Wednesday, December 31, 2014

Con Quỉ Quyền Lực

Hỏi:

Theo bác thì có thể tìm tự do hạnh phúc ở đâu ?

Ông Trần Đức Thảo trả lời:

Tìm ở nơi không có con quỉ quyền lực và con quỉ chiến tranh nó ám.


Con Quỷ Quyền Lực

Tìm ở nơi có nhà nước biết dùng phần lớn ngân sách để lo cho phúc lợi của nhân dân, chứ không dùng ngân sách nhà nước để củng cố đảng cầm quyền, để chuẩn bị những cuộc chiến tranh phiêu lưu, để làm những điều không tưởng để củng cố cho một "đảng" được vĩnh viễn cầm quyền, để phát triển triệt để guồng máy đàn áp để đảng tồn tại, mà coi nhẹ việc tạo phúc lợi cho nhân dân!

Người ta bỏ đi vì họ không muốn bị hi sinh, mà là họ muốn tìm tự do hạnh phúc, ở nơi công an không canh chừng dân chúng như canh tù, không làm khổ nhân dân vì thủ đoạn vu khống, chụp mũ.

Phải biết rằng: chỉ có quỉ mới kiêu căng, mới vui khi làm khổ, làm nhục con người. Kẻ vênh váo, cảm thấy vui khi làm khổ, làm nhục con người thì không phải là người mà là quỉ, là kẻ bị con quỉ quyền lực nó ám trong đầu.

Mà quỉ ấy là ai? Là gì? Quỉ ấy là thứ đầu óc đầy ý đồ gian xảo, hung bạo của quyền lực.

Quỉ ấy là ý thức đấu tranh giai cấp, là thứ cuồng tín của bạo lực và hận thù, là những khái niệm sai trái, độc ác ở trong đầu con người, nó thúc đẩy con người lao vào đam mê tìm thắng lợi bằng mọi thủ đoạn của tội ác, bằng đủ thứ quỉ kế, đểu mưu đồ củng cố cho chế độ độc tài độc đảng.

Những vinh quang độc tài, độc đảng ấy đều là phù phiếm, vì chúng đã làm khổ con người.

Xét như vậy là thấy rõ là quỉ nó vẫn ở với người, vẫn ở trong những con người lãnh đạo.

Bàn sâu vào thực tại của quỉ ở quanh mình thì bi thảm lắm! Vì chính trị và chiến tranh cách mạng là cơ hội thao túng của quỉ. Quỉ nó quậy trong đầu những người nắm quyền lực để làm chính trị, làm chiến tranh.

Quỉ lộng hành vì không cơ chế nào kiểm soát được nó! Nó bảo đảm với con người chính trị, con người chiến tranh là mưu trí của nó sẽ mang lại chiến thắng để tồn tại lâu dài.

Bi kịch của ta là do nó đã tạo ra niềm tin tất thắng khi tận dụng bạo lực và hận thù. Chính cái niềm tin tất thắng ấy đã đầy đọa con người, đà xóa đi tính nhân bản trong chính sách.

Có lúc phải mở chiến tranh như để giành độc lập là đúng. Nhưng dùng con đường chiến tranh cách mạng một cách trường kỳ, vô hạn... để bành trướng chủ nghĩa, để giải quyết các vấn đề, để mưu tìm thế độc quyền, độc tôn cho ý thức hệ, tức là cho đảng nắm toàn quyền yêu nước, toàn quyền ban phát tự do hạnh phúc cho con người là sai. Vì đó là con đường của thảm họa, tội ác.

Trên đây là những lời ông Trần Đức Thảo nói chuyện với hai người bạn tại Paris, Pháp. Đây không phải là lúc ông lập thuyết, lập chủ nghĩa mà chỉ là những lời tâm sự với bạn bè không nghi kỵ, nói hết những gì mình có trong đầu. Hai người bạn này thường rủ ông cuối tuần, chiều thứ bảy hay chiều chủ nhật đi ra quán nước ngồi nói chuyện. Vì đây là hai người sống ở Pháp lâu năm và không có liên quan gì với chính quyền Việt Nam hay đại sứ quán Việt Nam nên ông Trần Đức Thảo nói chuyện một cách thoải mái, không e ngại. Hai người bạn này thấy được nói chuyện với ông Trần Đức Thảo, một triết gia tên tuổi, mà ông lại nói hết tâm sự mình nên họ đã ngầm ghi âm cuộc nói chuyện. Sau khi ông qua đời, ông Phan Ngọc Khuê, một trong hai người bạn đó, đã chép lại những gì ghi âm được vào băng và đem viết thành sách. Sách được in lần đầu tại Pháp với tựa đề "Nỗi Hối Hận Lúc Hoàng Hôn". Cuốn sách đó được in lại tại Mỹ với tựa đề "Trần Đức Thảo: Những Lời Trăng Trối".

Triết Gia Mác không có Lê

Tuy tin vào chủ nghĩa Cộng Sản nhưng ông Trần Đức Thảo không tán thành dùng bạo lực để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản của Lê Nin. Để tiến hành việc dùng bạo lực để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản, Lê Nin đã thiết lập một đảng dùng bất kể thủ đoạn nào, kể cả dối trá và sức mạnh để bắt quần chúng đi theo đảng Cộng Sản. Dùng dối trá và sức mạnh thì đem lại quyền lực cho đảng Cộng Sản và đảng Cộng Sản thành công trong việc bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản nhưng chế độ đó không đem lại hạnh phúc cho người dân.

Tuy ông Trần Đức Thảo tin là chủ nghĩa Mác đúng cho đến gần hết cuộc đời ông nhưng ông không tán thành việc dùng dối trá vào sức mạnh để thực hiện. Trong cuốn sách Trần Đức Thảo: Những Lời Trăng Trối, có ít nhất ba trường hợp cho thấy ông Trần Đức Thảo không tán thành dùng dối trá vào bạo lực để thực hiện chủ nghĩa Mác.

Lần thứ nhất vào năm 1952, khi ông mới từ Pháp về và cho tham gia chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất tại Phú Thọ. Sau đợt đấu tố, trong phần đóng góp ý kiến ông Trần Đức Thảo đã phản đối lệnh mỗi xã phải đạt chỉ tiêu tìm ra 5% dân số là địa chủ để đem xử bắn.  Sự phản đối này đưa đến việc ông có thể bị cán bộ địa phương xử bắn. Cuối cùng, tin đưa về trung ương, ông Trường Chinh, Tổng Bí Thư lúc đó, đem xe đến đưa ông Trần Đức Thảo thẳng về Hà Nội để cứu ông ta. Trên đường đi về Hà Nội, ông Trần Đức Thảo đã tranh luận với ông Trường Chinh về đường lối dùng bạo lực. Ông Trường Chinh thì tin rằng muốn làm cách mạng vô sản thì phải đi qua con đường dùng bạo lực, như Lê Nin đã dạy, còn ông Trần Đức Thảo thì không tin như vậy.

Lần thứ hai, khi nói chuyện với ông Đặng Thái Mai vào thời gian 1954 -1956, ông Trần Đức Thảo hỏi tại sao ông chỉ được làm Phó Giám Đốc Đại Học Hà Nội. Ông Đặng Thái Mai nói rằng vì ông Trần Đức Thảo không phải là đảng viên nên không được giữ chức giám đốc. Và sở dĩ ông Trần Đức Thảo không trở thành đảng viên được vì ông chỉ tán thành chủ nghĩa Mác mà không tán thành lý thuyết của Lê Nin. Không tán thành lý thuyết của Lê Nin tức là không tán thành phải dùng bạo lực để thực hiện chủ nghĩa Mác trên toàn thế giới.

Lần thứ ba, vào năm 1964, ông Hồ Chí Minh cho người gọi ông Trần Đức Thảo đến trình bày các sự lợi và hại của hai đường lối hòa bình và chiến tranh. Trước mặt ông Hồ Chí Minh, và một số cán bộ cao cấp khác, trong đó có cả ông Võ Nguyên Giáp, ông Trần Đức Thảo, lúc đó biết là đảng Cộng Sản Việt Nam lúc đó đang phát động cuộc chiến tranh đánh miền Nam, nhưng vẫn nói thật ý nghĩ của ông là không tán thành chiến tranh. Theo ông Trần Đức Thảo, có một số lý do không nên dùng con đường chiến tranh để thống nhất đất nước là:

Việt Nam chưa chế tạo được khí giới, nếu theo đường lối chiến tranh thì phải xin khí giới của nước khác nghĩa là phải lệ thuộc vào nước cung cấp khí giới cho mình.

Theo những gì xảy ra sau Đệ Nhị Thế Chiến thì các nước châu Âu sau chiến tranh đều bị suy yếu, mất đi địa vị đứng đầu thế giới. Chiến tranh sẽ làm cho các phe đều bị tàn phá và suy yếu trong khi các nước khác không bị tàn phá sẽ mạnh hơn và có ưu thế hơn.

Chiến tranh sẽ phá hủy văn hóa, nhân văn, trật tự, kỷ cương và đạo lý, khiến cho con người trở nên hung bạo, gian xảo hơn, để lại hậu quả xấu lâu dài trong xã hội ngay cả sau khi chiến tranh đã chấm dứt.

Như thế có thể nói ông Trần Đức Thảo là triết gia tin vào lý thuyết Mác Xít nhưng không tin vào lý thuyết Lê Nin Nít. Ông chỉ là triết gia Mác Xít mà không phải là triết gia Mác Xít - Lê Nin Nít. Chính vì không tán thành phần lý thuyết của Lê Nin mà ông bị chế độ gạt ra ngoài lề, chỉ dùng một cách rất hạn chế.

Theo những gì ông nói ở trên, con đường dùng bạo lực để thực hiện chủ nghĩa Mác là do những người bị lòng tham quyền lực thôi thúc mà đi theo.






No comments:

Post a Comment