Monday, May 30, 2011

Liên Xô có giống nước Tần hay không?


Chế độ Liên Xô và chế độ nhà Tần giống nhau ở chỗ cùng là chế độ độc tài toàn trị, cùng đặt dân vào cái thế không thể cưỡng lại chính quyền. Nhưng hai chế độ khác nhau ở đường lối kinh tế, khác nhau ở chỗ một bên dùng luật pháp để cai trị còn bên kia dùng guồng máy đảng, căn cứ vào niềm tin của người trong tổ chức mà cai trị.





Liên Xô có giống nước Tần hay không?

 Minh Đức


Diễu binh tại Quảng Trường Đỏ năm 1978, kỷ niệm 61 năm Cách Mạng Tháng Mười

Liên Xô có giống nước Tần bên Trung Hoa thời Chiến Quốc hay không?

Liên Xô giống như nước Tần bên Trung Hoa thời Chiến Quốc! Đó là nhận xét của một nhà báo miên Nam trước 1975. Vào nửa cuối thập niên 60 bước qua đầu thập niên 70, báo chí miền Nam nở rộ. Chính quyền lúc đó không bắt buộc báo chí phải viết theo chỉ thị và luận điệu của chính quyền nên các ký giả mặc sức mà bàn luận. Một trong những lời bàn mà cho đến nay vẫn còn xem ra có giá trị là các ký giả gọi thời kỳ đó là thời Tân Chiến Quốc. Gọi là Tân Chiến Quốc là vì vào thời Chiến Quốc ở Trung Hoa, kéo dài 250 năm từ 476 trước Công Nguyên, cho đến 221 trước Công Nguyên, các nước đánh lẫn nhau và kết hợp với nhau thành phe. Có lúc sáu nước Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở, Yên theo kế hoạch Hợp Tung cùng liên kết nhau để chống Tần . Có lúc Tần đưa ra kế hoạch Liên Hoành lôi kéo Hàn, Ngụy theo mình, phá thế Hợp Tung.  Cũng giống như Mỹ và Nga lôi kéo các nước khác vào khối của mình và tranh chấp, đánh nhau để bành trướng ảnh hưởng của mình.

Có ký giả thời đó đã ví Liên Xô, với quân đội rất mạnh và cách cai trị độc tài, giống như nước Tần thời Chiến Quốc. Nước Tần cũng có quân đội rất mạnh và cai trị độc tài. Cả Liên Xô và nước Tần đều cư xử lấy sức mạnh và dối trá là chủ yếu để xâm lấn, bành trướng ảnh hưởng. Cách so sánh này vẽ ra tương lai đen tối cho miền Nam và cho thế giới vì nước Tần cuối cùng đã tiêu diệt các nước khác và đặt toàn thể Trung Hoa dưới sự cai trị độc tài. Tương tự, nếu Liên Xô cuối cùng sẽ chiến thắng có nghĩa là miền Nam sẽ thua Cộng sản và Liên Xô chiếm trọn châu Âu và đánh bại Mỹ.

Điều làm cho nhiều người tại miền Nam lúc đó thấy Liên Xô giống nước Tần là cả Liên Xô lẫn nước Tần đều tổ chức theo cách bắt tất cả phục vụ cho chiến tranh và biến mỗi người dân phải thành một bộ phận trong guồng máy chiến tranh. Người dân dưới các chế độ này nếu không làm lính chiến đấu thì phải lao động sản xuất phục vụ cho guồng máy chiến tranh của nhà nước. Người dân bắt buộc phải làm điều mà nhà nước ra lệnh mà không có quyền từ chối hay phản kháng. Điều này khác với các quốc gia thông thường khác thời cổ cũng như vào thời thế kỷ 20 là chỉ có chính quyền tham gia chiến tranh với quân đội, còn người dân thì được sống tự do làm ăn, tự do ăn nói, tự do suy nghĩ, tự do giải trí.

Sự giống nhau giữa cách cai trị của Liên Xô và nước Tần là cả hai đều theo nguyên tắc cưỡng bách, chính quyền đặt dân vào cái thể không thể không nghe lời chính quyền và không có phương tiện để phản đối, chống lại chính quyền. Nguyên tắc cai trị của Liên Xô và Tần được diễn tả qua đoạn văn sau của Hàn Phi Tử, người đưa ra lý thuyết Pháp trị, được nước Tần áp dụng:

Thánh nhân trị nước , không cần phải dựa vào người làm tốt cho mình mà dựa vào sự việc khiến người ta không dám làm quấy. Dựa vào người yêu mến ta, tính đầu ngón tay chẳng được vài chục. Còn dựa vào sự việc người không dám làm quấy thì có thể khắp cả nước. Trị nước phải nhằm vào số đông, không trông vào số ít. Cho nên chẳng cần vụ đức mà nên chú trọng đến vụ pháp. Làm vua không nên trông vào cái tốt ngẫu nhiên mà nên thi hành cái đạo tất nhiên.”

Quan niệm trên khác với quan niệm cai trị thông thường của các vua chúa và các chính quyền không độc tài. Theo cách cai trị thông thường thì nhà cầm quyền muốn cho người dân hài lòng với đời sống để dàn đừng nổi dậy vì bất mãn hay vì đói khổ. Còn quan niệm cai trị của nhà Tần là đặt dân vào cái thế không thể chống đối, không thể không nghe lời dù cho có phải bị cưỡng bách làm lụng cực khổ. Nói chung, chính quyền nào cũng phải dung đến vũ lực để trị an. Nhưng có chính quyền giữ ổn định bằng cách làm cho dân sống no đủ, hài lòng, không nghĩ đến việc chống đối, thay đổi chính phủ, việc dùng vũ lực giữ ở mức càng ít càng tốt. Còn cách của nhà Tần thì dùng vũ lực để khống chế dân hoàn toàn, làm cho dân dù có hài lòng hay không thì cũng không thể chống lại chính quyền.

Không phải đợi đến thập niên 60 mới có người thấy sự giống nhau giữa cách cai trị của Cộng Sản và nhà Tần mà ngay từ khi Việt Minh mới cướp chính quyền năm 1945 rồi thiết lập mạng lưới cai trị thì có nhà Nho đã kinh sợ khi thấy cách Việt Minh chia dân ra thành từng tổ rồi bắt dân trong tổ phải dò xét tố cáo lẫn nhau. Đó là cách “Ngũ gia liên bảo” mà Thương Ưởng đời Tần đề ra, đặt năm nhà làm một nhóm, hể trong năm nhà đó, có ai vi phạm pháp luật thì phải tố cáo cho chính quyền biết nếu không thì khi chính quyền khám phá ra vụ vi phạm pháp luật thì cả năm nhà đều bị tội. Cán bộ Việt Minh xúi trẻ em về nhà rình bố mẹ nói chuyện với nhau những gì rồi đem mách lại cán bộ. Nhưng tiếng nói của các nhà Nho lúc đó rất yếu ớt vì họ chỉ là số ít. Lớp trẻ lúc đó không còn trọng Nho giáo nữa. Những người theo tân học nếu theo khuynh hướng Mác xít thì coi Nho giáo là tàn tích của chế độ phong kiến bóc lột, phải xóa bỏ. Còn những người theo văn minh Tây phương, ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cá nhân thì thấy Nho giáo cổ hủ, nhiều ràng buộc nên không thích. Các nhà Nho không làm cho nước được hùng mạnh để đến nỗi bị Tây phương đè nén nên thế hệ trẻ không coi trọng Nho giáo nữa. Hơn nữa, vào thời đó, tại Việt Nam và Trung Hoa số người không biết chữ có thể chiếm đến 70% dân số, họ không biết trong lịch sử nhà Tần cai trị ra sao nên Cộng sản có một kho người lớn lao, rất dễ tuyên truyền lôi kéo người theo mình .

Sự khác nhau giữa cách cai trị của Liên Xô và nhà Tần là Liên Xô dùng tổ chức đảng để khống chế người dân trong khi nhà Tần thì dùng pháp luật.

Chế độ nhà Tần

Chế độ pháp trị của nhà Tần được thực hiện theo cách của một số chính trị gia chủ trương dùng pháp luật để cai trị như Thương Ưởng, Thân Bất Hại và theo sách của Hàn Phi Tử. Hàn Phi Tử là trí thức thuộc dòng dõi quí tộc nước Hàn. Ông phẫn uất vì sự suy yếu của nước Hàn so với các nước khác trong Trung Hoa thời đó nên để tâm nghiên cứu làm sao cho một quốc gia được hùng mạnh . Nhưng sách của ông vua Hàn không biết dùng mà vua Tần biết mà dùng đến. Đó là thời Chiến Quốc, lúc đó Trung Hoa chỉ còn bảy nước tranh hùng với nhau, khởi đầu từ hơn 500 nước nhỏ thời Xuân Thu. Vài trăm năm sau, các nước thôn tính lẫn nhau, các nước nhỏ yếu bị tiêu diệt, sáp nhập vào nước khác. Cuối cùng chỉ còn bảy nước, gọi là thất hùng, gồm Hàn, Ngụy, Sở, Tần, Tề, Triệu, Yên.


Bản đồ Trung Hoa thời Chiến Quốc

Trong cuốn sách của mình, Hàn Phi Tử vạch ra những nhược điểm của chế độ phong kiến, làm cho quốc gia không tập trung được sức mạnh.

Chữ Phong Kiến là để gọi chế độ phong kiến cai trị theo cách vua cha phong tước cho con, anh em, họ hàng, cắt đất đai cho họ cai trị. Những công, hầu tước này được quyền thâu thuế trong lãnh địa của mình, có quân đội riêng. Khi nhà vua cần chống ngoại xâm hay tấn công nước khác thì gọi các công, hầu này hội binh lại để chinh chiến. Nhà vua có thể tự chỉ huy hay giao cho một vị nào đó lãnh đạo quân đội. Cách dụng binh như thế này không có lợi cho nhà vua vì có khi những công hầu này thấy việc đánh nhau với quân địch không có lợi cho mình, nếu mình có thắng cũng chẳng có lợi gì, mà lại hao binh tổn tướng của mình nên không hết lòng. Có kẻ ăn của đút của nước địch mà xin giảng hòa rồi về dùng miệng lưỡi xảo trá mà biện hộ. Những kẻ này có khi có quyền lớn quá hoặc là bà con, họ hàng nên vua không dám thẳng tay trừng phạt.

Lại thêm lối cai trị của phong kiến thời đó là khi thường dân bị tội thì xử theo luật lệ, còn đại thần, thường là người thân của vua hoặc được vua ưu đãi, phạm tội thì chỉ bị xử nhẹ, không theo luật pháp nên những kẻ quí tộc sống hoang đàng, vô pháp luật.

Lối cai trị dựa vào người thân, dùng những kẻ quí tộc tin cẩn nên có khi dùng những kẻ bất tài chỉ vì là họ hàng, người thân mà được giao chức vụ lãnh đạo.
Hàn Phi cực lực bài bác lối đức trị của Nho giáo, nghĩa là giao quyền cho kẻ được cho là có đức. Theo Hàn Phi, có đức là điều rất mơ hồ, khó xác định thế nào là có đức. Có những kẻ bất tài nhưng khéo lấy lòng bề trên, khéo khoe khoang cũng được cho là có đức mà trọng dụng. 

Hàn Phi đưa ra cách cai trị theo pháp luật. Những gì chính quyền muốn dân làm đều kê ra trong luật lệ và tất cả mọi người, dù là quí tộc, có bà con họ hàng với vua hay dân đen đều phải tuân hành pháp luật như nhau. Mọi người chiếu theo qui định của luật lệ mà lập công, nếu không làm được như luật lệ đã định thì dù là quí tộc, là họ hàng với nhà vua cũng bị cất chức, không dùng mà dùng những kẻ dù là dân thường nhưng có thực tài, có khả năng làm được theo như những gì luật đã qui định.

Cách làm luật là bắt tất cả mọi người phải hoạt động có lợi cho nhà vua, kẻ nào không đóng góp được gì cho nhà vua theo luật định thì phải bị tội, hoặc bị giáng xuống làm dân, hoặc bị biến thành nô lệ, đi phục dịch người khác.

Một số cải cách của Thương Ưởng, tướng quốc nước Tần, áp dụng nguyên tắc Pháp Trị từ trước khi Hàn Phi viết sách như sau:

Đặt ra luật lệ mới chặt chẽ, nghiêm minh.

Đối xử với mọi người bình đẳng trước pháp luật .

Người Trung Hoa xem gia đình làm trọng, xem tình gia đình nặng hơn pháp luật của quốc gia. Thương Ưởng đặt luật bắt phải xem trọng phép nước hơn gia đình. Việc này đưa đến bắt mọi người trong gia đình phải tố cáo lẫn nhau khi có người vi phạm pháp luật, nếu không cả gia đình đều bị tội.

Đặt ra chính sách Ngũ Gia Liên Bảo (Năm nhà liên kết nhau để bảo vệ pháp luật). Năm gia đình này phải dò xét lẫn nhau . Khi có ai vi phạm pháp luật thì phải tố cáo với quan, nếu không khi phám phá ra thì cả năm gia đình đều bị tội.
Đặt ra một mạng lưới mật vụ dày đặc để theo dõi xem dân có tuân theo pháp luật hay không.

Quân đội chia làm 20 cấp, căn cứ theo chiến công mà thăng thưởng. Quí tộc mà không lập được công theo qui định thì bị lột bỏ hết tước, giáng xuống làm lính.

Tăng gia sản xuất bằng cách cho dân được sở hữu các đất hoang khai phá được. Việc này khiến người dân đua nhau khai phá đất hoang, làm tăng diện tích canh tác lên rất nhanh. Trước đó, Tần cũng như các nước khác theo chế độ tỉnh điền. Một miếng đất vuông được chia thành 9 ô vuông như hình chữ Tỉnh ( Tỉnh) để 8 gia đình làm ruộng ở 8 ô vuông chung quanh, ô vuông ở giữa thì 8 gia đình thay phiên nhau canh tác để nộp thuế cho nhà vua. Cách chia ruộng này tuy cho mọi người miếng đất bằng nhau nhưng diện tích canh tác tăng chậm vì chỉ khi có thêm người thì mới khai khẩn thêm ruộng. Còn cải cách của Tần cho phép hễ ai khai phá được thêm đất mới thì làm chủ tất cả đất mà mình khai phá được. Làm chủ nhiều đất thì có nhiều lúa để bán, thì sẽ giàu có hơn khiến cho mọi người đua nhau khai phá đất mới, làm cho diện tích canh tác tăng lên rất nhanh.

Nhờ diện tích canh tác gia tăng nên Tần có lương thực dồi dào, làm dân số sinh sản thêm nhanh. Vì Tần đất rộng người thưa nên khi nông dân bị bắt vào lính, quốc gia thiếu người làm ruộng, Tần cho dân các nước khác di cư đến Tần để gia tăng dân số. Dân số tăng có nghĩa là có thêm người gia nhập quân đội và có thêm người làm ruộng. Quốc gia mạnh hơn vì có quân đội đông hơn, có nhiều lương thực hơn để nuôi dân, nuôi lính. Nhà nước thu thuế nhiều hơn nên có nhiều tiền hơn để chi phí cho chiến tranh.

Nông dân nào làm việc chăm chỉ, sản xuất vượt chỉ tiêu đặt ra bởi pháp luật thì được thưởng. Nông dân nào sản xuất kém, không đạt chỉ tiêu thì bị bắt làm nô lệ. Những nô lệ này được nhà nước dùng làm phần thưởng cho những ai có công nhiều với nhà nước.

Đặt ra luật bắt trai gái phải kết hôn sớm và phải có nhiều con để gia tăng dân số cho nhanh.

Đặt ra luật cấm gia đình có hơn một người con trai đến tuổi trưởng thành sống chung với cha mẹ. Luật này bắt buộc thanh niên đến tuổi trưởng thành phải ra sống riêng, nghĩa là phải đi kiếm thêm đất riêng cho mình và phải sản xuất để mà sống và phải sản xuất đạt được chỉ tiêu của nhà nước chứ không được ăn bám cha mẹ.

Tội nhân nào xung phong đi khai khẩn đất hoang thì được xá tội.

Việc đối xử với mọi người bình đẳng trước pháp luật đến mức Thái Tử, con vua phạm luật cũng vẫn bị phạt. Theo luật, đáng lẽ là bị chém đầu nhưng vì Thái Tử là người sẽ nối ngôi làm vua nên thày dạy Thái Tử bị trừng phạt thay bằng cách bị xẻo mũi. Người dân thấy con vua mà còn bị phạt thì sợ phải răm rắp tuân theo luật lệ.

 Tượng Tần Thủy Hoàng

Chế độ Liên Xô

Toàn thể xã hội Liên Xô được tổ chức chặt chẽ để mọi cá nhân đều phải tuân theo sự chi phối của đảng Cộng Sản. Đảng Cộng Sản chi phối mọi người dân không bằng một bộ luật bắt mọi người phải tuân theo mà bằng cách bắt mọi người đều phải suy nghĩ giống nhau, có niềm tin giống nhau. Điều này bắt nguồn từ việc đảng Cộng Sản muốn cải tạo xã hội, muốn tổ chức một xã hội mới theo tư tưởng Mác xít. Người cộng sản muốn mọi người đều tin tưởng là thuyết Mác xít là đúng. Vì muốn xây dựng một xã hội mới không còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa cũ nên đảng Cộng Sản muốn mọi người dân đều phải thay đổi nhân sinh quan, thay đổi cách đánh giá các sự việc, thay đổi phong tục tập quán.

Mỗi người dân phải suy nghĩ, nói theo đúng những gì ở trên đòi hỏi. Những người muốn gia nhập guồng máy của đảng phải chứng tỏ với người trên mình là người có suy nghĩ phù hợp với chủ trương ở trên và tuyệt đối trung thành với người trên. Mỗi khi cấp lãnh đạo tối cao có đường lối, chủ trương gì thì phổ biến với những cán bộ ở cấp cao nhất, rồi các cán bộ này lại phổ biến xuống cấp dưới của mình và kiểm soát xem cấp dưới có làm đúng theo chủ trương đó hay không. Bằng các kiểm soát con người và tư tưởng mà những người ở lãnh đạo ở cấp cao nhất điều khiển toàn bộ guồng máy đảng ở phía dưới hoạt động theo đúng như ý mình muốn.

Trong khi đó, chế độ nhà Tần bắt người dưới tuân theo chính sách của nhà nước bằng cách ban hành luật và dùng theo dõi xem dân có tuân theo đúng luật pháp hay không.

Ưu nhược điểm

Về mặt kinh tế, chế độ nhà Tần không theo một chủ nghĩa nào nhất định mà thấy chính sách nào có lợi cho chế độ thì áp dụng. Vào thời đó, nước Tần cũng như các nước khác mở rộng cửa cho mọi người từ các nước khác đến du thuyết. Ai đưa ra ý kiến, chính sách nào hay thì đem áp dụng, trọng thưởng cho người có ý kiến. Nếu thấy người này có khả năng thì dùng trong chính quyền và người đó được hưởng vàng bạc, nhà, xe, người hầu. Nhờ mở rộng cửa và đón nhận các ý kiến nên nước Tần có nhiều cải cách đem lại tiến bộ về kinh tế, quân sự.

Chính sách kinh tế của Liên Xô làm theo chủ nghĩa Mác đã dạy nên xóa bỏ tư hữu, mọi hãng xưởng, ruộng đất đều do nhà nước nắm. Cách thức này khiến cho nhà nước nắm toàn bộ phương tiện sản xuất trong tay nên có khả năng huy động sản xuất theo ý nhà nước. Liên Xô thắng Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Hai một phần là nhờ khả năng huy động sản xuất, sức người theo tình thế đòi hỏi, vì thế Liên Xô tiếp tục chính sách này trong thời bình. Nhà nước nắm toàn quyền sử dụng tài nguyên, nhà máy, ruộng đất nên có thể để cho kinh tế dân dụng ở mức vừa đủ dùng trong khi dồn hết tài nguyên, ngân sách cho quân sự.

Vì nền kinh tế trong nước không theo các qui luật kinh tế thị trường nên Liên Xô ít bị áp lực về kinh tế của các nước tư bản. Liên Xô không cần các nước tư bản đầu tư nên có thể theo đuổi chính sách thù nghịch với các nước này. 

Việc theo chủ nghĩa Mác, bài bác óc ham lợi nhuận khiến cho công nhân, nông dân không hăng hái làm việc nhưng Liên Xô không thể làm khác. Nếu Liên Xô chấp nhận dùng óc ham lợi nhuận để thúc đẩy kinh tế thì sẽ bị các nước khác nói là đi ngược lại chủ nghĩa Mác, sẽ làm cho người dân Nga và người dân các nước cộng sản khác không còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa. Chế độ Liên Xô xây dựng trên niềm tin và chủ nghĩa Mác, nếu dân không tin vào chủ nghĩa Mác nữa thì đảng Cộng Sản Nga không còn lý do để độc quyền cai trị, chế độ sẽ sụp đổ.
Về mặt tổ chức, chế độ nhà Tần không xây dựng trên niềm tin mà trên luật pháp nên triều đình có thể áp dụng các biện pháp nào có lợi cho quốc gia mà không sợ bị xem là đi ngược lại với chủ thuyết chính trị của mình. Nhờ cai trị bằng luật pháp nên việc thay đổi chính sách có thể  làm được trong thời gian ngắn. Ở trên chỉ cần thay đổi luật lệ thì hoạt động ở dưới sẽ theo đúng như những gì luật lệ qui định.

Vì cai trị theo luật pháp nên nước Tần có thể mở cửa cho các nhân tài, người dân các nước vào hoạt động, sinh sống, làm ăn. Những người đó tư tưởng, niềm tin có thể khác nhau vì đến từ nhiều địa phương khác nhau nhưng nếu họ tuân theo đúng luật pháp thì họ có thể sinh sống ở nước Tần. Nhờ các này mà nước Tần thu hút được nhiều nhân tài vì nhiều người đến nước Tần phục vụ để có đời sống vật chất sung sướng hơn.

Trong khi đó, chế độ Liên Xô vì xây dựng trên niềm tin nên việc thay đổi đường lối chinh sách khó khăn và chậm chạp. Khi nhà nước ra chính sách mới thì lại phải tuyên truyền giáo dục cho người dân tin và chấp nhận chính sách mới. Chế độ Liên Xô không thể áp dụng những chính sách đi ngược với niềm tin vào chủ nghĩa Mác, cho dù những chính sách này có thể có lợi cho quốc gia. 

Để bảo vệ và củng cố niềm tin, chế độ Liên Xô phải đóng kín, không cho người dân được nghe những gì đi ngược lại với niềm tin của họ. Nhiều ý kiến hay, những điều tiến bộ của thế giới bị ngăn chặn không cho dân nghe. Nhà nước chỉ sàng lọc cho dân nghe những gì có lợi cho nhà nước. Việc bảo vệ niềm tin khiến cho người nước khác đến Liên Xô sinh sống, làm ăn khó khăn vì họ không có niềm tin giống như niềm tin của dân Liên Xô. 

Guồng máy tổ chức theo niềm tin của Liên Xô khó chấn nhận người mới vào. Những người được thu nạp vào guồng máy này phải đi từ cấp dưới, được ở trên tin tưởng về lập trường, tư tưởng rồi mới được đề bạt lên cao và dần dần leo lên đến địa vị cao hơn. Chế độ tổ chức theo kiểu Liên Xô không để cho một người từ bên ngoài, với tư tưởng, niềm tin khác được chen vào ngay địa vị lãnh đạo ở cao. Vì không dùng luật lệ làm tiêu chuẩn để xét xem hành vi nào đúng, hành vi nào sai nên chế độ Liên Xô chỉ có cách dùng người mà mình tin được là có niềm tin vững chắc vào chế độ, không thể phản bội chế độ.

Trong khi đó, chế độ nhà Tần vì dùng luật pháp để làm tiêu chuẩn đánh giá các hành vi nên dễ dàng kết nạp những nhân tài từ nước khác đến. Những người đó chỉ cần theo đúng luật lệ. Nhà vua xét thấy đó là người có tài thì giao cho ngay chức vụ. Đã có các luật lệ qui định chức vụ đó phải đạt được thành tích gì, nếu người đó không làm được thì sẽ bị bãi chức. Ai làm được thì sẽ được giữ lại. Vì thế mà thời đó có cảnh đi dép cỏ, đội nón lá, vào thuyết được quân vương thì ngay hôm sau sẽ được bái tướng, phong hầu.

Nói tóm lại, chế độ Liên Xô và chế độ nhà Tần giống nhau ở chỗ cùng là chế độ độc tài toàn trị, cùng đặt dân vào cái thế không thể cưỡng lại chính quyền. Nhưng hai chế độ khác nhau ở đường lối kinh tế, khác nhau ở chỗ một bên dùng luật pháp để cai trị còn bên kia dùng guồng máy đảng, căn cứ vào niềm tin của người trong tổ chức mà cai trị. Sự khác nhau này đưa đến kết quả khác nhau. Một đằng nước Tần trở thành một nước giàu về kinh tế, mạnh về quân sự còn Liên Xô trở thành một nước kém về kinh tế tuy mạnh về quân sự.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment