Sunday, July 22, 2018

Nền giáo dục mục ruỗng - Phạm Dương Ngọc

Độ 20-30 đứa chỉ có miếng bí, dù Nhà nước đã cấp đủ tiền để chúng ăn cơm có thịt.
Hà Giang là vùng đất mình gắn bó rất sâu, và khá thấu hiểu. 15 năm trước, đã lang thang khắp các bản làng, điểm trường, ăn ở với các thầy cô, ngược núi đến trường với những đứa trẻ.

Đã từng đoạt giải Nhất cuộc thi Phóng sự quy mô quốc gia với bài viết về hành trình đưa những đứa trẻ ra khỏi rừng rậm của thầy cô. Nhưng rồi, càng đi sâu, càng thấy lộ ra sự tréo ngoe của ngành giáo dục tỉnh này, mà sự thối rữa từ trên xuống, từ dưới lên.
Có đợt, mình đi khảo sát các trường bán trú, thấy có trường lượng học sinh bán trú ăn ở trường có độ 20-30 em, nhưng khai khống lên cả trăm em, để trục lợi tiền trợ cấp của Nhà nước. Ví dụ cho dễ hiểu, trường lập danh sách có 100 em, để mỗi tháng nhà nước chu cấp cho 500.000 đồng/em, thì thực tế chỉ có 20-30 đứa ăn ở trường. Ấy thế nhưng, mấy lần mình đột xuất vào nhà bếp kiểm tra, chẳng thấy thầy cô với đầu bếp đâu, chỉ thấy bọn trẻ tự nấu ăn. Hai ba chục đứa trẻ chỉ có miếng bí để làm thức ăn. Có trường, lộ thông tin có nhà báo vừa vào, lập tức có đầu bếp đến xào thịt thơm lừng, mặc dù học sinh kể hàng ngày chỉ có mớ rau. Tức là, lãnh đạo không chỉ khai khống rút tiền nhà nước, mà còn ăn bớt tiếp miếng thịt của bọn trẻ. Thật không thể tin nổi khi nhà nước cấp khoảng 20 triệu/tháng tiền ăn cho bọn trẻ, nhưng đầu bếp tiêu hết có hơn triệu, vì toàn cho bọn trẻ ăn cơm rau.

Có câu chuyện thế này, hồi làm báo Công an, cơ quan mình chở tivi màn hình cỡ lớn lên tặng một trường, quần áo mới, cặp sách balo. Cẩn thận đến nỗi phát trực tiếp cho mấy trăm học sinh. Ấy thế nhưng, vài hôm sau đã có thông tin dân kể tivi về nhà hiệu trưởng, cặp sách bị gom lại bán tá lả ngoài thị trấn.

Sự việc trục lợi ngân sách là vi phạm pháp luật, trục lợi miếng thịt là vi phạm đạo đức nghiêm trọng, nhưng nghĩ mãi, mình quyết định không viết, dù hồ sơ và thông tin đầy đủ. Nghĩ đến cảnh cả chục giáo viên có thể mất việc, khi họ bỏ cả trăm triệu ra chạy suất biên chế, mà mình không đủ can đảm. Với lại vì đại cục chung, không muốn làm mất hình ảnh đẹp về giáo viên miền núi. Mình ra Sở gặp một vị lãnh đạo, giao hồ sơ và cung cấp thông tin đề nghị chấn chỉnh hiện tượng phổ biến khắp tỉnh kia. Đồng chí rất tiếp thu nhưng chắc cũng chả làm gì, vì có lẽ ăn chia cả rồi.

Sự mục ruỗng đó đã tạo nên cơn đại địa chấn như vụ Sầm Đức Xương, khi mà cả thầy và đám quan chức tỉnh mua dâm học sinh trong độ tuổi áo trắng đến trường.

Hôm công bố điểm thi PTTH Quốc gia, thông tin điểm thí sinh Hà Giang cao chót vót, thì chả cần ai đặt nghi vấn hay chứng cứ gì, mình cũng biết thừa sẽ có tiêu cực. Bởi đơn giản, nó là sự mục ruỗng từ trên xuống, từ dưới lên.

Mà thực ra, nền giáo dục cả nước này nó nát rồi chứ chẳng cứ gì Hà Giang.

Về vụ sửa điểm thi ở Hà Giang một bạn Facebook của tôi viết: “Sửa 330 bài trong 33 phút! Nhiêu đây đi làm công an, sản sinh ra một thế hệ đàn áp. Nhiêu đây đi làm bác sĩ, sản sinh ra một đội ngũ giết người”.

Sự thật có lẽ đúng vậy, nhưng tôi không trách những thí sinh đã bị [được (?) – BVN chú thích] sửa điểm đó, bởi họ là những người trẻ (mới trên dưới 18 tuổi).

Người trẻ trên dưới 18 tuổi ở nước ta đâu phải như người trẻ ở Hongkong dám xuống đường, kêu gọi bãi khóa đòi chính quyền tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu, phản đối chính sách thân Tàu!

Người trên dưới 18 tuổi ở nước ta không như người trẻ ở Mỹ dám đứng trước tòa Bạch Ốc đọc diễn văn như một người đối thoại ngang bằng với Tổng thống đòi xem xét về luật sở hữu vũ khí!

Người trẻ trên dưới 18 tuổi ở nước ta là những đứa trẻ được nhồi ý nghĩ vào đầu từ bên ngoài qua những bài văn mẫu, qua cách giảng dạy nói không với phản biện và ý kiến trái chiều, nhất nhất tuân theo sách giáo khoa không căn vặn.

Người trẻ trên dưới 18 tuổi của chúng ta được cha mẹ, thầy cô dạy phải ngoan ngoãn nghe lời bề trên, mặc kệ những gì diễn ra xung quanh miễn sao mình yên ổn.

Người trẻ của chúng ta được ấn vào những cái khuôn đúc sẵn, thị trường gì, làm nghề gì đã có bố mẹ quyết định thay, từ bé đã chứng kiến bố mẹ mình hoặc bố mẹ đứa khác điều khiển điểm thi như làm xiếc.

Người trẻ trên dưới 18 tuổi của chúng ta hoặc là những đứa trẻ được xếp lên những chiếc ghế kê sẵn của quyền lực hoặc gạt xuống xung quanh chân ghế làm những kẻ vâng dạ to xác sau này.

(Tôi khóc cho những người trẻ ở nước ta hơn là trách họ. Xin lỗi những người trẻ hiếm hoi không thuộc các trường hợp nói trên).

Kẻ đáng trách ở đây là những người trưởng thành về thể xác mà nhân cách mục ruỗng như Trọng Lương. Hắn và những kẻ đồng mưu với hắn, đã bóp chết cơ hội trở thành những con người lương thiện liêm chính của những người trẻ và tạo ra những kẻ đứt dây thần kinh xấu hổ không thể nào phẫu thuật để nối liền, tước đoạt cơ hội làm người một cách đàng hoàng để tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình cũng như giá trị của sự tự lực vươn lên.

Giống như mọi người tôi có thể nhìn thấy sự chạm đáy thê thảm của nền giáo dục Việt Nam đương thời qua sự kiện tẩy điểm ở Hà Giang. Nếu có điều gì thật sự bất ngờ trong vụ việc này thì theo tôi đó là, một lời xin lỗi khẩn trương của ông Bộ trưởng Nhạ và bất ngờ hơn, là một người trẻ nào đó trong số những người trẻ được (bị) sửa điểm sẽ đứng lên, nhìn thẳng vào dư luận đang sôi sục mà tuyên bố một cách rành rọt rằng “Tôi không muốn điều đó! Không muốn bị sửa điểm! Hãy để chúng tôi là chính mình, đừng nhét chúng tôi vào khuôn của các người!”


Nhà báo Phạm Dương Ngọc


Nền giáo dục dối trá sẽ tạo ra đất nước toàn dối trá

Gốc rễ của đất nước, chính là giáo dục. Nhưng nhìn lại nền giáo dục nước nhà, thực sự là một thảm họa, chưa nhìn thấy lối thoát.

Nền giáo dục nước nhà, nói thẳng ra, thì dối trá từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Chẳng có đất nước nào mà tiến sĩ, giáo sư nhiều như Việt Nam, phải nói là nhiều như lợn con. Một đất nước mà lắm giáo sư tiến sĩ, lẽ ra phải mừng, vì đó là nước mạnh, có nền giáo dục tốt. Ấy thế nhưng, vì nó toàn là dối trá, nên nó biến thành trò hề cho thiên hạ.

Giáo sư tiến sĩ nhiều như thế, mà đố có công trình nghiên cứu nào ra hồn. Các đề tài khoa học chủ yếu là để đốt tiền dự án nhà nước, là thuế của dân, xong vứt cho mọt ăn. Chiếc xe đạp làm không nổi, con ốc vít làm không xong, máy cày phải để nông dân tự mày mò sáng chế. Dược liệu cây thuốc thì gần như mù tịt, không biết một cái gì, để nông dân và con buôn “cầm chim cho thằng Tàu đái”, một cách nhục nhã.
Cái xã hội trọng bằng cấp và bằng cấp phần nhiều là đi mua, chạy chọt và tào lao, thì nó là sự dối trá và mục ruỗng toàn diện.

Không chỉ mua bằng mua cấp, mà ngay cả những người ở trong ngành giáo dục, thầy cô, cũng phải chạy chọt để có được việc làm, được biên chế, thì sự dối trá đã lan xuống tận lớp học. Không trách được các thầy cô, bởi không chạy chọt thì hiển nhiên là không có việc. Như cô thủ khoa sư phạm xuất sắc ở Hà Giang là một ví dụ, ra trường mấy năm, mà không xin được việc làm, dù rất yêu quê hương và muốn được cống hiến.

Kỳ thi tốt nghiệp PTTH suốt mấy chục năm qua, là một sự dối trá toàn diện, ai cũng biết, ai cũng thấy, và có lẽ cả lãnh đạo cao nhất của bộ này cũng coi sự dối trá đó là hiển nhiên. Nói thẳng băng ra, nếu việc tổ chức thi cử, coi thi, chấm điểm nghiêm túc, thì 70-80% học sinh sẽ trượt tốt nghiệp. Quả thực rất khó để một học sinh học tốt toàn diện, cả tự nhiên, xã hội lẫn ngoại ngữ, để tốt nghiệp được kỳ thi, nhất là đạt điểm cao. Ấy thế mà, từ xưa đến nay, học sinh thi đỗ tốt nghiệp PTTH toàn 98-99%, thì chỉ có “ngẫn” mới tin nổi. Kỳ thi này là một sự dối trá khủng khiếp nhất, to lớn nhất và toàn diện nhất.

Kỳ thi này, đánh dấu sự ra đời, trưởng thành, bước ngoặt vào đời của một con người. Sau đó, sẽ chọn lựa nhân tài, đào tạo đại học, là nòng cốt, tương lai cho đất nước. Thế nhưng, nó đã bị sự dối trá dẫn đường. Cho nên, tiếp đó, giảng đường đại học, sẽ tạo ra rất nhiều cử nhân vừa ngu dốt vừa mang tâm thế của những kẻ dối trá phục vụ xã hội.

Thử nghĩ xem, rường cột của đất nước toàn là sự giả dối, lươn lẹo, hình thức, thì tương lai đất nước này sẽ đi về đâu? Khắp nơi chỉ thấy chạy chọt, đục khoét, chọc ngoáy kiếm ăn, cán bộ thì ngày 8 tiếng nghĩ cách đục đẽo để hoàn vốn, để đầu tư thăng tiến, thì quả thực, nhìn mãi chẳng thấy tương lai tươi sáng cho đất nước ở chỗ nào.

Căn bệnh dối trá và ưa hình thức của ngành giáo dục, chính là cái gốc rễ gây ra sự trì trệ cho đất nước này. Nền giáo dục lệch lạc và lươn lẹo đã đào tạo ra những lớp người toàn thủ đoạn, chẳng có lương tâm và không có chút tự trọng, chỉ đặt lợi ích bản thân lên đầu. Không có tự trọng, thì sẽ không biết nhận sai, không biết sợ, không nhận trách nhiệm và không bao giờ từ chức.

Câu chuyện của Hà Giang là một ví dụ điển hình cho sự thối nát của nền giáo dục một cách có hệ thống. Ai dám khẳng định các giáo viên, kể cả cắm bản không phải chạy chọt để có chỗ làm việc? Ai dám khẳng định rất nhiều giáo viên không ăn bớt miếng thịt của học sinh? Sự thối nát hệ thống giáo dục đã tạo ra lớp quan chức chính quyền đểu cáng, đã tạo ra một Sầm Đức Xương điển hình của sự tồi tệ đốn mạt đến không tưởng tượng nổi, đã bắt cả chục học sinh vị thành niên của mình đi phục vụ tình dục cho quan chức tỉnh, trong đó có cả chủ tịch tỉnh.

Lẽ ra, Sầm Đức Xương cùng cả chục quan chức đó phải lên máy chém để làm gương cho thiên hạ, ngành giáo dục phải xem xét lại toàn diện, ấy thế nhưng, chỉ có Xương và chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô bị vài năm tù, còn lại thoát hết, lại tiếp tục thăng quan. Sự dối trá, lừa lọc chạy chọt, bao che, bất chấp dư luận, là cái Nhân để tạo ra cái Quả dối trá khổng lồ, đó là vụ sửa điểm, chạy điểm cho toàn con quan ở Hà Giang hôm nay.

Đã có thông tin, việc thanh tra ở một số tỉnh khác có thể không tìm ra sai phạm. Cũng có thông tin người ta muốn gói gọn sự việc lại, bởi sợ bung bét ra thì kinh khủng lắm. Nếu không làm đến cùng, thanh tra toàn diện và nghiêm túc, cho nó bung bét hẳn ra, thì thực sự cái ung nhọt này chưa bị vỡ, chưa được cắt bỏ. Và, cái Quả thảm khốc trong tương lai thì đất nước này lãnh đủ.

Nhà báo Phạm Dương Ngọc



Bình Luận:

Đường lối chính trị dối trá, bá đạo sẽ tạo ra nền giáo dục dối trá.

Nền giáo dục dối trá sẽ tạo ra những con người dối trá.

Nhưng khởi đầu là chính những con người dối trá đã chọn đường lối chính trị dối trá, bá đạo.


No comments:

Post a Comment