Sunday, February 24, 2019

UNESCO và Hồ Chí Minh


Bài viết dưới đây trích từ cuốn sách San Sẻ Tình Yêu Thương, viết riêng cho tuổi trẻ trong và ngoài nước của nhà báo Bùi Tín, sẽ ra mắt bạn đọc tháng 9, 2005. Đoạn này là trả lời bạn Phương Nam hỏi nhà báo Bùi Tín khi còn ở Úc, nay ông trả lời chung.

Bùi Tín


- Thế còn việc UNESCO suy tôn Hồ Chí Minh là "Danh nhân Văn hoá Thế giới" thì thế nào ?

Người bảo có, người bảo không, sự thật là thế nào? Tôi từng dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội trường Ba đình Hànội vào ngày 19-5-1990, có một số bạn bè quốc tế dự đến từ Liên xô, Trung quốc, Cu-ba, Bắc Triều tiên, Lào, Cam-bốt, Pháp, Anh, Angiêri… Tôi gặp ông A.Patti (người Mỹ, trong tổ chức tình báo OSS từng có mặt ở Việt Bắc và Hànội hồi cách mạng tháng Tám 1945) tại đây; có ông R.Chandra, người Ấn độ, nguyên trước kia là chủ tịch Hội đồng Hoà bình thế giới dự. Không có đại diện nào của UNESCO. Và cũng không ở đâu UNESCO đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm cả.

Để trả lời bạn Phương Nam hỏi, tôi đã đến hỏi tại trụ sở chính của UNESCO ở Paris. Đầu đuôi là thế này. UNESCO có nếp làm việc: nhân kỷ niệm ngày sinh những nhân vật nổi bật của các nước thành viên vào những năm chẵn thứ một trăm (năm sinh lần thứ 1, 2, 3 , 4 hay 5 trăm năm ) thì các nước gửi đề nghị đến UNESCO, UNESCO ghi nhận, xem xét và khuyến cáo các nước thành viên tham gia và Chủ tịch UNESCO có thể ủng hộ, hỗ trợ các nước ấy nếu cần. Vì đây là tổ chức về giáo dục, khoa học và văn hoá nên người được đề nghị phải có hoạt động nổi bật về 1 trong 3 mặt này.

Cuộc họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 ngày 25-5-1987 tại Paris xét thư đề ngày 14-7-1987 của bộ trưởng Võ Đông Giang, chủ tịch UNESCO của Việt nam, thông báo rằng Việt nam sẽ tổ chức trọng thể kỷ niệm ngày sinh lần thứ một trăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp 19-5-1990 , chủ tịch Hồ Chí Minh còn là "nhà văn hoá xuất săc của Việt nam"; cuộc họp quyết nghị: - ghi nhận (noter) thông báo của Việt nam; - khuyến cáo (recommander) các nước hội viên tham gia kỷ niệm; - yêu cầu (prier) Ngài Tổng giám đốc UNESCO ủng hộ (soutenir) việc kỷ niệm, nhất là ở Việt nam.

- Cùng trong phiên họp này, UNESCO ghi nhận đề nghị của Liên xô kỷ niệm lần thứ một trăm ngày sinh của "nhà văn và nhà giáo dục lớn" Semionovitch Makarenko ; ghi nhận đề nghị của Cộng hoà liên bang Đức về kỷ niệm lần thứ 500 ngày sinh của nhà "tiên tri cấp tiến" (prédicateur progressiste) Thomas Mùnzer ; ghi nhận đề nghị của Thái lan về kỷ niệm lần thứ 1 trăm ngày sinh của nhà phê bình văn học uyên bác Phya Anuman Rajadhon; và cuối cùng là đề nghị của Thổ nhĩ kỳ (Turquie) về kỷ niệm 4 trăm năm ngày sinh của "nhà kiến trúc kiệt xuất" Sinan, từng xây dựng nhà thờ Hồi giáo kỳ vỹ Suleymaniye giữa thủ đô Istanbul cùng nhiều công trình ở vùng Balkan và các nước Ả-rập, đều vào dịp 1990.

Nhưng sau đó, một số thư từ, kiến nghị, bài báo gửi đến UNESCO phản đối mạnh mẽ quyết định này, suốt cả năm 1988, 1989 và đầu năm 1990, nêu bật sự kiện thuyền nhân và trại cải tạo, của chính những người trong cuộc với phim ảnh kèm theo, nêu rõ bản chất chế độ đàn áp tàn bạo do ông Hồ chí Minh lập nên, một chế độ phi nhân - phản văn hoá. UNESCO còn tiếp hàng chục đoàn đại biểu từ Pháp, Mỹ, Anh chống đối việc UNESCO dính vào một việc không được dư luận tán đồng. Thế là ông chủ tịch UNESCO quyết định lờ đi, không tham gia việc kỷ niệm để bảo toàn uy tín tổ chức quốc tế này. Còn chính phủ Việt nam làm gì thì tuỳ họ. Vì chưa đến cuộc họp sau nên vấn đề này không đưa ra Đại hội đồng UNESCO.

- Trước ngày kỷ niệm 19-5-1990, 2 sự kiện dồn đến. Bức tường Berlin đổ sập; một loạt chế độ cộng sản Đông Âu tan biến. Hànội mất một loạt đồng minh. Tổng giám đốc UNESCO Amadou M’Bow người châu Phi bê bối về tài chính bị thay thế bởi ông Frederico Leillor người Tây ban nha; ông này ra hẳn chủ trương: UNESCO không tổ chức cũng không tham dự một hình thức nào kỷ niệm ông Hồ; ông cũng nói rõ : không có khoản tiền nào của UNESCO để chi cho việc này nữa.

Đến ngày kỷ niệm, Sứ quán Việt nam ở Paris vất vả chạy vạy thuê một phòng nhỏ ở trụ sở UNESCO để vớt vát thể diện. Ban quản trị trụ sở UNESCO còn giao hẹn không được treo ảnh và ap phích ngoài hành lang, giấy mời chỉ được ghi là dự một tối văn nghệ. Giấy mời của sứ quán in hình trụ sở UNESCO làm nền bị Văn phòng UNESCO phản đối là ‘’không được phép, không nghiêm chỉnh ‘’(incorrect) phải huỷ. Một đoàn múa rối nước từ Hànội sang biểu diễn; cuộc kỷ niệm dự định vài trăm, chỉ có dưới một trăm người Việt của sứ quán và Hội Việt kiều "yêu nước" cùng mươi người của đảng CS Pháp. Đầu đuôi câu chuyện là thế. Cái gọi là "Bác Hồ chúng ta được UNESCO của Liên Hợp Quốc ra nghị quyết tuyên dương, công nhận là anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới, và UNESCO tổ chức long trọng lễ kỷ niệm" hoá ra là thế . Cần rõ ràng, minh bạch như thế.


UNESCO đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?

Phạm Công Khải (Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm được văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris (20/10 – 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, vào năm 1990.

Nghị quyết quan trọng này khẳng định những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc…

Trong Nghị quyết, Đại hội đồng UNESCO cũng khuyến nghị các nước thành viên “cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”, đồng thời đề nghị ông Tổng giám đốc UNESCO “triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”.

Đây là văn kiện quan trọng của một tổ chức quốc tế lớn thuộc Liên hợp quốc, ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam và của cả bầu bạn quốc tế.

Ý nghĩa lớn lao là thế, vậy mà, hơn hai mươi năm qua kể từ ngày Nghị quyết được thông qua, hầu hết chúng ta mới chỉ được biết đến nội dung của văn kiện này qua bản dịch tiếng Việt đăng trên một số sách, báo, tạp chí, website…

Đã có không ít những câu hỏi, nhiều bạn đọc và khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh mong muốn được nhìn thấy “văn bản gốc” của Nghị quyết quan trọng này.

Thời gian qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm được văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là “Tập biên bản của Đại hội đồng khóa họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, Quyển 1: NGHỊ QUYẾT”, bản in tiếng Pháp.

Đây là một trong số các tập biên bản báo cáo của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24, được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng (Pháp, Anh, Ả rập, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Nga), trong đó có Nghị quyết số 18.65 về Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết, năm 1990, nhiều hoạt động cụ thể đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn” ở Hà Nội tháng 3/1990, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương Modagat Ahmet, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO, khẳng định: “Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người vào năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng”.

Coi việc được tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm về Hồ Chí Minh “là một niềm vinh dự”, ông Ahmet nhấn mạnh: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy bản dịch tiếng Việt đã in trong một số sách, báo, tài liệu, website… có những câu chữ rất khác nhau, như: Đại hội đồng = phiên họp toàn thể; nhìn lại = nhắc lại; Nhà văn hóa kiệt xuất = Nhà văn hóa lớn; biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định quyền dân tộc = biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc; yêu cầu = đề nghị…

Sự khác nhau về câu chữ này, phải chăng là do cách dịch ra tiếng Việt từ các văn bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh có khác nhau nên việc trích dẫn giới thiệu trong các bài viết, các công trình nghiên cứu cũng có những câu chữ khác nhau, không thống nhất?

Để có một văn bản tiếng Việt chuẩn đưa ra trưng bày, giới thiệu cùng công chúng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam giúp thẩm định lại từ bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh.

Toàn văn bản dịch của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“18.65. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại hội đồng,

Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới,

Nhắc lại Nghị quyết số 18 C/4.351 thông qua tại khóa 18 Đại hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại,

Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam,

Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội,

Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc,

1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người;

2- Đề nghị Tổng giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”.


Nhắn tin cho tác giả
Lê Thị Thúy Hường @ 10:10 26/12/2016


Bình Luận:

Nói tóm lại câu chuyện là:

Đã có một nghị quyết vào ngày 25-5-1987 khuyến cáo sẽ kỷ niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19-5-1990. Đây là một nghị quyết công nhận Chủ Tịch Hồ Chí Minh là danh nhân thế giới khi ông Amadou M’Bow, người Senegal, làm chủ tịch UNESCO. Đến tháng 10 cùng năm 1987 thì ông Amadou M’Bow ra ứng cử lại chức chủ tịch UNESCO. Tuy được nhiều phiếu hơn các ứng cử viên khác nhưng ông Amadou M’Bow không đủ đa số để được công nhận làm chủ tịch nên phải bầu lại. Đến vòng bầu lại thứ năm thì một số nước trong khối Xô Viết yêu cầu ông Amadou M’Bow nên rút lui vì có nhiều nước chống đối ông ta. Nếu ông ta trở lại làm chủ tịch thì e rằng sẽ có nhiều nước rút ra khỏi UNESCO. Ngày 17 tháng 10 năm 1987, ông Amadou M'Bow rút lui khỏi cuộc bầu cử và ông Federico Mayor Zaragosa, người Tây Ban Nha, lên thay.

Ông Amadou M’Bow làm chủ tịch UNESCO từ năm 1974 đến năm 1987. Ông đã bị báo chí Mỹ và các nước Tây Phương chỉ trích là đã đem chính trị vào UNESCO. Ông đã ủng hộ các đường lối chống chạy đua vũ trang, chống Do Thái, chống Nam Phi, vốn là các đường lối của các nước trong khối Xô Viết muốn Liên Hiệp Quốc đi theo. Năm 1984, Mỹ rút ra khỏi UNESCO vì không tán thành đường lối của ông Amadou M'Bow.

Trong thời gian ba năm từ 1987 đến 1990 khi ông chủ tịch mới Federico Mayor Zaragosa lên làm việc thì có nhiều tổ chức, hội đoàn của người Việt hải ngoại gửi thư khiếu nại với UNESCO. Vì thế đến ngày 19-5-1990 ông chủ tịch mới chủ trương lờ nghị quyết dưới thời ông chủ tịch cũ, không cho UNESCO tổ chức lễ kỷ niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

Như vậy nghị quyết công nhận Chủ Tịch Hồ Chí Minh là danh nhân thế giới và sẽ làm kỷ niệm vào năm 1990 thì có. Nghị quyết này được làm trong nhiệm kỳ của một ông chủ tịch có khuynh hướng ủng hộ các nước trong khối Xô Viết. Năm tháng sau đó ông chủ tịch này không còn làm chủ tịch nữa. Ông chủ tịch mới lên nhận được nhiều phản đối từ phía người Việt hải ngoại ròng rã trong các năm 1988, 1989 và 1990 cộng thêm sự kiện vào 1989 tại nhiều nước Đông Âu người dân biểu tình phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa làm các chế độ sụp đổ, nên đến ngày 19-5-1990, là 100 năm ngày sinh của ông Hồ thì ông chủ tịch không xem nghị quyết cũ là đúng và ra lệnh UNESCO không cung cấp phương tiện để kỷ niệm như nghị quyết đã nói. Sứ quán Việt Nam phải tự tổ chức lấy và UNESCO không cho buổi tổ chức được lấy danh nghĩa kỷ niệm danh nhân thế giới như bản nghị quyết đã công nhận.

Nghị quyết thì có nhưng UNESCO không thi hành nghị quyết.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment