Thursday, January 19, 2017

Khi cựu tướng lĩnh làm bộ trưởng Quốc Phòng

Ông Donald Trump (bên trái) và ông James Mattis (bên phải)
Việc tân thổng thống Mỹ, ông Donald Trump, chọn một cựu tướng lĩnh, ông James Mattis, làm bộ trưởng Quốc Phòng trong nội các mới của mình xem ra là việc làm thích hợp . Một cựu tướng lĩnh thì ắt là am hiểu về quân đội mà nắm bộ trưởng Quốc Phòng thì không còn gì tốt hơn. Nhưng quốc hội Mỹ thấy cũng có vấn đề phải bàn cãi trước khi phê chuẩn ông ta, cho phép ông ta được thành bộ trưởng thực thu . Điều này cho thấy cách dùng người trong chính phủ Mỹ.


Vấn đề là theo luật thì ông James Mattis chưa hợp lệ để trở thành bộ trưởng. Theo luật của Mỹ thì một người phải giã từ quân đội bẩy năm trước khi được nắm chức vụ nào đó trong chính quyền. Ông James Mattis chỉ mới từ giã lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ năm 2013. Luật này làm ra để bảo đảm là dân sự nắm chính quyền chứ không để quân đội nắm chính quyền. Bảo đảm cho dân sự nắm chính quyền và dân sự chỉ huy quân đội là để bảo vệ cho chính quyền dân sự có thể thi hành được luật pháp và đại diện được cho dân mà không phải là kẻ có súng, có sức mạnh trong tay, bất chấp luật pháp là kẻ có quyền lực.

Từ hơn nửa thế kỷ nay, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đều là người bên dân sự. Những người đó có thể đã từng phục vụ trong quân đội nhưng khi làm bộ trưởng thì họ đã ra khỏi quân đội một thời gian rồi. Lần cuối cùng có một ông tướng làm bộ trưởng Quốc Phòng ở Mỹ là năm 1950, đó là tướng George C. Marshall.

Các thượng nghị sĩ trong quốc hội Mỹ, họp bàn xem có nên ra một điều luật miễn trừ điều kiện phải rời khỏi quân đội hơn bẩy năm đối với tướng James Mattis hay không. Phải có quốc hội ra điều luật miễn trừ điều kiện đó cho ông James Mattis thì ông ta mới trở thành bộ trưởng Quốc Phòng được.

Nói chung, các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều thấy là nên miễn trừ cho ông James Mattis điều kiện này. Các ý kiến đưa ra trong cuộc bàn cãi là ông James Mattis trong thời gian ở trong quân đội đã chỉ trích tổng thống Obama rất dữ nhưng ông ta là người có hiểu biết vững chắc về quân đội. Nếu ông ta làm bộ trưởng Quốc Phòng thì ông ta sẽ kiềm chế bớt nhừng quyết định nông nổi, thiếu hiểu biết của Tòa Bạch Ốc. Ý muốn nói là ông tổng thống mới Donald Trump là người thiếu kinh nghiệm trong chính trị thì cần phải có người cứng rắn và hiểu biết như ông James Mattis để kiềm chế.

Một ý kiến khác đưa ra thuận lợi cho việc chấp thuận cho ông James Mattis trở thành bộ trưởng Quốc Phòng là ông James Mattis trước đây từng viết bài với tựa đề "Lính Chiến và Công Dân" bàn về việc công dân nắm quyền kiểm soát quân đội. Qua bài viết này, có thượng nghị sĩ cho rằng ông James Mattis không có tinh thần lạm quyền, muốn quân đội lấn quyền dân sự.

Có sự cẩn thận trong việc kiểm soát quân đội, các lực lượng an ninh, mật vụ trong các chế độ dân chủ. Những chính trị gia dân sự tìm cách hạn chế sự lạm quyền của các lực lượng có khả năng sử dụng bạo lực để cho quyền lực tối cao thật sự thuộc về quốc hội. Họ không để cho quốc hội chỉ là cơ quan quyền lực tối cao trên danh nghĩa mà thôi trong khi những kẻ nắm quân đội, nắm cảnh sát, mật vụ lại là kẻ có quyền lực tối cao thật sự trong nước.

Những nước dân chủ đã có khả năng giám sát và hạn chế quyền hạn của quân đội và các cơ quan an ninh, mật vụ, tình báo thì họ tiếp tục duy trì tình trạng đó, không để cho sơ hở để có kẻ nắm các lực lượng có khả năng dùng bạo lực đó trở thành mạnh quá mà lạm quyền, uy hiếp chính phủ. Còn các nước đang bị các lực lượng có khả năng dùng bạo lực đó nắm quyền mà muốn giảm bớt quyền hành của các lực lượng này để cho người dân có thêm quyền lực là điều khó khăn và là quá trình tranh đấu cam go lâu dài vì đó là sự tranh đấu giữ kẻ có vũ khí và những người tay không. Và người dân các xứ bị cai trị độc tài cũng cần nhìn rõ chân tướng ai là kẻ gây cản trở cho quá trình tiến đến dân chủ, cản trở việc đem lại nhiều quyền hạn hơn cho người dân.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment