Saturday, November 11, 2023

Các nhà hoạt động cộng đồng bị bắt giữ, họ là ai và làm gì?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao

Trong chưa đầy hai năm, sáu nhà hoạt động thuộc các trung tâm phát triển vì cộng đồng thuộc VUSTA đã bị bắt và kết án với cáo buộc trốn thuế. Họ là:

GIAO - LỢI – DƯƠNG – BÁCH – KHANH - HỒNG

 

Luật sư, tiến sỹ HOÀNG NGỌC GIAO, sinh 1954, là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), mang mã số thuế: 0105651577. Ông Giao là phó giáo sư và đồng thời là Luật sư, từng là trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Ông là người nổi tiếng vì những bình luận sâu sắc trong các vấn đề chính trị, xã hội và bang giao quốc tế, nhiều lần trả lời phỏng vấn giao lưu cùng các nhà ngoại giao phương tây. Ông bị bắt ngày 20/12/2022 vì cáo buộc trốn thuế.

 

Nhà báo Mai Phan Lợi

Nhà báo MAI PHAN LỢI, sinh năm 1971, là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng MEC, được thành lập theo quyết định số 470/QĐ-LHHVN ngày 26/7/2012 thuộc VUSTA, mang mã số thuế: 0105989599. Ông Mai Phan Lợi là một nhà báo nổi tiếng, từng điều hành trang Facebook “Góc nhìn báo chí-công dân” với hơn 120 ngàn thành viên và nhóm “Diễn đàn nhà báo trẻ” có hơn 33 ngàn thành viên tham gia mà trong số đó chủ yếu là sinh viên báo chí.

Ông còn là thành viên của Ban Điều Hành Mạng lưới VNGO-EVFTA nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA). Ông bị bắt ngày 2/7/2021 với cáo buộc trốn thuế và bị toà sơ thẩm kết án 48 tháng, tại phiên phúc thẩm ông được giảm án xuống còn 45 tháng.


 

Luật sư Bạch Hùng Dương

Luật sư BẠCH HÙNG DƯƠNG, sinh 1975 là một thành viên đoàn luật sư Hà Nội, đồng thời giám đốc trung tâm MEC bị bắt cùng ngày 2/7/2021 với Ông Mai Phan Lợi. Ông Dương là một và bị kết án 30 tháng tù, tại phiên phúc thẩm, Ông được giảm xuống còn 27 tháng tù giam.

 

Luật sư Đặng Đình Bách

 

Luật sư ĐẶNG ĐÌNH BÁCH, sinh năm 1978, là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững (LPSD) thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số 171/ĐK-KH&CN ngày 18/6/2007, mang mã số thuế: 0102304889. Trung tâm là tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập, hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam. Trung tâm cũng là thành viên ban điều hành VNGO-EVFTA. Ông bị bắt ngày 2/7/2021 và bị kết án 5 năm tù giam, ông luôn khẳng định mình vô tội và nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng bảo vệ ông.

 

Bà Ngụy Thị Khanh

Nhà hoạt động NGUỴ THỊ KHANH, sinh 1976, là giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), trực thuộc VUSTA, có Quyết định thành lập số 840/QĐ ngày 27/12/2011 với Mã số thuế: 0105778862. Trung tâm GreenID hoạt động góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững. Bà Khanh là một anh hùng khí hậu, là quan sát viên chính thức của Việt Nam tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2015. Bà là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải môi trường Goldman vào năm 2018 và được cộng đồng biết đến rộng rãi thông qua các hoạt động chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường. Bà bị bắt ngày 9/2/2022 và bị kết án 24 tháng tù giam, sau đó được giảm xuống 21 tháng và bà mới được ra tù vào giữa tháng 5 sau khi đã thụ án được 16 tháng.

 

Bà Hoàng Thị Minh Hồng

 “Cô gái nam cực” - HOÀNG THỊ MINH HỒNG, sinh năm 1972, là giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) được thành lập theo quyết định số 78/QĐ-LHHVN do VUSTA cấp ngày 28/1/2013, mang mã số thuế: 0312269912. Bà Hồng là Đặc phái viên trẻ của UNESCO, là anh hùng khí hậu, Bà đã truyền một nguồn năng lượng lớn và rất tích cực cho giới trẻ trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường và động vật hoang dã. Vào năm 2018, cựu tổng thống Mỹ Obama đã viết rằng Bà Hồng là một trong những người trẻ đã truyền cảm hứng cho ông. Bà Hồng bị bắt ngày 31/5/2023 với cáo buộc trốn thuế. Sau khi bà bị bắt giữ, hàng loạt báo chí quốc tế, cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cao uỷ Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đều lên tiếng “quan ngại” về vụ bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng.

Tất cả GIAO - LỢI - DƯƠNG - BACH - KHANH - HỒNG đều là những người rất giỏi và năng động. Họ làm việc nhiều với giới tri thức và những người nổi tiếng. Họ đều có tố chất đặc biệt, khả năng truyền cảm hứng cao độ và ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ .

VUSTA VÀ “XĂNG PHA NHỚT”

Việt nam là một xã hội toàn trị nhưng sau hơn 30 năm đổi mới, các tổ chức “bán nhà nước” đã bắt đầu phát triển và tìm kiếm cho mình những chỗ đứng nhất định. Một trong những cái nôi để hình thành các tổ chức có tính “lai” giữa “dân” và “nhà nước” chính là VUSTA.

VUSTA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Vietnam Unions of Science and Technology Associations (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) được thành lập vào năm 1983, là một tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận tổ quốc, nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam và tất nhiên dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.

VUSTA có hàng ngàn đơn vị trực thuộc từ trung ương xuống địa phương, bao gồm 89 Hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố, hơn 500 các tổ chức khoa học và công nghệ, đơn vị nghiên cứu trực thuộc. VUSTA có 101 cơ quan báo, tạp chí với hơn 400 ấn phẩm báo chí khác nhau.

VUSTA hoạt động kiểu “xăng pha nhớt”, được coi là khu vực dân sự giao thoa giữa “Nhà nước và Thị trường”, quản lý thì khi lỏng khi chặt, tuỳ quan điểm của lãnh đạo, được khen cũng nhiều và bị chê cũng không ít.

VUSTA là một chiếc ô che cho nhiều ban, hội, viện, trung tâm, nhà xuất bản, tạp chí, tổ, nhóm… ở phía dưới ra đời và vận hành một cách tương đối độc lập với nhà nước, hoạt động trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ trên khắp cả nước. Những “tổ chức” kiểu này được gọi là NGO của Việt Nam nhưng thực tế họ không hoàn toàn “phi chính phủ”. Nhà nước muốn họ “thành” kiểu nào là kiểu đó, luật pháp về Hội và Tổ chức phi chính phủ chưa có, các văn bản pháp luật có chỗ chồng lần, có chỗ thiếu hụt nên vấn đề này rất tù mù.

Các tổ chức, hội, trung tâm, viện, quỹ… nằm trong VUSTA ở cấp dưới thường được cho phép thành lập mà không được cấp kinh phí từ nhà nước. Chi phí hoạt động hầu hết là từ sự đóng góp của các thành viên hoặc làm theo hợp đồng với các dự án.

Các thành viên của VUSTA được tiếp nhận các khoản tài trợ từ Nhà nước và các đối tác khác để thực hiện công việc của mình. Người đứng đầu các trung tâm thường gắn liền với hoạt động chuyên môn, một số rất có uy tín, được cộng đồng trong và ngoài nước biết đến.

TRI THỨC “CẶN BÔ CẦN CẢNH GIÁC

“Trí thức là cục phân” chính xác là lời của ông tổ “Lê Nin” viết vào năm 1919 trong thư gửi nhà văn Maxim Gorky, đại ý rằng “tri thức tư sản là tay sai của đồng vốn tư bản, những kẻ cứ nghĩ chúng là bộ não của dân tộc nhưng trên thực tế chúng không phải là não, mà là cục phân của dân tộc.”

Bởi vậy, chính quyền cộng sản luôn đề cao giai cấp công nông, coi thường trí thức. Cho nên khi các tổ chức do những trí thức thành lập, lại được sự tài trợ của “đồng vốn tư bản” thì bị đưa vào diện theo dõi đăc biệt.

Một mặt nhà nước rất cần các tổ chức có vẻ “phi chính phủ” trong việc thể hiện với thế giới về một Việt Nam cởi mở và hướng đến cộng đồng, mặt khác luôn luôn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của họ. Trong số những hội nhóm ăn chơi vô bổ trực thuộc VUSTA thì không ai để ý, nhưng sẽ có một số tổ chức của những người giỏi sẽ “được” để mắt tới.

Các trung tâm thuộc VUSTA thường nhận được tài từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các từ các Đại sứ quán các nước phương tây để thực hiện các dự án phát triển về xã hội và cộng đồng. Họ đã cố gắng thực hiện điều này trong một vùng xám với bối cảnh pháp lý hết sức phức tạp.

Khi các “trung tâm” hoạt động hướng đến giới trẻ và bắt đầu có tác động đối với xã hội, thì đó là lúc mà Đoàn thanh niên cộng sản bắt đầu coi đây là nơi thách thức sự lãnh đạo tuyệt đối của họ đối với thanh niên.

Khi các “trung tâm” trở thành trung tâm phát triển cộng đồng, được quốc tế chú ý và tài trợ thì đối với lưc lượng an ninh “đám cặn bã” này bắt đầu làm “tay sai” để thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” và đã đến lúc cần phải dọn đi.

Để hợp thức hoá toàn bộ chiến dịch này, Bộ công an chỉ đạo Bộ KH&ĐT tung lưới bằng cách ban hành Quyết định Số 1460/QĐ-BKH&ĐT ngày 25/8/2022 để kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ từ nước ngoài của VUSTA giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022. Tất cả đều như cá nằm trên thớt.

Không thể lái thẳng trên một đường cong


Các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam đang hoạt động trong một tấm lưới quét khổng lồ. Vòng ngoài cùng là một khoảng không mờ mịt vì chưa có luật về Hội và chưa có luật về Tổ chức phi chính phủ.

Vòng trong là Quy chế “Quản lý và Sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài” ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP, tiếp theo là vòng kim cô mang tên Nghị Định số 80/2020/NĐ-CP ban hành năm 2020, thay thế, bao trùm và thít chặt hơn cả Nghị định 93 ban hành 10 năm trước đó.

Nhưng dây thòng lọng chính là một rừng văn bản quy phạm pháp luật về thuế, nó có thể ngoắc vào vòng kim cô số 80/2020/NĐ-CP rồi kéo cổ bất cứ ai mà đảng muốn. Sáu nhà hoạt động bị cáo buộc trốn thuế gần đây đều là những nạn nhân đích thực và đau đớn của “nhóm luật rừng” trong rừng luật này.

Xét về bản chất, các trung tâm này đều hoạt động theo dự án và có báo cáo với các nhà tài trợ. Đầu tiên các trung tâm phải xây dựng các đề xuất, rồi thực hiện theo đề xuất và có những kết quả đầu ra cụ thể.

Các nhà tài trợ sẽ phê duyệt đề xuất, giám sát việc thực hiện, thẩm định kết quả, đánh giá tác động của dự án và tiến hành kiểm toán lần cuối. Đối với trung tâm Change của bà Hoàng Thị Hồng, các bản kiểm toán do KPMG là một trong BIG 4 của thế giới thực hiện và được công khai trên website.

Thế nhưng một giọt nước sạch không thể làm cho lọ mực trở thành trong; người tham gia giao thông không thể lái thẳng trên một đoạn đường cong. Tất cả sáu người “Giao-Lợi-Dương-Bách-Khanh-Hồng” đều bị bắt và cáo buộc trốn thuế theo điều 200 của Bộ luật Hình sự 2015 một cách tức tưởi, hầu hết họ phải thừa nhận mặc dù nó xuất phát từ một động cơ chính trị rất rõ ràng.

Động cơ chính trị rõ ràng


Khi doanh nghiệp hoạt động thì cán bộ thuế biết rất rõ tình trạng của doanh nghiệp. Nếu có dấu hiệu trốn thuế, cán bộ thuế sẽ nhắc nhở và “đe doạ” tiến hành thanh tra thuế. Sau khi thanh tra xác định được số thuế bị sai lệch hoặc cần thu thêm thì thanh tra thuế sẽ đưa ra kiến nghị trong kết luận thanh tra.

Hầu hết là kiến nghị truy thu thuế, xử phạt hành chính theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, cực chẳng đã thì thanh tra mới chuyển qua điều tra hình sự.

Theo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì về cơ bản, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ phụ trách điều tra chứ không phải là cơ quan an ninh. Thế nhưng tất cả các cá nhân kể trên đều bị cơ quan an ninh điều tra. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất về động cơ chính trị đứng sau.

Thông thường, những người phạm tội trốn thuế không phải bị bắt và tạm giam trước khi xét xử. Nếu một vụ trốn thuế đơn thuần sẽ được tại ngoại, tạo điều kiện khắc phục, và sau khi đã có án mới phải đi thi hành, thậm chí còn được hoãn thi hành án để sau đó “trả án” khi phù hợp, thế nhưng tất cả những người ở trên hoàn toàn bất ngờ về việc bị bắt.

Nếu như được yêu cầu nộp lại thuế hoặc chịu phạt hành chính về những hành vi vi phạm về thuế, thì các đương sự đã lựa chọn việc nộp lại thuế và chấp nhận chịu phạt hành chính.

Chính quyền đã sử dụng chiêu trò kinh điển nhưng cũng đầy thời sự là trốn thuế. Đây là đòn thù nguy hiểm vì đánh vào lòng tự trọng và chính hầu bao của người bị bắt. Nếu mang tiếng tội trốn thuế thì rất khó nói lên lòng yêu nước và tội trốn thuế, luôn có một hình phạt phụ là bị phạt tiền, bị tịch thu “một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Điều 76 Bộ luật hình sự 2015 còn quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, nghĩa là công ty, trung tâm có thể bị phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoặc vĩnh viễn phải đóng cửa.

Khoác cho tội trốn thuế là cách hiệu quả nhất để chôn vùi những nhà hoạt động trong lao tù hòng dập tắt ngọn lửa khát vọng yêu thương bùng cháy trong tâm hồn họ và đang lan nhanh ra cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Chế độ toàn trị rất giỏi trong việc nhận diện những người có ảnh hưởng tới giới trẻ, và yếu đuối khi luôn luôn sợ bất cứ ai có khả năng thách thức quyền lực chính trị của mình.

Cú tát vào cam kết của Phạm Minh Chính


Ngày 1/11/2021, tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết giảm phát thải ròng bằng không (NetZero) vào năm 2050;

Ngày 14/12/2022 tại Hội nghị cấp cao EU-ASEAN tại Bỉ, ông Chính đã ký “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với lãnh đạo khối G7, Đan Mạch và Na Uy.

Theo đó, trong giai đoạn đầu JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ các nguồn tài chính công và tư trong vòng 3-5 năm để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, sự tham gia của người dân, của các tổ chức NGO là không thể thiếu.

Đùng một cái, bắt và bắt… toàn những người tốt đang hoạt động rất hiệu quả cho chương trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đó là những cú tát liên tục vào những cam kết rất “kêu” của lãnh đạo chính trị.

Việc bắt giữ cho thấy cam kết của các nhà chính trị về việc chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững đã trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Theo dõi nhân quyền đều lên tiếng khuyến cáo và quan ngại sâu sắc.

Việt bắt giữ đã gây sốc lớn đối với các tổ chức quốc tế đang ngày đêm phối hợp cùng xã hội dân sự Việt Nam để bảo vệ bầu không khí của đất nước. Các tổ chức đang tài trợ như Wildaid, USAID, Oxfarm, Tổng lãnh sự quán Úc, Tổng lãnh sự quán Canada… đang vô cùng thất vọng khi không chỉ các đối tác bị truy lùng và bắt giữ mà còn kết luận 70 dự án của quốc tế là đều có sai phạm. Chính các NGO quốc tế cũng đang như cá nằm trên thớt.

Khi nhà nước coi các nhà hoạt động xã hội là kẻ thù và tìm cách đàn áp và bắt bớ là đang đóng lại cánh cửa trong các vấn đề của đất nước. Hệ luỵ là vô cùng lớn lao mà chỉ có những kẻ phản động thật sự hoặc tranh giành đấu đá quyền lợi mới đưa ra những quyết định kéo lùi sự phát triển của đất nước như vậy.

Cảm nghĩ dành cho những người hùng


Khi còn trong lao tù, nhiều đêm tôi suy tư “tại sao mình lại lên tiếng về tệ nạn xã hội?” nhưng rồi nhận ra rằng tiếng nói nó đã có ở đó, tự ngàn đời trong lương tâm con người, từ sâu thẳm, nó đã và đang cất lên trước khi biết nói, mà lý trí không thể cản được.

Những nhà hoạt động cộng đồng này thực sự là những người có khát vọng. Lương tâm họ thôi thúc về một đất nước “sạch về môi trường”. Sau đó, họ nhận ra rằng không thể có một môi trường sạch mà phải bắt đầu bằng “một chính quyền sạch”. Đó là lúc tiếng nói lương tâm cất lên thành âm thanh của đời sống, chuyển tải thành hành động, lan toả đến cộng đồng.

Tôi thực sự ấn tượng với những điều mà các nhà hoạt động này đã làm được trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng. Các trung tâm đã đi đầu trong phong trào hành động dân sự cho một Việt nam phát triển tốt đẹp và bền vững hơn. Họ cam kết “Dấn thân” & “Hợp sức”, để trở thành “một nhân tố của sự thay đổi vì một Việt Nam xanh và sạch”.

Chiến dịch “No, thanks” của Hoàng Thị Minh Hồng vào năm 2020 kêu gọi không sử dụng đồ nhựa một lần đã có hơn 50 nghệ sĩ và người nổi tiếng tham gia. GreenID của chị Nguỵ Thị Khanh, đã giúp đỡ được cho hơn 20,000 người dân được tiếp cận với năng lượng sạch, nước sạch.

Việc hình sự hoá để bắt giữ và kết án các giám đốc trẻ có ảnh hưởng tới cộng đồng là nằm trong kế hoạch tiêu diệt một xã hội dân sự đang lên. Mục tiêu của chính quyền là để cách ly họ ra khỏi xã hội, không cho họ tham gia vào quá trình phát triển thương hiệu cá nhân bằng những việc làm tốt đẹp.

Giao-Lợi-Dương-Bách-Khanh-Hồng đều là những người dám thực hiện các chương trình có tác động đến chính sách phát triển và đã có những kết quả vô cùng ấn tượng, có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến giới trẻ và nhưng người luôn mong muốn thay đổi cho một Việt Nam tốt đẹp hơn, bền vững hơn.

Chính vì vậy họ trở thành những nạn nhân đầu tiên. Nếu tiếp tục im lặng, nạn nhân tiếp theo là tất cả chúng ta và con cháu chúng ta, những người đang chia sẻ một không gian sống và một tương lai chung.

Lê Quốc Quân

 

Bình Luận:

Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn độc quyền nắm quyền lực bằng cách không cho dân có tổ chức độc lập với đảng cộng sản. 

Môn phái Làng Mai của thày Thích Nhất Hạnh không được phép hoạt động ở Việt Nam vì không chịu gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do đảng Cộng Sản Việt Nam lập ra và nắm quyền lãnh đạo.

Môn phái "Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn" do ông Phan Văn Thu lập ra ở Phú Yên chỉ là một tôn giáo bị vu cho là lật đổ chính quyền, những người trong đó bị bắt bỏ tù, ông Phan Văn Thu bị tù chung thân. Môn phái này đã được thành lập từ năm 1967 từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chỉ xem đó là một trong nhiều đạo do người dân lập ra. Một trong những đạo đó là đạo của ông Đạo Dừa, lập tại Cồn Phụng, Mỹ Tho. Sau năm 1975, ông Đạo Dừa bị vu cho là tay sai của CIA và bị bỏ tù. Về sau ông được thả nhưng đạo của ông ta không được phép hoạt động.

Vụ Tịnh Thất Bồng Lai cũng chỉ là một vụ đàn áp, dẹp bỏ một tổ chức do dân tự lập ra. Dù mục đích của các tổ chức của dân là gì thì không có tổ chức nào độc lập với đảng cộng sản được quyền tồn tại. Và còn vô số các vụ án khác có mục đích tiêu diệt tổ chức của dân được viện các cớ khác nhau để dẹp bỏ. Đó là nguyên tắc cai trị của đảng cộng sản.

Nhà báo Mai Phan Lợi đã được thả ngày 9 tháng 9 năm 2023, 18 tháng trước khi hết hạn tù. Ông được thả một ngày trước khi tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam.

Luật sư Bạch Hùng Dương hết hạn tù vào ngày 25 tháng 9 năm 2023.

Bà Ngụy Thị Khanh được tha ngày 12 tháng 5 năm 2023, được tha trước khi hết hạn tù.

 

 

Đằng sau việc Hà Nội đàn áp giới hoạt động môi trường độc lập


Vài năm gần đây, giới hoạt động trong lĩnh vực môi trường độc lập tại Việt Nam liên tục bị đàn áp bởi nhà cầm quyền theo hình thức kết tội “trốn thuế”.

Mặc dù các tổ chức hoạt động theo mô hình NGO – phi chính phủ - được thành lập với tiêu chí phi lợi nhuận và không bị đánh thuế theo Luật doanh nghiệp, nhưng các lãnh đạo như nhà báo Mai Phan Lợi, nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách và mới nhất Hoàng Thị Minh Hồng đều bị kêu án “trốn thuế”, và Hà Nội quyết tâm “dọn sạch” các tổ chức độc lập theo hình thức chụp mũ, hình sự hóa theo luật thuế bất chấp áp lực ngoại giao và nỗ lực kêu gọi trả tự do từ cộng đồng quốc tế.

Tại sao việc trấn áp những nhà hoạt động trước nay vốn có vẻ “vô hại” với nhà cầm quyền liên tục diễn ra như thế?

Trước hết có thể thấy, cách đây khoảng 10 năm khi phong trào xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam bắt đầu bùng phát dưới thời cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà cầm quyền Việt Nam chọn cách trấn áp mạnh tay với các hội nhóm độc lập yêu cầu sửa đổi luật pháp, xóa bỏ điều 258 BLHS (nay là 331) như Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Tiếp sau đó No-U, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ, Hội Bầu bí tương thân, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam… lần lượt trở thành mục tiêu khi các tổ chức này chọn cách tấn công trực diện vào Hiến pháp, luật pháp cùng những yêu cầu cải thiện quyền con người.

Sau đó, để đáp ứng một số tiêu chuẩn “cải thiện nhân quyền” của các đối tác ngoại giao phương Tây, Hà Nội cũng từng khuyến khích và cổ vũ các cá nhân, hội nhóm hoạt động theo kiểu cố vấn chính sách như “think tank” hình thành cho có vẻ dân chủ. Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Nguyễn Huệ Chi và nhiều nhân sĩ trí thức khác là những gương mặt nổi bật ở giai đoạn này. Khi đã đạt được mục tiêu chứng minh với cả người dân trong nước và quốc tế rằng ở Việt Nam có phong trào “phản biện xã hội”, nhà cầm quyền bắt đầu ra tay đàn áp, bắt bớ, và xóa sổ các tổ chức này.

Bên cạnh đó, để chứng minh với thế giới rằng “Việt Nam có nhân quyền, công dân Việt Nam có quyền tự do lập hội” miễn là phải tuân theo khuôn khổ luật pháp của nước CHXHCN Việt Nam, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động dưới hình thức các trung tâm có sự bảo trợ từ một tổ chức của đảng được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Với lựa chọn này, đảng Cộng sản một mặt chứng minh với thế giới rằng Hà Nội tôn trọng nhân quyền, một mặt nhấn mạnh các hoạt động theo hình thức xã hội dân sự phải nằm trong sự kiểm soát của đảng.

Khi hồ sơ nhân quyền đã được cải thiện, Hà Nội bắt đầu ra tay đàn áp các tổ chức “tưởng chừng vô hại” như trên vì tính độc lập của những cá nhân lãnh đạo các tổ chức này. Nhà báo Mai Phan Lợi, chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng – MEC cùng cộng sự Bạch Hùng Dương bị kết án trốn thuế. Nhà hoạt động môi trường, người được mệnh danh là “anh hùng khí hậu”, Ngụy Thị Khanh - giám đốc điều hành, đồng thời là người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) tại Việt Nam cũng bị bắt với cáo buộc tương tự. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) - Đặng Đình Bách bị kết án 5 năm tù cũng tội danh trốn thuế. Và mới nhất là nhà hoạt động môi trường nổi tiếng quốc tế, Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (gọi tắt là Change) vừa bị TAND Tp.HCM kết án 3 năm tù giam hôm 28/9/2023.


Việc bắt giữ hàng loạt nhà hoạt động môi trường nổi trội như trên khiến cho những người hoạt động xã hội dân sự độc lập trong những lĩnh vực vốn được cho là “an toàn” trở nên co cụm, tê liệt.

Câu hỏi đặt ra là tại sao việc bắt giữ lại xảy ra hàng loạt ở ngay thời điểm này?

Từ tháng 8/2020, Hiệp định Thương mại Tự do Khối liên minh Châu Âu (EU) – Việt Nam (*) với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt là thúc đẩy sự đóng góp của các khía cạnh liên quan đến thương mại và đầu tư của vấn đề lao động và môi trường, có hiệu lực. Vai trò của các Trung tâm hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận như MEC, GreenID, LPSD, Change được đánh giá rất cao vì đa phần những người sáng lập và lãnh đạo các tổ chức này đều có uy tín với quốc tế và quan trọng hơn hết, họ hoạt động theo đường lối độc lập dù phải chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản là các tổ chức trực thuộc đảng Cộng sản. Các trung tâm này đóng vai trò giám sát, thúc đẩy sự minh bạch trong việc giải ngân các gói hỗ trợ từ quốc tế cho Việt Nam trong lĩnh vực môi trường như giảm khí phát thải, điện than, bảo vệ rừng…

Trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được thỏa thuận tham gia chương trình hợp tác mang tên Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với G7 và các nước phát triển hồi tháng 12/2022, Khối Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch sẽ tài trợ cho Việt Nam 15,5 tỷ USD với cam kết cắt giảm điện than và chuyển dần sang năng lượng sạch. Số tiền này sẽ được giải ngân cho Việt Nam trong vòng 3 - 5 năm tới. Một trong các điều kiện để gói tài trợ được giải ngân từ các nước phát triển đó chính là yêu cầu có sự tham gia, giám sát của các NGOs độc lập.

Vì thế MEC, GreenID, LPSD, Change với tiêu chí minh bạch theo tiêu chuẩn châu Âu chính là cái gai cần phải sớm nhổ bỏ trong mắt Hà Nội.

Giới quan sát dự đoán, sau khi bắt hết những nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập như Mai Phan Lợi, Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng và mới nhất là Ngô Thị Tố Nhiên, sẽ có các tổ chức chân rết, hay các nhóm xã hội dân sự hoạt động theo đúng chủ trương của đảng được cài cắm vào nhằm góp phần “minh bạch”, “dân chủ” trong công tác giải ngân gói tài trợ $15,5 tỷ.
Vậy sau khi Hà Nội xóa bỏ các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo mô hình NGO trên thì chính quyền sẽ ủng hộ, khuyến khích hình thành hội nhóm kiểu gì?

Trong nhóm phân loại các hoạt động xã hội dân sự như think tank, NGO, còn có một dạng khác là các foundations. Liệu Hà Nội có nhắm tới khuyến khích các foundation ra đời thay thế cho các tổ chức dân sự khác không? Bởi Foundations cũng hoạt động phi lợi nhuận (toàn phần hay một phần) và đóng vai trò cố vấn chính sách, vận động chính trị không kém phần quan trọng. (VinGroup là một trong những nơi đi đầu và lập nên các foundation theo kiểu tư bản có tên gọi là The Vingroup Innovation Foundation (VINIF)).

Giới quan sát chưa thể dự đoán được chính xác chuyện gì sẽ xảy ra sắp tới, khi làn sóng sợ hãi đang khiến giới hoạt động xã hội dân sự độc lập co cụm lại. Nhưng hiển nhiên là ai cũng có thể thấy rằng, việc bắt giữ các nhà hoạt động môi trường nổi trội, có uy tín với phương Tây là quyết định chặn đứng sự giám sát và yêu cầu minh bạch của quốc tế đối với các dự án tài trợ năng lượng, môi trường trong tương lai gần.

Vì thế ở Việt Nam không có cái gọi là NGO, mà chỉ có các Trung tâm được thành lập dưới sự bảo trợ, quản lý của một tổ chức trực thuộc đảng. Và tầng lớp trí thức như Mai Phan Lợi, Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng… dù khéo léo đến mấy nhằm nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia, cũng không còn an toàn được nữa.

(*)https://www-eesc-europa-eu.translate.goog/en/sections-other-bodies/other/eu-vietnam-domestic-advisory-group

Mẹ Nấm
Houston tháng 10/2023.




No comments:

Post a Comment