Thursday, February 2, 2017

Phillipines: Đội Bài Trừ Ma Túy làm chuyện bắt cóc, tống tiền

Ngày 30 tháng 1 năm 2017, ông chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát quốc gia của Phillipines tuyên bố giải tán Đội Bài Trừ Ma Túy vì đã xảy ra trường hợp ba nhân viên cảnh sát của đội này bắt cóc một thương gia Nam Hàn để đòi tiền chuộc.


Việc người trong Đội Bài Trừ Ma Túy bắt cóc người đòi tiền chuộc đáng lẽ ra phải được nghĩ đến khi thành lập một Đội Bài Trừ Ma Túy, cung cấp cho họ tiền bạc, súng ống và cho toàn quyền bắt người, giết người mà không cần qua xét xử của tòa án.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy không qua tòa án xét xử của Philllipines và định gặp tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte để bàn về việc này. Ông Duterte khi nghe tổng thống Obama nói vậy đã nổi hung lên, chửi thề và hai ông tổng thống đã không gặp nhau. Ông Duterte ta gọi lời chỉ trích vi phạm nhân quyền của Mỹ và Liên Âu về chiến dịch bài trừ ma túy là thái độ đạo đức giả.

Ông Jee Ick Joo
Đạo đức giả hay không thì Đội Bài Trừ Ma Túy của ông Duterte cũng không có đạo đức thật. Ngày 18 tháng 10 năm 2016, hai nhân viên cảnh sát trong đội này đã bắt cóc một thương gia Nam Hàn tên là Jee Ick-joo trong nhà ông ta, lấy đi nữ trang, tiền bạc. Sau đó bóp cổ ông ta chết tại đồn cảnh sát. Nhưng họ vần liên lạc với vợ ông ta để đòi tiền chuộc 8 triệu peso (160 ngàn đô la). Vợ ông ta nộp tiền nhưng chưa thấy chồng về. Những kẻ bắt cóc đòi bà phải nộp thêm 5 triệu peso (100 ngàn đô la). Vợ ông ta không nộp mà đòi phải đưa bằng chứng là ông ta còn sống. Sự việc vỡ lở ra, cảnh sát Phi điều tra và tìm thấy xác ông Jee Ick Joo trong đồn cảnh sát.

Việc Mỹ và Liên Âu lên án chiến dịch bài trừ ma túy của ông Rodrigo Duterte là vì các nước này cho rằng cho phép cảnh sát bắt, giết người không qua xét xử của tòa án có thể sẽ đưa đến việc lạm quyền. Cảnh sát được toàn quyền có súng trong tay có thể đi trả thù riêng hoặc bắt người tống tiền. Chuyện đã xảy ra đúng như sự lo ngại của mọi người. Nếu người bị bắt được đem ra tòa xét xử thì khi đem ông Jee Ick Joo ra tòa ông ta có quyền kêu ca, có luật sư biện hộ và phía nhà nước phải trưng được bằng cớ là ông ta có sử dụng ma túy hay buôn ma túy. Còn không đưa ra tòa thì cảnh sát sẽ thả ông ta ra khi có tiền chuộc hoặc sẽ giết khi không đòi được tiền chuộc. Trong trường hợp này có lẽ họ đã lỡ tay bóp cổ ông ta chết. Nhưng sau đó vẫn bắt vợ ông ta nộp tiền chuộc. Họ định lấy tiền chuộc rồi thủ tiêu xác ông ta bằng cách bỏ vào lò thiêu xác của cảnh sát.

Nếu chỉ có ba nhân viên cảnh sát làm bậy thì sao lại phải giải tán toàn bộ Đội Bài Trừ Ma Túy? Như vậy việc làm bậy xảy ra rất là nhiều nên tống thống Duterte phải ra lệnh giải tán toàn thể đội. Trong mấy tháng qua, hàng ngàn người đã bị bắn chết, vụ nào đúng vụ nào sai không thấy báo chi loan tin về cách trường hợp giết sai. Báo chí nào dám loan tin khi Đội Bài Trừ Ma Túy có thể gán cho phóng viên tội sử dụng ma túy rồi đem bắn? Vì vụ bắt cóc này liên quan đến một người nước ngoài và chính phủ Nam Hàn làm lớn chuyện mà chính quyền Phillipines không thể bịt miệng chính phủ Nam Hàn để che dấu.

Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte ra lệnh tạm ngưng chiến dịch bài trừ ma túy để làm trong sạch hàng ngũ cảnh sát. Ông Duterte cũng không nhận ra rằng việc bắt cóc tống tiền là do cho phép bắt giết người không qua xét xử mà chỉ cho rằng vì hàng ngũ cảnh sát không được trong sạch.

Ông Duterte nói sẽ làm trong sạch hàng ngũ cảnh sát rồi sẽ tiếp tục lại chiến dịch bài trừ ma túy. Liệu ông Duterte có thể làm trong sạch hàng ngũ cảnh sát trong khi vẫn tiếp tục cho cảnh sát cái quyền có thể bắt, giết người mà không qua tòa án xét xử?

Minh Đức

No comments:

Post a Comment