Friday, June 10, 2016

Người hướng nội có thể trở thành những nhà lãnh đạo tài ba

Susan Cain
Hãy nói lên! Hãy cởi mở lên! Xã hội Mỹ dường như rất coi trọng việc thẳng thắn và cởi mở. Nhưng điều đó có thể trở thành tác nhân gây căng thẳng cho những người hướng nội, người có tính cách kín đáo và thích những hoạt động đơn lẻ hơn là những nhóm đông người. Chuyên gia Susan Cain, bản thân bà cũng là người hướng nội, đã trở thành tiếng nói đại diện cho những người ít nói.


Vào năm 2012, cuốn sách của bà về người hướng nội, xin tạm dịch: “Yên lặng: Sức mạnh của những người hướng nội trong một thế giới không ngừng nói chuyện” đã đem lại thành công cho bà. Trong cuốn sách mới của bà, xin tạm dịch: “Sức mạnh trầm lặng: Sức mạnh bí mật của người hướng nội,” bà Cain đã truyền tải thông điệp lạc quan của bà về người hướng nội với những bạn trẻ tuổi.




Những đứa trẻ hướng nội không nhất thiết là những đứa trẻ nhút nhát. Trong thực tế, chúng có thể rất giỏi những kỹ năng xã hội. Chỉ có điều, chúng có xu hướng thích ở một mình, thích sự yên tĩnh hơn hay là chỉ chơi với một người bạn thân tại một thời điểm. Chuyên gia Susan Cain nói rằng đó là cách mà chúng tập hợp được năng lượng của mình. Thực ra chính việc ở những nơi ồn ào mới khiến chúng mệt mỏi. Bà nói:

“Nếu bạn tưởng tượng ra cảnh một người hướng nội đến tụ tập với bạn bè tại một bữa tiệc. Sau khoảng hai tiếng, họ sẽ ước thầm rằng giá mà mình có thể mặc quần áo ngủ thoải mái nằm nhà bởi vì họ sắp mất hết năng lượng rồi. Trong khi đó những người hướng ngoại ở trong cùng một hoàn cảnh thì họ lại cảm thấy đang nạp được thêm năng lượng. Vì thế mà họ sẽ cảm thấy muốn ở lại bữa tiệc đó lâu hơn. Điều này có liên quan tới cách hệ thống thần kinh trung ương của chúng ta phản ứng trước những nhân tố kích thích bên ngoài.”

Theo bà Cain, khái niệm cho rằng người hướng ngoại thì thành công hơn người hướng nội, là sai lầm:

“Nếu bạn nhìn quanh, bạn sẽ thấy có rất nhiều người hướng nội đang đóng góp cho nền văn hoá này bằng nhiều cách. Những người như ông Bill Gates, bà J.K Rowling tác giả bộ truyện Harry Porter, Tiến sĩ Seuss, tác giả cuốn sách cho trẻ em Mỹ…hay bất cứ những người hướng nội nào bạn có thể nghĩ đến, đều đang đóng góp cho xã hội chính nhờ vào tính cách trầm lặng của họ. Nhưng không hiểu sao mà điều này vẫn không đủ để xã hội chúng ta vẫn cứ luôn khuyến khích tất cả mọi người từ lúc bé là phải cởi mở, hoạt bát, thậm chí ngay khi đó không phải là tính cách của họ.”

Theo bà Cain, trên thực tế có nhiều người hướng nội hơn là mọi người tưởng:

“Riêng ở Mỹ, cứ hai, ba người thì lại có một người hướng nội. Nhưng chúng ta lại có những nghiên cứu quy mô khắp thế giới và họ nhận ra rằng Mỹ có xu hướng hướng ngoại nhiều hơn. Vì vậy mà có lẽ có nhiều người hướng nội hơn ở những nước khác.”

Để khám phá nhiều hơn về sự hướng nội ở độ tuổi teen, bà Cain đã phỏng vấn hàng trăm bạn thanh thiếu niên, phụ huynh, và giáo viên. Một trong những phát hiện quan trọng của bà đó là việc những người hướng nội có thể là những nhà lãnh đạo hiệu quả:

“Ví dụ, có một người tên là Davis muốn ra ứng cử vào chức trưởng lớp. Cậu ấy đã phải tranh cử với một trong những ứng viên nữ được nhiều bạn học biết đến, người đi theo hướng tổ chức nhiều bữa tiệc cho mọi người hơn nữa. Davis đã bỏ rất nhiều tâm huyết vào việc tranh cử này để làm sao biến ngôi trường này trở thành một nơi tốt hơn, trong khi vẫn giữ nguyên tính cách của cậu, hướng nội, ít nói. Vì vậy cậu ấy đã xây dựng những đề xuất cực kỳ nghiêm túc và những bạn học của cậu ấy đã thực sự nhận ra được giá trị của việc đó và đã bỏ phiếu cho cậu ấy, cuối cùng cậu ấy đã thực sự giành được chức trưởng lớp. Tôi nói điều này không có ý là mỗi bạn học sinh hướng nội nhút nhát đều nên trở thành trưởng lớp hay đội trưởng đội bóng đá. Tôi chỉ muốn nói với những bạn thanh thiếu niên rằng các em có thể thử sức mình ở mọi lĩnh vực và chứng tỏ năng lực của mình.”

Trong cuốn sách của mình, bà Cain có nhắc đến một vài bí kíp cho cả phụ huynh và giáo viên. Bà cho phụ huynh biết rõ rằng những bạn học sinh hướng nội thường muốn về nhà vào cuối ngày và nạp lại năng lượng, có nghĩa là chúng muốn ở một mình. Không nên bắt ép chúng tham gia vào các hoạt động ngoại khoá. Còn đối với giáo viên, bà nói rằng, những học sinh có thể sẽ không sôi nổi trong những nhóm học tập đông người:

“Bản chất chúng thích học độc lập và tự học hơn. Chúng sẽ không muốn học toán theo nhóm. Chúng muốn tự mình suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Tôi cũng tin là sau khi đã quan sát nhiều nhóm học tập thì có những nhóm làm việc hiệu quả và tốt hơn những nhóm khác. Học sinh cần phải được giáo viên quản lý sao cho phù hợp với tính cách hướng ngoại và hướng nội của chúng. Đó là việc liệu giáo viên có thể đảm bảo là tất cả học sinh đều có một vai trò cụ thể nào đó và biết rõ về nó hay không? Hay như nhóm học tập đó có đủ nhỏ để tất cả mọi người đều có thể đóng góp ý kiến không? Tất cả điều đó đều quan trọng.”

Bà Cain cũng hối thúc giáo viên tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào những cuộc thảo luận trên lớp tuỳ thuộc vào tốc độ của mỗi người:

“Một hành động đơn giản đó là sau khi bạn đưa ra một câu hỏi thì hãy chờ một vài giây trước khi gọi một em học sinh lên trả lời. Việc đó sẽ cho phép nhiều em trả lời hơn thay vì việc vừa hỏi và chỉ một giây sau đã gọi các em lên trả lời rồi. Bởi vì khi bạn làm điều đó thì bạn lại chỉ để cơ hội cho những em hướng ngoại, vốn không cần nghĩ trước khi nói. Những em hướng nội cần thời gian để suy nghĩ. Vì vậy chỉ cần chờ thêm sáu, bảy giây, mặc dù có thể cảm giác hơi căng thẳng, nhưng lại có thể nhận được nhiều câu trả lời hơn.”


Bà Susan Cain, tác giả cuốn sách "Quiet Power: The Secret Strengths of Introverts," tạm dịch: “Sức mạnh trầm lặng: Sức mạnh bí mật của người hướng nội,” nói rằng điều mà bà mong muốn người đọc rút ra từ cuốn sách của bà là hướng nội không phải là thứ mà phải từ bỏ, mà là một thức cần được chấp nhận, nuôi dưỡng, và trân trọng.


Faiza Elmasry

08.06.2016


No comments:

Post a Comment