Saturday, February 23, 2019

Cá nhân và xã hội

Chẳng những triết lý phải dựa vào cá nhân mà phát sinh, mà mục tiêu tối hậu của nó cũng là cá nhân. Cá nhân tự nó là mục tiêu của nó rồi chứ không phải là công cụ cho những sáng tạo của tâm trí. Những triết lý xã hội tốt đẹp nhất đều nhắm cái mục tiêu tối cao này là trong một chế độ nào đó, làm sao tạo được những đời sống cá nhân sung sướng nhất. Nếu có những triết lý phủ nhận điều đó thì nó chỉ là sản phẩm của những bộ óc bệnh hoạn, mất quân bình.

Muốn xét một văn hóa thì cứ xét hạng đàn ông và đàn bà mà nó tạo thành. Chính vì nghĩ như vậy mà Walt Whitman, một số trong những người Mỹ minh triết, sáng suốt nhất, chủ trương trong cuốn Democratic Vistas (Viễn cảnh dân chủ) rằng nguyên tắc cá nhân phải là mục tiêu của mọi nền văn minh. Ông viết "Văn minh dựng trên cơ sở nào? Văn minh với các tôn giáo, các nghệ thuật, các học hiệu của nó... nhắm đạt được cái gì nếu không phải là đạt được chủ nghĩa cá nhân phong phú, mỹ lệ, đa sắc tháị Tất cả đều phải hướng vào mục tiêu đó cả (...).

"Trải qua bao nhiêu sự biến thiên, nhiều khi thất thố đến lố bịch, nhiều khi phải tranh đấu, phải thất bại, chế độ dân chủ luôn luôn nhắm mục đích này là dù gian lao tới mấy cũng rán chịu, miễn làm sao chứng minh được rằng loài người được dạy dỗ trong một xã hội tự do, một thứ tự do lành mạnh và cao cả, thì có thể và nhất định phải thành một luật pháp cho chính mình."

Rút cục không phải hoàn cảnh là quan trọng, chính phản ứng của ta với hoàn cảnh mới là quan trọng. Pháp, Ðức, Anh, Mỹ đều sống trong một nền văn minh cơ giới như nhau, nhưng hình thức và ý vị đời sống của họ khác nhau, và mỗi dân tộc giải quyết vấn đề chính trị của mình theo một lối khác nhau. Ðời sống có biết bao hình thức như vậy, thì chỉ có hạng người điên mới bảo rằng con người thế nào cũng bị cơ giới thống chế. Một người cha có hai đứa con, dạy dỗ chúng như nhau, dự bị cho chúng vào đời cũng như nhau, vậy mà rồi mỗi đứa cũng lần lần tạo một cuộc đời theo cá tính riêng của mình. Dù cả hai đều thành giám đốc ngân hàng, lãnh một số lương bằng nhau thì chúng cũng không giống nhau về những điểm khác, những điểm quan trọng cho hạnh phúc của chúng; khác nhau về sự khéo léo, về giọng nói, về tính tình, về cách cư xử và giải quyết các vấn đề, cách đối đãi với nhân viên: hoặc được nhân viên yêu, hoặc được họ sợ, hoặc nghiêm khắc mà tỉ mỉ, hoặc vui vẻ mà dễ tính; khác nhau trong cách tiêu tiền vung phí hay kiệm tiện; về đời sống cá nhân, mỗi người có một thói trong sự giao du với bạn bè, trong sự đối đãi với vợ con, trong sự lựa chọn sách báọ Cùng sống trong một thời đại, trong một xã hội, cùng chết một ngày mà có người hăng hái tin tưởng tiến theo khuynh hướng của mình và tìm được hạnh phúc, có kẻ lại trải qua một cuộc đời chìm nổi, đổi hướng hoài: có người thành nhà phát minh, có kẻ thành nhà thám hiểm, người có tinh thần hài hước, kẻ lại rầu rĩ, quạu quọ; người thì bay vút lên cảnh phú quí như pháo thăng thiên rồi chết theo đám tro tàn lạnh lẽo của pháo, kẻ thì bán nước đá hay bán than rồi bị đâm chết trong cái lều của họ, để lại tới hai vạn mỹ kim bằng vàng. Ðời sống quả thực là kỳ diệu, cả trong một thời đại kỹ nghệ nữa. Con người còn là con người thì đời sống có nhiều sắc thái như vậy mới có ý vị.

Trong nhân sự - dù là về chính trị hay cách mạng xã hội - không thể có quyết định luận được. Yếu tố nhân tình làm đảo lộn tất cả các dự tính của những người đưa những lý thuyết mới, chế độ mới.

Nhưng sự quan trọng của cá nhân không phải chỉ do lẽ đời sống cá nhân là mục tiêu của tất cả mọi nền văn minh, mà còn do lẽ này nữa: sự cải thiện đời sống xã hội và chính trị, sự cải thiện những quan hệ quốc tế là do hành động và tính tình của mỗi cá nhân trong mỗi quốc gia! Trong việc nội chính và sự tiến hóa của một quốc gia, yếu tố quyết định là tính khí của dân tộc. Vì trên tất cả những luật về sự phát triển kỹ nghệ, còn có một yếu tố quan trọng hơn, tức lối hành động và lối giải quyết vấn đề của mỗi dân tộc. Rousseau không tiên liệu được sự diễn tiến cách mạng Pháp và sự xuất hiện của Nã Phá Luân; mà Karl Marx cũng không tiên liệu được sự phát triển hiện nay của các lý thuyết xã hội và sự xuất hiện của Staline. Không phải khẩu hiệu Tự Do, Bình Ðẳng, Bác Ái, mà là vài nét nào đó trong bản tính của con người xét chung và trong bản tính của dân tộc Pháp xét riêng, đã quyết định diễn tiến cách mạng Pháp. Những dự ngôn của Karl Marx về sự diễn biến của cách mạng xã hội đã sai be bét mặc dầu biện pháp của ông rất chính xác. Theo luật luận lý, ông dự đoán rằng một cuộc cách mạng vô sản sẽ xảy ra ở nước nào mà nền văn minh kỹ nghệ tiến nhất, mà giai cấp vô sản mạnh nhất, nghĩa là xảy ra trước hết ở Anh, rồi có lẽ ở Mỹ, ở Ðức. Nhưng sự thực là chế độ Cộng sản đã được thực nghiệm ở một xứ nông nghiệp như Nga, tại đó giai cấp vô sản không mạnh. Ông đã quên không tính tới yếu tố nhân sự ở Anh và Mỹ, quên cách hành động và giải quyết vấn đề của Anh và Mỹ. Lỗi lầm lớn nhất của một chính sách kinh tế chưa chín mùi, là quên không tiên liệu cái "bất ngờ" trong việc nước. Người Anh coi thường các lý thuyết, nếu cần còn tìm cách lần lần phá nó nữa; sự chậm chạp của họ khi dò đường đi, lòng yêu tự do cá nhân, tôn trọng trật tự, nhất là cái lương tri của họ, tất cả những cái đó ảnh hưởng nhiều tới sự diễn biến của các biến cố còn hơn là những lý luận của nhà biện chứng Ðức Karl Marx.

Vậy sự phát triển về xã hội và chính trị của một nước, rút cục lại căn cứ vào ý tưởng của cá nhân. Cái tính khí, cái mà ta gọi là "thiên tài" của một dân tộc, rút cục là do toàn thể cá nhân của dân tộc đó tạo thành; nó chỉ là cách cư xử và hành động của dân tộc đó, cách lựa chọn một thái độ trong một hoàn cảnh nào đó. Các sử gia phái cổ thường nghĩ như Hegel rằng lịch sử một nước chỉ là sự phát triển của một quan niệm, mà sự phát triển có tính cách tất nhiên của một cơ giới nhưng nếu xét một cách tế nhị thực tế hơn thì ta thấy phần ngẫu nhiên ở trong đó. Mỗi khi gặp bước nguy nan thì quốc gia phải lựa chọn, mà trong khi lựa chọn luôn luôn có những thế lực, những dục vọng tương phản xung đột nhau: bên đây chỉ thêm một chút, bên kia giảm một chút là cán cân đã trúc về phía khác rồi. Vì mỗi dân tộc thích con đường nào thì theo con đường đó, ghét con đường nào thì bỏ con đường đó. Sự lựa chọn căn cứ vào trào lưu tư tưởng, vào quan niệm đạo đức và vào thành kiến xã hội.

Nhìn toàn diện sự biến chuyển của lịch sử nhân loại, tôi chỉ thấy như thủy triều lên rồi xuống, mà khi lên cũng như khi xuống, đều là do sự lựa chọn bất thường, không thể biết trước được của con người. Chính vì có ý đó mà Khổng giáo đem vấn đề "bình thiên hạ" liên kết với vấn đề "tu thân". Từ đời Tống trở đi, nhà Nho nào cũng dùng đoạn dưới đây làm bài học khai tâm cho trẻ mới nhập học: "Người ngày xưa muốn làm sáng cái đức sáng ở trong thiên hạ thì trước phải trị nước mình; muốn trị nước mình thì trước phải tề nhà mình; muốn tề nhà mình thì trước phải tu thân (sửa thân mình); muốn tu thân thì trước phải thành cái ý của mình; muốn thành cái ý của mình thì trước phải trí tri; trí tri ở chỗ cách vật (1). Vật xét kỹ (cách vật) rồi sau cái tri mới được đến nơi đến chốn (trí tri), trí tri rồi sau ý mới thành, ý thành rồi sau tâm mới chính, tâm chính rồi sau thân mới tu, thân tu rồi sau gia mới tề, gia tề rồi sau nước mới trị, nước trị rồi sau thiên hạ mới bình. Từ Thiên tử cho tới người thường, nhất loạt đều phải lấy sự tu thân làm gốc. Cái gốc loạn mà cái ngọn trị, thì không thể có như vậy. Cái thân thì nhỏ mà cành lại to lớn, chưa hề có vậy. Vật có gốc có ngọn, việc có đầu đuôi. Biết cái nào trước, cái nào sau là gần được đạo rồi đấy".



Chú thích của Nguyễn Hiến Lê:

(1) Trí tri là biết cho đến nơi đến chốn; cách vật là cân nhắc sự vật để biết rõ cái nào trước, cái nào sau, coi cái nào gốc cái nào ngọn, nghĩa là để hiểu cái tương quan của mọi sự vật. Ðoạn này ở đầu sách Ðại Học.
Trích: Một Quan Niệm Về Sống Ðẹp

Tác giả: Lâm Ngữ Ðường

Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê

No comments:

Post a Comment