Thursday, January 5, 2017

Nếu không có 30/4 miền Nam có giàu như Hàn Quốc?





Lập luận của clip này sai ở chỗ là đem kinh tế của miền Nam vào thời chiến tranh để nói là kinh tế miền Nam sẽ không giống như kinh tế Hàn Quốc.


 Kinh tế miền Nam cần ngoại viện vì cuộc chiến tranh tiêu tốn trên mức kinh tế miền Nam có thể đảm đương. Tương tự, tại miền Bắc, vì chi phí cho cuộc chiến lớn hơn là nền kinh tế miền Bắc có thể kham được nên miền Bắc cũng nhận viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và khối Đông Âu. Trung Quốc cũng viện trợ gạo và lương thực cho miền Bắc. Trong thời gian chiến tranh thì thanh niên từ 18 đến 50 nằm trong quân đội là mất đi sức lao động, các vùng nông thôn trở thành bãi chiến trường nên không thể cày cấy, nông dân phải bỏ nhà cửa ruộng vườn khi vùng của mình có giao tranh, vì thế sức sản xuất về thực phẩm không thể cao như trước thời chiến tranh. Trước 1960 miền Nam xuất cảng lúa gạo là vì lúc đó đảng CSVN chưa ra nghị quyết dùng vũ lực đánh miền Nam. Kể từ 1960 trở đi, khi đảng CSVN tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam thì sản lượng lúa gạo miền Nam sụt giảm vì miền Nam lâm vào cảnh chiến tranh. Giả sử miền Nam không có chiến tranh thì thanh niên không còn đi lính, sẽ có thêm sức lao động làm sức sản xuất gia tăng, nông thôn không còn chiến tranh sẽ gia tăng sản lượng lúa gạo. Khi không còn chiến tranh thì ngân sách của chính phủ sẽ bớt chi cho quốc phòng mà gia tăng cho kinh tế, giáo dục. Không thể đem kinh tế miền Nam vào thời đang có chiến tranh để so với kinh tế của Hàn Quốc vào thời không có chiến tranh.

Đáng lẽ ra phải làm sự so sánh giữa kinh tế Việt Nam sau chiến tranh và kinh tế Hàn Quốc sau chiến tranh. Khi Đại Hàn bị chia đôi thì phần lớn nhà máy nằm ở phía Bắc, miền Nam toàn là nông nghiệp nên lúc đầu, Bắc Triều Tiên công nghiệp hóa nhanh hơn Hàn Quốc. Nhưng về sau, kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh hơn Bắc Triều Tiên vì theo kinh tế thị trường. Tại Việt Nam, sau chiến tranh, nền kinh tế thị trường bị xóa bỏ, công thương nghiệp do nhà nước quản lý. Lúc đầu, cán bộ không biết quản lý nên nhiều hãng xưởng không sản xuất được, nhưng về sau dù đã quen với quản lý, các công ty quốc doanh vẫn không có năng suất cao như thời xưa. Chính quyền Việt Nam sau 1976 chủ trương tiến lên sản xuất lớn nên dẹp bỏ công nghiệp nhỏ trong khi tại miền Nam công nghiệp nhỏ chiếm đa số. Chính sách này làm mất đi sản xuất nhiều hàng hóa dân dụng và làm gia tăng nạn thất nghiệp. Khi nhà nước nhìn ra sự sai lầm mà cho công nghiệp nhỏ hoạt động lại thì cũng đã làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Chính sách tập thể hóa nông nghiệp, tịch thu ruộng đất của dân làm cho dân chán nản, không muốn cày cấy làm sản lượng nông nghiệp sụt giảm. Sau 1986, nhà nước bắt đầu trả ruộng cho dân thì năng suất nông nghiệp gia tăng, rồi sau đó tự túc được lúa gạo, sau một thời gian nữa có thể xuất cảng lúa gạo. Chính quyền VNCH không tập thể hóa nông nghiệp thì với bằng đó lao động, bằng đó ruộng đất thì sau chiến tranh, thanh niên trở về quê cày cấy thì miền Nam cũng sẽ tự túc được lúa gạo và có thể xuất cảng được lúa gạo. Chỉ đến 1990, đảng CSVN nhìn thấy sai lầm của mình, chuyển sang kinh tế thị trường, cho ngoại quốc vào đầu tư thì kinh tế Việt Nam mới khá lên. Nếu là VNCH thì cứ tiếp tục chính sách kinh tế thị trường từ 1975 và cho ngoại quốc đầu tư vào thì kinh tế cũng sẽ khá hơn từ 1975.

No comments:

Post a Comment