Saturday, February 23, 2019

Kinh Tế và Lịch Sử

Karl Marx cho lịch sử là sự tác động của kinh tế: sự cạnh tranh giữa các cá nhân, các tập đoàn, các giai cấp và các quốc gia để dành nhau thực phẩm, nhiên liệu, nguyên liệu và sức mạnh về kinh tế. Các chế độ chính trị, các giáo đoàn giáo hội, các công trình văn hóa, hết thảy đều xây dựng trên sự kiện kinh tế\. Chẳng hạn, chính cuộc cách mạng kĩ nghệ đã lôi kéo theo chế độ dân chủ, chủ nghĩa nữ quyền, sự hạn chế sinh dục, chủ nghĩa xã hội, sự suy tàn của tôn giáo, sự đồi bại của phong hóa và một văn chương thoát li khỏi sự bảo trợ của quí tộc, mà chủ trương hiện thực đã thay thế chủ trương lãng mạn; và sau cùng... cuộc cách mạng kĩ nghệ đã lôi kéo theo quan niệm dùng kinh tế để giải thích lịch sử - tức kinh tế sử quan.

Những nhân vật siêu quần trong các phong trào đó là hậu quả, chứ không phải là nguyên nhân (1): nếu người Hi lạp không muốn chiếm eo biển Dardanelles để buôn bán thì không khi nào người ta được nghe nhắc tới những tên như Agamemnon, Achilles, Hector, chính tham vọng kinh tế chứ không phải là dung nhan của nàng Hélène "đẹp hơn trời chiều có ngàn ngôi sao trang điểm" đã khiến cho người Hi lạp đem một hạm đội vĩ đại tấn công thành Troie; họ giảo hoạt lắm, đã khéo dùng những mĩ từ để che đậy một sự thực kinh tế trần truồng như các nhà điêu khắc thượng cổ dùng lá nho để thay bộ phận sinh dục của đàn ông. (2)

Không ai chối cãi rằng kinh tế sử quan giảng cho ta hiểu được nhiều biến cố lịch sử\. Chính nhờ tiền của Hội Nghị Liên Bang ở đảo Délos [biển Hi lạp] mà người Hi lạp đã dựng nên đền Panthéon [ở Athènes, thế kỉ thứ V trước T.L.]; chính nhờ kho vàng của nữ hoàng Ai Cập Cléopâtre mà nền tài chánh của Auguste mới hồi sinh mà ông ta mới cấp dưỡng được thi hào Virgile và tặng Horace được một cái trại\. Thời thượng cổ La Mã tấn công Ba Tư rồi thời trung cổ Thập Tự Quân qua đánh chiếm Jérusalem cũng là để kiểm soát các con đường thương mại sang phương Ðông; và hậu quả sự thất bại của Thập tự chiến là người Âu đã tìm con đường khác qua phương Ðông mà khám phá ra được châu Mĩ\. Chính nhờ tài chánh của dòng họ Médicis [ở Ý, thế kỉ XIV] mà mới có phong trào Phục hưng văn nghệ ở Florence; nhờ kĩ nghệ và thương mại ở Nuremburg phát đạt, nên tỉnh đó mới sinh được họa sĩ lớn nhất của Ðức: Durer [1471-1528]. Cách mạng Pháp phát sinh không phải vì Voltaire đã viết những tác phẩm phúng thích rất hay, và Roussear đã viết những tiểu thuyết tình cảm, mà vì các giai cấp trung lưu đã chiếm được địa vị quan trọng nhất trong đời sống kinh tế, cần được tự do về pháp luật để xí nghiệp của họ có thể hoạt động được; và họ muốn có một địa vị về xã hội và chính trị xứng với sự quan trọng thực sự của họ\.

Marx không hề bảo rằng cá nhân luôn luôn bị quyền lợi kinh tế thúc đẩy; ông ta không khùng đến nỗi nghĩ rằng vì những lí do vật chất mà Abélard (3) yêu nàng Héloise, Phật Thích Ca thuyết pháp hoặc thi hào Keats (4) làm thơ\. Nhưng có lẽ ông đã đánh giá quá thấp vai trò của các động cơ không phải là kinh tế trong hành động của quần chúng: vai trò của lòng tín ngưỡng cuồng nhiệt trong những đạo quân Hồi giáo hoặc Y pha nho (Italian) chẳng hạn; vài trò của lòng ái quốc mãnh liệt trong hàng ngũ quân đội của Hitler hoặc trong các đội "thần phong" (Kamikaze) của Nhật Bản; vai trò của sự cuồng loạn tập thể, như trong các cuộc bạo động của Gordon (5) ở Londre từ mùng hai đến mùng tám tháng sáu năm 1870, hoặc trong các cuộc tàn sát từ mùng hai đến mùng bảy năm 1872 ở Paris. Trong những trường hợp ấy, động cơ của hạng cầm đầu (hạng này thường ở trong bóng tối) có thể là một nguyên nhân kinh tế, nhưng hậu quả tùy thuộc một phần lớn vào sự cuồng nhiệt của đám đông. Trong nhiều trường hợp quyền hành chính trị hoặc võ bị hiển nhiên là nguyên nhân chứ không phải là hậu quả của các hoạt động kinh tế; chẳng hạn trường hợp đảng Bôn-sơ-vích lật đổ Nga hoàng năm 1917, hoặc trường hợp các cuộc đảo chánh quân nhân xảy ra thường trong lịch sử các nước Nam Mĩ\. Ai dám bảo rằng người Maure (6) chiếm Y pha nho người Mông Cổ chiếm Tây Á, hoặc người Mongol (7) chiếm Ấn Ðộ vì kinh tế của họ mạnh hơn? Trong tất cả những trường hợp đó, những dân tộc nghèo lại tỏ ra mạnh hơn những dân tộc giàu; họ thắng lợi về quân sự mà có được quyền hành về chính trị, rồi quyền hành về chính trị đã đem lại cho họ sự thống trị về kinh tế\. Các tướng lãnh có thể đưa ra một thuyết giải thích lịch sử bằng quân sự được.

Ðưa ra những hạn chế như trên rồi, chúng ta có thể rút ra một bài học quí báu trong sự phân tách kinh tế của các thời trước. Chúng ta nhận thấy rằng khi bị các rợ xâm chiếm thì La Mã đã suy nhược vì không còn hạng nông dân trước kia cung cấp cho các quân đoàn La Mã những lính ái quốc, cương quyết chiến đấu để bảo vệ ruộng đất, mà chỉ có một hạng nô lệ miễn cưỡng cầy cấy những đồn điền rộng lớn thuộc về một thiểu số địa chủ\. Ngày nay những trại nhỏ không thể lợi dụng những máy nông nghiệp tốt nhất được, thành thử nông dân phải làm việc dưới quyền một địa chủ lớn hay một giám đốc một Kolkhoze [nông trường ở Nga] (MD: tác giả viết sách này năm 1968, khi còn Liên Bang Sô Viết), để sản xuất đại qui mô\. Có lần tôi đã nói rằng văn minh là một vật kí sinh sống bám vào người cầm cuốc [tức nông dân], nhưng ngày nay không còn hạng người cầm cuốc nữa: chỉ có những người cầm tay lái một máy kéo hay một máy gặt và đập lúa thôi\. Chính canh nông đã thành một kĩ nghệ và người tá điền phải lựa chọn, hoặc làm thuê cho nhà tư bản, hoặc là làm công cho chính phủ\.
          
Lịch sử cho thấy rằng ở trên ngọn thang xã hội, "hạng người điều khiển người, chỉ điều khiển những người điều khiển sự vật mà thôi, còn hạng người điều khiển tiền bạc mới điều khiển tất cả". Vì vậy mà các chủ ngân hàng theo dõi các khuynh hướng của canh nông, kĩ nghệ, thương mại, thu hút và chi phối tư bản, mà kinh doanh sao cho số tiền chúng ta kí thác sinh lợi ở hai ba chỗ một lúc; do đó hạng người làm mưa làm gió về ngành cho vay lấy lời, cũng làm mưa gió trong mọi xí nghiệp, dám mạo hiểm để kiếm thật nhiều lời, và leo cao lên được cái ngọn kim tự tháp kinh tế\. Từ dòng họ Médicis ở Florence, qua các dòng họ Fugger ở Augsburg, Rothschild ở Paris và Londres, sau cùng tới dòng họ Morgan hiện nay ở New York, các ông chủ ngân hàng thời nào cũng dự các cuộc hội họp chính trị, cấp tiền cho chính quyền trong các chiến tranh, và cho các Giáo hội, đôi khi gây ra các cuộc cách mạng nữa\. Có lẽ một trong những bí quyết quyền hành của họ là nhờ họ nghiên cứu sự liên xuống của giá cả mà đoán được lịch sử có khuynh hướng lạm phát, và biết rằng con người khôn ngoan thì không bao giờ lại nghĩ tới việc tích lũy tiền bạc.
          
Nghiên cứu dĩ vãng, chúng ta thấy rõ ràng rằng bất kì chế độ kinh tế nào, tới một lúc nào đó, cũng phải dùng cái lợi cá nhân để thúc đẩy cá nhân và đoàn thể tăng năng xuất lên. Các phương pháp khác (bóc lột bọn nô lệ, đàn áp kẻ phản kháng, kích thích người ta bằng ý thức hệ) đều ít hiệu quả, tốn kém quá, hoặc không thể dùng lâu được. Bình thường ra và xét chung thì tùy theo khả năng sản xuất mà chúng ta định giá trị của một người (trừ trong chiến tranh, lúc đó giá trị mới tùy theo khả năng phá hoại).
          
Mà những khả năng thực tế của mỗi người đều khác nhau, và trong hầu hết các xã hội, đa số các khả năng đều tập trung vào một số người tối thiểụ Sự tập trung tài sản [vào một số ít người] là hậu quả tự nhiên của sự tập trung các khả năng đó, nó tái hiện hoài hoài trong lịch sử. Nếu mọi điều kiện, hoàn cảnh như nhau, thì sự tự do kinh tế - do luật pháp và đạo đức cho phép - càng cao, mức độ tập trung tài sản cũng càng cao\. Chế độ độc tài có thể hãm lại sự tập trung đó trong một thời gian; chế độ dân chủ cho con người được tự do tối đa, trái lại xúc tiến sự tập trung đó\. Cho tới năm 1776, người Mĩ tương đối bình đẳng với nhau; rồi từ năm đó trở đi, có cả ngàn yếu tố khiến cho họ cách biệt nhau về thể chất, trí tuệ hoặc kinh tế, thành thử hiện nay cái hố giữa người giàu và kẻ nghèo càng sâu rộng hơn bao giờ hết, từ cái thời La Mã còn là đế quốc trong tay một bọn phú hào.
          
Trong các xã hội tiến bộ, sự tập trung tài sản có thể đạt tới một mức mà hạng người nghèo vì đông đảo, cũng mạnh như hạng giàu sang nhiều khả năng; sự quân bình bấp bênh ấy gây nên một nguy cơ có thể giải được bằng hai cách: hoặc sửa đổi luật pháp để phân chia lại tài sản, hoặc phát sinh một cuộc cách mạng để chia đều sự khốn cùng.
          
Năm 594 trước T.L. ở Athènes, theo lời Plutarque (8) thì "sự cách biệt về tài sản giữa kẻ nghèo và người giàu đã đạt tới cái mức mà Athènes cơ hồ như ở trên bờ một vực thẳm; chỉ có mỗi một cách để tránh những cuộc nổi loạn... là thành lập một chính phủ chuyên chế". Nhận thấy rằng tình cảnh của mình mỗi ngày một thêm khốn đốn, vì chính quyền ở trong tay bọn chủ nhân mà tòa án thì thiên vị, luôn luôn xử ức họ, hạng người nghèo bàn tính chuyện làm cách mạng. Hạng người giàu nổi dóa vì hạng người nghèo có ý không chịu thừa nhận quyền chủ nhân của mình, bèn chuẩn bị phản ứng lại bằng bạo động. Nhưng rồi lương tri đã thắng; các phần tử ôn hòa vận động mà bầu Solon làm thống đốc (archonte). Solon là một nhà kinh doanh trong giới quí tộc, lên cầm quyền bèn phá giá đồng bạc, làm nhẹ gánh của mọi người mắc nợ (nên nhớ, chính ông là một chủ nợ); giảm tất cả các món nợ của tư nhân, bỏ lệ nhốt khám vì thiếu nợ; hủy hết các số thuế chưa đóng và các số lời mà người cầm cố phải trả; đặt mộ thứ thuế lợi tức có tính cách lũy tiến; làm cho người giàu phải chịu một thuế xuất gấp mười hai lần thuế xuất đánh vào người nghèo; tổ chức lại tòa án cho dân chủ hơn; sau cùng ban sắc lệnh rằng con cái các tử sĩ hi sinh cho Athènes được chính phủ nuôi nấng, dạy dỗ\. Bọn người giàu la ó cho rằng như vậy không khác gì tịch thu tài sản mà không bồi thường cho họ; còn bọn cấp tiến thì trách Solon (ôn hòa quá), không phân chia lại ruộng đất; nhưng chỉ ít năm sau, mọi người đều nhận rằng cải cách của Solon đã tránh cho Athènes một cuộc cách mạng.
          
Thế kỉ thứ hai trước T.L., khi sự tập trung tài sản ở Ý tới một mức nguy hại, Viện Quí tộc La Mã vốn nổi tiếng là khôn khéo, lại không chịu hòa giải\. Tibère Gracchus (160-133), một nhà quí tộc được bầu làm "tribun" - một chức bảo hộ quyền lợi của dân chúng - đề nghị chia lại ruộng đất, cho mỗi người giữ được tối đa là 13 hecta, còn bao nhiêu thì tịch thu, chia cho bọn vô sản ở La Mã\. Viện Quí tộc bác bỏ đề nghị ấy, cho là trái phép. Tibère hô hào dân chúng: "Các anh em chiến đấu và hi sinh tánh mạng để cho kẻ khác làm giàu và sống xa xỉ; người ta bảo các anh em làm chủ thế giới nhưng không một người nào trong số các anh làm chủ được một tấc đất". Rồi bất chấp luật pháp La Mã, ông vận dộng để ứng cử "tribun" một khóa nữa; trong cuộc bầu cử, một cuộc nổi loạn dấy lên, ông bị giết (133 trước T.L.). Em ông là Caius cũng theo chủ trương của ông nhưng cũng không ngăn được bạo động xảy ra một lần nữa, và ra lệnh cho tên nô lệ đâm chết mình; tên nô lệ vâng lời rồi tự tử (121 trước T.L.). Viện Quí tộc ra lệnh tàn sát ba ngàn đồng đảng của Caius. Sau đó, Marius cầm đầu giới bần dân; nhưng rút lui khi thấy phong trào muốn hướng về cách mạng. Catilina đề nghị hủy bỏ hết các món nợ, tổ chức một đạo quân cách mạng gồm cách "cùng dân", nhưng ông ta thua tài hùng biện như giông tố của Cicéron, rồi chết trong khi đấu tranh chống lại nhà nước (62 trước T.L.). Jules César thử dùng một chính sách dung hòa, bị bọn quí tộc hạ sát (44 trước T.L.) sau năm năm nội chiến. Marc Antoine làm bộ ủng hộ chính sách của César để thỏa mãn tham vọng cùng những mạo hiểm riêng tư của ông; Octave đáng bại ông ta ở Actium và thành lập chế độ "principal" (hoàng đế) trong hai trăm mười năm (từ -30 tới +180), chế độ ấy duy trì cuộc "Thái bình La mã (Pax Romana) giữa các giai cấp trong xã hội và các dân tộc sáp nhập vào đế quốc.
           
Sau khi đế quốc phương Tây và tổ chức chính trị của nó sụp dổ (+476), tiếp theo là hai thế kỉ băng hoại, rồi tài sản lại lần lần được phục hưng, tái tập trung, phần lớn trong tay các giới chức đạo Ki tô. Một phương diện của cuộc Cải cách tôn giáo (thời trung cổ) là chia lại tài sản bằng cách một mặt chấm dứt ở Ðức và Anh sự góp tiền cho Giáo hội La mã, mặt khác thế tục hóa các của cải, lợi tức của Giáo hội\. Cách mạng Pháp gây những cuộc nông dân bạo động và những tàn sát ở thành thị để tính chia lại tài sản một cách chuyên hoành, nhưng hậu quả chung là của cải cùng đặc quyền chỉ chuyển từ giai cấp quí tộc xuống giai cấp trung lưu hữu sản thôi\. Từ 1933 đến 1955, rồi 1960 đến 1965, chính quyền Mĩ hai lần dùng lại phương pháp hoà bình của Solon, đã chia tài sản lại một cách hòa dịu; có lẽ một vị nào đó trong chính quyền đã chịu nghiên cứu sử! Giới đại tư bản Mĩ đã lớn tiếng mạt sát nhưng sau cũng chịu khuất phục, để rồi lại tập trung tài sản trở lại.

 Tất cả những sự kiện lịch sử ấy cho ta rút được kết luận gì? Sư tập trung tài sản có vẻ là một điều tự nhiên và không sao tránh được; để bù lại, cứ lâu lâu, đều đều lại có một cuộc phân chia lại một phần tài sản, hoặc bằng cách bạo động, hoặc bằng cách ôn hòa. Xét theo khía cạnh đó, thì lịch sử kinh tế không khác gì trái tim của xã hội nó đập chậm chậm: trong thời gian trái tim phồng ra, của cải được một thiểu số tập trung lại, để rồi tới thời gian trái tim bóp lại thì nhất định sẽ phải phân phát ra để lưu thông.

CHÚ THÍCH:

            (1) Tác giả muốn nói rằng theo Marx thì thời thế tạo anh hùng, chứ không phải anh hùng tạo thời thế\.

            (2) Ở đây tác giả nhắc đến một đoạn trong huyền sử Hi Lạp: chiến tranh Troie. Troie là một thị trấn ở Tiểu Á. Nàng Hélène, hoàng hậu Sparte (Hi lạp) bị Pâris, con vua Troie bắt cóc. Hi lạp đem quân qua đánh, vây thành Troie mười năm rồi hạ được. Agamemnon cầm đầu đạo quân Hi lạp, và Achille là những anh hùng Hi lạp trong trận đó. Hector là anh hùng của thành Troie, bị Achille giết.

            Các điêu khắc gia Hi lạp thời cổ tạc nhiều hình khỏa thân và tạc lá nho thay bộ phận sinh dục của đàn ông.

            (3) Abélard (1079-1142) là một triết gia và thần học gia Pháp, có một cuộc tình duyên trắc trở với Héloise; còn lưu lại một tập thư tình rất cảm động của hai ông bà\.

            (4) Thi hào Anh (1795-1821) thơ rất đẹp. rất đa cảm.

            (5) Gordon (1751-1793) chính trị gia Anh, chống một đạo luật của chính phủ, tổ chức một cuộc mít ting vĩ đại, sau đó là một cuộc nổi loạn, khám đường Newgate bị quần chúng thiêu rụi\.

            (6) Tức dân Ả rập ở Bắc Phi.

            (7) Cũng là giống Mông Cổ, nhưng trỏ riêng hậu duệ của Tamerlan (Thiết Mộc Nhĩ).

            (8) Một trong bảy hiền nhân của Hi lạp thời cổ; vừa là chính trị gia, vừa là thi sĩ, triết gia (khoảng 640-548 trước T.L.).


Trích: Bài học của lịch sử
Tác giả: Will & Ariel Durant
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê, Trần Lương Ngọc

No comments:

Post a Comment