Monday, May 9, 2011

Bình luận: Sự thật về cái gọi “Đạo Vàng Chứ” ở Điện Biên




Chính những điều kiện xã hội bất công, cách cai trị thiếu luật pháp, các hành vi thiếu đạo đức của chính quyền đã khiến các người dân tìm đến tôn giáo. Những điều thiếu đạo đức đó khiến cho người dân xứ cộng sản theo tôn giáo nhiều. Họ vào tôn giáo để gặp những người cũng tin vào các điều đạo đức giống như họ, những người mà họ tin được là sẽ không lừa dối họ, hễ giúp họ là giúp vì tình người chứ chẳng vì thủ đoạn để lợi dụng.



Sự thật về cái gọi “Đạo Vàng Chứ” ở Điện Biên
Làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình"

QĐND - Chủ Nhật, 08/05/2011, 22:4 (GMT+7)


http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/147342/Default.aspx



QĐND - Vào những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2011, trên khu vực biên giới Nậm Kè, Na Cô Sa, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, có 17 hộ với gần trăm khẩu đồng bào Mông di cư từ các tỉnh khác đến. Là huyện nghèo, cộng với tình trạng di cư tự do, đất canh tác ít, đời sống của người dân vốn đã thiếu thốn lại càng khó khăn thêm. Tuy cuộc sống còn nghèo khó, lại đang là mùa gieo trồng nhưng những người theo cái gọi là “đạo Vàng Chứ” mỗi tuần phải bỏ ra 3 ngày (thứ năm, thứ bảy, chủ nhật) để cầu nguyện. Khi các cơ quan chức năng trên địa bàn Mường Nhé có ý kiến về những việc làm trên, những người di cư tự do đã chống đối, cho rằng các cấp chính quyền địa phương ngăn cản hoạt động tín ngưỡng của đồng bào. Việc làm trên đã gây nên tình trạng bất ổn và phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.

Vậy, thực chất của cái gọi là “đạo Vàng Chứ” ở đây là gì? Trước hết, xét từ góc độ giáo lý và nội tình ở ngay những người đang theo “đạo Vàng Chứ” sẽ rõ. Trong những năm gần đây, cái gọi là "đạo Vàng Chứ” phát triển rất nhanh ở vùng biên giới phía Tây Bắc, tỉnh Điện Biên. Đi liền với sự phát triển của “đạo Vàng Chứ” là các vấn nạn di cư tự do, phá rừng, các truyền thống tốt đẹp của đồng bào, nhất là đồng bào Mông bị phá vỡ... Nguy hiểm hơn, những đối tượng tự phong là “trưởng đạo” và các "thừa tác viên” tìm mọi cách lôi kéo, dụ dỗ, kích động đồng bào làm trái các quy định của pháp luật. Thậm chí, họ lợi dụng sự hiểu biết còn hạn chế của đồng bào Mông để chống lại các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo. Họ tìm mọi cách vu cáo, xuyên tạc cho rằng các cấp chính quyền cơ sở ngăn cản hoạt động của tôn giáo.

Ngay chính những người mỗi tuần vẫn đi “cầu nguyện” theo “đạo Vàng Chứ” cũng không biết Vàng Chứ là ai. Ông Giàng Séo Chẩn, người xã Leng Su Sìn kể: Ông không biết Vàng Chứ là ai và là người như thế nào. Ông chỉ được nghe qua miệng các “trưởng đạo” và các “thừa tác viên” tự phong của “đạo Vàng Chứ” nói rằng, theo đạo Vàng Chứ không làm cũng có ăn. Đi cầu nguyện Vàng Chứ, Vàng Chứ sẽ cho ngày có 3 bữa ăn. Ốm đau không cần đi bệnh viện mà chỉ cần uống nước của Vàng Chứ sẽ khỏi.

Không làm cũng có ăn, ốm đau không cần dùng thuốc... chính những điều “vẽ” ra trong giáo lý đó đã là khó chấp nhận với những người có nhận thức bình thường. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Có rất nhiều trường hợp ốm đau, bệnh tật nhưng những người tự phong là "trưởng đạo” hay “thừa tác viên” đều tìm cách vắng mặt, không giúp đỡ. Điển hình nhất là năm 2009, ở bản Cà Là Pá thuộc xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé có tới hàng trăm người bị mắc dịch kiết lỵ, sốt phát ban, song các “trưởng đạo”, "thừa tác viên" của cái gọi là “đạo Vàng Chứ” đã bỏ mặc dân. Và người dân đã phải chịu rất nhiều đau khổ từ chuyện này. Chỉ đến khi các cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn tới chữa trị, dịch bệnh nguy hiểm trên mới được dập tắt... Bản chất thực của vấn đề là “đạo Vàng Chứ” đã lợi dụng trình độ dân trí thấp và những khó khăn trong đời sống của đồng bào để “vẽ” nên cuộc sống tốt đẹp, một sự huyễn hoặc không thể có để lôi kéo đồng bào các dân tộc.

Không những chỉ “vẽ” nên những điều huyễn hoặc, những người “trưởng đạo”, các “thừa tác viên” cũng đã lợi dụng vào sự hiểu biết còn hạn chế của đồng bào để dụ dỗ, hù dọa và bóp méo sự thật. Cũng lợi dụng vào điều kiện đất canh tác khó khăn, những người “trưởng đạo” đã dụ dỗ các hộ gia đình đang làm ăn ổn định bán nhà để di cư đến những nơi mà họ mách bảo. Nhưng khi đến nơi, đất không còn, tiền bán nhà đã chi tiêu hết trên đường khi di chuyển... Thế là, đi mắc núi, trở lại mắc sông, lâm vào cảnh cùng quẫn, đói khổ, túng thiếu, đành phải dựa vào những người có cùng dòng họ, dòng tộc. Chính bằng những việc làm ấy, những người “trưởng đạo” Vàng Chứ đã đẩy các hộ dân đang làm ăn yên ổn vào cảnh bần hàn, đói khổ. Bên cạnh đó, họ còn gây mất sự cân đối về phân bố dân cư, gây rối an ninh trật tự, gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội của chính quyền. Không chỉ vậy, việc làm trên còn tạo ra những gánh nặng cho chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gây khó khăn cho việc triển khai công tác xóa đói, giảm nghèo... Khi một số người không theo Vàng Chứ, những người tự phong là "trưởng đạo" nói xằng rằng: Sắp tới sẽ có “đại hồng thủy”, trời sẽ làm lũ lụt, lở núi. Nếu ai theo Vàng Chứ sẽ được chắp cho đôi cánh để bay lên trời, nếu không theo Vàng Chứ sẽ bị lũ lụt và núi lở vùi lấp, dìm đến chết. Vì nhận thức về thế giới tự nhiên của đồng bào còn hạn chế, nghe lời hù dọa của các “trưởng đạo”, một số hộ đồng bào đã nghe theo, đi theo.

Nhằm lôi kéo và tập hợp lực lượng, các “trưởng đạo” tự phong còn lợi dụng vào tâm lý tình cảm của đồng bào Mông để dựng lên cái gọi là “một nhà nước Mông” tưởng tượng mà thực chất là hoạt động chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Năm 2009, ở xã Mường Mươn, những người tự phong là “trưởng đạo” và “thừa tác viên” gồm: Lý Trùng Tủa, Lý A Dế, Giàng A Sâu đã lôi kéo tập hợp hơn 70 thanh niên của các địa phương: Lào Cai, Nghệ An, Lai Châu, Điện Biên rồi đưa sang Poong Kẹo thuộc đất bạn Lào, trang bị dao, kiếm, huấn luyện võ thuật... Bản thân Lý A Dế không chỉ tàng trữ bất hợp pháp súng AK47 với 29 viên đạn mà còn lôi kéo tập hợp thanh niên Mông trái pháp luật. Khi chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm triển khai xây dựng trường học cho con em đồng bào Mông trên địa bàn, Lý A Dế cùng đồng bọn đã có hành vi kích động, xuyên tạc và ngăn cản, đe dọa không cho đồng bào trên địa bàn đóng góp ngày công, san lấp mặt bằng để thi công công trình. Khi người dân nhận rõ luận điệu xuyên tạc của những người này và tham gia cùng các lực lượng xây dựng trường học thì Lý A Dế và đồng bọn lại tuyên truyền đất rừng ở huyện Mường Nhé còn nhiều, đất rất tốt... rồi xúi giục người dân bán nhà để di dịch cư. Khi Công an Điện Biên ra lệnh bắt thì Lý A Dế đã có ý định sử dụng lực lượng do y tập hợp để phá trụ sở Công an huyện Mường Chà.

Tháng 7-2010, một số đối tượng theo “đạo Vàng Chứ” ở xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé đã tìm cách lôi kéo cụ Giàng Sè Páo, 91 tuổi, là bố đẻ của Phó chủ tịch UBND xã Nà Bủng, Giàng A Vừ. Sau rất nhiều lần chúng vận động, lôi kéo, bắt ép, cô lập nhưng cụ Giàng Sè Páo kiên quyết không theo. Trước sau như một, cụ Páo khẳng định: Theo “đạo Vàng Chứ” không được gì mà chỉ thấy khổ. Đi đâu cụ Páo cũng nói: "Chỉ có Nhà nước Việt Nam mới giúp được người Mông ta thoát khỏi đói nghèo". Mưu đồ không thực hiện được, lợi dụng đêm tối, một số đối tượng đã dùng súng CKC bắn chết cụ Páo. Sau khi gây án, các đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa bàn, các cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã...

Để lừa gạt đồng bào Mông, những người theo “đạo Vàng Chứ” tự lập danh sách, ép buộc, hăm dọa đưa tên, bắt người dân theo. Một số người trước đây nghe lời phỉnh nịnh, lừa gạt của họ “trót” theo nhưng nay nhận ra chân tướng, không còn tin vào cái "giáo lý” của “đạo Vàng Chứ”, lòng đã nhạt, muốn trở lại cuộc sống tín ngưỡng xưa nhưng vì sợ chúng lại hành xử như đối với cụ Páo nên chưa dám bỏ. Biểu hiện trên được bộc lộ khi đến những ngày cầu nguyện, rất đông người đưa con nhỏ đi theo và trong lễ cầu nguyện họ đã “thầm” kháo nhau về việc theo “đạo Vàng Chứ” không được gì mà phải bỏ mùa màng, thời vụ gieo trồng và phải đóng góp “kinh phí” mỗi tuần cho “đạo”. Hầu hết số người hiện đang theo “đạo Vàng Chứ”, khi được hỏi về các tín điều cơ bản của giáo lý thì họ đều không biết.

Việc gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân tộc Mông ở Mường Nhé những ngày qua không ngoài ý đồ của một nhóm người tự phong là “trưởng đạo” của cái gọi là “đạo Vàng Chứ” để gây sự chú ý và tạo sức ép lên các cấp chính quyền địa phương. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Điều 70 đã ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật… Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Trong các Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 21-3-1991, Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 19-4-1999, Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 4-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ và Pháp lệnh về Tín ngưỡng tôn giáo đều khẳng định: Mọi hoạt động mê tín dị đoan được bài trừ, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập dân tộc, chống lại Nhà nước XHCN, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân, làm hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân đều bị xử lý theo pháp luật.

Trước những diễn biến ở Mường Nhé trong mấy ngày qua, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức rõ chân tướng của cái gọi là "đạo Vàng Chứ" để có thái độ, hành động đúng đắn, kiên quyết. Những hành vi lợi dụng tín ngưỡng để làm trái pháp luật, gây mất ổn định trong cộng đồng dân tộc Mông ở Mường Nhé, Điện Biên cần sớm được loại bỏ. Những kẻ chủ mưu phải sớm được đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Đồng bào Mông nơi đây đang cần và rất cần sự ổn định để làm ăn, sản xuất (nhất là đang vào mùa gieo hạt), từng bước xóa đói, giảm nghèo và ổn định đời sống sau những gì mà cái gọi là “đạo Vàng Chứ” đã gây ra.

Bình luận:

Đây chỉ là lời nói của một phía. Còn thực sự Đạo Vàng Chứ như thế nào thì những người theo đạo đó có quyền được có tiếng nói cho mọi người biết về tôn giáo của mình nhưng chế độ hiện nay cấm, không cho họ có tiếng nói.

Nói chung, người dân tại các xứ cai trị bởi đảng Cộng Sản thường theo tôn giáo nhiều là vì trong đời sống họ gặp nhiều bất công, mà xã hội thì không cai trị theo luật pháp nghiêm minh. Những người gặp hoàn cản bất công họ không biết nương dựa vào ai, họ theo tôn giáo vì tôn giáo dạy cho họ là làm điều công bằng, sống theo đạo đức là điều phải theo, còn những điều gây bất công cho người khác là điều xấu nên tránh làm. Đến với tôn giáo họ cũng tìm thấy những người khác an ủi, giúp đỡ họ.

Điều căn bản làm cho người dân xứ cộng sản tìm đến tôn giáo là chế độ theo chủ nghĩa Mác Lê thiếu một hệ thống đạo đức phổ quát cho cá nhân. Theo Lenin thì đạo đức phải có tính giai cấp, nghĩa là cách phán xét cái gì là tốt, cái gì là xấu phải tùy theo giai cấp, không được đánh đồng các giai cấp, không được đánh đồng giữa ta và địch. Đem áp dụng quan niệm này vào thực tế thì sẽ thấy vì đảng Cộng Sản là đại biểu của giai cấp vô sản nên việc làm của đảng Cộng Sản phải được phán xét với tiêu chuẩn đạo đức khác với việc làm của các tầng lớp khác, không thuộc về giai cấp vô sản. Vì thế trong xã hội, đảng viên tham ô, vi phạm pháp luật thì được xét theo nhân thân mà xử nhẹ, hoặc tha, còn nhân dân nếu phạm cùng tội thì bị xử theo luật không châm chước.

Đem áp dụng quan niệm đạo đức phải có tính giai cấp và chính trị thì việc đảng Cộng Sản Nga giết hàng chục triệu người, đày hàng triệu người tại các trại cải tạo Gulag, bắt họ làm việc trong điều kiện đói, lạnh làm hàng triệu người chết vì bệnh tật kiệt sức thì không bị lên án, nhưng tại các nước tư bản các chính quyền đàn áp phong trào cộng sản, bỏ tù người cộng sản thì bị lên án. Trong khi đó nếu áp dụng nguyên tắc đạo đức có tính phổ quát, nghĩa là phán xét ai cũng như nhau, thì các hành vi làm chết người của các chế độ cộng sản cũng đáng bị lên án như các hành vi làm chết người của các chế độ khác.

Việc chế độ cộng sản thiếu đạo đức cá nhân cũng là điều làm cho nhiều người dân đi theo tôn giáo. Đạo đức cá nhân là những điều mọi cá nhân đều phải theo, bất kể thuộc giai cấp nào, bất kể thuộc khuynh hướng chính trị nào, bất kể người đó giữ chức vụ cao đến đâu hay chỉ làm người dân thường.

Thí dụ, Nho giáo có 5 điều mà mọi cá nhân phải theo hàng ngày là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín . Nhân là có lòng thương đến người khác, Nghĩa là làm tròn nghĩa vụ của mình đối với xã hội, đối với mọi người. Lễ là tôn trọng người xung quanh, không xúc phạm đến người xung quanh. Trí là dùng óc để suy nghĩ phán đoán mọi việc. Tín là nói đúng sự thật, tôn trọng những lời hứa của mình.

Năm điều Nho Giáo dạy như trên thì mọi cá nhân đều phải theo, dùng là người đứng đầu một nước hay dân thường. Nhưng báo chí xứ cộng sản thì thường loan tin sai lạc, xuyên tạc, như thế là vi phạm chữ Tín, nhưng không bao giờ nhà nước trừng phạt, còn người dân phát biểu điều gì nhà nước không thích thì bị ghép cho tội xuyên tạc, loan tin làm dân hoang mang. Các nhà lãnh đạo xứ cộng sản thì luôn nói dối, ngụy biện, hễ người dân nào vạch ra đó là nói dối thì bị nhà nước trừng trị. Như thế là thiếu đạo đức cho mọi cá nhân. Dân thường thì bị xem là có tội vì xét xử theo quan niệm đạo đức khác, viên chức nhà nước thì được làm các điều vi phạm đạo đức mà nhà nước cấm dân thường làm.

Những điều thiếu đạo đức đó khiến cho người dân xứ cộng sản theo tôn giáo nhiều. Họ vào tôn giáo để gặp những người cũng tin vào các điều đạo đức giống như họ , những người mà họ tin được là sẽ không lừa dối họ, hễ giúp họ là giúp vì tình người chứ chẳng vì thủ đoạn để lợi dụng.

Chính những điều kiện xã hội bất công, cách cai trị thiếu luật pháp, các hành vi thiếu đạo đức của chính quyền đã khiến các người dân tìm đến tôn giáo.

No comments:

Post a Comment