Saturday, May 8, 2021

Liên Xô tự tan rã hay bị Phương Tây 'lật đổ'?


Ngày 3/12 năm 1989, Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev gặp nhau ở Malta để tuyên bố Chiến tranh Lạnh chấm dứt.

Hội nghị thượng đỉnh ở đảo quốc giữa Địa Trung Hải - sau được ghi lại là Malta Summit - trở thành cột mốc cho tiến trình tan băng giữa hai phe đối đầu ở châu Âu.

Các sử liệu để lại không cho thấy một âm mưu nào từ chính phủ Hoa Kỳ muốn Liên Xô tan rã.


 

Như một cử chỉ ủng hộ vị khách Nga, Tổng thống Bush (cha) đã lên chiếc máy bay Liên Xô, mang tên nhà thơ Maxim Gorky đậu ở Marsaxlokk Harbor, Malta để cùng họp báo với ông Gorbachev.

Ông Bush hy vọng hợp tác ngày càng chặt chẽ với Liên Xô sẽ giúp kiến tạo hòa bình và đem lại thịnh vượng cho châu Âu, nơi hai nước Liên Xô và Mỹ vẫn đóng rất nhiều quân, sư đoàn, các phi đội không quân mang cả tên lửa và bom nguyên tử.

Trên thực tế, các lãnh đạo Nato và Phương Tây, đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Âu đều muốn có quan hệ tốt với Liên Xô, dù mỗi nước có đường lối riêng.

Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher không chỉ quý mến TBT Gorbachev hơn các nhà lãnh đạo "cùng phe" ở Đức, và Pháp, mà còn tính đến một liên minh với Liên Xô để cân bằng lại nước Tây Đức rất giàu mạnh, lại sắp có cơ hội thống nhất với Đông Đức, như Financial Times (30/12/2016) đăng tin.

Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy bà Thatcher đã làm phía Hoa Kỳ sửng sốt khi nói về một "quan hệ thân thiết" (entente cordiale) của Anh với Liên Xô trong tương lai.

Tuy thế, có vẻ như Thatcher đã thuyết phục được George H.W. Bush trong cuộc nói chuyện đầu năm 1990 rằng cần quan hệ tốt với Liên Xô.

Cựu bí thư riêng của bà Thatcher khi tại chức, ông Charles Powell nhắc lại rằng viễn kiến của nhà lãnh đạo Anh khi đó là "không thể và không nên cô lập nước Nga trong mọi đàm phán về tương lai châu Âu".

Phía Anh cũng muốn Hoa Kỳ giúp đỡ tiếp tục để tạo không khí chung tốt đẹp cho Gorbachev cải cách, dù Hoa Kỳ không thích cách nghĩ của Anh rằng chỉ có Liên Xô mới đủ to về tầm vóc "làm đối trọng chính trị với Đức" (Soviet Union would be the only country of equivalent size to a united Germany and could act as a political counterweight).

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (bên trái) gặp Tổng Bí Thư Nga Mikhail Gorbachev tại Luân Đôn vào tháng Tư, 1989


Margaret Thatcher đón Mikhail Gorbachev ở London tháng 4/1989 và ngay lập tức tin tưởng vào nhà lãnh đạo Liên Xô

Cùng lúc, thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl thì trông cậy vào sự ủng hộ của Liên Xô để giải quyết êm thắm việc thống nhất hai miền Đông và Tây Đức.

Các yếu tố này làm cho chính giới Hoa Kỳ dù muốn hay không cũng phải chấp nhận cách nhìn của người châu Âu, vì sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Anh và Tây Đức sau 1945 chẳng phải là để chống chọi lại Liên Xô hay sao?

Nay, khi các quốc gia châu Âu, gồm cả Liên Xô, đã tự nói chuyện một cách hòa bình thì chính phủ Bush phải đi theo các đồng minh ở Nato.

Giáo sư sử học từ ĐH Harvard Serhii Plokhy, tác giả cuốn "The Last Empire: The Final Days of the Soviet Union" khẳng định Hoa Kỳ "tìm mọi cách ngăn Liên Xô không tan rã" còn vì một lý do rất hợp lý.

Theo ông Plokhy Hoa Kỳ đang đối mặt với Liên Xô là cường quốc nguyên tử duy nhất ở lục địa Âu-Á và không hề muốn kho vũ khí hạt nhân đó rơi vào tay hơn cả chục quốc gia nhỏ.

Tháng 8/1991, Tổng thống Bush thăm Ukraine và kêu gọi người dân hãy ngưng tìm cách ly khai khỏi Liên Xô.

Ông lên án "chủ nghĩa dân tộc mang tính tự sát" (suicidal nationalism) và cảnh báo người Ukraine rằng "tự do không luôn đồng nghĩa với việc phải có độc lập".

Thế nhưng, như những gì đã xảy ra sau đó, việc can thiệp nếu có hoặc sự thiếu vắng can thiệp của Hoa Kỳ và Phương Tây đã không tác động được bao nhiêu vào diễn biến nội tại của Liên Xô.

Cuối năm 1991, Liên Xô sụp đổ, hay đúng ra là tự giải tán khi các quốc gia thành viên, nhất là Nga, tuyên bố độc lập.

CIA cũng chịu thua?

Câu hỏi là Hoa Kỳ và Phương Tây thực sự có biết rằng Liên Xô sẽ tan rã hay không?

Ngay từ cuối thập niên 1970 đã có nhiều tiếng nói dự báo mô hình kinh tế Liên Xô gặp khó khăn, thậm chí 'sớm muộn cũng sụp đổ'.

Ngoài mâu thuẫn nội tại tích tụ, cuộc chiến Afghanistan và gánh nặng quân sự ở châu Âu, Cuba, Đông Nam Á, châu Phi khiến Moscow gặp bài toán tài chính khó có lời giải.

Nhưng dự báo là một việc, còn tiên đoán đúng thời gian Liên Xô sụp đổ lại là chuyện khác.

Đã có nhiều bài báo, phát biểu "đổ lỗi" cho tình báo Mỹ, cụ thể là CIA, "chẳng biết gì trước sự kiện long trời lở đất" của thế kỷ XX.

Tổng thống Bill Clinton sau này có nói vào năm 1995 về "thất bại của CIA, không dự báo được rằng Liên Xô sụp đổ" (CIA failing to predict the collapse of the Soviet Union).

Tuy vậy, có quan chức CIA như Robert Gates sau này kể lại, cho hay ông đã thảo luận với Tổng thống Bush tại Kennebunkport vào ngày 17/08 về cuộc đảo chính sắp diễn ra của phe công an - quân đội Liên Xô vào tháng 8/1991. Tức là CIA có thông tin tại Liên Xô để biết trước về cuộc đảo chính.

Thế nhưng, vẫn theo lời ông Gates thì Tổng thống Bush hoài nghi về chuyện đảo chính như thế "có thực sự là tin tình báo nghiêm trọng", trong một bài nhìn lại vấn đề này của Bruce D. Berkowitz và Jeffrey T. Richelson năm 1995.

Lãnh đạo Mỹ cũng không hình dung nổi là sau chính biến tháng 8/1991 và sự giành quyền của Boris Yeltsin tại Nga đã xóa đi vị thế của Gorbachev và 'cái vung Liên Xô' úp lên các nước cộng hòa.

Sau khi bẻ gãy cuộc đảo chính, Yeltsin, tổng thống dân cử của Nga, đã ra sắc lệnh cấm luôn Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động trên lãnh thổ nước ông, tức nước Nga, và là đất mẹ của đại đa số các đảng viên cộng sản Liên Xô.

Theo George Kolt viết trong cuốn "The Soviet Cauldron" thì vấn đề không phải là sự kém cỏi của CIA hay tình báo Phương Tây, mà là vì mô thức vận hành của những bộ máy đó.

Tình báo như CIA chỉ soạn báo cáo và đưa ra các chứng cớ, phân tích khách quan nhất cho phép các chính trị gia tự quyết định, chứ CIA không đóng vai trò quyết định thay.

Người dân Đông Đức đi sang bên phía Tây Đức



'Hai phe, bốn mâu thuẫn' không ngăn được tình cảm dân tộc Đức: hai miền Đông và Tây đã phá tường Berlin để đến với nhau

Bản thân ông Bush cha khi làm giám đốc CIA đã nổi tiếng là "chuyên nghiệp, phi chính trị" và viết báo cáo không tô hồng, bôi đen tình hình để vừa ý các chính trị gia.

Nhưng khi làm tổng thống, ông Bush đã phải chọn một phương án nào đó trước viễn cảnh tình hình Liên Xô ngày càng tệ, và 'người bạn' của ông, Mikhail Gorbachev ngày càng thất thế.

Ông Bush đã không làm gì cả ngoài việc tiếp tục chính sách trông cậy vào Gorbachev để giữ yên tình trạng hòa hoãn Đông - Tây.

Sau Giáng Sinh năm đó, Gorbachev từ chức tổng thống Liên Xô (25/12) và sáu ngày sau, Liên Xô chính thức giải thể.

Xét cho cùng, Liên Xô, một thực thể chính trị hình thành từ nhiều dân tộc thiếu tính tự nguyện, trong nhiều trường hợp là bị cưỡng bức, đã tự giải tán để rồi ai đi đường nấy.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Liên Xô Gennady Gerasimov đã nói câu nổi tiếng: 'Liên Xô sụp đổ theo Học thuyết Sinatra'.

Nhắc lại bài hát của Frank Sinatra, ông nói "I (Did) It My Way' - Mỗi nước nay tự quyết định con đường của mình (So every country decides on its own which road to take).

https://www.bbc.com/vietnamese/world-56665039


12 tháng 4 2021


No comments:

Post a Comment