụ tá đến VNCH nghiên cứu tình hình. Trở về nước hai người cho biết an ninh miền nam VN nghiêm trọng nhưng vẫn cứu vãn được nếu Mỹ nhanh chóng nâng cao tinh thần người miền nam. Họ khuyên Tổng thống tăng viện trợ và gửi quân tham chiến.

Kennedy và các cố vấn mới đầu cứu xét việc gửi một số quân tác chiến tượng trưng nhưng đối với hiện tình họ bác bỏ dựa trên cơ bản thắng lợi là do người VN, Mỹ chỉ viện trợ và huấn luyện thôi.

Tác giả Marilyn B. Yuong nói về vấn đề này như sau (7): Eisenhower để lại cho Kennedy miền nam VN bị du kích bao vây và Lào khuynh tả. Khi rời tòa Bạch Ốc Eisenhower khuyên Kennedy đưa quân chiếm Lào để khỏi bị CS chiếm nhưng Bộ Tham Mưu Liên Quân cho là không thể thực hiện được. Họ nghĩ ít nhất phải cần tới sáu chục ngàn quân, vả lại có thể khiến Trung cộng tràn vào hoặc đưa tới chiến tranh nguyên tử, kinh nghiệm thất bại vịnh Con Heo tháng 4-1961 khiến Kennedy sợ thất bại ở Lào. Người Mỹ không tin tưởng người Lào cho rằng họ khó mà giúp Mỹ chống CS. Từ giữa tháng 5-1961, mười bốn nước thảo luận trung lập hóa Lào tại Genève, Tổng thống Kennedy cho rằng bảo vệ VN tốt hơn Lào, các cố vấn của Kennedy nhận định nam VN là một đất nước có tổ chức, quân đội của họ chiến đấu tốt có lợi cho Mỹ. Cố vấn an ninh Mc George Bundy báo cho Bộ ngoại giao biết Tổng thống đặt VN như ưu tiên hàng đầu cần hành động.

Tháng 5-1961 phó Tổng thống Johnson được cử sang Sài Gòn, để năng cao tinh thần ông Diệm, Johnson ca ngợi ông là một Winston Churchill của châu Á. Johnson đưa thư của Kennedy bầy tỏ sự ủng hộ VNCH, giúp đỡ miền nam chống CS . Khi về Mỹ ông nói phải giữ VN hay chấp nhận thất bại rồi rút về phòng thủ tại bờ biển San Francisco . Johnson thúc dục Kennedy.
“Để bảo đảm sự giúp đỡ của Quốc hội cho cuộc chiến lâu dài, tốn kém giúp ông Diệm thắng CS, ta cần làm dịu sự sợ hãi của ông Diệm về việc quân Mỹ sang chiến đấu tại VN, ông Diệm không muốn thế trừ khi địch công khai xâm lược”.

Việt Cộng ngày càng gia tăng lực lượng, một số viên chức nội các Kennedy đề nghị gửi quân tác chiến vào ngay nhưng chưa có chủ trương thống nhất. Walt W. Rostow muốn gửi 25,000 quân tuyển từ các nước khối SEATO để ngăn chận đich tại vùng khu phi quân sự. Nếu không có kết quả sẽ cho mở chiến tranh du kích tầm cỡ lớn của Mỹ tại miền Bắc, có thể chiếm Hải phòng. Nhưng Phụ tá thứ trưởng ngoại giao cho biết khoảng từ 80-90% du kích xâm nhập là người miền Nam.

Tháng 10-1961 Kennedy gửi cố vấn quân sự Taylor tới VN, trong vòng một tuần ông gửi điện tín về khuyên Tổng thống gửi quân tới ngay để cho Đông nam Á thấy Mỹ quyết tâm chống CS xâm lăng. Tình hình ngày càng tồi tệ, phản ứng nhanh của Mỹ có thể tiết kiệm thời gian. Đề nghị của ông gồm đưa 8,000 quân tác chiến sang giả dạng cứu lụt để ông Diệm khỏi mặc cảm là quân tác chiến, tăng cường cố vấn Mỹ cho mọi cấp quân đội cũng như chính phủ, tăng huấn luyện địa phương quân, tăng mạnh viện trợ trực thăng, oanh tạc cơ, máy bay trinh sát cùng các chuyên viên vận hành, bảo trì.

Trước khi Taylor đi VN, Hilsman (Giám đốc nha nghiên cứu Bộ ngoại giao) sau bốn tháng nghiên cứu khuyên phối hợp các hành động dân sự, tình báo, cảnh bị, lực lượng chống du kích kiểu cảnh sát hơn là dùng quân đội. Rostow đề nghị gửi 5,000 quân tới vĩ tuyến 17.

Robert Komer (Ủy viên Hội đồng an ninh QG) cũng đồng ý đề nghị gửi quân qua ngay, phải đưa quân qua nhanh trước khi nó mở rộng như cuộc chiến Triều Tiên. McNamara và Bộ Tham Mưu Liên Quân nói rõ hơn việc phải làm, cần phải gửi quân qua VN, trước hết là tám ngàn người trá hình cứu lụt như Taylor đề nghị và sau cùng cần một lực lượng lớn 205,000 người. Cố vấn Mc George Bundy đồng ý gửi quân tác chiến như một bàn đạp nhưng chỉ giới hạn một sư đoàn thôi.

Không phải mọi người đồng ý hết, Averelle Harriman (Phụ tá Bộ trưởng ngoại đặc trách Viễn đông sự vụ), Chester Bowles (Thứ trưởng ngoại giao), John Galbraith (Đaị sứ Mỹ tại Ấn độ), Abraham Chayes (Cố vấn ngoại giao).. lại chủ trương có thể thương thuyết về VN như đang đàm phán về trung lập hóa Lào. Chayes cho rằng chính phủ ông Diệm sắp sụp đổ về chính trị chứ không phải quân sự và đề nghị của Taylor chỉ giải quyết vấn đề quân sự, Chayes cảnh báo nếu Tổng thống đưa quân tác chiến qua, ông cũng phải chuẩn bị leo thang cỡ như tại Triều Tiên.

Tại phiên họp Hội đồng an ninh quốc gia ngày 15-11-1961 Kennedy không chấp thuận gửi quân sang VN (ở đây tác giả Marilyn B Young cũng trích lại sách của McNamara như đã nói trên nên tôi không nhắc lại). Marilyn nói quyết định sau cùng của Tổng thống về bản tường trình của Taylor cho thấy ông vừa do dự và cả quyết. Sau này Chayes cho biết vấn đề đàm phán bị bác bỏ vì không đủ người ủng hộ, vấn dề gửi quân ngay cũng bị bác bỏ. Nhưng Đoàn viện trợ quân sự Mỹ được đưa lên hàng Bộ Chỉ Huy Viện Trợ Quân Sự Mỹ tại VN (MACV). 12 đại đội trực thăng được gửi qua , tăng số cố vần Mỹ, Khi Kennedy vào Tòa Bạch Ốc có 800 quân nhân Mỹ tại VN, cuối 1961 lên 3,000, năm 1962 lên 11,000.

Về vấn đề này tác giả Nguyễn Kỳ Phong (8) cũng nói tương tự như các nhà nghiên cứu trên: Giữa 1961 chính sách ngoại giao Mỹ về VN bước sang giai đoạn quan trọng, đầu năm 1961 VC gia tăng xâm nhập, phá hoại, Tổng thống Diệm tuyên bố tình trạng Tổ quốc lâm nguy. Walt Rostow đề nghị Kennedy gửi 25,000 quân thuộc khối SEATO đến VNCH để tuần hành tại biên giới Ai Lao và khu phi quân sự để ngăn CS xâm nhập . Kế hoạch đã bị Ngũ giác đài phủ nhận lý do đóng quân rời rạc dễ bị tấn công.

Giữa tháng 10-1961 Tổng thống Kennedy cử Taylor và Rostow tới VN để lượng giá tình hình, trong thời gian tại VN Taylor có đề nghị với ông Diệm chấp nhận 8,000 quân tác chiến Mỹ vào VN dưới hình thức cứu lụt nhưng ông Diệm không đồng ý vì sợ vi phạm Hiệp định Genève và nhất là sợ mất chủ quyền. Hai tuần sau phái đoàn về Mỹ trình tổng thống bản tường trình mà phần cuối có đề nghị gửi quân tác chiến sang VN nhưng bị Kennedy y bác bỏ cho là chưa cần gửi quân trong lúc này.

Nhận xét và kết luận

Theo lời Bộ trưởng quốc phòng McNamara và các nhà nghiên cứu, cuối năm 1961 Tướng Maxwell Taylor là người đề nghị đưa quân tác chiến sang VN nhưng tường trình bị McNamara và Kennedy bác bỏ. Lý do chính Kennedy nêu ra là cơ bản của vấn đề người VN phải tự chiến đâu cho nước họ, Hoa Kỳ chỉ viện trợ và huấn luyện. Sở dĩ Kennedy không cho đưa quân tác chiến vào VN vì e ngại phải lo một lúc hai mặt trận ở bên kia vòng trái đất gồm TriềuTiên và VN. Tại VN Cộng quân chỉ đánh du kích chưa tấn công xâm lăng như tại Triều Tiên, cuộc chiên không giới tuyến, mơ hồ. Tóm lại Kennedy sợ vi phạm hiệp định Genève và sợ bị sa lầy.

Trên đây hai tác giả Stanley Karnow và Marilyn B Young có nói kế hoạch đưa 8,000 quân sang VN bị McNamara và Bộ Tham Mưu Liên Quân bác bỏ, họ đề nghị đưa 200,000 quân sang VN. Về điểm này hoàn toàn không thấy McNamara nói thế, tôi nghĩ hai tác giả có sự nhầm lẫn, McNamar không bao giờ chủ trương can thiệp quân sự trực tiếp mà ngược lại ông có khuynh hướng bàn ra và chính ông đã ảnh hưởng tới Kennedy.

Sau này McNamara nói thêm về quan điểm của mình, xin sơ lược như sau:

Nhìn lại biên bản buổi họp hôm ấy (15-11), rõ ràng là quyết định (không gửi quân) của chúng tôi vẫn còn hợp lý. Tại sao người ta không đặt năm câu hỏi cơ bản nhất là có phải mất VN sẽ mất Đông nam Á hay không? Nó đe dọa an ninh Tây phương không? Cuộc chiến qui ước hay du kích sẽ diễn ra? Ta có thể thắng khi quân Mỹ chiến đấu cùng với người VN không? Trước khi đưa quân vào VN ta có cần tìm giải đáp cho những câu hỏi trên không?

Mặc dù trong những tháng đầu của năm 1961, Hoa Kỳ tiến lại với VN có tính rời rạc, đa số các viên chức tòa Bạch Ốc, cả Kennedy và McNamara đều tin rằng chỉ có người VN mới giải quyết được vấn đề. Người Mỹ chỉ có thể giúp họ bằng huấn luyện và viện trợ tiếp liệu nhưng chúng tôi không thể chiến đấu cho họ.
Rồi ông kết luận

“Nếu chúng tôi đã làm như vậy thì toàn thể lịch sử của thời đại đã có thể đổi khác”
(Had we held to it, the whole history of the period would have been different) (9)

McNamara không tin tưởng nhiều vào thuyết Domino và đặt giả thuyết nếu Hoa Kỳ không đưa quân vào VN giữa năm 1965 dưới thời Johnson thì chưa chắc họ đã sa lầy, ông ta chủ trương chỉ viện trợ vũ khí mà không can thiệp bằng quân sự.
Mấy tuần qua, trang mạng damau.org và tuần báo Sài Gòn Nhỏ có đăng bài của tác giả Đinh Từ Thức “50 năm sau biến cố 1 tháng 11, 1963: Xét lại nguyên nhân và hậu quả”

Trong bài có đoạn nói.

“Tuy nhiên, về nguyên nhân của cuộc đảo chánh, có một “huyền thoại” cần xét lại.
Trong suốt 50 năm qua, đã có rất nhiều người, nhiều đến nỗi không thể liệt kê hết ở đây, gồm cả những “bình luận gia”, “học giả” hay “sử gia”, hầu như ai cũng nói giống nhau, như một sự thật hiển nhiên, không cần dẫn chứng, là Mỹ đảo chánh để có thể mang quân vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, vì ông Diệm chống lại việc này. Theo “huyền thoại” này, Mỹ phải lật ông Diệm như loại bỏ một chướng ngại vật, để có thể đổ quân vào VN. Đặc biệt là khẳng định này thông dụng trong dư luận người Việt, nhưng hầu như không được nhắc tới trong tài liệu và sách báo của Mỹ. Tôi chỉ được biết vài ba cuốn sách của Mỹ nói tới điều này, nhưng lại căn cứ từ sách báo Việt ngữ.
(ngưng trích)

Sau đó ông Đinh từ Thức đã phủ nhận huyền thoại này và cho là sai lịch sử.

Theo ý kiến của tôi việc chính phủ Kennedy làm đảo chính lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa để đưa quân vào VN không đúng. Trước hết cuộc đảo chính diễn ra cuối năm 1963 dưới thời Kennedy nhưng một năm rưỡi sau Hoa Kỳ mới thực sự đưa quân vào VN, bắt đầu từ giữa năm 1965 dưới thời Johnson, đó không phải là chủ trương của Kennedy, mỗi Tổng thống có chính sách riêng. Lý do thứ hai Kennedy và McNamara không chủ trương dấn thân nhiều vào VN, không gửi quân tham chiến như đã nói trên

Ngoài ra ông Đinh Từ Thức cũng bác bỏ nhận định cho rằng chính phủ Kennedy áp lực ông Diệm để được lập căn cứ quân sự tại Cam Ranh. Theo tôi biết điều này hoàn toàn sai sự thực, Kennedy không bao giờ muốn thế. Giai đoạn này người Mỹ không chủ trương dấn thân nhiều ở VN, thậm chí như đã trình bầy còn có một số ý kiến của vài cố vấn khuyên nên rút ra khỏi VN, trong đó McNamara, người có nhiều quyền lực đã nói phong phanh không tin tưởng vào cuộc chiến này cho lắm.
Phía VN, Tổng thống Diệm chống đối việc Mỹ đề nghị đưa quân tác chiến vào nhưng đó chỉ là ý kiến riêng của cố vấn Taylor và Phó tổng thống Johnson khi họ sang VN, Tổng thống Kennedy không chủ trương như vậy. Tuy nhiên như đã nói trên ông Diệm chỉ chống đối Mỹ đưa quân sang VN trong giai đoạn khi mà cuộc chiến còn là du kích vì sợ sẽ bị tố cao vi phạm Hiệp định Genève, nhưng ông không chống đối trong trường hợp CSBV tấn công xâm lăng như tại Triều tiên.

Như đã nói trên khi VC đánh lớn, tấn công Phước Thành ban ngày giết tỉnh trưởng khiến ông Diệm hoảng và cũng đã đề nghị Hoa Kỳ ký Hiệp ước quân sự đôi bên vì sợ bị Mỹ bỏ rơi như Lào. Nói tóm lại việc ông Diệm chống Mỹ đưa quân vào miền nam không phải là chống tuyệt đối 100% như nhiều người nghĩ mà tùy theo tình thế.

Năm 1965 dưới thời Johnson tình hình quân sự tại miền nam VN nguy kịch hơn thời Kennedy rất nhiều, BV đưa các đơn vị chính qui xâm nhập miền nam mở rộng chiến tranh. Tháng 4-1965 Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quân lực) đưa tin tức bi đát khiến người Mỹ nản lòng “CS kiểm soát đa số thôn quê, chúng tôi chỉ giữ các thành phố chính, địch sắp tràn vào, rất cần quân Mỹ can thiệp” (10). Theo Trung tướng Ngô Quang Trưởng khoảng thời gian này mỗi tuần VNCH mất một tiểu đoàn và một quận, nếu không có sự can thiệp của quân đội Mỹ, miền nam sẽ mất trong vòng 6 tháng (11).

Tướng Westmoreland nhiều lần khẩn hoản xin tăng quân và Tổng thống Johnson đã gửi nhiều quân tác chiến đến VN từ 184,000 năm 1965 lên tới 530,000 năm 1968. Sở dĩ như vậy vì miền nam không đủ hỏa lực, nhân lực để tự vệ, Hoa kỳ không viện trợ đầy đủ cho miền nam VN.

Năm 1985, Nixon viết No More Vietnams, tại chương cuối cùng Third World War ông rút ra bài học từ cuộc chiến VN. Nixon nói (12) từ năm 1969 ông đã nhận định do kinh nghiệm từ cuộc chiến VN, Mỹ sẽ không gửi quân đi tham chiến. Do đó ông đã xây dựng Học Thuyết Nixon chủ trương trong tương lai trừ khi một siêu cường (Nga, Tầu) đưa quân can thiệp trong cuộc chiến, Hoa Kỳ sẽ không gửi quân tác chiến. Người Mỹ sẽ theo đường lối của Sô viết, chỉ gửi viện trợ vũ khí mà không đem quân vào can thiệp, nước bị tấn công phải tự chiến đấu. Sô viết đã chiếm được nhiều nước mà chỉ đứng ngoài giật giây.

Chủ trương của Nixon như trên đây chỉ là lý thuyết.

Nhiều người nói Hoa kỳ không cần phải gửi quân tác chiến sang VN mà chỉ cần viện trợ đầy đủ vũ khí, người miền nam có khả năng thắng cuộc chiến chống CS. Nhưng thực ra vấn đề không đơn giản như người ta tưởng, trong quá khứ, Mỹ cung cấp vũ khí, chiến cụ cho các nước đồng minh không bao giờ tương đương với viện trợ quân sự của Nga và Trung cộng cho các nước bạn của họ. Năm 1950 Bắc Triều Tiên với dân số chỉ bằng nửa Nam Triều Tiên nhưng đã được Nga, Trung Cộng giúp nhiều vũ khí tràn xuống chiếm miền nam khiến Mỹ phải đem quân vào. Năm 1954, theo Tướng Navarre trong Agonie de l’Indochine, Pháp thua trận Điện Biên Phủ vì lực lượng và hỏa lực địch do Trung Cộng giúp quá mạnh mà viện trợ của Mỹ không thể giúp Pháp cứu vãn tình thế. (13)

Cuộc chiến VN giai đoạn từ 1960, 1961 cho tới 1975, như ta đã thấy miền nam vẫn cần sự can thiệp của quân tác chiến Mỹ hoặc yểm trợ của B-52 vì không đủ hỏa lực và lực lượng để tự vệ, Hoa Kỳ đã không viện trợ đầy đủ cho VNCH.

Sở dĩ như vậy vì phía Thế giới tự do chỉ có một mình Mỹ gánh vác trách nhiệm viện trợ cho các nước bạn trong khi phía bên kia cả Nga sô, Trung Cộng và các nước Cộng sản Đông Âu cùng hiệp lực giúp đồng minh của họ. Lại nữa ngân khoản đề nghị viện trợ của chính phủ Mỹ phải đưa ra Quốc hội duyệt xét, bàn tới bàn lui, thường là bị cắt xén trong khi chính quyền CS không cần phải đưa ra Quốc hội, họ muốn giúp đồng minh bao nhiêu cũng được.

Từ đầu chí cuối cuộc chiến VN, CS quốc tế đã giúp BV một khối hàng viện trợ vĩ đại như dưới đây.(14)

Tổng cộng 2 triệu 362 ngàn tấn hàng hậu cần và vũ khí

Về chi tiết: 3 triệu 600 ngàn khẩu súng bộ binh; 65,626 súng chống xe tăng; 27,960 khẩu súng cối; 2, 430 khẩu pháo hỏa tiễn; 2,165 khẩu đại bác; 3,229 khẩu cao xạ; 19,836 hỏa tiễn phòng không; 2,209 xe tăng, thiết giáp; 458 máy bay chiến đấu; 82 tầu hải quân; 148 tầu vận tải….

Nhiều người chỉ trích Hoa kỳ đưa nửa triệu quân vào VN những năm 1965- 1968 làm mất chính nghĩa của cuộc chiến, xâm phạm chủ quyền VN nhưng đó là chuyện bất khả kháng, để cứu nguy miền nam họ không có con đường nào khác. Họ đưa quân vào để cứu miền nam VN, gần sáu mươi ngàn quân Mỹ đã hy sinh chết thay cho người miền nam. Nếu trường hợp Hoa Kỳ không đưa quân sang VN mà chỉ viện trợ quân sự thì quân đội VNCH sẽ phải chịu tổn thất nhân mạng thêm lên hàng trăm nghìn người, tổng số binh sĩ tử trận sẽ lên tới ba trăm nghìn hay hơn nữa mà cũng chưa chắc đã thắng được cuộc chiến.

Có giả thuyết cho rằng Kennedy bị tài phiệt chế tạo vũ khí giết vì không muốn tham dự cuộc chiến VN, đúng sai thì chưa biết nhưng nó cho thấy một sự thực, ông muốn rút quân nhân Mỹ ra khỏi VN.

Tác giả: © Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt



—————————————————-

(1) Robert S. McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam (in 1995) trang 31, 32
(2) Liên phòng Đông nam Á
(3) In Retrospect, trang 39
(4) Vietnam A History trang 267, 268, 269, 270
(5) Ngày 18-9-1961 hai tiểu đoàn VC chiếm tỉnh lỵ Phước Thành trọn một ngày, giết tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng và 10 công chức, tổng cộng có 17,000 cán binh xâm nhập miền nam. Ngày 18-10-1961 Tổng thống VNCH ban hành tình trạng khẩn cấp toàn quốc. (Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1955-1963, trang 228,229)
(6) The Vietnam War trang 67
(7) The Vietnam Wars 1945-1990, trang 78-82
(8) Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, trang 151-155
(9) In Retrospect trang 39, 40
(10) Marilyn B. Young The Vietnam wars 1945-1990, trang 142
(11) Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh 1972, in 2007, trang 16, 17.
(12) No More Vietnams trang 217
(13) Agonie de l’Indochine trang 251-255
(14) BBC.Vietnamese.com ngày 10-5-2006; Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh; Đăng Phong, Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121


Bình Luận:

Bài này trình bày cho thấy Mỹ ủng hộ đảo chánh ông Diệm vì thấy tình hình tại Việt Nam ở nông thôn thì Cộng Sản gia tăng hoạt động, tại thành phố thì người dân phản đối, xảy ra các cuộc biểu tình chứ không phải vì Mỹ muốn đem quân vào miền Nam và ông Diệm không đồng ý. Tại Việt Nam năm 2013, linh mục Lê Ngọc Thanh khi làm lễ tưởng niệm cho anh em ông Diệm đã nói rằng ông Diệm bị đảo chánh vì không cho quân Mỹ vào miền Nam. Linh mục Lê Ngọc Thanh nên đọc bài này vì ông ta nói theo lời đồn đãi mà không có cơ hội kiểm chứng là lời đồn đãi đó là đúng hay sai.

Trích: “Năm 1965 dưới thời Johnson tình hình quân sự tại miền nam VN nguy kịch hơn thời Kennedy rất nhiều, BV đưa các đơn vị chính qui xâm nhập miền nam mở rộng chiến tranh. Tháng 4-1965 Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quân lực) đưa tin tức bi đát khiến người Mỹ nản lòng “CS kiểm soát đa số thôn quê, chúng tôi chỉ giữ các thành phố chính, địch sắp tràn vào, rất cần quân Mỹ can thiệp” (10).”

Tình hình năm 1965, quân đội CS hoạt động mạnh và quân đội VNCH núng thế. Đó có phải là hậu quả của việc lật chế độ Ngô Đình Diệm?

Việc CS đưa thêm quân chính quy vào miền Nam không tùy thuộc vào việc chế độ Ngô Đình Diệm có còn cầm quyền hay không vì chế độ Ngô Đình Diệm cũng không đủ sức chận đường mòn Hồ Chí Minh và cũng không biết CS đang đem vũ khí vào bằng đường biển để chận. 

Vào thời điểm 1965 thì CS đã có 5 năm để chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí vào miền Nam. Nhờ thế quân đội CS vũ trang mạnh hơn quân đội VNCH. Vào thời điểm này, CS có súng B-40 có thể bắn xe tăng, thiết vận xa của, có súng đại liên 12.7mm có thể bắn rơi máy bay, CS được trang bị tiểu liên AK còn lính VNCH chỉ có súng Garand, Carbine bắn phát một. Các loại vũ khí này, du kích quân CS không có vào trước 1960. Vì thế trước 1960, khi quân đội VNCH tấn công với thiết vận xa, du kích quân CS chỉ có súng trường thì không địch lại.

Các yếu tố khiến cho CS có thể đánh lớn không tùy thuộc vào việc có chính quyền Ngô Đình Diệm hay không. Việc CS đưa bộ đội vào miền Nam bằng đường bộ và đưa vũ khí vào bằng đường biển, là điều chính quyền Ngô Đình Diệm cũng không thể ngăn cản được. Việc CS gia tăng quân số lấy từ người dân miền Nam chính quyền Ngô Đình Diệm cũng không ngăn cản được vì qua cách tuyên truyền của CS, nhiều người dân miền Nam vẫn xem chính quyền VNCH chỉ là chính quyền quốc gia thời Pháp nối dài và vai trò người Mỹ thì cũng giống như người Pháp. 

Như vậy dù ông Ngô Đình Diệm còn cầm quyền tại miền Nam năm 1965 thì cũng phải đương đầu với lực lượng CS lớn mạnh hơn, được trang bị vũ khí nhiều và tối tân hơn và Mỹ cũng sẽ phải đem quân vào miền Nam để cứu. Dù chính quyền Ngô Đình Diệm có còn hay không thì việc Mỹ sa lầy cũng có thể xảy ra. Việc Mỹ không phải đem quân vào miền Nam có thể tránh khỏi nếu khi từ 1960, Mỹ nhận ra ý đồ của CSVN là quyết định đem nhiều vũ khí và bộ đội vào miền Nam để đánh lớn và quyết định viện trợ vũ khí và gia tăng quân số VNCH nhanh tương đương với mức gia tăng của phía CS. Nhưng người Mỹ thì chỉ nghĩ đó là chiến tranh du kích, và nghĩ chỉ cần viện trợ cho VNCH đủ đế đối phó với chiến tranh du kích và hy vọng trong vòng vài tháng, một năm quân du kích CS sẽ phải ngưng hoạt động vì bị giết chết hết. Cái mà người Mỹ phải nghĩ là đối phó với một cuộc chiến tranh lớn với việc miền Bắc dốc hết sức vào chiến tranh và Liên Xô, Trung Quốc sẵn sàng chi việc cho chiến tranh vô thời hạn. Với cách nhìn đó thì Mỹ chỉ có hai sự chọn lựa: hoặc phải dốc sức vào chiến tranh vô thời hạn như phía CS hoặt bỏ miền Nam để rồi sau đó lại phải tiếp tục đối phó với đường lối chiến tranh đó của CS tại một nơi khác trên thế giới. Nhiều người Mỹ lúc đó chỉ biết mình mà không biết người. Những tác giả Mỹ nói rằng vì chế độ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ mà CS có thể đánh lớn là không chịu nhìn về phía người để thấy miền Bắc quyết tâm đem vũ khí và đánh lớn từ 1960. Đến 1965, nhiều trận đánh lớn xảy ra vì CS có đủ vũ khí và quân số sau 5 năm chuẩn bị. Dù ông Diệm có còn lúc đó thì cũng vẫn phải đối phó với lực lượng CS có 5 năm để tranh bị và xây dựng lực lượng để đánh lớn.

No comments:

Post a Comment