Saturday, May 22, 2021

Quyền lực thực sự thuộc về nhân dân


Ông Nguyễn Phú Trọng viết:

“Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”


Ông Nguyễn Phú Trọng giỏi về lý luận nên viết điều trên rất đúng. Bầu cử kiểu hiện nay đảng chọn người thì chỉ phục vụ một thiểu số đảng viên giàu có mà thôi.

 

Còn bầu cử để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì để cho các đảng khác cũng được ứng cử. Để cho đảng khác ứng cử thì kết quả có thể sẽ như là Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết được quyền ứng cử cùng với các đảng viên cộng sản. Kết quả là ứng cử viên của Công Đoàn Đoàn Kết chiếm đa số trong quốc hội. Trong trường hợp này quả thật quyền lực thuộc về nhân dân vì Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan gồm đa số công nhân Ba Lan. Theo chủ nghĩa Mác cũng đúng vì Công Đoàn Đoàn Kết đại diện cho giai cấp công nhân Ba Lan thì Công Đoàn Đoàn Kết chiếm đa số trong quốc hội có nghĩa là giai cấp công nhân nắm chính quyền.

Hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về nhân dân là hệ thống chính trị mà người dân bầu lên người lãnh đạo, bầu ra dân biểu quốc hội. Quyền lực thuộc về nhân dân có thể thấy ở Hạ Viện của Mỹ. Hạ viện có quyền soạn ra ngân sách. Vì dân biểu Hạ Viện là do dân bầu lên cứ mỗi khu vực khoảng 500 ngàn dân thì bầu lên một dân biểu. Một khi đã soạn ra ngân sách thì tổng thống phải chi tiêu trong vòng ngân sách đó, không được tiêu hơn, không được lấy tiền dành cho việc này mà tiêu vào việc khác. Tiền tiêu vào việc gì được viết trong luật ngân sách thì tổng thống phải tiêu đúng như thế. Dân biểu đại diện cho dân, nghĩa là dân cho tổng thống bằng nào tiền thì tổng thống chỉ được tiêu bằng đó thôi.

Quyền lực thực sự thuộc về dân có thể thấy qua việc trong thời chiến tranh Việt Nam, dân Mỹ chán chiến tranh nên bầu cho các dân biểu phản đối chiến tranh. Khi các dân biểu này vào quốc hội, họ cắt hết viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống dù có muốn tiếp tục viện trợ để duy trì cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa tồn tại cũng không được vì Hạ Viện không cho tiền thì tổng thống không có gì trong tay để giúp. Tuy là một điều đau lòng cho Việt Nam Cộng Hòa nhưng việc này cho thấy quyền lực của những người Mỹ phản chiến thông qua quốc hội đã ảnh hưởng đến chính sách của nước Mỹ ra sao.


Kiểu bầu cử đảng chọn dân bầu là do người Nga đặt ra, tác giả là Lenin. Dân Nga lúc đo đa số là nông dân, ít học nghe theo lời tuyên truyền của đảng Cộng Sản Nga nên ủng hộ đảng. Lúc đó nếu có những người trí thức Nga hiểu biết về dân chủ phản đối cách bầu cử trí trá, giả vờ thì cũng bị gán cho tội phản động mà đem xử bắn. Nông dân ít học đông hơn trí thức nên đảng Cộng Sản Nga dựa vào nông dân xúi họ dùng bạo lực mà đàn áp số trí thức ít ỏi. Nhờ thế mà đảng Cộng Sản Nga cầm quyền được lâu với kiểu bầu cử trí trá, giả vờ.

Ông Nguyễn Phú Trọng giỏi về lý luận nhưng ông ta đâu có đem thực hành điều mình nói. Đây cũng là văn hóa của người Nga: nói và làm không đi đôi với nhau. Nói là nói những điều tiến bộ của các nước Tây Phương, làm là làm theo cách lạc hậu của người Nga.

Sở dĩ có sự khác nhau giữa Nga và các nước Tây Phương là vì các nước Tây Phương đà trải qua Thời Đại Khai Sáng mà Nga thì không. Thời Đại Khai Sáng kéo dài khoảng 80 năm từ thế kỷ 18 sang thế kỷ 19. Trong thời đại này, có nhiều người viết sách nói lên tư tưởng của mình về đủ mọi vấn đề xã hội. Từ chuyện bàn để thấy chế độ chính trị nên như thế nào mới là có lý, chuyện phê phán những giáo điều của tôn giáo vô lý ở chỗ nào, đến chuyện có nên tra tấn tù nhân hay không. Chính quyền và Giáo Hội không cấm được hết nên ảnh hưởng của những bàn luận này đưa đến sự thay đổi trong cách suy nghĩ của người dân, rồi đem đến sự thay đổi các chế độ chính trị, thay đổi cách nhìn về tôn giáo. Việc mọi người đua nhau viết sách nói lên tư tưởng của mình không xảy ra ở Nga và nhiều nước Đông Âu. 

Tình trạng đa nguyên xảy ra ở xã hội Tây Phương lúc đó. Đa nguyên là có nhiều nguồn tư tưởng khác nhau. Còn trước đó, thì các nước Tây Phương cũng chỉ có một tư tưởng chủ đạo duy nhất là tư tưởng của Giáo Hội. Ai nói khác với Giáo Hội thì bị trừng phạt.

Sở dĩ các nước Tây Phương đi đến việc có nhiều người viết sách nói lên tư tưởng của mình là nhờ một số điều kiện khách quan của xã hội. Vào thời đó, kỹ thuật in bằng cách ghép chữ đúc bằng chì đã làm cho việc in sách trở nên mau chóng, dễ dàng. Trước đó muốn sao chép một cuốn sách thì phải chép bằng tay, mất rất nhiều thời giờ. Vào thời đó, do kinh tế phát triển nên có nhiều người buôn bán trở nên giàu có. Họ không bị lệ thuộc vào chính quyền hay Giáo Hội về mặt tiền bạc nữa. Có một tầng lớp trung lưu, độc lập với chính quyền, có của cải khá giả để mà đi học và có thời giờ đọc sách. Còn ở Nga thì vẫn là chế độ nông nô. Nông nô phải làm lụng cả ngày, ít học thức nên không có thì giờ mà suy nghĩ. Còn giới quý tộc thì quyền lợi gắn chặt với tầng lớp cầm quyền, không có bao nhiêu người nảy ra suy nghĩ nói lên sự vô lý của chế độ vua chúa hay những điều không ổn trong cách suy nghĩ của mọi người.  Nước Nga thiếu tầng lớp trung lưu như ở các nước Tây Âu.

Giới quý tộc Nga cho con đi học ở các nước Tây Phương như Pháp thì những người này được đọc về tư tưởng của các tác giả Tây Phương. Khi về nước, giữa những người có học thức nói chuyện với nhau thì họ cho rằng các tư tưởng Tây Phương là tiến bộ nhưng họ chưa đem ra để làm thay đổi cách suy nghĩ của toàn dân được. Các nước Tây Phương cũng phải trải qua giai đoạn hàng chục năm trời rồi thì cách suy nghĩ của trí thức và của dân mới thay đổi dần dần. Khi Lenin làm cách mạng thì nhắm vào giới nông dân ít học mà lôi kéo để có sức mạnh về vũ lực rồi khi có quyền lực thì không xây dựng chế độ theo tư tưởng Tây Phương mà chỉ nói trong lý luận để làm cho dân tưởng là chế độ cách mạng tiến bộ hơn là các nước Tây Phương nhưng làm thì vẫn làm theo cách nào mà để cho đảng mình có sức mạnh mà giữ ổn định, kiểm soát được dân.

Với thời gian, dân Nga và dân các nước Đông Âu cũng dần dần thấy sự khác nhau giữa lý luận của chế độ và tình trạng thực tế. Điều này đưa đến các vụ biểu tình đòi dân chủ tại Nga và Đông Âu khi thời cơ cho phép rồi đưa đến việc chấm dứt các chế độ này.

Người dân Tây Âu đã trải qua thời gian 80 năm để có các thay đổi về quan niệm xã hội, chính trị thì người dân Đông Âu cũng đã trải qua thời gian 70 năm qua sự tồn tại của chế độ ở Liên Xô để thấy chế độ chính trị kiểu Liên Xô không thực sự là dân chủ như các lý luận mà chế độ đưa ra và cũng không dân chủ như các nước Tây Phương.

 Minh Đức

2021-05-22


No comments:

Post a Comment